CHÚA NHẬT THỨ XVI
THƯỜNG NIÊN, năm B
Mc 6,
30-34
VIỄN
TƯỢNG GIÁO HỘI CHÚA KITÔ
Viễn tượng của Giáo Hội duy nhất
mà Chúa Giêsu tiên báo trong đoạn Tin Mừng của thánh Marcô 6, 30-34 gợi cho dân Chúa nhiều suy nghĩ sâu sắc. Hình ảnh
nói đến đoàn chiên không người chăn dắt là hình ảnh của Giáo Hội còn bị chia
năm sẻ bảy, còn sống rải rác, tản mác thành nhiều khối. Đức Kitô đau buồn, suy
tư về viễn ảnh đàn chiên trở nên một cũng là hình ảnh của Giáo Hội Chúa Kitô
hôm nay.
I.VIỄN ẢNH CỦA ĐÀN CHIÊN CÒN ĐANG BỊ PHÂN TÁN, SỐNG RẢI RÁC KHẮP NƠI : Đức Kitô đã đến trần gian, sự
hiện diện của Người nói lên tình thương bao la của Người đối với thế giới, nhân
loại và con người. Chúa Giêsu đã sống giữa con người, sống hòa đồng với mọi
người ngoại trừ tội lỗi. Ngài đã tham dự vào mọi biến cố của con người, mọi
trạng huống của lịch sử con người. Nhiều người đã nhận ra Ngài, nhiều người đã
tôn kính mến phục Ngài, nhưng còn biết bao người sống giữa Ngài, bên Ngài, từng
tiếp xúc với Ngài, nhưng không bao giờ nhận ra Ngài. Thậm chí có người còn
khinh chê, phỉ báng và mắng nhiếc Ngài . Lịch sử nhân loại kéo dài, Đức Kitô
can thiệp vào lịch sử ấy với ý định cứu chuộc con người và ban cho con người sự
sống vĩnh cửu. Nhiều người từ chối sự có mặt của Ngài, chối bỏ bản thể của
Ngài, thậm chí có người lại còn lên án Ngài và muốn giết Ngài. Chính những
người sống bên cạnh Chúa, sống cùng Chúa đã lên án Chúa. Giuđa Iscariốt là một
người trong mười hai môn đệ của Chúa đã bán và nộp Ngài cho quân dữ đem đi đóng
đinh.
Sống với Chúa, nhưng vẫn từ chối
Chúa, đó là hình ảnh của Giáo Hội bị phân ly, chia năm sẻ bảy, chưa thống nhất,
chưa liên kết với nhau trong niềm tin. Cây nho đích thực chính là Chúa Giêsu.
Mọi thành phần trong Giáo Hội là chi thể của Ngài. Chi thể có liên kết với
thân, với đầu mới có sự duy nhất, liên kết trong một khối. Hình ảnh ấy phải là
hình ảnh của Giáo Hội Chúa Kitô. Đức Giêsu Kitô trong Tin Mừng Marcô 6, 30-34
đưa ta tới hình ảnh của ràn chiên. Chiên có ở trong ràn mới gợi lên sự duy nhất
của nó. Nếu chiên sống rải rác, sống phân lìa sẽ chỉ nói lên tính rời rạc, tan
tác của ràn chiên. Viễn ảnh này làm nổi bật tính phân lìa của Giáo hội: Một
Chúa, nhưng nhiều giáo phái. Mỗi giáo phái đều nhân danh Chúa nói lên sự thật ,
nhưng vẫn sống xa nhau, chưa trở nên một như Đức Kitô mong muốn :”… để hết thảy
chúng nên một cũng như, lạy Cha, Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, ngõ hầu
chúng ở trong chúng ta. Và thế gian tin là Cha đã sai con “ ( Ga 17, 21 ). Lời
nguyện cầu của Chúa Giêsu có sức mạnh nối kết mọi người trong niềm tin ( Ga 17,
20-26 ) và sẽ làm cho thế giới
tin vào sứ mạng của Chúa Giêsu đối
với nhân loại ( Ga 3, 17 ).
II. SỰ DUY NHẤT CỦA GIÁO HỘI : Đức Giêsu đã thiết lập Giáo Hội của Ngài nơi trần gian
này. Thoạt đầu, Ngài đã chọn mười hai môn đệ. Các môn đệ thường xuyên ở bên
Chúa, nghe Ngài giáo huấn về giáo lý của Ngài. Ngài huấn luyện các môn đệ để
các Ngài trở thành những kẻ đánh cá người ( Mc 1, 17 ). Vì là một tổ chức, nên
Chúa đã chọn Phêrô làm đầu Giáo Hội. Ngài nói : “ Ta bảo thật với con, con là
Phêrô ( nghĩa là đá ) và trên đá này Ta sẽ xây Giáo Hội Ta” ( Mt 16, 18 ). Việc
Ngài chọn
Phêrô làm đầu Giáo Hội, có nghĩa
Ngài xây dựng Giáo Hội trên nền móng các tông đồ. Nhờ nền móng ấy, Giáo Hội
luôn tồn tại và vững bền. Ngài còn so sánh Giáo Hội với tấm lưới thả xuống biển
trong đó có lẫn cá tốt và cá xấu. Ngài cũng gọi Giáo Hội là thuở ruộng mà cỏ
lùng và lúa chỉ được phân loại lúc gặt lúa. Hay, Ngài còn so sánh Giáo Hội của
Ngài là đàn chiên và Ngài là chủ chiên. Việc so sánh của Chúa Giêsu về Giáo Hội
với cánh đồng lúa, mạng lưới, đàn chiên là để nói lên sự duy nhất của Giáo Hội
Chúa Kitô. Một sự duy nhất có đầu, có cuối: đầu là Chúa, chi thể là mọi người.
Ngài thiết lập Giáo Hội như một xã hội có tổ chức hẳn hoi với mọi quyền năng
Ngài ban cho các môn đệ và những người kế tục sứ vụ của các môn đệ. Chúa Giêsu
nói với các môn đệ :” Những gì các con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm
buộc. Những gì các con cỏi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở “ ( Mt 18, 18 ).
Quyền hành Chúa trao cho các môn đệ, như một đoàn thể, Ngài đã trao cách đặc
biệt cho Phêrô, Người được chọn làm thủ lãnh Giáo Hội. Chúa ra lệnh cho Phêrô
và mọi tông đồ:” Hãy đi khắp nơi, giảng dậy muôn dân, rửa tội họ nhân danh Cha
và Con và Thánh Thần ; dậy họ tuân giữ mọi điều Ta truyền cho các con và này Ta
hằng ở cùng các con mọi ngày cho tới tận thế “ ( Mt 28, 18-20 ). Sự duy nhất
của Giáo Hội còn được thể hiện qua việc, Chúa Giêsu nguyện cầu cho mọi người
được nên một:” Xin cho họ được nên một “(Ga 17, 21 ), cũng như Ngài ở trong Cha
và Cha ở trong Ngài.
Chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi
người được nên một trong Giáo Hội của Chúa và xin Ba Ngôi Thiên Chúa cầu cho
mọi người liên kết mật thiết trong tình thương của Thiên Chúa.
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi
DCCT