CHÂN
DUNG VỊ LÃNH ĐẠO
Chúa Nhật 16B Thường Niên
Các nhà lãnh đạo Trung Đông đang bù đầu
tìm một giải pháp hòa bình cho miền Đất Hứa. Trên miền đất đầy xáo trộn đó, Con
Thiên Chúa đã đến thực hiện giấc mộng hòa giải và bình an cho muôn dân. Người nổi
bật như một lãnh tụ thật sự. Niềm mong đợi của muôn dân đã không uổng. Nhìn đến
từng đoàn người tấp nập tuốn đến, Đức Giêsu đã làm tất cả những gì để mở ra một
hướng sống cho con người.
MỘT HƯỚNG SỐNG
Thánh Marcô viết : “Đức Giêsu bắt đầu dậy
dỗ dân chúng nhiều điều” (Mc 6:34). Không biết Người đã dậy dỗ những gì ? Nhưng
chắc chắn Người phải dậy dỗ điều Người đang quan tâm và dân chúng đang mong đợi.
Điều Người đang quan tâm là “họ như bầy chiên không người chăn dắt.” (Mc 6:34) Còn ai xứng đáng là người chăn chiên như Người
? Chính Người đã tự xưng : “Tôi chính là Mục Tử nhân lành.” (Ga 10: 11,14) Người Mục Tử chân thật phải vạch được một hướng
sống cho đám đông đáng thương đó.
Hướng sống, đó là nội dung những lời dạy dỗ
hôm đó. Lời dậy dỗ đó không thể thành hình từ những ồn ào của cuộc sống. Cũng
không thể phát xuất từ một tâm hồn giá băng. Nhưng trong thinh lặng và với một
tâm hồn vô cùng nhậy cảm trước những nhu cầu lớn lao của quần chúng, Đức Giêsu đã
mạc khải tất cả sự thật về Thiên Chúa và con người. Trong sâu thẳm tâm hồn, Người
đã nhìn thấy nhu cầu sâu xa và lớn lao nhất của kiếp người. Không phải cơm áo.
Cũng chẳng phải an sinh xã hội. Nhưng chính là TÌNH YÊU. Vì “THIÊN CHÚA là TÌNH
YÊU.” (1 Ga 4:8) Tình yêu sẽ là câu trả
lời cuối cùng cho mọi nhu cầu con người. Tình yêu đưa con người về nguồn sống là
Thiên Chúa. Tình yêu cũng là máu huyết nuôi dưỡng và gắn bó Ba Ngôi trong một mầu
nhiệm duy nhất. Tình yêu quyết định thân phận con người và nhân loại. Không một
thực tại nào vừa đẹp vừa mạnh bằng tình yêu. Mạc khải về tình yêu không bao giờ
cùng. Tình yêu tóm tắt tất cả chương trình tạo dựng và cứu độ của Thiên Chúa. Có
thể nói tất cả những điều Đức Giêsu dạy dỗ dân chúng hôm đó xoay quanh đề tài
tình yêu.
Quả thật, “Thiên Chúa đã yêu thương thế
gian đến nỗi đã hiến ban Con Một.”(Ga 3: 16) Nhờ tình yêu Thiên Chúa, thế gian đã tìm được
con đường, sự thật và sự sống là Đức Giêsu Kitô. Con đường ấy sẽ dẫn về Thiên
Chúa và anh em. Sự thật ấy sẽ giải thoát khỏi mọi nô lệ, gông cùm của tội lỗi.
Sự sống ấy chan hòa niềm vui và vô cùng sung mãn hồng ân Thiên Chúa. Tất cả đều
là những nét tuyệt vời của một thủ lãnh siêu việt, đúng như lời Chúa phán : “Ta
sẽ cho xuất hiện các mục tử để lãnh đạo chúng.” (Gr 23:4) Như vậy Chúa Giêsu đến đúng lúc để thực hiện lời
tiên báo.
Người mục tử thực sự phải có một trái tim
nồng nàn và cái nhìn xuyên suốt. “Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh
lòng thương.” (Mc 6:34) Trái tim Người
không thể nghỉ yên bao lâu đám đông còn chìm trong cảnh thương tâm vì lầm lạc,
nô lệ, tội lỗi. Người biết rõ tất cả chỉ vì thiếu một khuôn mặt lãnh đạo, nghĩa
là không có ai đủ khả năng vạch ra một đường hướng mới cho dân tộc và nhân loại.
Người biết rất rõ nhu cầu đám đông, nên Người càng muốn hi sinh tất cả cho quần
chúng. Chính Người đã nói : “Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi,
như Chúa Cha biết tôi và tôi biết Chúa Cha, và tôi hi sinh mạng sống mình cho đoàn
chiên.” (Ga 10:14-15) Từ khi Chúa Giêsu
xuất hiện, bầy chiên thực sự đã có người chăn dắt, không còn lo lạc đàn và bị lâm
nguy vì sói dữ nữa. Tất cả nhờ sự hi sinh lớn lao của người chủ chiên là Đức Giêsu.
Muốn trở thành
chủ chiên như Đức Giêsu, các Tông đồ cũng phải có một tâm hồn và cái nhìn như Đức
Giêsu. Nhưng nếu thực sự muốn thế, các ông phải biết lánh xa quần chúng. Thật là
diệu kỳ. Người lãnh đạo ở một vị trí vừa gần vừa xa quần chúng mới đạt được mục
đích lớn lao. Quá lánh xa không thể hiểu quần chúng. Quá gần không thể thấy được
vấn đề vì những ồn ào đám đông. Bởi thế, trong khi các ông hí hửng báo cáo “cho
Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy”, thì “Người bảo
các ông : ‘Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút’.”
(Mc 6:30-31) Các ông hiểu ý nên “Thày trò
xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng.” (Mc 6:32) Thầy trò
đều muốn có những giây phút thoải mái nghỉ ngơi và bồi dưỡng trước khi tiếp tục
công tác. Chắc chắn trong nơi hoang vắng đó, Thày trò có thể cầu nguyện dễ dàng.
Các Tông đồ cũng có thể đón nghe những mạc
khải mới. Nhờ đó tâm hồn và trí óc có thể sáng suốt hơn, phục vụ đắc lực hơn.
KHUÔN MẶT DỄ THƯƠNG
Nhưng đám đông vẫn không tha. “Thấy các ngài ra đi, nhiều người
hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước các
ngài.” (Mc 6:33) Đó là một hình ảnh sống
động nói lên sự đói khát tinh thần của quần chúng. Họ mơ ước một vị Thiên Sai đến
lãnh đạo dân tộc. Họ bị thu hút mãnh liệt vì khuôn mặt quá sức hấp dẫn của Đức
Giêsu, bất kể những nhu cầu nghỉ ngơi của Thày trò. Hai hình ảnh trái ngược
nhau. Dân chúng càng ồn ào náo nức bao nhiêu, Thày trò càng muốn tìm đến nơi
hoang vắng bấy nhiêu.
Nhưng dân
chúng đã tràn ngập cả nơi hoang vắng, phá vỡ sự yên tĩnh cần thiết của người lãnh
đạo. Làm thế là phá hỏng cả chương trình
của Thày trò. Nhưng Đức Giêsu lại thấy tất cả nét dễ thương
trong thái độ quần chúng. Đó chỉ là một cách diễn tả lòng ái mộ tột độ. Với một
cái nhìn bao dung và đi sâu vào lòng người, Đức Giêsu đủ khả năng “liên kết đôi
bên, dân Do thái và dân ngoại, thành một ; Người đã hi sinh thân mình để phá đổ
bức tường ngăn cách là sự thù ghét. Như vậy, Người đã tác tạo đôi bên thành một
người mới duy nhất nơi chính bản thân Người.” (Ep 2:15) Đây là nét nổi bật nhất của vị lãnh đạo. Lãnh đạo
chỉ là khả năng qui tụ con người. Mất sức qui tụ, lãnh đạo sẽ hoàn toàn thất bại.
Không những có đủ khả năng lãnh đạo một cách
tuyệt vời, Đức Giêsu còn chứng tỏ khả năng đó một cách anh hùng khi đổ máu thực
hiện việc hòa giải con người với nhau và với Thiên Chúa. Thực vậy, “Nhờ thập giá,
Người đã làm cho đôi bên được hòa giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất
; trên thập giá, Người đã tiêu diệt sự thù ghét. Người đã đến loan Tin Mừng
bình an,” (Ep 2:16-17) vì “chính Người là bình an của chúng ta.” (Ep 2:14) Như vậy, quyền lãnh đạo đã đạt tới cao điểm là
cuộc hòa giải và sự bình an cho muôn dân. Còn ai xứng đáng lãnh đạo muôn dân hơn
Đức Giêsu ?
Cuộc
hòa giải và sự bình an đó không dựa trên kiến thức hay năng lực vật chất. Nếu
không có sự khôn ngoan, kiến thức chỉ làm cho con người thêm rối loạn và kiêu
ngạo. Không thời đại nào con người giầu kiến thức nhưng cũng có quá nhiều bế tắc
như hôm nay. Chỉ có một nguồn khai thông duy nhất cho mọi bế tắc, đó là “nhờ Người,
cả đôi bên, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa
Cha.” (Ep 2:18) Khi đã thông hiệp với Chúa Cha, con người có
thể vượt qua những trở ngại dễ dàng, vì Chúa Cha là nguồn mạch mọi khôn ngoan.
Như thế, quyền lãnh đạo của Đức Giêsu được củng cố trên một sức mạnh lớn lao là
Thần Khí và đưa muôn dân về một cứu cánh duy nhất là Chúa Cha. Quyền lãnh đạo đã
đạt tới một chiều kích vừa tự nhiên vừa siêu nhiên. Chúa có thấy được chiều
kích lớn lao đó trên khuôn mặt những nhà lãnh đạo chúng ta không ?