NGÔN
SỨ VĨ ĐẠI
Chúa Nhật 17B Thường Niên
2 V 4:42-44
Ga 6:1-15
Ep 4:1-6
Sau bao nhiêu thập niên chờ đợi, cuối cùng mọi người đã thấy
tất cả sự thật về bí mật Fatima. Đức Mẹ đã đóng vai ngôn sứ của thế kỷ 20. Mẹ đã
đóng vai ngôn sứ tuyệt vời vì Mẹ đã học nơi Đức Giêsu Con Mẹ khi còn sống trên
trần gian. Lời Mẹ vang vọng cả một nguồn mạc khải đã được Đức Giêsu truyền đạt
cho nhân loại. Kitô hữu vui sướng lắng nghe. Cũng như Mẹ, họ mong trở thành ngôn
sứ cho thời đại.
NHẬN DIỆN VỊ NGÔN SỨ
Sau khi chứng
kiến “dấu lạ Đức Giêsu làm”, dân chúng kháo láo : “Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng
phải đến thế gian !” (Ga 6:14). Dấu lạ đó chính là một hành vi bác ái phát xuất
từ một quả tim biết động lòng trắc ẩn trước những nhu cầu quần chúng. Người là
một vị ngôn sứ đến thế gian, không phải để “cứu rỗi các linh hồn” mà thôi.
Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa không làm những dấu lạ thiêng liêng, nhưng toàn
là “những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm” (Ga 6:3) và cho hàng ngàn người
“no nê” cá và bánh. Dĩ nhiên Chúa không dừng lại ở các dấu lạ đó, nhưng hướng tới
một mục đích cao hơn. Không dừng lại không có nghĩa là không quan trọng. Trái lại,
thân xác giữ một vai trò tất yếu. Nếu không có thân xác không thể đọc ý nghĩa dấu
lạ. Nếu không cần thân xác, Chúa đã không mất nhiều thời giờ đi đây đó tìm kiếm
những người đau ốm và đói khát. Cứ để hết thời giờ vào việc suy tư cầu nguyện có
lẽ sẽ cứu rỗi nhiều linh hồn hơn. Nhưng có lẽ sẽ chỉ làm vui tai mấy nhà trí thức
kinh viện mà thôi.
Đức Giêsu không
xuống trần gian để cứu rỗi các linh hồn. Đúng hơn, Người đến cứu con người toàn
diện. Thứ tự không phải đi từ trên xuống dưới, nhưng từ thấp lên cao. Thực tế,
có thực mới vực được đạo. Nếu bỏ tất cả những dấu lạ trong Tin Mừng, chắc chắn Đức
Giêsu không thể qui tụ nhiều người và tạo được một thế đứng lớn lao trong lịch
sử cứu độ như thế. Dân chúng đã đánh giá Đức Giêsu như “vị ngôn sứ” chỉ vì đã
thấy được hành vi bác ái rất cụ thể của Người. Như vậy, đức ái có tính ngôn sứ.
Thánh Gioan khẳng quyết : “Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được
chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau yếu.” (Ga 6:3)
Người làm được
những dấu lạ đó không phải từ hư vô, nhưng từ những chiếc bánh và con cá có sẵn.
Những cái có sẵn đó chỉ là một số lượng ít ỏi. Nhưng đó là sự đóng góp của con
người. Rất cần thiết. Rất quan trọng. Nhưng phần cần thiết, quan trọng và chính
yếu hơn chính là Thiên Chúa. Bởi thế, sau khi các môn đệ gom được “năm chiếc bánh
lúa mạch và hai con cá” (Ga 6:9) từ chiếc giỏ của một em bé, “Đức Giêsu cầm lấy
bánh, dâng lời tạ ơn” (Ga 6:11) Thiên Chúa Cha. Nhờ đó thần lực đã hoạt động mãnh
liệt và cấp thời, biến số lượng bánh và cá nhỏ nhoi đó thành những thúng bánh
khổng lồ nuôi sống muôn dân giữa cơn đói khát. Thật là ngoài sức tưởng tượng của
các môn đệ và dân chúng. Trong cái tính toán bình thường, trước một đám đông dân
chúng, các ông chỉ có thể suy nghĩ : “Có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng
chẳng đủ cho mỗi người một chút,” (Ga 6:7) hay “ở đây có một em bé có năm chiếc
bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu !” (Ga
6:9) Đúng là tính toán của con người ! Nhưng Thiên Chúa có những tính toán khác
hẳn. Người không bị lệ thuộc bất cứ hoàn cảnh nào, vì Người toàn năng. Tin chắc
như thế, nên “Đức Giêsu nói : ‘Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi’.” (Ga 6:9)
Việc gì phải đến đã đến. Người đã làm được tất cả những gì Người muốn.
Từ một nhu cầu
tầm thường vật chất, Người đã có thể hướng người ta về một điểm cao hơn. Tự lòng
đầy khâm phục Chúa, dân chúng đã phải thốt lên : “Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng
phải đến thế gian !” (Ga 6:15) Thấy Đức Giêsu tài tình như thế, họ tìm cách “tôn
làm vua.” (Ga 6:15) Tôn làm vua không phải vì Người, nhưng vì chính tương lai của
họ. Mặc dầu đầu óc còn trần tục khi muốn tôn phong Đức Giêsu làm vua, nhưng ít
nhất dân chúng cũng thấy nơi Người dấu chỉ về lòng Chúa xót thương. Chỉ cần được
hướng dẫn một chút, tâm trí họ có thể bay cao hơn để nhận ra Người chính là “Đấng
ngự đến nhân danh Đức Chúa !” (Mt 21:9) Nếu Người được tôn làm vua, còn đâu vai trò ngôn
sứ ?! Bởi thế, Người đã “lánh mặt, đi lên núi một mình” (Ga 6:15) để trọn vẹn sống
ơn gọi làm ngôn sứ. Ngôn sứ đã ở một vị
trí thật đẹp : trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Một vị trí như thế không
thể lệ thuộc vào bất cứ cơ chế hay vinh hoa trần gian nào. Có thế, ngôn sứ mới
có thể nhân danh Thiên Chúa (Đnl 18:22) nói với những người đang sống bám vào cơ
cấu. Chính vì thế thân phận ngôn sứ luôn bị cơ chế bách hại. Cuộc đời Đức Giêsu
chứng minh tất cả sự thật về thân phận ngôn sứ.
CHIỀU KÍCH NGÔN SỨ
Đức Giêsu đã
không làm dấu lạ một mình. Chung quanh Người có các môn đệ, những người trực tiếp
góp phần vào việc tạo thành dấu lạ đó. Cảnh tượng dân chúng ồn ào vì hành trình
mệt mỏi khiến Thày trò xốn xang. Các môn đệ lo ra mặt khi Thày đề nghị : “Ta
mua đâu ra bánh cho họ ăn đây ?” (Ga 6:5) Ông Philipphê đi xục xạo khắp nơi để tìm bánh
và cá cho Thày. Cuối cùng các ông cũng tìm được với niềm thất vọng trước nhu cầu
lớn lao của quần chúng. “Chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá, nhưng với ngần ấy
người thì thấm vào đâu !” (Ga 6:9) Tất cả
chỉ có thế. Đó lại là phần đóng góp của “một em bé.”(Ga 6:9) Em bé đã sẵn sàng
dâng cho Chúa, mặc dầu cũng đang đói khát như mọi người xung quanh. Không ai từ
chối đóng góp vào việc tạo dấu lạ cho muôn dân nhận ra Đức Kitô là Ngôn sứ. Dĩ
nhiên Chúa chẳng cần đến chất liệu cũng như con người để tạo nên những dấu lạ đó,
vì Người là Đấng Toàn Năng. Nhưng Người muốn cho mọi người cùng tham gia vào công
cuộc cứu độ. Người muốn mọi người “đều là ngôn sứ.” (Ds 11:27)
Nếu đức bác ái
mang tính ngôn sứ, thì không ai có thể từ chối trở thành ngôn sứ. Mỗi hành vi bác
ái, dù nhỏ bé nhất, đều là một dấu lạ, là một phương tiện cần thiết để “sống
cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban.”(Ep 4:1) Nếu không sống bác ái, dù có mọi nhân đức khác,
chúng ta không thể hiệp nhất với Thiên Chúa, vì “chỉ có một Chúa, một niềm tin,
một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người,
qua mọi người và trong mọi người.” (Ep 4:5-6) Chính trong sự hiệp nhất với Chúa
Kitô và với anh em, chúng ta sẽ làm được những dấu lạ mang tính ngôn sứ, và làm
cho mọi người nghe được tiếng nói Thiên Chúa. Có hiệp nhất mới có hi vọng. Bởi
thế, thánh Phaolô khuyên : “Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần
Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hòa gắn bó với nhau. Chỉ có một thân thể, một
Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hi vọng.”
(Ep 4:3-4) Thần Khí là Đấng “đã dùng các
ngôn sứ mà phán dạy.” (Kinh Tin Kính) Người
cũng đang tiếp tục phán dạy muôn dân qua những hành vi hiệp nhất đầy tính ngôn
sứ của các Kitô hữu.
Sức mạnh hiệp
nhất các Kitô hữu chính là Thánh Thể, tấm bánh bẻ ra cho muôn dân. Thánh Thể
chính là dấu lạ Chúa đã thiết lập để duy trì và phát triển cộng đoàn Kitô hữu.
Chỉ có Kitô hữu mới nhìn ra ý nghĩa và hình bóng dấu lạ này nơi dấu lạ hóa bánh.
Nếu dấu lạ hóa bánh đã qui tụ được dân chúng, chắc chắn Thánh Thể còn hiệp nhất
được muôn dân hơn nữa, vì nơi Thánh Thể, sức mạnh Thiên Chúa đang hoạt động để
thực hiện giao ước đối với nhân loại. Nơi đây cũng thể hiện sự hiệp nhất với đầu
là Đức Kitô và với tất cả những ai là chi thể của Người (Fink 1990:439). Nhờ đó
Thiên Chúa được hoàn toàn vinh quang và con người được nên thánh. Dấu lạ tìm kiếm
dấu lạ. Dấu lạ Thánh Thể đang kêu mời những dấu lạ tình yêu nơi các Kitô hữu. Bạn
có muốn trở thành dấu lạ giữa muôn dân như Thánh Thể đang ở giữa chúng ta không
?
Lm.
Giuse Đỗ Vân Lực, OP