ĐÓI
KHÁT
Chúa
Nhật 18B Thường Niên, B
Xh 16:2-4.12-15
Ga 6:24-35
Ep 4:17.20-24
Không
bao giờ nhân loại hết đói khổ. Chính dân
Chúa đã trải qua kinh nghiệm đau thương đó trong sa mạc. Nhưng cũng chính trong cơn đói khát đó, họ mới
chứng kiến sự thật về quyền năng Thiên Chúa.
BÁNH ĐÍCH THỰC
Tại sao
con người phải lao nhọc mới có miếng ăn ?
Miếng ăn có phải là lý do sau cùng lý giải hoàn toàn mọi sinh hoạt của
nhân loại không ? Con người thường thiếu
tầm nhìn xa để thấy được tất cả ý nghĩa và nguyên nhân sự sống. Ngay cả trong hàng ngũ những người theo Chúa,
cũng có những người chỉ biết cắm mắt vào những những thực tại tầm thường và
theo đuổi những mục tiêu quá vị kỷ.
Chính vì thế, Đức Giêsu mới nói : “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi
tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh
no nê.” (Ga 6:26)
Làm sao
có thể nhìn thấy thực chất cuộc sống, nếu không hiểu được ý định của Tạo Hóa
? Quả thế, Thiên Chúa muốn chúng ta “tin
vào Đấng Người đã sai đến.” (Ga 6:29) Không
tin không thể thấy những “dấu lạ” tràn ngập trong cuộc sống. Dấu lạ đó là những dấu chỉ về tình yêu Thiên
Chúa. Dấu lạ lớn nhất là chính Đức Giêsu
Kitô “đem lại sự sống cho thế gian,” vì Người là “bánh Thiên Chúa.” (Ga 6: 33) Chỉ có con mắt đức tin mới khám phá được tất
cả những “dấu lạ” trong “bánh trường sinh” này (Ga 6:35) Bánh trường sinh đó là “lời mạc khải của Đức
Giêsu.” (The New Jerome Biblical
Commentary 1990:961)
Khác hẳn
với bánh trần gian, “bánh trường sinh” sẽ cung cấp cho con người sự sống bất tận. Thực vậy, Đức Giêsu mạc khải : “Chính tôi là
bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không
hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ.” (Ga 6:35) Tin vào Đức Giêsu, phải dấn thân và hành động. Tin là phục vụ vô điều kiện. Không có sự phân cách giữa đức tin và việc làm,
vì tất cả đều do ân sủng ! Hơn nữa, chính Đức Giêsu cũng nhấn mạnh : “ Chỉ có một
‘việc’phải làm, đó là tin vào Đấng Thiên Chúa đã sai đến.” (The New Jerome
Biblical Commentary 1990:961)
Nguồn ân
sủng phát xuất từ Thánh linh. Bởi đấy,
muốn tin vào Đức Giêsu, “anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em.” (Ep
4:23-24) Không đổi mới không thể thấy “dấu
lạ”. Chỉ Thần Khí mới có thể dẫn con người
ra khỏi đường mòn và ngõ cụt cuộc đời.
Thiếu Thần Khí, con người cứ quanh quẩn với những nhu cầu tầm thường và
chết ngộp dưới sức nặng vật chất. Cuộc đời
trở thành đấu trường đầy dẫy bất công và vô đạo. Cuộc đời là một ngõ cụt.
Muốn được
giải thoát, chúng ta “phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo
theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện.” (Ep 4:24) Con người ấy sẽ sống nhờ “bánh bởi trời, bánh
đích thực” (Ga 6:32) là Đức Giêsu Kitô. Nhờ đó, họ sống trong hòa bình và hạnh phúc. Thật vậy, chỉ khi nào trở về con người đích
thực, họ mới nhận ra Đức Chúa là Thiên chúa (x. Xh 16:12) và “Đấng Người đã sai
đến” (Ga 6:29) giải thoát nhân loại khỏi cơn đói khát triền miên.
CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ ?
Ngày
nay, cơn đói khát cả tinh thần lẫn vất chất lan rộng khắp thế giới. Phải có một cuộc “liên đới toàn cầu” mới tạo
nổi sức mạnh giải quyết vấn đề quá sức lớn lao đó. Đây là quan tâm chính và cũng là phương châm
của 450 đại biểu thuộc hơn 150 tổ chức Caritas quốc gia họp tại Roma từ ngày 7 đến
12 tháng 7 năm 2003.
Trong lá
thư viết cho ĐGM Youhanna Fouad El-Hage, chủ tịch Caritas Quốc tế và là TGM tại
Lebanon, ĐGH Gioan Phaolô II viết : “Việc toàn cầu hóa phải được mọi giai tầng
chính trị nhận thức. Muốn cho sự liên đới
mang chiều kích toàn cầu, phải thực sự quan tâm tới mọi dân tộc khắp nơi trên
thế giới. Trước hết, phải có những nỗ lực
quốc tế lớn lao bảo đảm vững chắc cho những tổ chức nhân đạo. Những tổ chức này thường bị gạt qua một bên mỗi
khi có tranh chấp, vì họ không được bảo đảm an ninh cũng như quyền giúp đỡ con
người” (Zenit 7/7/03) sống và phát triển. Tìm đâu ra hứng khởi và sức mạnh hỗ trợ cho những
nỗ lực như thế ? Chỉ Lời Chúa mới có thể đem “thần khí và sự sống”
cho toàn thể vũ trụ. Lời Chúa mới có thể
hiệp nhất nhân loại trong nỗ lực chống nghèo đói trên thế giới. Chính vì thế, việc toàn cầu hóa tình liên đới
trên hết là một lời đáp lại tiếng Đức Giêsu mời gọi khẩn thiết trong Tin mừng. Đối với các Kitô hữu, lời mờii gọi này đòi chúng
ta phải đi theo một con đường thiêng liêng đích thực, cải hóa tâm hồn và con người.”
(ĐGH Gioan Phaolô II: Zenit 7/7/03)
Theo
tinh thần đó, “viện trợ không chỉ là việc bố thí cho người nghèo, khiến người
cho tự hào và người nhận tủi hổ.” (ĐGH Gioan Phaolô II: Zenit 7/7/03) Để tránh tình trạng đó, “việc toàn cầu hóa tình liên đới đòi chúng ta
phải sát cánh làm việc và thường xuyên liên đới với những tổ chức quốc tế. Chính những tổ chức này làm cho các mối tương quan giữa các quốc gia giàu nghèo được luật
pháp bảo đảm, cân bằng các mối tương quan đó theo chiều hướng mới, để chấm dứt
các các tương quan viện trợ một chiều, thường góp phần làm chênh lệch cán cân
giữa các quốc gia qua những món nợ chồng chất từ năm này qua năm khác.” (ĐGH
Gioan Phaolô II: Zenit 7/7/03)
Của cải
đã trở thành phương tiện thống trị. Mối
quan tâm hàng đầu của con người thời nay là làm sao “được ăn bánh no nê” hằng
ngày, bất kể người anh em đồng loại đang chết đói bên cạnh. Những hạng phú hộ đó nhan nhản khắp nơi. Theo gót Đức Giêsu Kitô, người tín hữu không
thể sống buông thả như thế. Trái lại, vì
“được dạy dỗ theo tinh thần của Người, đúng như sự thật ở nơi Đức Giêsu,” (Ep
4:21) họ có khả năng đọc những “dấu lạ”.
Nhờ đó, họ phấn khởi hướng dẫn mọi người từ “lương thực mau hư nát” tới “lương thực thường
tồn đem lại phúc trường sinh” (Ga 6:28) nơi “Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác
nhận” (Ga 6:27) là Đấng Cứu độ duy nhất cho toàn thể nhân loại.
Lm. Giuse
Đỗ Vân Lực, OP