GẬY ÔNG ĐẬP LƯNG ÔNG
Chúa Nhật 22B Thường Niên
Đnl 4:1-2.6-8
Mc 7:1-8a.14-15.21-23
Gc 1:17-18.21b-22.27
Cộng đồng nào cũng
có những người bảo thủ và cấp tiến. Sống
chung không tránh khỏi vấn đề. Người bảo
thủ lúc nào cũng lo giữ đúng luật. Đúng
quá đến độ “bảo hoàng hơn vua”. Người cấp
tiến lúc nào cũng tìm cách phóng xa hơn hiện tại. Xa quá đến độ buông thả. Giữa hai loại người đó, Đức Giêsu sẽ đứng ở
vị trí nào ? Luật lệ lúc nào cũng cần. Nhưng cần tới mức nào ? Đâu là tiêu chuẩn ?
TỐ NGƯỢC
Đức Giêsu xuất
hiện giữa một xã hội dầy đặc những tập tục lâu đời. Dầy đặc đến nỗi người ta không còn nhìn thấy
ánh sáng Tin Mừng Đức Giêsu mang tới nữa.
Chính nơi đây mâu thuẫn giữa Đức Giêsu và những người lãnh đạo Do thái
không bao giờ chấm dứt. Họ tìm mọi cách
bắt bẻ thày trò Đức Giêsu. Cơ hội đã đến. Ngày đó, “thấy vài môn đệ của Người dùng bữa
mà tay còn ô uế, những người Pharisêu và một số kinh sư hỏi Đức Giêsu : “Sao các môn đệ của ông không
theo truyền thống của tiền nhân, cứ để
tay ô uế mà dùng bữa ?” (Mc 7:2.5) Họ
tố cáo các môn đệ Đức Giêsu thiếu đạo đức vì không giữ luật cha ông . Nhưng họ đã bị Đức Giêsu tố ngược. Sự thật cho thấy họ mới là những người vi phạm
luật hơn ai hết. Đối với những đầu óc
duy luật như họ, luật pháp là cứu cánh.
Lối bắt bẻ các
môn đệ Đức Giêsu đó tố cáo những suy tư hời hợt vì đạo đức vụ hình thức.
Đức Giêsu không thể chịu đựng nổi những cách phản ứng một chiều đó. Bởi vậy, Người lên tiếng tố cáo :”Ngôn sứ
Isaia thật đã nói tiên tri rất đúng về các
ông là những kẻ đạo đức giả.” (Mc 7:6) Đạo
đức giả vì họ chỉ nhấn mạnh vào hình thức mà không lo hoán cải tâm hồn. Họ có khuynh hướng đồng hóa những giới luật
thứ yếu với chính luật Tôra. Trong một
vài trường hợp, họ còn coi luật lệ con người hơn luật Chúa. Ví dụ luật coban “hủy bỏ lời Thiên Chúa”, không
cho người ta “giúp cha mẹ” (Mc 7:12)
Truyền thống đã lấn át lời Thiên Chúa.
Đó là lý do tại sao Tin Mừng không thể lọt vào những não trạng nặng nề
hình thức. Đức Giêsu vạch rõ bản chất những
kẻ đạo đức giả : “Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống
của người phàm.” (Mc7:8a)
Một Pharisêu thời
đại như Ted Turner, vua truyền thông Mỹ, mới đây cũng phê bình Kitô giáo “không
có lòng khoan dung” và không chấp nhận tự do tín ngưỡng. Oâng tự cho mình đạo đức hơn người khác và lên
giọng kẻ cả phê bình những nguyên tắc Kitô giáo. Cô Judie, đại diện cho một giáo phái Tin lành
đã phản pháo mãnh liệt : “Tôi cho rằng tiền bạc có thể làm cho người ta có địa vị
trong xã hội, dám bạo mồm bạo miệng.
Tuy nhiên, tiền không làm cho người ta khôn hơn và không che đậy được sự
dốt nát.” (VietCatholic 1/9/2000) Oâng
Mikhail Gorbachev, cựu tổng bí thư đảng Cộng sản Liên sô nhận định: “Oâng
Turner không có tư cách gì để nói về lòng khoan dung. Trong khi trẻ con Iraq chết dần mòn vì suy
dinh dưỡng và thiếu thuốc men cũng như những điều kiện y khoa cần thiết” vì lệnh
cấm vận của Mỹ, thì “chỉ có Vatican là dám mạnh mẽ tố cáo chính sách diệt chủng
của Mỹ ở Iraq.” (VietCatholic 1/9/2000)
Oâng Môsê dạy
“phải giữ và đem ra thực hành những mệnh lệnh của Đức Chúa.” (Đnl 4:2.6) Nếu thi hành đúng như Môsê dạy, người Do thái
đã được coi là “một dân khôn ngoan và thông minh” vì “được Đức Chúa, Thiên Chúa
chúng ta, ở gần chúng ta, mỗi khi chúng ta kêu cầu Người.” (Đnl 4:7) Nhưng họ đã thiếu khôn ngoan khi đưa ra luật
coban, một luật phản với thiên nhiên và luật Thiên Chúa. Những người già cả đã phải đau khổ biết chừng
nào vì luật đó ! Họ cứ tưởng làm xong
nhiệm vụ đối với Chúa là miễn khỏi giữ bổn phận đối với cha mẹ. “Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người
ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào.” (Mt 23:4)
Thật là một cú
tát nẩy lửa. Những người Pharisêu và
kinh sư choáng váng. Họ chưa kịp phản ứng,
Đức Giêsu đã dạy cho một bài học đắt giá về cuộc sống đạo đích thực. Mọi canh tân phải bắt đầu từ bên trong. “Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất
những ý định xấu.” (Mc 7:21) Chỉ lo sửa
đổi hình thức, quên khuấy nội dung là chính lòng người, cuộc canh tân trở thành vô nghĩa và sẽ thất bại thê thảm. Đức Giêsu dạy các môn đệ phải phân biệt nghi
thức bên ngoài và việc đạo đức đích thực (Mc 7:21-23) Mọi luật lệ phải dựa trên lòng kính sợ Thiên
Chúa. Chính Đức Giêsu cũng tôn trọng
khuôn khổ căn bản của pháp luật Do thái.
Người không chủ trương phá bỏ luật lệ: “anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi
bỏ luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến
không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.” (Mt 5:17) Luật Môsê và sứ ngôn là những lời mạc khải. Cao điểm là Đức Giêsu. Chính nơi cao điểm này, mọi sự sẽ đạt tới mức
thập toàn.
TINH THẦN TIN MỪNG
“Truyền thống của
người phàm” chỉ làm cho cuộc sống nặng nề và mất hạnh phúc. Một cuộc ép duyên trắng trợn giữa “truyền thống
của người phàm” và “điều răn của Thiên Chúa” không thể chấp nhận được. Chính vì thế, Đức Giêsu đã mạnh mẽ tố cáo :
“Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng dạy chỉ là giới luật
phàm nhân.” (Mc 7:7) Anh em Tin Lành
rất thích đoạn Tin Mừng hôm nay, vì cho thấy sự khác biệt giữa Kinh thánh và
truyền thống. Họ nhìn về phía Công giáo
như một tổ chức đầy những truyền thống cồng kềnh, coi việc giải thích lời Chúa
hơn chính lời Chúa. Đối với họ chỉ có Kinh Thánh mà thôi. Họ đề cao việc cải cách. Họ không muốn chấp nhận truyền thống, vì
truyền thống làm cho lời Chúa bị hiểu sai lạc.
Chỉ có Thánh Linh mới giúp tín hữu hiểu đúng lời Chúa. Không cần những nhà chuyên môn như giáo sĩ
trong Giáo Hội. Tóm lại, truyền thống và
Tin Mừng, Thánh Linh và chuyên môn chống đối nhau.
Có thật như thế không ? Giáo
hội Công giáo quả thực có một truyền thống lâu đời. Nhưng không phải truyền thống luôn luôn xấu. Cũng không phải cải cách nào cũng tốt. Giáo hội luôn phải canh tân. Nhưng không thể canh tân đến nỗi đánh mất bản
chất và đi xa đường hiệp nhất. Kinh thánh
không phải là một cuốn sách, nhưng là kết quả của truyền thống. Chẳng hạn, Tin Mừng không ghi nhận trực tiếp
những lời từ miệng Chúa, nhưng là nơi ghi lại nhịp sống lời Chúa trong truyền
thống Mathêu, Mátcô, Luca và Gioan. “Đức
tin Kitô giáo hiểu truyền thống như một biến cố đang tiếp diễn với những nhân vật
chính là con người và Thiên Chúa.” (Pottmeyer 1995:1119) Nếu thế, bất cứ Giáo hội nào cũng đang tạo
những truyền thống ghi lại cuộc sống giữa Thiên Chúa và con người. “Thánh Kinh không những truyền lại nội dung
truyền thống, mà cả những kiểu mẫu giải thích truyền thống đó nữa.” (Pottmeyer
1995:1121) Thánh Kinh “là Lời Thiên Chúa
vì Chính Thánh Linh làm cho cộng đoàn tiên khởi sống, hiểu và truyền lời Chúa lại
cho hậu thế. Thánh Linh vẫn còn làm việc
không ngừng.
Chính Thánh Linh làm cho Thánh Kinh và truyền thống không đối chọi
nhau. Cũng không có gì mâu thuẫn giữa
Thánh Linh và các nhà chuyên môn.
Lm. Giuse Đổ Vân Lực, Op