CHÚA NHẬT THỨ XXIV THƯỜNG NIÊN, năm B

Mc 8, 27-35

 

NGÀI LÀ ĐỨC KITÔ

 

Các bài đọc Chúa nhật hôm nay, đặc biệt là đoạn Tin Mừng thường được mệnh danh là cuộc tuyên tín của Phêrô ở địa hạt Cêsarê thuộc quyền của Philíp. Chúa Giêsu sau một thời gian dài đi rao giảng, loan báo Nước Thiên Chúa, Ngài đã làm nhiều phép lạ, đã giảng dậy nhiều điều. Do đó, người ta bắt đầu đặt nghi vấn về Ngài.

LỜI TUYÊN XƯNG CỦA PHÊRÔ: Với những điều dậy mới mẻ, đi ngược lại với các Rabbi và các luật sĩ, biệt phái, với những phép lạ lừng danh, xua trừ ma quỉ, dân chúng thắc mắc về Chúa Giêsu và sứ mệnh của Ngài. Điều này không làm chúng ta ngạc nhiên vì con người cao cả của Chúa Giêsu, con người rất danh tiếng và thế giá của Ngài. Nên, có kẻ bảo Ngài là ngôn sứ Giêrêmia hay một ngôn sứ nào đó, có người bảo Ngài là Gioan tiền hô đã sống lại. Đối với Chúa Giêsu, Ngài vẫn im lặng, vẫn tiếp tục giữ kín về tông tích và sứ mạng của Ngài. Mỗi lần thực hiện một phép lạ nào đó, Chúa lại căn dặn người được lành không được nói với ai. Chúa giữ kỹ tông tích của Ngài. Theo các nhà chú giải Kinh Thánh, đây là bí mật”Mêsia”. Tuy nhiên, Chúa Giêsu muốn phá vỡ sự im lặng ấy, Ngài mới hỏi các môn đệ nghĩ gì về Ngài, dư luận quần chúng nghĩ gì về Ngài, câu trả lời của các môn đệ sẽ là phản ánh lại  dư luận nhân dân, của đám đông, đồng thời là trắc nghiệm về lòng tin của các tông đồ. Lời thưa của Phêrô đại diện các tông đồ:” Ngài là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống “. Câu trả lời của Phêrô là câu giải mã về tông tích của Chúa Giêsu. Ngài là Đức Kitô có nghĩa Ngài là Đấng Thiên Chúa sai đến để giải phóng dân tộc, cứu vớt nhân loại khỏi tội  lỗi. Lời tuyên tín của Phêrô theo cái nhìn của ông và hợp với giấc mơ của Phêrô và các tông đồ khác theo nghĩa trần gian: Đức Kitô đến giải phóng dân tộc của các ông khỏi ách thống trị của ngoại xâm và thiết lập nước các ông thành một vương quốc thịnh vượng trong đó các ông được chia chác làm lớn trong vương quốc này. Chính vì thế, khi vừa nghe Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn của Ngài sẽ phải chịu theo ý Thiên Chúa Cha. Phêrô không thể nào chịu nổi. Ông đã cản ngăn ngay ý định của Thầy mình. Chấp nhận Đức Kitô là Con Thiên Chúa, nhưng Phêrô không thể chấp nhận con đường khổ gía của Ngài. Chúa Giêsu quở trách Phêrô là satan vì chỉ có satan mới dám ngăn cản con đường cứu thế của Chúa.

CÁC MÔN ĐỆ GIỜ ĐÂY MỚI HIỂU RA CON ĐƯỜNG CỨU THẾ CỦA CHÚA:

Con đường cứu thế của Chúa là con đường thập giá, con đường đau khổ. Sở dĩ Phêrô và các môn đệ đã chưa nhận ra được con đường của Thầy: đau khổ, chết trên thập giá và phục sinh khải hoàn là bởi các ông chưa được Thánh Thần soi sáng, tác động. Phêrô và các môn đệ khác chỉ có thể nhận ra con đường cứu độ của Chúa sau khi Ngài từ trong kẻ chết sống lại. Chữ Kitô có nghĩa gắn liền với thập  giá. Mang danh hiệu Kitô hữu cũng có nghĩa gắn liền với sự đau khổ và thập giá của Đức Kitô, Phêrô và các môn đệ khác đã sống tới cùng tận lời tuyên xưng của mình; tất cả đều chết như Đức Kitô. Thập giá là tình yêu. Do đó, Chúa nói:” Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mỗi ngày  mà theo Ta” ( Mc 8, 34 ). Thập giá không là cây gỗ bất động, nhưng là cây sự sống mang lại quả phúc đời đời. Lời mời gọi  của Chúa có tính hoàn toàn tự  do. Chúa không bắt buộc ta chọn hay khước từ thập giá, nhưng Chúa cho ta hoàn toàn tự do chọn hay khước từ lời mời gọi của Chúa. Chúa không bảo chúng ta đi tìm thập giá, nếu không, đạo công giáo chỉ là một thứ đạo đầy ải, làm khổ, đầy đoạ mình; Chúa nói chúng ta vác thập giá mình. Vác thập giá nghĩa là từ bỏ tất cả, từ bỏ mọi sự và sẵn sàng liều ngay cả mạng sống của mình. Chúa không bao giờ bắt chúng ta vác nặng quá sức chịu đựng của chúng ta. Chúng ta có thể khước từ thập giá bằng nhiều cách hoặc từ khước ân huệ sự sống là món quà vô giá Chúa ban tặng, hoặc chúng ta đóng kín cõi lòng, không biết mở ra cho người khác như kẻ đói chúng ta không cho ăn, kẻ khát chúng ta không cho uống, kẻ rách rưới, trần truồng chúng ta không cho mặc vv… Đó là cách khước từ thập giá mà con người hằng ngày và thường xuyên bị cám dỗ, thử thách. Thánh Giacôbê trong bài đọc thức hai cũng viết rõ:” Đức tin không có việc làm là đức tin chết”. Đức tin gắn liền với lòng yêu mến. “ Ai liều mạng sống vì Ta sẽ được sống” ( Mc  8, 35 ). Từ bỏ, hy sinh, liều mạng sống sẽ tìm được mối lợi là Đức Kitô. Nói như thánh Phaolô:” Tôi chỉ biết có một Đức Kitô mà là Đức Kitô chịu đóng đinh thập giá “.

“Còn các con, các con bảo Thầy là ai ?”. Câu hỏi đó vẫn được đặt ra cho mỗi người chúng ta từng phút, từng giờ, từng ngày trong cuộc sống.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con chỉ một lòng mến Chúa và yêu tha nhân. Amen.

Linh mục Giuse Nguỹen Hưng Lợi DCCT


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B