PHỤC VỤ MỌI NGƯỜI
Chúa Nhật
25B Thường Niên
Kn 2:12.17-20
Mc 9:30-37
Gc 3:16-4:3
Tương
quan giữa con người và con người thật là phức tạp. Có những người lúc nào cũng đòi
hỏi. Họ sinh ra để được phục vụ chứ không phải để phục vụ. Tất cả cuộc sống chỉ
có nghĩa là thỏa mãn nhu cầu. Cá nhân là tiêu chuẩn tối cao xác định mọi giá trị.
Đức Giêsu bác bỏ tiêu chuẩn hoàn toàn trần tục đó. Người nêu cao tiêu chuẩn phục
vụ để thẩm định vai trò người lãnh đạo. Chính Người cho thấy mức phục vụ cao độ
trên cây thập giá.
TIÊU CHUẨN PHỤC VỤ
Khi đả
phá não trạng chủ tớ, phải chăng Đức Giêsu làm rối loạn trật tự xã hội ? Người
không phản đối quyền bính, vì quyền bính vẫn cần thiết trong Nước Thiên Chúa.
Nhưng Người phản kháng não trạng và cách thức thi hành quyền bính trong cộng đồng
nhân loại. Người ta lạm dụng quyền bính để đè đầu đè cổ đồng loại, đến nỗi quên
nguồn gốc mọi quyền bính là Thiên Chúa. Chỉ một mình Thiên Chúa mới có thực quyền
trên nhân loại. Nhưng Người đã thực thi quyền bính thế nào ? Người đã thi hành
quyền bính khi sai “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là
để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10:45). Đó là mức độ
phục vụ lớn lao nhất và có mục đích cao cả nhất.
Muốn
“theo Thày”, các môn đệ không còn con đường nào khác. Thày trở thành tiêu chuẩn
và mẫu mực phục vụ mọi người. Mặc dù theo sát Đức Giêsu, các môn đệ vẫn chưa thể
học nổi bài học của Thày. Đức Giêsu đau khổ không phải chỉ vì “Con Người sẽ bị
nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người” (Mc 9:32), nhưng còn bị các môn đệ
“tỉnh bơ” trước những thao thức lớn lao về thân phận mình. Thời gian theo Người
quá ngắn. Các ông không thể thích ứng kịp. Chính vì thế, dù vừa nghe Thày trăn
trở về thân phận tôi tớ đau khổ, các ông vẫn cao hứng to tiếng về miếng đỉnh
chung, “vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả” (Mc
9:34). Thày là thế. Trò là thế. Hai con đường song song không dễ gì gặp nhau.
Thày
tìm mọi cách phục vụ con người, phục vụ đến hi sinh tất cả mạng sống. Trước khi
lên tiếng dạy môn đệ, Thày đã nêu gương : “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải
làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9: 35). Thày là Người đứng
ở đỉnh cao nhất. Bởi vậy, Thày nêu gương phục vụ lớn lao nhất. Muốn phục vụ như
thế, các môn đệ phải thấy được hình ảnh Thày nơi các em nhỏ. Em nhỏ không có chỗ
đứng nào hết trong bực thang xã hội. Chính vì thế, các em nhỏ không được ai chú
ý và tôn trọng. Nếu người môn đệ đích thực thấy được Chúa trong nơi rốt cùng đó,
việc phục vụ sẽ có một chiều kích lớn lao. Vì chính nơi rốt cùng đó có một Đấng
cao trọng vô cùng. Quả thực “ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là
đón tiếp chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng
là tiếp đón Đấng đã sai Thầy” (Mc 9:37). Đức Giêsu đồng hóa mình với em nhỏ cũng
như với người nghèo. Phục vụ tới mức độ này đòi phải có một tâm hồn thật đơn sơ
và không tính toán. Việc phục vụ đó hoàn toàn phải vô tư và vô vị lợi.
Như vậy,
việc phục vụ vừa phải khiêm tốn và đơn sơ mới mong bắt chước khuôn mẫu và đi
theo con đường Chúa đã vạch ra. Khiêm tốn đến nỗi “chết nhục nhã,” bị “hạ nhục
và tra tấn” mà vẫn “hiền hòa làm sao” (Kn 2:19-20). Người hoàn toàn không còn
nghĩ đến chính mình nữa. Người không muốn tranh chấp với ai, nhưng chỉ muốn trở
thành“người xây dựng hòa bình thu hoạch được hoa trái đã gieo trong hòa bình, là
cuộc đời công chính” (Gc 3:3). Nhưng chính cuộc đời công chính đó đã là bản cáo
trạng tố cáo “phường vô đạo” (Kn 2:12). Cuộc đời trở thành trận chiến khốc liệt
giữa sự công chính và bất công. “Phường vô đạo” âm mưu và quyết hạ bệ người công
chính : “Ta hãy gài bẫy hại tên công chính, vì nó chỉ làm vướng chân ta, nó chống
lại các việc ta làm, trách ta vi phạm lề luật, và tố cáo ta không tuân hành lễ
giáo” (Kn 2:12). Tất cả những âm mưu đen tối đó đã đổ ập xuống con người Đức Giêsu.
Cuộc đời thật là một bể khổ, một cõi ô trọc.
Nhưng Đức
Giêsu không dừng lại nơi những nét tang thương đó để bi quan, yếm thế và øtìm cách
trả thù đời. Trái lại Người luôn sống “hiền lành và khiêm nhường” với mọi người.
Sau cùng Người đã chết để “cứu độ mọi người.” Sống giữa một bể khổ, Người vẫn
luôn tràn ngập hồng ân. Người đã biến đổi tất cả thành phương tiện cứu độ. Tất
cả lực lượng tử thần không làm gì được Người. Vì nhờ sức mạnh Thánh Linh, “Người
sẽ sống lại” ( Mc 9:31) trong tình yêu Chúa Cha. Chính sức mạnh và tình yêu đó đã
khiến Đức Giêsu hiên ngang đương đầu với mọi thử thách. Nhưng sức mạnh và tình
yêu đó vẫn là những thực tại huyền nhiệm. Làm sao các môn đệ có thể hiểu nổi ? Đó
là lý do tại sao Đức Giêsu vẫn bị hiểu lầm và cô đơn cho đến chết.
PHỤC VỤ HÔM NAY
Nhưng không vì thế Đức Giêsu trở thành bất lực. Trái lại, Người
trở thành động lực thúc đẩy Giáo Hội không ngừng phục vụ nhân loại trong bất cứ
hoàn cảnh nào. Rất nhiều sáng kiến và nhiệt tình đã được tung ra để đáp ứng những
nhu cầu lớn lao của thời đại. Giáo Hội là “bí tích thực hiện sứ vụ Đức Giêsu để
sứ mệnh Nước Trời của Người được mở rộng khắp không gian và thời gian”
(McGonigle 1993:658). Cộng đoàn Kitô giờ đây tiếp tục sứ vụ của Người và làm
cho sứ vụ đó trở thành hiện thực, hầu có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng của quần
chúng, giúp họ bắt gặp tình yêu Thiên Chúa đầy thương xót trong những hoàn cảnh
sinh sống khác nhau. Kitô hữu vững tin vào sứ vụ Giáo Hội lãnh nhận từ Đức Giêsu
có sức cứu độ toàn thể nhân loại. “Vì cùng một Thánh Linh đã hoạt động trong sứ
vụ Đức Giêsu, ngày nay cũng là nguồn ân sủng ban cho bất cứ sứ vụ nào trong Giáo
Hội, phát sinh từ công cuộc cứu độ của Đấng Phục Sinh” (McGonigle 1993:658).
Công cuộc
phục vụ hôm nay rất đa dạng. Ngoài những tổ chức bác ái truyền thống, còn có những
sáng kiến kết hiệp độc đáo giữa những người cùng chia sẻ một niềm tin Thiên Chúa.
Chẳng hạn tổ chức The Foundation for Interfaith Research and Ministry (FIRM) liên
kết nhiều người đến tận nhà săn sóc người lớn và trẻ em đang mắc bệnh kinh niên
hay sắp chết và suy nhược cơ thể trầm trọng. Các hội viên xuất thân từ các cộng
đoàn Do thái và Kitô giáo. Hội tổ chức thành những đội ngũ cung cấp và hỗ trợ cá
nhân hay gia đình trong những nhu cầu đặc biệt như trò truyện, giọn bàn ăn, di
chuyển, giọn nhà, đi chợ, nâng đỡ tinh thần hay tình cảm, chăm sóc nhu cầu căn
bản về thể xác hay cá nhân v.v. Hiện nay nhờ tình nguyện chăm sóc bệnh nhân như
thế, hằng chục ngàn người đã thay đổi cuộc sống và cảm thấy cuộc đời phong phú
hơn. Hằng năm hội dành ra gần một triệu giờ săn sóc bệnh nhân. Họ đều nhận thức
rằng nhu cầu tha nhân là một món quà Thiên Chúa làm cho cuộc đời thăng tiến và
khát vọng tinh thần được no thỏa.
Theo bước
Đức Giêsu, Giáo Hội không ngừng hướng về những người nghèo khổ, bệnh tật và già
nua. Các tổ chức Caritas, Vincent de Paul, Cor Unum, v.v... đã và còn đem bao
nguồn an ủi tinh thần và vật chất cho những người xấu số. Nhưng sống bác ái bao
giờ cũng tương đối dễ hơn sống công bằng. Giáo Hội có dám noi gương Thày chí thánh
“bị nộp vào tay người đời” mà vẫn nhất quyết sống công chính, bị “giết chết” mà
không ngừng tranh đấu cho công bằng không ? Hay Giáo Hội vẫn thích chơi với người
giàu hơn, để mặc những người đói khổ quằn quại dưới những áp chế bất công ? Thánh
Linh đã làm cho Đức Giêsu Phục Sinh, không thể nào chịu nhượng bộ trước những bất
công đó. Người có thừa sức mạnh thúc đẩy Giáo Hội dấn thân vào những vùng đất
nguy hiểm nhất tranh đấu cho người nghèo khổ và xấu số.
Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP