TOÀN DÂN LÀ NGÔN SỨ !
Chúa Nhật 26B Thường Niên
Ds 11:25-29
Mc 9:38-43.45.47-48
Gc 5:1-6
Ngôn sứ
là một vinh dự hay một trách nhiệm ? Nếu là vinh dự, phải chăng chỉ thuộc về một
ít người ? Nếu là trách nhiệm, tại sao mọi người không cùng chia sẻ ? Dù sao phải
nhận vai trò ngôn sứ khó thực hiện nhất trong mọi thời đại. Phải can đảm lắm mới
có thể đóng vai ngôn sứ trong cuộc đời đầy những bất công. Xã hội càng bất công,
ngôn sứ càng dễ bị bách hại. Nhưng ngôn sứ không phải chỉ có một kẻ thù. Nhiều
khi kẻ thù là chính mình. Tinh thần bất bao dung là kẻ thù lớn nhất.
ƠN NGÔN SỨ
Ngôn sứ
là người cần Thánh Linh nhiều nhất. Sau khi chọn bảy mươi hai kỳ mục, Môsê đàm đạo
với Thiên Chúa. " Khi Thần Khí đậu xuống trên các ông, thì các ông bắt đầu
phát ngôn." (Ds 11:25) Thần Khí làm
việc thực sự trong Môsê và các kỳ mục, kể cả những người vắng mặt trong Lều. Một
trong những dấu hiệu Thần Khí đó là tinh thần bao dung. Sự ghen tương không phát xuất từ Thần Khí.
Chính vì tinh thần bao dung đó, Môsê đã có một cái nhìn rộng hơn Giôsuê :
"Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn
sứ !" (Ds 11:29)
Giấc mộng
Môsê đã trở thành hiện thực trong thời Tân Ước. Đức Giêsu đã mở rộng tầm nhìn của
Gioan. Quả thực, khi nghe báo cáo về một người trừ quỉ không thuộc nhóm mình,
Người đã dẹp lòng dạ hẹp hòi của ông : "Không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm
phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Quả thật, ai không chống lại
chúng ta là ủng hộ chúng ta." (Mc 9:39-40) Như thế không có nghĩa Chúa chấp nhận thái độ
tiêu cực, hững hờ, thụ động. Trái lại, Người đòi phải có một nỗ lực dấn thân dứt
khoát : "Ai không đi với tôi, là chống lại tôi ; và ai không cùng tôi thu
góp, là phân tán." (Mt 12:30) "Những người theo Đức Giêsu đều có
chung một mục đích là xây dựng Nước Trời. Đừng để cho những khác biệt ngăn trở
công cuộc lớn lao nà.y" (Life Application Study Bible 1991:1753) Nhưng làm
sao có thể xây dựng Nước Trời, nếu không hợp tác với Đức Giêsu và những người
theo Chúa ? Việc hợp tác đó có tên gọi là tình yêu.
Một ngôn
sứ không bao giờ đóng khung Thần Khí trong những giới hạn hẹp hòi. Thần Khí không
biết đến những giới hạn con người. Bởi thế, óc cục bộ đối nghịch với sứ mạng ngôn
sứ. Không bao dung không phải là ngôn sứ. Hơn ai hết, ngôn sứ phải học nơi Thiên
Chúa vì "Chúa vô cùng nhân hậu, khoan dung, đại lượng." (Rm 2: 4) Quả thật "ngôn sứ hiện diện như những dấu
chỉ tình yêu, yêu đến độ hoàn toàn hiến thân." (Fisichella 1995:797) Cần phải tìm một con đường giải thoát cho mọi
người. Chỉ Thần Khí mới có thể tạo nên những ngôn sứ có khả năng trừ quỷ. Thế
nhưng, khi "thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ," (Mc 9:38) ông
Gioan đã vội báo cáo với Thầy. Chắc chắn ông và các môn đệ khác phải thấy đó là
điều tốt. Tuy thế, ông vẫn nhất quyết "ngăn cản vì người ấy không theo chúng
ta." (Mc 9:38) Như thế ông chưa thể "thuộc về Đấng Kitô," (Mc
9:41) một Đấng Kitô "có lòng hiền hậu và khiêm nhường." (Mt 11:29)
Thuộc về
Đấng Kitô không có nghĩa là thuộc về một cơ chế hay nhóm nào. Thần Khí Đức Kitô
hoạt động trong mọi người. Vì Thiên Chúa "muốn cho mọi người được cứu độ và
nhận biết chân lý." (1 Tm 2:4) Thần
khí sự thật sẽ biến đổi toàn thể bộ mặt trái đất. Một ngôn sứ không thể không biết đến sức hoạt động
vô cùng lớn lao đó của Thần Khí để tôn trọng mọi giá trị Thần Khí đã và đang tạo
nên trong những tâm hồn và mọi nền văn hóa. Chính vì ý thức được sức hoạt động
Thần Khí đó, Giáo Hội đã mở ra một chiều hướng đối thoại với mọi người để tìm
thấy con đường Thánh Linh đang dẫn nhân loại đến nguồn ơn cứu độ.
Nhưng
trong khi đòi ngôn sứ phải bao dung đối với mọi người, Đức Giêsu không cho phép
họ khoan dung với chính mình. Vì mục đích càng cao càng đòi kỷ luật khắt khe. Ơn
cứu độ chính là mục đích của mọi hoạt động ngôn sứ. Đức Giêsu dùng một hình ảnh
sống động hơn để diễn tả ơn cứu độ : "vào cõi sống," (Mc 9:43, 46)
"vào Nước Thiên Chúa." (Mc 9:47) Không thể có một nhượng bộ nào trong mục đích
tối cao này. Tất cả mọi tương quan đều phải nhắm tới hạnh phúc vô cùng lớn lao
và chân thật đó. Tất cả mọi tương quan cần đến những hoạt động thân xác như tay
chân, miệng lưỡi, con mắt. Nếu muốn trung thành với sứ mạng ngôn sứ, người môn đệ
Đức Giêsu phải có một ý chí quyết liệt, dứt khoát. Khi những tương quan, dù tốt
đẹp tới mấy, cản trở họ đem mọi người đến cứu cánh cuộc đời, họ phải đưa ra những
quyết định sáng suốt, kịp thời và dứt khoát mới có thể hoàn thành sứ mạng lớn
lao. Thái độ chần chừ, tiếc rẻ rất nguy hiểm. Vì nhiều khi cơ hội không đến hai
lần. Chính Đức Giêsu đã cảnh cáo : "Chúng ta phải làm những việc của Đấng đã
sai Thầy, khi trời còn sáng; đêm đến, không ai có thể làm việc được." (Ga
9:4) Khi đã tin nơi Đức Giêsu, dù nhỏ bé
tới đâu, người ta cũng có quyền đòi cộng đoàn ngôn sứ tạo những điều kiện thuận
lợi để bước "vào Nước Thiên Chúa." Nếu không, chính số mệnh ngôn sứ cũng bị đe dọa
(Mc 9:42).
CON ĐƯỜNG TRƯỚC MẮT
Hôm
nay, trước quá nhiều những cạm bẫy đang lôi kéo mọi người xa lìa Nước Thiên Chúa,
ngôn sứ phải làm gì ? Trước hết "những tín hữu phải được chuẩn bị đọc ra các
DẤU CHỈ THỜI ĐẠI. Ngôn sứ phải tạo ra những dấu chỉ mới làm cho sứ điệp cứu độ
trở thành hiện thực trước những nhu cầu thời đại." (Fisichella 1995: 796)
Nhu cầu lớn lao của thời đại hôm nay chính là công lý và hòa bình. Biết bao người
đã tranh đấu đến chết cho nhu cầu lớn lao đó. Nhưng thế giới vẫn chưa hết bất công.
Bởi thế vai trò ngôn sứ vẫn cần thiết và trở thành thách đố của thời đại. Ngôn
sứ phải đứng ngoài mọi lôi cuốn của quyền lực, tiền bạc, để mạnh mẽ gióng lến
tiếng nói của sự thật : "Hỡi những kẻ giàu có, các người đã gian lận mà giữ
lại tiền lương của những người thợ. Kìa tiền lương ấy đang kêu lên oán trách các
người, và tiếng kêu của những người thợ ấy đã thấu đến tai Chúa các đạo binh."
(Gc 5:4) Lời chứng mạnh mẽ ấy không chỉ
nhằm cá nhân, nhưng cả những cơ chế bất công trong mọi lãnh vực chính trị, kinh
tế, xã hội, tôn giáo, văn hóa v.v.
Có dẹp được
bất công, mới mong có hòa bình. Người tín hữu được kêu gọi trở nên "con
Thiên Chúa" với sứ mệnh "xây dựng hòa bình." (Mt 5:9) Hòa bình là một hồng ân, nhưng cũng là một nỗ
lực lớn lao của nhiều người thiện chí. Ngôn sứ nhận đó như một sứ mệnh chính yếu
của đời mình, vì bản chất Tin Mừng là hòa bình (Ep 6:15). Tất cả mọi hoạt động
ngôn sứ chỉ nhằm dẹp những chướng ngại, chuẩn bị cho nhân loại đón tiếp
"Hoàng tử hòa bình." (Is 9:6) Chướng ngại lớn nhất là bất công. Lòng ghen tương
của Giôsuê và Gioan có thể tạo ra những hậu quả bất công đối với những người được
"Thần Khí đậu xuống" (Ds 11:26) hay "lấy danh Thầy mà trừ quỷ."
(Mc 9:38) mặc dù họ không cùng chung một nhóm hay cơ chế với mình. Ngôn sứ phải cầu xin "ơn phân định thần
khí" (1 Cr 12:10) để có thể có một cái nhìn sáng suốt và bao dung trước những
công việc xây dựng của những người thiện chí.
Nhưng sứ
mệnh cao cả đó chỉ được hoàn thành nếu "các tín hữu tiếp tục tra vấn chính
mình về ý nghĩa những gì đã được mạc khải cho chúng ta và đồng thời thúc ép chúng
ta hướng về hình thức tự do cao cả nhất," (Fisichella 1995: 796) tức là
tình yêu Thiên Chúa. "Chính vì để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải
thoát chúng ta." (Gl 5: 1) Hơn nữa,
"Chúa là Thần Khí, và ở đâu có Thần Khí của Chúa, thì ở đó có tự do."
(2 Cr 3:17) Bởi vậy, ngôn sứ "đừng
dập tắt Thần Khí" (1 Tx 5:19) đang hoạt động trong các tôn giáo và văn hóa
khác. Tất cả những ân huệ lớn lao đó chỉ có thể đạt được trong sức mạnh lời Chúa,
vì "Lời Thiên Chúa là động cơ lớn nhất thúc đẩy chúng ta khám phá ý nghĩa
cuộc đời và đồng thời huấn luyện mỗi người chúng ta đảm nhận trách nhiệm của
mình" (Fisichella 1995: 796), trách nhiệm làm ngôn sứ cho thời đại.
Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP