NGÀY VUI ĐOÀN TỤ

Chúa Nhật 33B Thường Niên

Đn 12:1-3

Mc 13:24-32

Dt 10:11-14.18

Nhiều người đã có kinh nghiệm sâu xa về niềm vui đoàn tụ gia đình.   Bao lo âu tan biến khi thấy ngày vui ló dạng với những bước chân người thân đâu đó đang lang thang nơi phi trường.   Đến khi gặp gỡ, niềm vui bùng vỡ như lần đầu tiên được thấy mặt người yêu trên cõi đời.   Thực ra niềm vui lớn lao này phải dành cho ngày gặp gỡ “Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.” (Mc 13:26)

KHI CON NGƯỜI NGỰ ĐẾN

          Trần gian đang đến hồi kết thúc.   Những ngày kết thúc đó thật bi thảm, vì “mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống, và các quyền lực trên trời bị lay chuyển.” (Mc 13:24-25)   Nghĩa là sẽ không còn sự sống trên trần gian.   Cảnh đổ nát tiêu điều sẽ tràn ngập khắp nơi.   Tiếng than khóc, kêu la sẽ vang lên từ mọi góc biển chân trời.  Người lạc quan nhất cũng phải thất vọng về tương lai nhân loại.   Bao nhiêu xây dựng đều đổ sông đổ biển.  

Nhưng giữa cảnh tượng khủng khiếp đó, một tia hi vọng đã lóe sáng.   Vì Thiên Chúa quyền năng sẽ giải thoát nhân loại khỏi mọi thất vọng.   Vinh quang sẽ đưa tất cả vào hạnh phúc vĩnh cửu. Người xuất hiện để đem lại ý nghĩa và giá trị sâu xa cho cuộc sống con người. Sẽ không còn đau khổ, chết chóc nữa.  Thật vậy, “lúc đó, Người sẽ sai các thiên sứ đi, và Người sẽ  tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời.” (Mc 13:27)   Một cảnh đoàn tụ chưa từng thấy ! Niềm vui lớn lao vô cùng !   Họ được tuyển chọn vì đã lắng nghe lời Thiên Chúa : “Hãy trung thành cho đến chết, và Ta sẽ ban cho ngươi triều thiên sự sống.” (Kh 2:10)  Ơn cứu độ sẽ đến với những người được tuyển chọn.   Bình an sẽ tràn ngập tâm hồn và cuộc đời họ. Thiên Chúa sẽ thực hiện tất cả những gì đã hứa. Mọi người sẽ thấy một tương lai rực rỡ huy hoàng, bù lại những tháng ngày gian khổ.  

“Các hiền sĩ sẽ chói lọi như bầu trời rực rỡ, những ai làm cho người người nên công chính, sẽ chiếu sáng muôn đời như những vì sao,” (Đn 12:3) vì vinh quang Thiên Chúa chiếu tỏa chói ngời trên dung nhan Đức Giêsu.   Chỉ họ mới tìm thấy được lẽ sống và nền tảng vững vàng giữa lúc vũ trụ tàn lụi.   Giữa bao đổ vỡ của cuộc sống và của chính bản thân, họ vẫn tìm được một cứ điểm vững chắc nhất.   Nếu không có Người, tất cả đều trở thành vô nghĩa và phi lý.   Chính từ bên hữu Thiên Chúa, Người có đầy quyền năng để tái tạo những gì hư nát vì tội lỗi.   Người trả lại cho tất cả vũ trụ và vạn vật sức sống mới. Quyền năng Người lớn lao hơn sức mạnh thần chết.   Vinh quang Người xua tan mọi bóng đêm tội lỗi và thất vọng.   Bởi vậy, tất cả nhân loại sẽ tràn ngập niềm vui vì ngỡ ngàng thấy “Người chỉ dâng hiến lễ một lần, mà vĩnh viễn làm cho những kẻ Người đã thánh hóa được nên hoàn hảo.” (Dt 10:17)    Không ngờ con người có thể được cứu thoát giữa cơn tuyệt vọng của vũ trụ.

 ƠN CỨU ĐỘ HÔM NAY

Khi chiêm ngắm vũ trụ và con người, biết bao triết gia hiện sinh và vô thần đã thở dài não nuột trước cảnh phi lý và vô nghĩa của cuộc đời.   Tin hay không tin, chúng ta đều phải đồng ý vũ trụ và con người đang đi đến chỗ tận diệt.   Con người sinh ra để chết.  Cuộc đời vô nghĩa thật nếu không tìm được một hướng đi và một cứ điểm đích thực. Chết là cuộc tận thế của mỗi người.  Nếu thế, tại sao không suy nghĩ về cuộc tận thế rất gần của mình ? Tại sao không tìm một hướng đi để thấy ý nghĩa và giá trị cuộc đời giữa những đổ nát hôm nay ?

          Chẳng cần đợi đến tận thế  hay lúc chết mới thấy cảnh đổ nát.  Chúng ta chứng kiến và kinh nghiệm cảnh đổ nát đó hằng ngày.  Sống thêm một giờ là bớt đi một giờ hiện hữu trên trần gian.   Sự già nua cũng là một dấu hiệu cho thấy cảnh đổ nát đó trong thân xác.  Thiên nhiên cũng cho thấy những dấu hiệu thay đổi của trời đất. “Thí dụ cây vả khi cành nó xanh tươi và đâm chồi nẩy lộc, thì anh em biết là mùa hè đã đến gần.” (Mc 13:28)  Thật là một hình ảnh đẹp lột tả cơn sốt vỡ da trong thiên nhiên.  Nhưng chính vì thay đổi đau đớn đó, thiên nhiên mới chứng kiến một cảnh tượng rực rỡ.  

Từ điềm báo thiên nhiên, Đức Giêsu mở mắt cho các môn đệ : “Khi thấy những điều đó xảy ra, anh em hãy biết là Con Người đã đến gần, ở ngay ngoài cửa rồi.” (Mc 13:29)   Người xuất hiện như một Thiên Chúa tình yêu nhưng đầy uy quyền và vinh quang.   Vinh quang và uy quyền Thiên Chúa không chỉ tỏ hiện vào giây phút cuối cùng, nhưng hằng ngày trong cuộc sống.  Tất cả mọi giây phút đều thấy bóng Đức Giêsu, vì Người là chủ thời gian.   “Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ.” (Cv 4:12)   Quả thực. “ý muốn cứu độ phổ quát của một Thiên Chúa Ba Ngôi được ban tặng và hoàn thành dứt khoát trong mầu nhiệm nhập thể, tử nạn và phục sinh của Con Thiên Chúa.” (Dominus Jesus, số 14,1) Tóm lại, mọi giá trị và ý nghĩa cuộc sống đều được tái tạo trong Người.  

Giá trị và ý nghĩa đó chỉ có thể tạo lập trong một tương quan tốt đẹp giữa con người và con người.  Tương quan tốt đẹp ấy chính là hòa bình nơi trần thế.  Hơn lúc nào hòa bình đang bị đe dọa khắp nơi và dưới mọi hình thức khác nhau.  Chiến tranh phơi bày tất cả thực trạng bất công trên thế giới.  Biết bao người đang phải chịu đựng những chế độ đàn áp bất công.  Bao nhiêu ước vọng chính đáng phải tàn lụi.  Bao người lầm than trong cảnh nghèo đói, kỳ thị, bóc lột, bất bao dung.  Nhiều người không còn hi vọng sống một cuộc đời tốt đẹp hơn.  Những cảnh bất công đó khuyến khích bạo động, và mỗi bất công có thể dẫn tới chiến tranh.

          “Chỉ khi nào có công lý và công bằng, con người mới có thể tin tưởng lẫn nhau. Có tin tưởng nhau mới có thể xây dựng hòa bình cho nhau.  Nền văn hóa hòa bình bắt nguồn và phát triển từ chính trong bầu khí hòa bình.  Không còn bạo động, lạm dụng.  Tất cả các phe phái hòa giải với nhau để tìm một giải pháp chấm dứt cuộc chạy đua võ trang và tái phân phối các nguồn tài nguyên kinh tế để đáp ứng những nhu cầu căn bản về sức khỏe và giáo dục cho mọi người.  Gia đình cần phải được củng cố.  Có thế mới có thể cổ võ và củng cố một nền văn hóa hòa bình.” (Tgm Celestino Migliore, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc)   Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thông điệp “Hòa bình trên Trái đất”, lời ĐGH Gioan XXIII còn văng vẳng bên tai : “Thế giới sẽ không bao giờ là nơi chốn hòa bình, cho tới khi nào hòa bình trú ngụ trong tâm hồn mỗi một người.”

          Nhưng làm sao hòa bình trở thành lẽ sống, nếu cuối cùng con người không hi vọng được Thiên Chúa cứu độ ?   Chính vì hi vọng được làm con Thiên Chúa, con người mới nỗ lực xây dựng hòa bình.  Chính niềm hi vọng đó mở ra một chân trời mới. Con người sẽ đón nhận nhau như anh em.  Tương quan con người sẽ ghi đậm tình yêu Thiên Chúa.  Tất cả sẽ sống trong cảnh trời mới đất mới.

Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, Op        


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B