CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN, năm B

ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ VUA VŨ TRỤ

Ga 18, 33b-37

 

Đọc Tin Mừng của Chúa Giêsu, chúng ta nhận ra một số tước hiệu của Ngài như : mục tử, thầy, Chúa, Con Người, tôi tớ vv…Tuy nhiên, tước hiệu là Vua, Chúa Giêsu chỉ xác nhận vài giờ trước khi Ngài bị kết án. Philatô đã hỏi cung Chúa Giêsu:” Ông là Vua sao ? “. Tước hiệu Vua ở đây có nhiều ý nghĩa.

TÔI LÀ VUA : Bài tường thuật Ga 18, 33b-37 rút ra từ bài thương khó của Chúa Giêsu trong Tin Mừng của thánh Gioan, là một cuộc thẩm vấn kỳ lạ, bị cáo lại đặt câu hỏi với quan toà và kéo quan toà xoay quanh vấn đề “ Vua dân Do Thái “. Theo dõi cuộc thống khổ của Chúa Giêsu, chúng ta chú ý nhân vật Philatô đối với Chúa Giêsu.

Philatô sau khi trao đổi với dân chúng ở ngoài phủ đường, ông đi vào trong và ra lệnh đưa Chúa Giêsu đến trước mặt ông. Ông hỏi Chúa Giêsu:” Ông mà lại là Vua dân Do Thái ?”. Đây là lần đầu tiên tước hiệu Vua xuất hiện trong trình thuật cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Tin Mừng nhất lãm cũng ghi lại tước hiệu này. Sự kiện này cho thấy tất cả đều bắt nguồn từ truyền thống tiên khởi. Ở đây, rất có thể tước hiệu Vua được thốt ra từ miệng của Philatô. Câu hỏi cung này chứng tỏ Philatô đã biết từ trước dân Do Thái tố cáo Chúa Giêsu. Đối với Philatô cũng như lời tố cáo của dân Do Thái: tước hiêu” Vua Do Thái “ mang ý nghĩa chính trị. Vua Israen mang ý nghĩa tôn giáo

( Ga 1, 19 ). “ Vua dân Do Thái “ mang ý nghĩa chính trị ( Ga 18, 34 ). Ở đây Chúa Giêsu không trực tiếp trả lời  câu hỏi của Philatô nhưng Ngài đặt câu hỏi cho Philatô:

“Tự mình ông, ông nói thế hay có ai khác đã nói với ông về Tôi ?”. Câu hỏi của Chúa Giêsu nhằm làm rõ nghĩa câu hỏi cũng như ý nghĩa sâu xa của Philatô. Nếu tự ý Philatô nói ra câu đó, thì “Vua” có ý nghĩa chính trị, còn nếu do dân, hoặc ai đó nói về tước hiệu Vua của Chúa Giêsu, tước đó có nghĩa tôn giáo” Vua dân Do Thái “. Chúa Giêsu muốn làm rõ ý nghĩa của từ Vua, để nếu Philatô gán ghép cho từ Vua theo nghĩa chính trị, Chúa Giêsu sẽ phủ nhận, còn nếu hiểu chữ “Vua” theo nghĩa tôn giáo, Đức Giêsu là Đấng Mêsia phải đến trong thế gian, Chúa Giêsu sẽ chấp nhận. Philatô tỏ ra bực tức, ông không muốn hiểu tước vị “ Vua dân Do Thái “ theo nghĩa tôn giáo. Chính vì thế, Philatô đã hỏi Chúa Giêsu tiếp:” Ông đã làm gì ?”. Giờ phút này, Chúa Giêsu không ngần ngại xác định cho Philatô rằng Nước của Ngài không thuộc thế gian này, nghĩa là Nước của Chúa không tổ chức theo nghĩa chính trị mà Nước của Ngài hoàn toàn thuộc về lãnh vực thiêng liêng : “ Nếu Nước Tôi thuộc về thế gian này, thì bộ hạ của Tôi đã cố chiến đấu không để Tôi bị nộp cho người Do Thái “. Đúng như lời Chúa Giêsu nói, Ngài có một Nước nhưng Nước đó là Nước Trời, Nước linh thiêng, hoàn toàn khác biệt với thế gian. Philatô khi nghe Chúa Giêsu nói về “Nước”, ông ta liền hỏi Chúa Giêsu:” Vậy thì ông là Vua sao ? “. Chúa Giêsu không ngần ngại và Ngài khẳng định một cách trang trọng:” Ông nói đó : Tôi là Vua “.

VƯƠNG QUỐC CHÚA GIÊSU KHÔNG THUỘC TRẦN GIAN: Lời khẳng định của Chúa Giêsu rằng Vương Quốc của Ngài thuộc thế giới thần linh. Ngài được Chúa Cha sai đến trần gian để làm chứng cho sự thật, nghĩa là Ngài làm chứng cho Thiên Chúa, làm chứng cho Nước Trời. Đức Giêsu là hiện thân của Thiên Chúa. Vương Quốc của Chúa Giêsu, chính Ngài đã thiết lập trong cuộc khổ nạn, Ngài chịu chết theo ý của Chúa Cha để cứu độ nhân loại :” …Còn Ta, khi Ta được nâng lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta” ( Ga 12, 32 ). Điều khác lạ xem ra hết sức nghịch lý ở chỗ; chính trong sự đau khổ, Chúa Giêsu xưng mình là Vua, và khi Ngài bị treo lên thập giá, Ngài mới chứng tỏ thật mình là Vua. Chúa Giêsu là Vua nhân từ, hiền hậu, Vua tôi tớ, Vua thí mạng sống để cho muôn dân được sống. Thật ra nếu có nghịch lý là nghịch lý đối với Philatô, đối với người Do Thái, đối chúng ta khi mọi người có ý nghĩ theo ý người đời, theo cái nhìn xác thịt của con người. Đối với Chúa Giêsu đó là một việc làm hoàn toàn ý thức, hoàn toàn tự hiến theo ý Thiên Chúa Cha. Ngài vâng phục tới cùng, vâng phục Cha Ngài cho tới chấp nhận cái chết trên thập giá. Suốt cuộc thẩm vấn, Philatô biết Chúa Giêsu vô tội ( Ga 18, 38 ) và muốn tìm cách tha bổng Chúa Giêsu ( Ga 19, 12 ). Nhưng Philatô tỏ ra hèn nhát, ông sợ áp lực của người Do Thái, ông sợ mất chức, mất quyền. Do đó, ông để mặc cho Chúa Giêsu bị án tử hình dù rằng Ngài hoàn toàn vô tội. Ông vẫn cho treo bản án:” Giêsu Nagiarét, Vua dân Do Thái”.

Nuớc Chúa không thuộc trần gian nhưng vẫn hiện diện giữa trần gian. Người Kitô hữu thuộc về Vương Quốc tình yêu, lấy chân lý, yêu thương, hiệp nhất, hòa bình làm nền tảng. Vương Quốc của Chúa qui tụ mọi con dân sống tình huynh đệ bác ái và Vua Giêsu đến để phục vụ, chứ không để được phục vụ. Liệu người Kitô hữu có can đảm làm chứng cho Vương Quốc tình yêu của Chúa Giêsu không ?

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn biết chiêm ngưỡng Chúa trong tư cách là Vua hiền lành, khiêm nhượng, Vua phục vụ, Vua tôi tớ. Amen.

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B