CÁCH MẠNG VĨ ĐẠI
Chúa Nhật 34B
Kitô Vua
Đn 7:13-14
Ga 18:33b-37
Kh 1:5-8
Sự thật chiếm một địa vị độc tôn trong cuộc sống con người. Chính nhờ sự thật, con người được giải thoát
khỏi tất cả những khổ đau và ngu dốt.
Không tôn trọng sự thật, đó là nguyên nhân sinh ra bao nhiêu chết chóc và
áp bức. Cuộc đời là một hành trình đi
tìm sự thật. Thất bại trong hành trình
này sẽ dẫn tới thảm họa cho cá nhân và xã hội.
Đã đến lúc nhân loại phải nhìn nhận Đức Giêsu là sự thật (Ga 14:6). Có thế, nhân loại mới thực sự được tự do và
bình an.
LÀM CHỨNG CHO SỰ THẬT
Bình an là đặc điểm trổi bật nhất trong Nước Chúa. Nhưng bình an chỉ tìm được trong chân lý. Một thứ bình an xây dựng trên sự giả tạo không
thể bền vững. Chính vì vậy, Đức Giêsu xác
quyết về sứ mạng đời mình : “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này
: làm chứng cho chân lý” (Ga 18:37). Chắc
chắn Philatô phải kinh ngạc trước những lời quả quyết về một vương quốc siêu trần
thế. Đức Giêsu vẫn khẳng quyết có một vương
quốc chân lý dưới quyền cai trị của Người : “Nước tôi không thuộc về thế gian này,”
(Ga 18:36) nhưng thuộc thiên giới, nơi Thiên Chúa Cha đang thống trị bằng sức mạnh
tình yêu và chân lý. Người đến mạc khải
tất cả sự thật về tình yêu kỳ diệu ấy như một sức mạnh cứu độ con người.
Lời quả quyết đó vượt ngoài tầm hiểu biết của những người chỉ
quan tâm tới lãnh vực trần giới. Khi
Philatô hỏi: “Ông đã làm gì ?”, Đức Giêsu đã khẳng quyết : “Làm chứng cho chân
lý.” Đức Giêsu đã xác định được hướng đi
và mục đích cuộc đời mình một cách dứt khoát và rõ ràng. Như thế tất cả ý nghĩa và giá trị cuộc đời Người
đều xoay quanh lời chứng đó. Lời chứng đó
phải vô cùng mạnh mẽ mới có sức thuyết phục người ta nhận ra dung nhan vô hình
của Thiên Chúa Cha. Chính vì vậy, Người
đã phải chết để làm chứng cho chân lý.
Người đã tự xưng : “Chính Thày là con đường, là sự thật và là sự sống”
(Ga 14:6). Như vậy Đức Giêsu vừa là sự
thật vừa là người làm chứng cho sự thật.
Nhưng Người không độc diễn trong lời chứng này. Quả thực, Người khẳng quyết : “Tôi làm chứng
cho chính mình, và Chúa Cha là Đấng đã sai tôi cũng làm chứng cho tôi.” (Ga
8:18) Cả người Do thái lẫn Philatô đều điếc
trước những lời Người khẳng quyết về chứng từ và chân lý.
Tất cả lời chứng và sự thật về lòng nhân hậu của Thiên Chúa đã
được mạc khải trên thập giá. Người “đã
lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, làm cho chúng ta trở thành vương quốc và
hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người.” (Kh 1:5-6) Vương quốc của Người gồm những người biết lắng
nghe sự thật. Thật vậy, Đức Giêsu nói :
“Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.” (Ga 18:37) Khi đóng đinh Người vào thập giá, người Do
thái đã vô tình xác định mình “không đứng về phía sự thật,” nghĩa là không thuộc
về vương quốc của Người. Sự thật đã
chia đôi ánh sáng và bóng tối. Đó là bi
kịch cuộc đời.
Những ai đón nhận chân
lý, họ sẽ có một sức mạnh lớn lao. Chính Đức Giêsu đã nói đến sức mạnh nơi con
người đón nhận chân lý : “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù
anh em có bảo núi này : ‘Rời khỏi đây qua bên kia !’ nó cũng sẽ qua, và chẳng có
gì mà anh em không làm được.” (Mt 17:20)
Sức mạnh đó bắt nguồn từ Đức Giêsu.
Vì sau khi Phục sinh, Người đã được Chúa Cha “trao cho Người quyền thống
trị, vinh quang và vương vị ; muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ
đều phải phụng sự Người.” (Dn 7:14) Quyền
bính Người bao trùm toàn thể vũ trụ. Mọi
quyền bính trần thế đều giới hạn và sẽ chấm dứt với thời gian. Trái lại, “quyền thống trị của Người là quyền
vĩnh cửu, không bao giờ mai một ; vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong.”
(Dn 7:14) Thế nên ai thuộc về vương quốc
Người sẽ tồn tại muôn đời. Ai tin vào
Người sẽ được chân lý giải thoát và dẫn đưa vào miền chan hòa ánh sáng và sự sống. Vì “vương quyền cánh chung do Đức Giêsu khai
mạc ở trần gian sẽ được thực hiện nhờ thái độ đón nhận sự thật.” (TKTƯ
1995:476)
ĐỐI THOẠI : CON ĐƯỜNG ĐI TỚI SỰ THẬT
Sau công đồng Vatican II, Giáo Hội đã mở ra con đường đối thoại
với thế giới. Con đường đó đã được thử
lửa với thời gian và đã đem lại những kết quả rất tốt đẹp trên đường tìm về chân
lý. Đặc biệt tại miền đất đa văn hóa và
đa tôn giáo nhất thế giới như Á châu, không đối thoại, không thể tìm ra sự thật. Lý do vì theo Công đồng Vatican II, ánh sáng
Thánh Linh cũng chiếu soi vào các nền văn hóa và tôn giáo cao đẹp đó. Từ chối hay lười biếng đối thoại là phủ nhận
ánh sáng đó và không tôn trọng con người.
Hơn nữa nơi nào có Thánh Linh, nơi đó có Đức Kitô. Bởi đó, không đối thoại không thể biết được
sự thật là Đức Giêsu Kitô.
Công cuộc truyền giáo tại Á châu gặp bế tắc và trì trệ vì Giáo
Hội tại Á châu không quan tâm đến vấn đề đối thoại. Bởi vậy Liên Hiệp Hội Đồng Giám Mục Á Châu mới
sực tỉnh trước đòi hỏi khẩn cấp của Giáo Hội Á châu : “Đối thoại là con đường mới
để Giáo Hội hiện hữu tại Á Châu.” Đối
thoại là một nhu cầu bức thiết của Giáo Hội.
Nhìn lại quá trình lịch sử truyền giáo tại Á châu và Việt Nam, chúng ta
thấy biết bao ngộ nhận và thiếu hiểu biết giữa các tôn giáo và văn hóa. Nhưng muốn tồn tại và phát triển, Giáo Hội
phải đấm ngực mình trước hết. “Toàn thể
cộng đồng Công giáo phải thành thật xét mình, phải can đảm hòa giải và tiếp tục
dấn thân đối thoại.” (Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu, số 24) Phải đối thoại mới có thể Phúc Âm hóa Á Châu
và hoàn thành ơn gọi và sứ mệnh đích thực của Giáo Hội (GHTAC, số 29). Cố thủ trong pháo đài hay bốn bức tường nhà
thờ sẽ khiến Giáo Hội không thể đuổi kịp những thay đổi nhanh chóng trên thế giới
và không thể hiện hữu như bí tích cứu độ.
Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP