CHÚA NHẬT 5 THƯỜNG NIÊN, 2006

(Mác-cô 1: 29-39)

         

          Bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục nói với ta về một ngày của Chúa Giê-su trên đường rao giảng Tin Mừng.  Tại hội đường Ca-phác-na-um dân chúng đã nhận ra cung cách rao giảng của Chúa Giê-su và quyền năng Thiên Chúa ở nơi Người.  Tuy nhiên, rao giảng Tin Mừng không chỉ đóng khung trong hội đường hay nhà thờ, mà phải được thực hiện ở ngay những môi trường sống hằng ngày của ta.  Do đó, phần thứ hai của đoạn Tin Mừng về một ngày hoạt động của Chúa Giê-su cho ta hình ảnh một Chúa Giê-su bận rộn không ngừng.  Nhưng không phải vì bận rộn như thế mà đời sống của Người mất thăng bằng.  Trái lại ta gặp thấy ở đó sự nhịp nhàng hòa điệu giữa hoạt động và cầu nguyện, một đề tài sống động để ta suy gẫm và đem áp dụng vào cuộc sống hằng ngày của ta.

 

a)  Từ hội đường đến nhà hai ông Si-mon và An-rê

 

          Rao giảng trong hội đường là công việc ưu tiên của Chúa Giê-su (1:39), vì hội đường là nơi thuận tiện nhất.  Nơi ấy, dân chúng tề tựu đông đủ và bầu khí trang nghiêm, thích hợp cho việc giảng dạy.  Thánh sử Lu-ca đã cho ta biết sinh hoạt một buổi giảng dạy của Chúa trong hội đường diễn tiến như thế nào (Lc 4:16-21).  Trước hết Người tuyên đọc Sách Thánh, rồi ngồi xuống và bắt đầu nói về đoạn Sách Thánh ấy.  Từ miệng Người thốt ra toàn những “lời hay ý đẹp” khiến cho mọi người say sưa lắng nghe và tán thành.

          Tuy nhiên hội đường không chỉ là nơi độc nhất để rao giảng Tin Mừng.  Tin Mừng phải vượt qua khuôn viên hội đường để được đem tới “nơi khác, đến các làng xã chung quanh...  khắp miền Ga-li-lê” và tới tận cùng trái đất.  Chắc không phải vô tình mà thánh Mác-cô ghi lại việc Chúa Giê-su đến nhà hai ông Si-mon và An-rê sau khi ra khỏi hội đường Ca-phác-na-um.  Hai ông là những người theo Chúa thi hành sứ vụ rao giảng.  Chúa tới nhà để chữa bệnh cho bà mẹ của hai ông.  Làm như vậy, Chúa muốn họ ý thức việc rao giảng Tin Mừng phải bắt đầu từ ngay chính gia đình mình.  Gia đình là cái nôi đào tạo người chiến sĩ rao giảng Tin Mừng.  Những giá trị Tin Mừng phải được học hỏi và thực hành ngay tại gia đình trước khi được giới thiệu cho người ngoài.

          Một chi tiết nữa hết sức độc đáo giúp ta xác tín rằng công việc rao giảng Tin Mừng phải khởi xướng ngay từ gia đình.  Thánh Mác-cô ghi:  “Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người.  Cả thành xúm lại trước cửa nhà”.  Nhà ông Si-mon đâu phải bệnh viện, vậy mà mọi người kéo đến đó!  Ước mong của Chúa Giê-su là nhà mỗi môn đệ của Người sẽ là địa điểm rao giảng Tin Mừng và tỏ hiện quyền năng Thiên Chúa.

          Mô thức rao giảng Tin Mừng như trên được áp dụng cho mọi tín hữu, các môn đệ hôm nay của Chúa Giê-su.  Rao giảng không phải bằng lời nói mà thôi, nhưng là bằng những hành động cụ thể như xoa dịu những đau khổ thể xác và tinh thần của anh chị em.  Thánh Phan-xi-cô dùng hình ảnh rất cụ thể để diễn tả công việc ấy.  Ngài cầu xin Chúa cho ta được trở thành “khí cụ bình an của Chúa” để thay đổi bộ mặt trần gian này.

 

b)  “Người đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó”

 

          Ngay cả việc cầu nguyện cũng không chỉ được thực hiện ở trong hội đường, nhưng ở bất cứ nơi nào dễ cho ta hướng lòng lên với Chúa.  Chúa Giê-su đã mở ra một chân trời mới cho việc cầu nguyện, biến việc cầu nguyện trở thành một phần cốt yếu của cuộc sống không thể thiếu vắng được.  Trước đây người ta giới hạn việc cầu nguyện trong Đền Thờ hay những nơi đặc biệt nào đó.  Cầu nguyện cũng bị đóng khung trong một thời biểu nhất định, thí dụ mỗi năm một vài lần trong những dịp lễ lạc tại Đền Thờ Giê-ru-sa-lem hay ngày sa-bát trong hội đường.  Nay Chúa Giê-su đưa cầu nguyện vào thời biểu hằng ngày cuộc sống của ta.

          Nhìn lại ngày sống của Chúa Giê-su, ta nhận thấy Người quá bận rộn.  Thánh Mác-cô diễn tả sự dồn dập công việc của Chúa Giê-su:  Vừa ra khỏi hội đường..., lập tức họ nói cho Người biết...”  Ta có cảm tưởng lúc nào Chúa cũng ở trong tư thế sẵn sàng, và như vậy làm gì còn thì giờ để cầu nguyện.  Nhưng Chúa có cách sắp xếp của Người.  Người đã sử dụng một khoảng thời gian khá dài dành cho việc cầu nguyện, từ lúc “sáng sớm khi trời còn tối mịt” cho tới khi các môn đệ tìm được Người.  Người biết phải làm thế nào cho quân bình giữa hoạt động và cầu nguyện.  Hoạt động truyền giáo thật là tốt.  Nhưng nhiều khi hăng say hoạt động cũng trở thành một cái bẫy.  Nó làm cho ta tưởng mình ngon lành và dần dần quên đi mục đích của hoạt động và quên đi chỗ đứng của Chúa.  Thay vì để làm cho danh Cha được rạng sáng hơn, thì lại để cho danh “con” được nổi như cồn.  Thay vì ý thức kết quả những hoạt động của ta là do Chúa Thánh Thần, thì lại vỗ ngực “đấy, tôi làm điều này, tôi làm điều kia”, hoặc thay vì tạ ơn Chúa thì mình lại hậm hực vì chẳng ai cho mình một lời khen thưởng.

          Nếu khiêm nhượng nhận ra được tình trạng ấy, là ta biết mình đã mất quân bình giữa hoạt động và cầu nguyện rồi.  Trong cầu nguyện, ta múc lấy sức mạnh và ý chí để hoạt động.  Đang khi hoạt động, ta cầu nguyện để luôn nhìn rõ được mục đích của hoạt động.  Sau khi hoạt động và trở về với cầu nguyện, ta nhận ra được ơn Chúa đã ẩn tàng và tác động qua những hoạt động của ta, nhờ đó ta biết cảm tạ Chúa.  Chúa Giê-su cũng đi qua tất cả những năng động ấy khi Người cầu nguyện, để cho cuộc sống Người càng trở nên sinh động hơn.  Rao giảng Tin Mừng là hoạt động, nhưng là hoạt động lấy cầu nguyện làm sức mạnh và nguyên lý cân bằng.  Có lẽ đây là điểm người Ki-tô hữu cần phải nghiêm túc suy nghĩ.  Ta có quá nhiều lý do để thoái thác cầu nguyện, nhất là những lý do xem ra hết sức thực tế và hữu lý trăm phần trăm.  Thí dụ tôi bận làm việc, không có giờ cầu nguyện, thậm chí không có thì giờ tham dự Thánh lễ Chúa Nhật nữa!  Ta cứ tưởng những “lý do chính đáng” ấy có thể thay thế việc cầu nguyện để làm cho cuộc sống được thăng bằng.  Làm sao mà thay thế được!  Làm sao chúng giúp ta sống mối quan hệ với Chúa được!  Đọc lại ngày sống của Chúa Giê-su, ta nghĩ cứ điệu này chẳng bao lâu Người sẽ “burnout”, kiệt sức.  Nhưng trái lại, cầu nguyện làm cho Chúa tăng sinh lực.  Người nói với các môn đệ khi họ tìm thấy Người:  “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa”.

 

c)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

          Tôi thử mô tả một ngày sống của tôi gồm những gì?  Bận rộn công việc và bận rộn cầu nguyện?  Hay chỉ bận rộn công việc thôi nên mất sự quân bình?

          Phác họa việc rao giảng Tin Mừng, tôi thấy tôi có thể làm những gì?  Bắt đầu ở đâu?  Gia đình?  Sở làm?

          Các môn đệ thưa với Chúa:  “Mọi người đang tìm Thầy đấy!”  Tôi có ở trong số những người ấy không?  Gặp Người, tôi sẽ xin Người dạy tôi những gì về việc cầu nguyện?

 

Cầu nguyện

 

          “Khi bị bao vây bởi muôn tiếng ồn ào,

          xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng.

          Khi bị rã rời vì trăm công ngàn việc,

          xin cho con quý chuộng những lúc

          được an nghỉ trước nhan Chúa.

          Khi bị xao động bởi những bận tâm và âu lo,

          xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa

          để nghe lời Người.

          Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng,

          xin cho con thoát được lên cao

          nhờ mang đôi cánh thần kỳ của sự cầu nguyện.

          Lạy Chúa,

          ước gì tinh thần cầu nguyện

          thấm nhuần vào cả đời con.

          Nhờ cầu nguyện,

          xin cho con gặp được con người thật của con

          và khuôn mặt thật của Chúa.”

                             (Trích RABBOUNI, lời nguyện 21)

         

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B