CHÚA NHẬT 7 THƯỜNG NIÊN

(Mác-cô 2: 1-12)

 

          Chúa Giê-su rao giảng Tin Mừng và làm phép lạ là để tỏ ra cho ta biết lòng thương vô biên của Thiên Chúa.  Tuy nhiên, bên cạnh những người khiêm nhượng và vui mừng đón nhận tình yêu ấy, lại có một số người không những chẳng muốn tiếp nhận mà còn đối đầu và ngăn chặn không cho người khác đến lãnh nhận những ơn lành của tình yêu Thiên Chúa, chỉ vì họ muốn đặt sự câu nệ lề luật lên trên cả tình yêu ấy.  Ta nhận thấy có một cuộc xung đột giữa tình yêu Thiên Chúa và sự hẹp hòi ích kỷ của một số người đáng lẽ phải cổ võ người khác nhìn nhận tình thương bao la ấy:  một phía là Chúa Giê-su, tình yêu Thiên Chúa nhập thể và một phía là nhóm lãnh đạo Ít-ra-en.  Tin Mừng Mác-cô đã trình bày cuộc xung đột này dưới hình thức năm cuộc tranh luận giữa Chúa Giê-su và các nhà lãnh đạo Ít-ra-en.  Bài Tin Mừng hôm nay kể lại cuộc tranh luận thứ nhất về vấn đề quyền bính của Chúa Giê-su.

 

a)  “Hay tin Người ở nhà, người ta tụ tập lại, đông đến nỗi không còn chỗ nữa”

 

          Thánh Mác-cô cho ta một hậu cảnh thật ý nghĩa cho những cuộc tranh luận giữa Chúa Giê-su với những người Pha-ri-sêu và kinh sư.  Đó là khung cảnh dân chúng tụ tập chung quanh Chúa Giê-su, Đấng tỏ ra cho họ biết tình yêu Thiên Chúa.  Người ta náo nức muốn được nhận biết Thiên Chúa đã đặc biệt thương yêu họ như thế nào.  Họ tìm đủ mọi cách để đến gần Chúa Giê-su.  Trái với cảnh tấp nập và phấn khởi trong cuộc gặp gỡ với Đấng cứu độ là cảnh mấy ông “kinh sư đang ngồi đó”.  Họ ngồi đó, tách biệt với mọi người, chắc chắn với thái độ khinh thường Chúa Giê-su và đám dân chúng, vì nếu không thì họ đã hòa nhập với dân chúng rồi.

          Chúa Giê-su làm gì có nhà, vậy mà thánh Mác-cô lại viết Người ở nhà.  Đúng vậy, Con Thiên Chúa đã bỏ triều thần thiên quốc để đến ở với ta và nhận trái đất này làm nhà của Người (Ga 1:14).  “Người ở nhà” là hình ảnh nói lên sự kiện tình yêu Thiên Chúa đã làm người và hiện diện giữa chúng ta.  Đáp lại lời mời gọi của Thánh Vịnh, “Hãy đến mà xem cho biết Thiên Chúa tốt lành như thế nào”, người người kéo đến trước mặt Chúa Giê-su, đến nỗi không còn chỗ nữa.  Họ muốn biểu dương lòng tin của họ vào tình thương Thiên Chúa và Chúa Giê-su chứng thực cho lòng tin này (Mc 2:5).  Chính lòng tin đã giúp họ nảy ra sáng kiến “dỡ mái nhà, ngay trên chỗ Người ngồi, làm thành một lỗ hổng, rồi thả người bại liệt nằm trên chõng xuống”.

          Người bại liệt cũng là một hình ảnh giàu ý nghĩa.  Hình ảnh bại liệt không chỉ nói lên tình trạng cơ thể bất lực của một người, nhưng là tình trạng một nhân loại hoàn toàn mất hết khả năng để đến với Thiên Chúa.  Tội tổ tông và tiếp đó là các tội cá nhân cũng như xã hội đã tiêu hủy khả năng của con người muốn đến với Thiên Chúa.  Hoặc nói theo tư tưởng thần học, con người đã mất đi “quyền đứng thẳng” (jus-stare, justification) trước mặt Thiên Chúa.  Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa, xuống thế gian với sứ mệnh phục hồi cho con người khả năng đến với Thiên Chúa.  Người lãnh nhận từ nơi Chúa Thánh Thần quyền bính để chiến thắng tội lỗi (Ga 20:22-23).  Tất cả những hậu quả tội lỗi di hại cho con người sẽ được xóa bỏ, nghĩa là con người lại được quyền làm con Thiên Chúa và được sự sống đời đời.  Giờ đây, người bại liệt được đem đến với Chúa Giê-su để Người phục hồi khả năng di chuyển chính là hình ảnh của nhân loại cần đến quyền năng chữa lành của Chúa Giê-su:  “Này con, con đã được tha tội rồi”.  Hiểu sứ mệnh của Chúa Giê-su như thế, ta sẽ không dám hạch hỏi như mấy ông kinh sư trong câu truyện Tin Mừng:  “Ông ta nói phạm thượng!  Ngoài một mình Thiên Chúa ra, ai có quyền tha tội?”

 

b)  Quyền bính của tình yêu Thiên Chúa

 

          Thánh Mác-cô đã mở đầu câu truyện với hình ảnh dân chúng tụ tập đông đảo chung quanh Chúa Giê-su.  Ngoại trừ mấy ông kinh sư, không ai trong họ đã đặt vấn đề quyền bính tha tội khi Chúa Giê-su nói với người bại liệt:  “Này con, con đã được tha tội rồi”.  Còn Chúa Giê-su, Người không muốn nhiều lời tranh cãi về quyền bính ấy, nhưng dùng hành động cụ thể để chứng minh Người có quyền tha tội.  Người nói với người bại liệt:  “Ta truyền cho con:  hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà!”  Người bại liệt được chữa lành và làm theo lời Chúa Giê-su truyền.  Một lần nữa, ta lại gặp thấy sự yên lặng khó chịu của các kinh sư.  Họ vẫn không muốn nhìn nhận quyền bính ấy, trong khi dân chúng thì “ai nấy đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa”.

          Đối với Chúa Giê-su, quyền bính luôn luôn là dụng cụ để phục vụ chứ không phải để bá chủ hay áp đặt (Mc 10:42).  Mặc dù là Con Người, Đấng sẽ ngự đến trong mây trời để phán xét nhân loại ngày cánh chung, Chúa Giê-su chỉ sử dụng quyền bính để tha thứ và hòa giải con người với Thiên Chúa.  Người đã nhiều lần khẳng định về sứ mệnh của Người là “đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức” (Lc 4:18).  Người được sai đến để gọi và cứu những người tội lỗi (Mt 9:13).

          Trái lại, đối với các nhà lãnh đạo tôn giáo Do-thái, họ lấy quyền bính để áp đặt, chất gánh nặng lề luật lên vai người khác.  Con người đã bị tội lỗi làm bại liệt, mà họ còn làm cho tình trạng bại liệt của người khác tệ hại hơn.  Khi quyền bính không phát xuất từ trái tim mà chỉ là sản phẩm của đầu óc, thì quyền bính sẽ trói buộc và làm mất tự do thay vì giải phóng con người.

 

c)  “Này con, con đã được tha tội rồi”

 

          Quả thực đây là một Tin Mừng cho nhân loại.  Với kế hoạch cứu độ được thực hiện nhờ Chúa Ki-tô, Thiên Chúa đang loại trừ dần dần quyền lực của tội lỗi.  Cuộc Tử nạn và Phục sinh của Chúa Giê-su đã hoàn toàn chiến thắng tội lỗi và phục hồi thân phận làm con Thiên Chúa cho nhân loại.  Lời truyền dạy của Chúa Giê-su “này con, con đã được tha tội rồi” là Tin Mừng cứu độ Chúa nói với từng người cũng như với toàn thể nhân loại.  Lời ấy mở ra cho ta một lối sống mới.  Không còn sống làm nô lệ cho tội lỗi nữa, nhưng là sống như những người con cái tự do của Thiên Chúa.  Không còn hãi sợ Thiên Chúa là Đấng xét xử chí công, nhưng là nhờ Thánh Thần được gọi Thiên Chúa là Áp-ba, Cha ơi.  Lối sống mới này được Chúa Thánh Thần hướng dẫn giúp cho ta sống đạo làm con thảo của Thiên Chúa.  Lối sống mới này cũng mang lại hoa trái dồi dào (Gl 5:22-23).  Giống như người bại liệt đã được tha thứ tội lỗi và đứng dậy ra đi làm một cuộc đời mới, ta cũng phải đến với Bí tích của ơn tha thứ và chỗi dậy khỏi những ràng buộc của tội lỗi để lại bắt đầu một ngày sống mới.  Đời ta là một chuỗi liên tiếp những “đứng dậy”.  Nhưng mỗi lần đứng dậy là mỗi lần ta càng gần Chúa và sống mối quan hệ thân mật với Người hơn.

 

d)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

          Những tội nào và những tật xấu nào làm cho tôi bị  “bại liệt thiêng liêng”?  Tôi đã làm cách nào để đến gần Chúa Giê-su?  Kêu xin Người?  Nếu nhờ người khác đem tôi đến với Người, thì họ là những ai hoặc những biến cố nào?

          Sau khi được tha thứ, tôi có cảm nghiệm được tự do đích thực của phận làm con Chúa không?  Hay chỉ xin ơn tha thứ để khỏi mang mặc cảm tội lỗi?  Hoặc chỉ tìm kiếm một sự bình an tâm lý?

          Bí tích Rửa tội đã cho tôi quyền làm con Thiên Chúa.  Nhưng Bí tích ấy có được tiếp tục cử hành trong cuộc sống của tôi không?  Hay tôi chỉ được rửa tội để mang nhãn hiệu người Công giáo mà thôi?

 

Cầu nguyện

 

          “Lạy Chúa Giê-su,

          xin đánh thức con.

          Xin đưa con ra khỏi cơn mê

          mà tự sức con không sao thoát ra được.

          Xin đừng ngại đánh thức con

          bằng những biến cố đôi khi mạnh mẽ,

          nhưng xin cho con thấy bàn tay Chúa nhân từ

          đang cắt tỉa con vì yêu con.

          Ước gì con được tỉnh táo

          để nhìn lại vẻ đẹp từng làm con say mê,

          những chỗ dựa mà con tưởng là tuyệt đối.

          Như ngọn đèn chầu trong nhà nguyện

          xin cho con thức luôn và sáng luôn,

          trước nhan Chúa.”

                   (Trích RABBOUNI, lời nguyện 92)

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi
17-2-2006


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B