Chúa Nhật
thứ 1 Mùa Vọng
(27-11-2005)
Chuẩn bị
ngày Chúa đến
bằng bản
tính yêu thương của ta
ĐỌC LỜI
CHÚA
· Is
63,16b-17; 64,1.3b-8: (4) Ngài đón gặp kẻ công chính vì họ sống theo đường
lối Ngài chỉ dạy. Và Ngài phẫn nộ vì tội lỗi chúng con. (5)
Tất cả chúng con đã trở nên như người nhiễm uế, mọi việc lành của chúng con
khác nào chiếc áo dơ. Tội ác chúng con đã phạm, tựa cơn gió, cuốn chúng con đi.
· 1Cr 1,3-9: (6)
Lời chứng về Đức Kitô đã ăn sâu vững chắc vào lòng trí anh em, (7)
khiến anh em không thiếu một ân huệ nào, trong lúc mong đợi ngày Đức Giêsu
Kitô, Chúa chúng ta, mặc khải vinh quang của Người.
· TIN MỪNG: Mc
13,33-37
Phải tỉnh thức và sẵn sàng
(33) «Anh
em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến. (34)
Cũng như người kia trẩy phương xa, để nhà lại, trao quyền cho các đầy
tớ của mình, chỉ định cho mỗi người một việc, và ra lệnh cho người giữ cửa phải
canh thức. (35) Vậy anh em phải canh thức, vì anh em không
biết khi nào chủ nhà đến: Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng. (36)
Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em
đang ngủ. (37) Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói
với hết thảy mọi người là: phải canh thức!»
CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
1.
Mua bảo hiểm để đề phòng
rủi ro bất ngờ có phải là khôn ngoan không? Ta có bảo hiểm cho sự sống vĩnh cửu
đời sau không? Bảo hiểm tránh rủi ro đời này có quan trọng bằng bảo hiểm tránh
rủi ro đời sau không?
2. Ngày Chúa đến cần được hiểu thế nào? Ngày ấy
có bất ngờ không? Nếu biết ngày ấy sẽ đến bất ngờ thì ta phải chuẩn bị thế nào
cho khôn ngoan?
3. Cách chuẩn bị ngày Chúa đến cách khôn ngoan nhất là gì? Có cách
chuẩn bị nào vừa thường hằng suốt cuộc đời ta,vừa lại không làm ta bị căng thẳng, hồi hộp, vì Chúa đến bất kỳ lúc
nào và cách nào thì ta vẫn luôn sẵn sàng không?
Suy tư gợi ý:
1. Sự khôn ngoan đòi hỏi phải đề phòng rủi ro đến
bất ngờ
Hiện nay, các công ty bảo hiểm làm ăn rất phát đạt,
vì càng ngày người ta càng cảm thấy cần thiết phải đề phòng những rủi ro bất
ngờ xảy đến: bệnh tật, tai nạn, chết chóc… Có bảo hiểm, khi những rủi ro xảy
đến, họ không đến nỗi bị thiệt hại vì được đền bù. Điều khiến người ta lưu tâm
và phải quyết định bảo hiểm đó là tính bất ngờ của sự rủi ro. Vì nếu người ta
biết trước hay dự đoán trước được chính xác ngày giờ xảy đến và xảy đến thế
nào, thì gần đến ngày giờ ấy, người ta mới phải chuẩn bị đề phòng. Nhưng nếu nó
xảy ra bất ngờ, và có thể xảy đến bất kỳ lúc nào, thì người ta phải luôn luôn
đề phòng, và đề phòng không ngừng. Và lỡ có lúc nào không thể chuẩn bị hay đề
phòng, thì lúc đó người ta không an tâm. Chính vì thế, người ý thức được tính
bất ngờ của những rủi ro thì tìm cách mua bảo hiểm càng sớm càng tốt, để tâm
hồn họ luôn luôn được bình an.
Những rủi ro, và thiệt hại từ rủi ro, có tính nhất
thời và có ảnh hưởng nhất thời thì con người biết lo xa, đề phòng. Nhưng thật
buồn cười và phi lý thay, những rủi ro và thiệt hại to lớn hơn vô cùng, có ảnh
hưởng vĩnh viễn, đời đời, thì rất nhiều người lại chẳng thèm quan tâm, chẳng đề
phòng hay chuẩn bị gì cả. Lý do rất đơn giản là vì họ không nghĩ đến, hay chưa
đủ tin rằng có một cuộc sống vĩnh cửu sau cái chết, và cuộc sống đó hạnh phúc
hay đau khổ tùy thuộc vào đời sống ngắn ngủi hiện tại. Họ có thể tin rằng nếu
công cuộc làm ăn mà họ đang tiến hành bị thất bại, thì họ sẽ lâm vào thế kẹt
khoảng 10 năm, vì thế họ phải cố gắng hết sức để thành công trong cuộc làm ăn
này. Nhưng họ không quan tâm bao nhiêu đến sự thành bại của cả cuộc đời họ, đến
cái hậu quả hết sức bi thảm và kéo dài vô tận nếu đời sống tâm linh của họ ở
đời này bị thất bại.
2. Tính bất ngờ của ngày Chúa đến
Điều quan trọng mà chúng ta cần phải lưu tâm đó là
tính bất ngờ của ngày Chúa đến. «Ngày Chúa đến» ở đây có thể hiểu cách
thực tế và cụ thể nhất là ngày Chúa gọi ta về với Ngài, tức ngày tận cùng
của đời ta. Nếu ngày đó được ta chuẩn bị chu đáo, thì nó không có gì
đáng sợ hay khủng khiếp đối với ta, vì đó là ngày mà ta bước vào một cuộc sống
mới vĩnh cửu đầy hạnh phúc. Nhưng nếu ngày đó không được chuẩn bị tốt đẹp nên
chúng ta phải ra trước tòa Chúa với một tình trạng tội lỗi, nghĩa là tâm hồn
thiếu vắng tình yêu, đầy tính vị kỷ, thì ngày ấy đến với ta có thể sẽ rất khủng
khiếp. Vì ta hoàn toàn chưa sẵn sàng để đối diện với sự phán xét công thẳng của
Ngài. Ngày Chúa đến cũng có thể hiểu theo nghĩa lớn rộng hơn, là ngày tận
cùng của toàn nhân loại, ngày Đức Giêsu trở lại để phán xét toàn nhân loại.
Dù hiểu theo nghĩa nào, ngày Chúa đến vẫn là ngày
bất ngờ: bất ngờ chẳng những về thời gian mà còn về cách thức nữa. Người ta
chẳng những không ai biết được mình sẽ chết ngày nào giờ nào, mà ngay cả chết
cách nào cũng không ai chắc chắn được. Người chết trên giường bệnh, kẻ chết
ngoài đường vì tai nạn xe cộ, người chết khi đang làm việc, kẻ chết khi đang
nghỉ ngơi, người chết trong tình trạng sẵn sàng ra đi, kẻ chết không nhắm mắt
vì còn tiếc nuối một điều gì, người chết trong hy vọng một số phận vĩnh cửu tốt
đẹp, kẻ chết trong lo sợ vì không biết số phận đời sau mình ra sao… Và cũng
chẳng ai biết được ngày Chúa đến phán xét toàn nhân loại sẽ xảy ra thế nào, rất
có thể khác hẳn với những gì người ta dự kiến.
Kinh nghiệm khi Đức Giêsu đến lần thứ nhất cho
thấy: mặc dù đã được các ngôn sứ tiên báo từ mấy trăm năm trước, nhưng khi Ngài
đến thì chẳng mấy ai biết, vì họ không ngờ được Ngài lại đến theo cách ấy, hoàn
toàn ngoài dự kiến của họ. Giới lãnh đạo tôn giáo thời ấy có ngờ trước được
rằng chính họ lại là chủ mưu trong việc xúc phạm và giết chết Ngài bao giờ đâu?
Họ luôn nghĩ rằng họ là người công chính nên ai phản đối họ, lên án họ thì đều
là kẻ phá hoại tôn giáo và đáng giết chết! Thế mà Đức Giêsu lại là người phản
đối và lên án họ nặng nề nhất! Vì cố chấp vào thành kiến của mình, nên con
người thường không học được những bài học từ kinh nghiệm lịch sử!
Chính vì tính bất ngờ của cái chết mà người khôn
ngoan luôn luôn phải chuẩn bị sẵn sàng để có thể ra trước tòa Chúa bất kỳ lúc
nào, dẫu Ngài đến dưới bất kỳ hình thức nào thường là không ngờ trước được!
Phải chuẩn bị cách nào để bất kỳ lúc nào Chúa gọi, ta cũng ở trong tình trạng
đẹp lòng Thiên Chúa, nghĩa là tâm hồn ta luôn tràn ngập tình yêu đối với Thiên
Chúa và tha nhân. Chuẩn bị như thế chính là sống thái độ «tỉnh thức» mà
Đức Giêsu đề nghị trong bài Tin Mừng này.
3. Tỉnh thức nhưng lại phải hoàn toàn an tâm
Nếu chúng ta sống trong tâm trạng hồi hộp, lo âu
đón chờ Chúa đến, thì đó không phải là cách tỉnh thức mà Đức Giêsu muốn chúng
ta có. Tâm trạng hồi hộp, âu lo, sợ sệt là điều bất lợi cho tâm lý và thần kinh
của ta. Ngài muốn ta tỉnh thức nhưng đồng thời lại hoàn toàn an tâm, không phải
lo âu hồi hộp chút nào. Ngài muốn ta chuẩn bị trong tâm trạng bình an, vui
tươi, thoải mái và hạnh phúc. Muốn chuẩn bị thế, ta cần củng cố tình yêu
trong lòng chúng ta.
Một người sống trong tâm trạng yêu thương – yêu
Thiên Chúa và thương mọi người – chắc chắn là một người đẹp lòng Thiên Chúa.
Nếu yêu thương đã trở thành bản tính của ta, thì ta không thể sống mà không yêu
thương. Dù yêu thương là tình trạng tâm hồn hay được thể hiện thành hành động,
nếu yêu thương đã trở thành bản tính của ta, thì ta không thể làm bất kỳ việc
gì mà không phải do yêu thương. Biến yêu thương trở thành bản tính của ta, đó
là chuẩn bị ngày Chúa đến cách tốt nhất, hoàn hảo nhất. Lúc ấy yêu thương không
còn là một hành động nhất thời khi thì có lúc thì không, mà là bản tính hay tâm
trạng thường hằng của ta. Tất cả mọi hơi thở, mọi cử động, mọi tư tưởng, lời
nói và việc làm của ta, dù là vô tình hay hữu ý, đều thấm nhuần tình thương.
Tình thương phải là phản xạ tự nhiên trong tất cả mọi sinh hoạt của đời sống
ta. Người có bản tính yêu thương thì nói lời yêu thương hay hành động yêu
thương còn dễ dàng hơn là nói lời khó nghe hay hành động vị kỷ.
Muốn có được bản tính yêu thương như thế, trước
tiên ta phải giác ngộ thâm sâu rằng tha nhân chính là bản thân nối dài của ta,
hay nói cách khác, tha nhân chính là «cái tôi khác» của ta. Bất cứ điều
gì ta làm cho tha nhân cũng là làm cho chính ta, và cũng là làm cho chính Thiên
Chúa. Bất kỳ điều tốt đẹp nào ta làm cho tha nhân thì sự tốt đẹp ấy cũng trở về
với chính ta. Và bất kỳ điều xấu ác nào ta làm cho tha nhân thì sự xấu ác ấy
sớm muộn gì cũng trở về với chính ta. Vì toàn thể nhân loại chỉ là một «cái
tôi» hay một thân thể duy nhất, trong đó Đức Giêsu là đầu, còn tất cả mọi
người đều là chi thể (x. 1Cr 12,12-26). Cái tay mà làm cho con mắt bị mù, thì
rồi cái tay sẽ bị mất hẳn năng lực của mình, chẳng còn làm được nhiều việc như
xưa nữa.
Giác ngộ được như thế rồi, ta còn phải luyện tập để
sống phù hợp với sự giác ngộ ấy. Lâu dần, sự luyện tập trở thành thói quen, và
thói quen được duy trì sẽ trở thành bản tính. Bản tính sẽ chi phối toàn bộ con
người ta, từ quan niệm, tư tưởng, đến lời nói và hành động. Một người có bản
tính là yêu thương như thế thì trở nên giống Thiên Chúa. Đó chính là thánh
thiện, là đạo đức đúng nghĩa nhất. Và một khi ta đã đạt được bản tính yêu
thương đó, thì cả cuộc đời ta sẽ chẳng còn cần phải chuẩn bị chút nào cho ngày
Chúa đến nữa, chính bản tính yêu thương của ta là sự chuẩn bị tốt đẹp nhất, chu
đáo nhất cho cái ngày trọng đại ấy. Chuẩn bị như thế, chẳng bao giờ ta phải
sống trong hồi hộp lo âu cả. Tâm hồn ta sẽ luôn luôn bình an và hạnh phúc.
CẦU
NGUYỆN
Lạy Cha, Đức Giêsu
yêu cầu con phải tỉnh thức để khi Ngài đến thì con đã sẵn sàng trong tình trạng
tốt đẹp. Nhưng lúc nào cũng tỉnh thức thì sẽ làm con dễ mệt mỏi và căng thẳng.
Con nghĩ ra một cách tỉnh thức mà không bị mệt mỏi, đó là làm sao để bản tính
của con giống như bản tính của Cha, đó là bản tính yêu thương. Nghĩa là yêu
thương không chỉ còn là những hành động nhất thời lúc có lúc không, mà là một
tâm trạng, một thái độ thường hằng in sâu trong bản chất của con. Chuẩn bị một
lần thay cho tất cả, thì con sẽ chẳng phải sống trong tình trạng căng thẳng của
sự tỉnh thức chuẩn bị. Và đó chính là cách tỉnh thức tốt nhất. Xin Cha giúp con
chuẩn bị ngày Ngài đến theo cách ấy.
Joan Nguyễn Chính
Kết