Chúa Nhật thứ 2 Mùa Vọng
(4-12-2005)
«Hãy
sửa lối cho thẳng để Người đi!»
ĐỌC
LỜI CHÚA
· Is 40, 1-5. 9-11: (3) «Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho Đức Chúa, giữa
đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta. (4)
Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy, mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống, nơi lồi lõm sẽ
hoá thành đồng bằng, chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu. (5)
Bấy giờ vinh quang Đức Chúa sẽ tỏ hiện, và mọi người phàm sẽ cùng được thấy
rằng miệng Đức Chúa đã tuyên phán».
· 2 Pr 3, 8-14: (12) Chúa để mắt nhìn người chính trực và lắng tai nghe
tiếng họ kêu xin, nhưng Người ngoảnh mặt đi, không nhìn kẻ làm điều ác.
· TIN MỪNG: Mc 1, 1-8
Ông Gioan Tẩy Giả rao giảng
(1) Khởi đầu Tin Mừng Đức
Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa: (2) Trong sách ngôn sứ Isaia
có chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho
Con. (3) Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con
đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.
(4) Đúng theo lời đó, ông
Gioan Tẩy Giả đã xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu
phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội. (5) Mọi người từ khắp miền Giuđê và thành Giêrusalem
kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Giođan.
(6) Ông Gioan mặc áo lông lạc
đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng. (7) Ông rao giảng rằng: «Có Đấng quyền thế hơn
tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. (8) Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh
em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần».
CHIA
SẺ
Câu
hỏi gợi ý:
1. Chủ đề chính trong lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả là gì? Theo ông,
để chuẩn bị đón Chúa đến thì chủ yếu phải làm gì?
2. «Dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi»
có ý nghĩa gì? Ta phải làm gì cụ thể để thực hiện lời này?
3. Ta có cần phải «sám hối» và «chịu phép rửa» trong
đời sống cụ thể và hiện tại của ta không? Điều đó nghĩa là gì? và muốn thế phải
làm gì?
Suy
tư gợi ý:
1. Chuẩn bị đón Chúa đến đúng theo cách thức Ngài
muốn
Khi đến dọn đường cho
Chúa đến, Gioan Tẩy Giả yêu cầu dân chúng: «Hãy dọn sẵn con đường của Đức
Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi» (Mc 1,3). Như vậy, ông đã chỉ cho ta
cách chuẩn bị tâm hồn để đón Chúa đến với ta, để Ngài có thể ở ngay trong tâm
thức ta, biến đổi tâm hồn ta, ban cho ta sức mạnh và tình yêu đích thực để ta
thật sự yêu thương và sẵn sàng hy sinh cho tha nhân. Hiện nay, rất có thể ta
chưa cảm nhận được Chúa ở với ta, chưa được Chúa biến đổi thật sự nên «con
người mới» đầy thần khí, đầy tình yêu và sức mạnh. Sở dĩ như vậy là vì ta
chưa thật sự chuẩn bị đúng cách để Chúa đến với ta cùng với sức mạnh và ân sủng
của Ngài. Thử nghĩ xem, khi đón một nhân vật quan trọng đến nhà ta (chẳng hạn
một vị tổng thống, một giám mục…), không chỉ nói chuyện với ta ở phòng khách,
mà còn ăn uống nghỉ ngơi trong nhà ta, thì ta sẽ phải chuẩn bị thế nào cho phải
lẽ? Nếu ta không chuẩn bị gì cả, khách đến mà nhà cửa bệ rạc, lôi thôi, bê bối,
thì khách sẽ nghĩ thế nào? Làm sao họ có thể hết lòng giúp đỡ ta khi ta tỏ ra
không tôn trọng, quý mến, không hết lòng với họ không? Do đó, câu nói trên của
Gioan Tẩy Giả là một lời soi sáng rất cần thiết và ích lợi cho ta. Ta cần khai
triển câu nói ấy.
2. «Sửa lối cho thẳng để người đi»
Muốn đời sống tâm linh
vững vàng để có thể phát triển lên cao, điều hết sức quan trọng là tâm hồn ta
phải thật ngay thẳng. Khi làm nhà, người thợ phải xây tường và cột cho thật
thẳng đứng. Nếu chúng bị nghiêng, cong, vẹo, thì tòa nhà sẽ không vững: khi bị
chấn động, nhà có thể sập đổ. Tòa nhà tâm linh của ta chỉ có thể vững bền và
xây lên cao vút nếu nó được xây bằng tấm lòng thẳng băng, những ý tưởng ngay
chính, những tâm tình chân thật, không gian dối, quanh quéo, nhiều ẩn ý…
Tâm hồn ngay thẳng là tâm
hồn không gian dối. Lòng nghĩ thế nào thì bên ngoài lộ ra thế ấy, không giả bộ,
giả hình, đóng kịch. Tâm hồn ngay thẳng là một tâm hồn luôn tôn trọng sự công
bằng đối với mọi người, không xử bất công với tha nhân,
không để người khác thiệt thòi vì mình. Luôn luôn minh bạch và sòng phẳng về
tiền bạc, ơn nghĩa. Người nào đáng khen thì khen ngợi thành thật, không chấp
nhận nịnh nọt, bợ đỡ. Thấy người khác hơn mình thì mừng cho họ, không ganh tị,
dèm pha hay tìm cách phê bình giảm giá họ. Không chấp nhận những lợi lộc bất
chính, không mong được hưởng nhiều hơn những gì mình xứng đáng. Không chấp nhận
những phương tiện bất chính hay bất minh để đạt cho được mục đích của mình,
v.v… Người ngay thẳng làm việc gì cũng «đường đường chính chính» mà làm.
Người ta thường dùng từ ngữ «con người đàng hoàng» để chỉ những con
người ngay thẳng, công chính.
3. Để sống ngay thẳng
Một trong những động lực
quan trọng giúp ta sống ngay thẳng mà cũng có thể thúc đẩy vào những con đường
quanh co uẩn khúc là những hoài bão, tham vọng, ước muốn cá nhân của ta. Đó là
những động lực tự nhiên rất mạnh có thể thúc đẩy ta tìm
cách đạt được mục đích đang nhắm đến với bất cứ giá nào. Hoài bão, ước
muốn là điều rất tự nhiên trong lòng mỗi người. Tuy nhiên:
– Có những hoài bão hay
ước muốn cao thượng, tốt lành, vị tha, chúng là những động lực quý giá nâng cao
tâm hồn ta, thúc đẩy ta sống cao thượng, dẫn ta đi trên những con đường ngay
thẳng. Người không có những hoài bão hay ước muốn cao thượng khó vượt lên khỏi
nếp sống tầm thường của đại đa số con người. Các vị thánh, các vĩ nhân trên thế
giới đều là những người có những hoài bão lớn, những ước muốn lớn tốt đẹp, vị
tha, chúng thúc đẩy các vị vượt qua mọi trở ngại, khó khăn, yếu đuối để sống
một cuộc sống cao đẹp.
– Cũng có những hoài bão
hay ước muốn thấp hèn, vị kỷ, muốn «cái tôi» của mình được đề cao, được
vinh quang, được hơn hẳn mọi người. Khi những hoài bão hay ước muốn này mạnh
mẽ, chúng sẽ thúc đẩy ta vượt qua mọi trở ngại để đạt được mục đích bằng bất cứ
phương tiện nào, bất kể tốt xấu. Chúng có thể dẫn ta đi vào những đường lối
không ngay thẳng, và làm cho lòng ta quanh quéo, ẩn khúc.
Vì thế, muốn đi đường
ngay, muốn cho lòng của ta luôn luôn thẳng, ta phải từ bỏ những tham vọng cá
nhân, những ham muốn ích kỷ. Muốn dẹp bỏ những tham vọng cá nhân, những ham
muốn ích kỷ, muốn chúng không tự nhiên phát sinh trong lòng ta, ta phải coi
thật nhẹ chính «cái tôi» của mình và những gì thuộc về nó. Đó cũng chính
là thực hiện việc «từ bỏ chính mình» (Mt 16,24), một điều kiện quan
trọng nhất để theo Chúa mà khá nhiều người mang danh theo Chúa chẳng quan tâm
đến. Đó chính là «mang lấy ách» Đức Giêsu (x. Mt 11,29-30): hãy mang lấy
«ách» này khi tâm hồn chúng ta mỏi mệt vì những gánh nặng của tham vọng
cá nhân. Khi bỏ đi những tham vọng cá nhân, tâm hồn ta sẽ luôn luôn bình an,
nhẹ nhàng, thoải mái. Nếu biến những tham vọng cá nhân thành những hoài bão vị
tha, muốn phục vụ và đem lại hạnh phúc cho tha nhân, thì rất nhiều điều tốt đẹp
sẽ đến với ta. Lúc đó có khi ta lại đạt được những điều mà những kẻ đầy tham
vọng cá nhân có nỗ lực bao nhiêu cũng không đạt được. Lúc đó ta mới cảm nghiệm
được câu «được gấp bội ở đời này» (Lc 18,30) mà Đức Giêsu hứa cho những
ai thật sự theo Ngài.
4. Sám hối và chịu phép rửa
Sau khi Gioan yêu cầu mọi
người «sửa lối cho thẳng» để đón Chúa đến, ông hô hào họ sám hối và chịu
phép rửa. Trong bối cảnh này, sám hối là hối hận về lối sống quanh co uẩn khúc
của ta trong quá khứ để quyết tâm sống một đời sống mới chân thật, ngay thẳng.
Chịu phép rửa bằng nước chỉ là một dấu chỉ bên ngoài của một sự «lột xác»
hay «hoán cải» thật sự ở bên trong. Không có sự «hoán cải» này
thì phép rửa bên ngoài hoàn toàn vô nghĩa, không có một giá trị tâm linh nào
cả. Mọi nghi thức tôn giáo bên ngoài phải luôn luôn đi kèm với một thái độ tâm
linh bên trong thì chúng mới có giá trị trước Thiên Chúa.
«Phép rửa» hay sự
«lột xác» xảy ra trong nội tâm này phải là sự «từ bỏ chính mình»,
«chết đi “cái tôi” của mình», và thay thế nó bằng chính Thiên Chúa. Đó
phải là một «cuộc đảo chính», một «cuộc cách mạng» trong nội tâm
ta. «Cái tôi» của ta cần phải được «hạ bệ», không được coi là
quan trọng nữa, không còn làm vua cai trị mọi tư tưởng, hành vi hay ý muốn của
ta nữa, mà vị vua cai trị lòng ta phải là Đức Giêsu. Ta không còn làm theo lệnh
hay ý muốn của ta nữa, mà theo lệnh truyền và ý muốn của Ngài trong mọi giây
phút đời sống ta. Lời của Gioan phải thành hiện thực trong «vương quốc»
tâm hồn ta: «Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi
xuống cởi quai dép cho Người» (Mc 1,7). Thực hiện được như thế, ta sẽ trở
thành «con người mới» (Ep 4,24), sống theo «tinh thần mới» (Rm
7,6b). Đó chính là lãnh nhận «phép rửa trong Thánh Thần» (Mc 1,8) mà
Gioan muốn nói tới.
CẦU
NGUYỆN
Lạy Cha, Gioan Tẩy Giả đã
kêu gọi con «sửa lối cho thẳng» để đón Đức Giêsu đến trong tâm hồn con.
Nhưng con cảm thấy lòng con chưa được thẳng. Con vẫn tự hào vỗ ngực xưng mình
là người theo Đức Giêsu. Nhưng điều kiện căn bản và chính yếu nhất để theo Ngài
là «từ bỏ chính mình và vác thập giá mình mà theo» (Mt 16,24) thì con
lại chẳng thực hiện và cũng chẳng quan tâm thực hiện. Ai nói động đến con hay
động chạm đến quyền lợi con một chút là con phản ứng rất mãnh liệt. Trái lại,
tha nhân chung quanh con có bị thiệt hại, bị áp bức, bị chà đạp thì con chẳng
thèm quan tâm, chẳng hề phản ứng gì. Trong con, «danh» và «thực»
rõ ràng là trái nghịch nhau. Đó là một sự quanh quéo trong lòng con mà người
ngoài có thể thấy được khá rõ ràng. Xin giúp con thành thực với chính bản thân
mình, để cái «thực» trong con xứng hợp với cái «danh» của con. Có
như thế, con mới có thể đón nhận Đức Giêsu, Con của Cha, vào tâm hồn con cách
xứng hợp. Xin giúp con thật sự «từ bỏ chính mình» đúng với bản chất mà
một người «theo Chúa» phải có.
Joan Nguyễn Chính Kết