Chúa Nhật thứ 3 Mùa Vọng
(11-12-2005)
Làm
chứng cho Thiên Chúa
ĐỌC
LỜI CHÚA
· Is 61, 1-2a. 10-11: (1) Thần khí Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo
tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá
cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, (2) công bố năm hồng ân của
Chúa.
· 1Tx 5, 16-24: (16) Anh em hãy vui mừng luôn mãi (17) và cầu nguyện không
ngừng. (18) Hãy tạ ơn trong mọi hoàn
cảnh. Đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu. (19) Anh em đừng dập tắt Thần
Khí. (20) Chớ khinh thường ơn nói
tiên tri.
· TIN MỪNG: Ga 1, 6-8. 19-28
Lời chứng của Gioan Tẩy Giả
(6) Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan.
(7)
Ông
đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. (8) Ông không phải là ánh
sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng. (19) Và đây là lời chứng của
ông Gioan, khi người Dothái từ Giêrusalem cử một số tư tế và mấy thầy Lêvi đến
hỏi ông: «Ông
là ai?» (20) Ông tuyên bố thẳng thắn, ông tuyên bố
rằng: «Tôi không phải là Đấng Kitô». (21) Họ
lại hỏi ông: «Vậy thì thế nào? Ông có phải là ông Êlia không?»
Ông nói: «Không phải». «Ông có phải là vị ngôn sứ chăng?»
Ông đáp: «Không». (22) Họ liền nói với ông: «Thế
ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến? Ông
nói gì về chính ông?» (23) Ông nói: Tôi là tiếng người
hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ Isaia
đã nói. (24) Trong nhóm được cử đi, có mấy người thuộc phái
Pharisêu. (25) Họ hỏi ông: «Vậy tại sao ông làm phép
rửa, nếu ông không phải là Đấng Kitô, cũng không phải là ông Êlia hay vị ngôn
sứ?» (26) Ông Gioan trả lời: «Tôi đây làm phép
rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. (27)
Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người».
(28) Các việc đó đã xảy ra tại Bêtania, bên kia sông Giođan,
nơi ông Gioan làm phép rửa.
CHIA
SẺ
Câu
hỏi gợi ý:
1. Gioan đến để làm chứng. Bình thường, muốn làm chứng điều gì, thì
điều quan trọng là gì? Một người chỉ nghe ai kể lại một sự kiện, thì có thế làm
chứng cho sự kiện ấy không? Muốn làm chứng cho Thiên Chúa thì sao? Chỉ học hỏi
hay nghiên cứu về Ngài thì có thể làm chứng về Ngài không?
2. Gioan làm chứng cho ai? Ông có tìm cách dựa vào thế của Đấng mình
làm chứng để tìm vinh quang cho mình không? Ông tự xưng mình là gì?
3. Thiên Chúa hay Đức Giêsu mà ta làm chứng, là người mà ta chỉ nghe
nói tới, học hỏi và nghiên cứu, hay là một con người sống động, có quan hệ mật
thiết và cụ thể với ta, đồng thời ảnh hưởng mãnh liệt trên đời sống ta?
Suy
tư gợi ý:
Chủ đề của đoạn Tin Mừng
trên là «làm chứng cho Thiên Chúa». Gioan Tẩy Giả là một mẫu gương và là
thầy dạy chúng ta về làm chứng. Ta thử tìm hiểu cách làm chứng của Gioan để áp
dụng trong cuộc đời Kitô hữu và chứng nhân của ta.
1. «Ông đến để làm chứng và làm chứng cho ánh sáng»
Gioan Tẩy Giả sinh ra và
sống trong thế gian là để làm chứng. Trong các tòa án, người làm chứng phải là
người chứng kiến tận mắt sự việc xảy ra, và phải chịu trách nhiệm về lời chứng
của mình. Nếu lời chứng bị phát hiện là gian dối, họ phải chịu một hình phạt
của tòa án. Để lời chứng có giá trị, đôi khi người làm chứng phải thề để mọi
người tin rằng điều mình nói là sự thật. Có những người sẵn sàng chấp nhận chịu
những đau khổ khủng khiếp và cả cái chết để chứng tỏ lời chứng của mình là sự
thật. Một lời chứng như thế thật đáng tin.
Người làm chứng phải là
người có kinh nghiệm thật sự về điều mình làm chứng: hoặc thấy tận mắt sự việc,
hoặc cảm nghiệm được sự việc. Nếu mình làm chứng về một điều mình chỉ nghe nói,
nghe thuật lại, thì lời chứng của mình kém hẳn giá trị. Vì thế, để là một người
làm chứng cho Thiên Chúa, thì chính người ấy phải có kinh nghiệm đích thực về
Thiên Chúa, phải cảm nhận được tình yêu và quyền năng của Ngài trong đời sống
mình. Nếu mình chỉ học được một mớ lý thuyết thần học, chỉ nghiên cứu Kinh
Thánh hay Lời Chúa như một nhà khoa học nghiên cứu một bản văn, thì mình chưa
đủ tư cách làm chứng. Nếu mình chỉ tin Thiên Chúa cách lý thuyết, chính mình
chưa xác tín điều mình làm chứng, thì mình chẳng thể sống chết cho niềm tin ấy,
lời chứng của mình sẽ chẳng mấy giá trị. Do đó, chỉ những ai có kinh nghiệm
thật sự về Thiên Chúa mới có thể làm chứng cho Ngài một cách hợp tình hợp lý
mà thôi. Mình chưa có kinh nghiệm mà đã làm chứng, nhất là làm chứng một
cách quả quyết, thì lời chứng ấy đã vượt quá khả năng của mình. Chẳng khác gì
một người chỉ nghe nói một sự việc mà đã quả quyết 100% là sự việc ấy có thật
như thể mình chứng kiến sự việc ấy.
Gioan đến để «làm
chứng cho ánh sáng». Ánh sáng tượng trưng những gì tích cực, như chân lý,
công lý, tình thương… Ngược với ánh sáng là tối tăm. Tối tăm tượng trưng những
gì tiêu cực như gian dối, bất công, hận thù… Người của ánh sáng không thể làm
chứng cho tối tăm, cũng không thể đồng lõa với tối tăm bằng sự bất động, không
phản ứng gì trước những gian dối, bất công, hận thù… Im lặng bất động trong
những trường hợp này không phải là tư cách của một người làm chứng đích thực.
Để làm chứng, đôi khi phải chấp nhận trả giá. Không chấp nhận trả giá thì lời
chứng của mình không đáng tin. Chấp nhận trả giá càng cao, lời chứng càng giá
trị, càng đáng tin. Đức Giêsu, Gioan Tẩy Giả, các tông đồ đã chấp nhận trả giá
cho lời chứng của mình bằng cái chết. Chính vì thế, lời chứng của các ngài mới
được thế giới tin theo.
2. Tinh thần xóa mình khi làm chứng
Bài Tin Mừng nói: «Ông
không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng cho ánh sáng» (Ga 1,8).
Khi làm chứng cho ánh sáng, ông không tự đồng hóa mình với ánh sáng, không tự
nhận mình là đại diện hay biểu trưng của ánh sáng, và cũng không lợi dụng ánh
sáng để tìm vinh danh hay lợi lộc cho mình. Ông chỉ biết sứ mạng của mình là
làm chứng cho ánh sáng thôi. Khi làm chứng, người ta tưởng ông là Đấng Kitô.
Ông thành thật nói mình không phải. Người ta nghĩ ông là một ngôn sứ, nhưng ông
không tự nghĩ mình là ngôn sứ, mặc dù đời sau coi ông là ngôn sứ cuối cùng của
thời Cựu ước. Như vậy, tuy ông thực hành vai trò ngôn sứ, nhưng ông không hề tự
phong cho mình vinh dự ấy. Danh hiệu ngôn sứ là do người đời sau ban tặng cho
ông. Ông hoàn toàn xóa mình, không tự coi mình là quan trọng, là một nhân vật
cao cả. Ông chỉ tự xưng «là tiếng người hô trong hoang địa» (Ga 1,23),
một người xem ra chẳng là gì cả, chẳng mấy ai quan tâm chú ý tới. Đối với Đức
Giêsu, người mà ông làm chứng cho, ông luôn chủ trương: «Người phải lớn lên,
còn tôi phải nhỏ đi» (Ga 3,30). Người làm chứng có chịu để cho mình nhỏ đi,
thì người mình làm chứng mới lớn lên được!
Còn chúng ta, khi làm
việc cho Chúa, làm tông đồ, ta muốn được mọi người tôn vinh, ta thích tự đề cao
mình, tự phong cho mình một chức vụ quan trọng, tự xưng là đại diện cho một
nhân vật cao cả để mọi người trọng vọng ta. Ta muốn mọi người phải gọi ta bằng
danh này hiệu nọ, nếu không được thì ta buồn bực, khó chịu… Đang khi đó, có thể
ta chẳng làm chứng cho Thiên Chúa, cho ánh sáng, cho chân lý hay công lý được
bao nhiêu, là vì ta muốn mình lớn lên nên Ngài phải nhỏ đi. Trước mặt Thiên
Chúa, có khi ta chẳng hơn ai, nhưng ta muốn mọi người phải kính nể ta và dành
nhiều ưu đãi cho ta, vì ta đang làm việc cho Thiên Chúa…
3. «Có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết»
Gioan muốn làm chứng về «một
vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết» (Ga 1,26). Rất có thể chính
Đức Giêsu đang ở giữa chúng ta, trong chúng ta, bên cạnh chúng ta… mà chúng ta
không mấy khi ý thức được. Thật vậy, ít khi ta ý thức Ngài đang hiện diện trong
chính bản thân ta. Do đó, sự hiện diện của Ngài trong ta trở nên thụ động tương
tự như khi Ngài ngủ trên thuyền của các tông đồ giữa cơn phong ba bão tố (x. Mt
8,23-27). Vì thế, giữa cuộc đời bão tố, ta vẫn cảm thấy cô đơn, lo lắng, sợ
hãi, tưởng như chẳng ai sẵn sàng cứu giúp ta, chẳng ai tiếp sức mạnh cho ta,
khiến ta vẫn yếu đuối, khiếp nhược. Ta vẫn muốn chạy đến cầu khẩn, van xin một
Thiên Chúa, một Đức Giêsu ở bên ngoài ta, ở xa ta, qua trung gian một ai đó. Vì
thế, ta không nhận được sức mạnh từ một Thiên Chúa ở trong ta.
Ngoài ra, Thiên Chúa còn
hiện diện rất sống động bên cạnh ta, nơi những người đang sống quanh ta, nhưng
ta không hề nghĩ đến sự hiện diện ấy. Ta vẫn không hề cảm nhận được Thiên Chúa
đang ở nơi họ, để đối xử với họ như những hiện thân cụ thể của Ngài.
Do đó, Thiên Chúa đối với
ta dường như vẫn rất trừu tượng, vô hình, im lặng, vắng mặt, không sao cảm nhận
được! Và lời chứng của ta về Thiên Chúa vẫn là lời chứng của một người chỉ biết
Ngài cách lý thuyết, vì chỉ nghe người khác nói về Ngài. Nên lời chứng ấy không
phải là lời chứng sống động, mạnh dạn và đầy thuyết phục về một Thiên Chúa mà
đúng ra chính ta cảm nhận được cách rất cụ thể.
CẦU
NGUYỆN
Lạy Cha, nhiều khi con tự
hào là chứng nhân của Cha, của Đức Giêsu. Nhưng thật ra, con chưa có kinh
nghiệm nhiều về Cha, về Đức Giêsu. Con chỉ biết và tin cách lý thuyết, sau khi
đã học hỏi về Cha, về Đức Giêsu một vài năm. Thế là con đã cảm thấy mình có thể
làm chứng về Cha, về Đức Giêsu cho mọi người, như một nhà chuyên môn làm chứng,
hay một người làm chứng chuyên nghiệp. Nghĩ lại, nhiều khi con cảm thấy mình
hợm hĩnh quá. Xin Cha giúp con cảm nghiệm đích thực về Cha, về Đức Giêsu sống động
trong đời sống của con, để lởi chứng của con trở nên giá trị hơn, đáng tin hơn.
Joan Nguyễn Chính Kết