CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, B
(Lu-ca 1: 26-38)
Hai
khuôn mặt nổi bật trong mùa Vọng là Mẹ Ma-ri-a và thánh Gio-an Tẩy giả. Bài Tin Mừng của hai Chúa Nhật trước đã giúp
ta hiểu con người và sứ mệnh của Gio-an.
Hôm nay, câu truyện Truyền Tin không những cho chúng ta một gương mẫu
chuẩn bị đón Chúa Giê-su Cứu Thế đến trong nhân loại và trong tâm hồn ta, nhưng
hơn thế nữa, Mẹ còn là gương mẫu đem Chúa đến cho người khác. Bài Tin Mừng Truyền Tin kể lại một sự kiện
vô cùng quan trọng và khởi đầu cho việc thực hiện kế hoạch cứu độ của Thiên
Chúa, nhưng đồng thời bài Tin Mừng cũng khéo léo nêu lên một nhân đức cao trọng
của Mẹ Ma-ri-a là đức khiêm nhường. Cử
chỉ bối rối khi nghe lời chào của sứ thần và câu trả lời tuân phục của Mẹ khi
chấp nhận sứ mệnh Thiên Chúa trao là những điểm ta sẽ dùng để suy gẫm về đức
khiêm nhượng của Người.
a) “Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa
gì”
Lời
chào của sứ thần có lẽ khó hiểu đối với nhiều người, nhất là ta không quen với
những kiểu nói chỉ gặp thấy trong Kinh Thánh Cựu Ước: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”. Là người hằng ngày suy niệm và thấm nhuần Lời
Chúa, chắc chắn Đức Mẹ hiểu rõ ý nghĩa những lời này của sứ thần. Chính vì hiểu rõ ý nghĩa nên Đức Mẹ mới bối
bối và không biết sứ mệnh Chúa muốn trao cho mình là sứ mệnh gì. Mẹ không bối rối sao được khi sứ thần cho
biết Mẹ là “Đấng đầy ân sủng”, tức là người được Thiên Chúa yêu thương đặc
biệt. Đây quả thực là danh hiệu của Đức
Mẹ, người con yêu quý nhất của Thiên Chúa trong toàn thể gia đình nhân
loại. Cảm nghiệm bối rối của Mẹ đã nảy
sinh từ lòng khiêm nhượng sâu xa. Mẹ
thầm hỏi: Làm sao tôi có thể là một thụ
tạo được Thiên Chúa yêu thương nhất như vậy?
Tôi chỉ là một thiếu nữ như tất cả các thiếu nữ khác thôi, làm sao xứng
đáng với một danh hiệu như thế?
Những
lời tiếp theo của sứ thần ám chỉ về một sứ mệnh. “Đức Chúa ở cùng” là kiểu nói trong những trình thuật Cựu Ước khi
Thiên Chúa trao sứ mệnh cho một người.
Thí dụ, Thiên Chúa phán với ông Mô-sê:
“Ta sẽ ở với ngươi” khi Người trao cho ông sứ mệnh đưa dân Ít-ra-en ra
khỏi Ai-cập (Xh 3:12). Hoặc Người bảo
ông Giê-rê-mi-a: “Ta ở với ngươi để
giải thoát ngươi” khi Người trao cho ông sứ vụ làm ngôn sứ (Gr 1:8,19). Do đó, khi nghe sứ thần nói “Đức Chúa ở cùng
bà”, Mẹ hiểu ngay đây là một sứ mệnh.
Nhưng sứ mệnh ấy là gì? Đó chính
là câu hỏi để Mẹ khởi đầu hành trình đi tìm và thực thi thánh ý Thiên Chúa, như
ta thấy thánh sử Lu-ca đã ghi nhận:
“Nhưng ông bà (cha mẹ Chúa Giê-su) không hiểu lời Người vừa nói... Riêng Mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những
điều ấy trong lòng” (Lc 2:50,51b).
Đường lối của Thiên Chúa khi Người trao ban một sứ mệnh luôn đòi hỏi ta
phải liên tục đáp lại lời gọi của Người.
Ông Áp-ra-ham, ông Mô-sê và các vị ngôn sứ, ai ai cũng phải cả một đời
đáp lại lời gọi của Thiên Chúa để thi hành sứ mệnh. Người muốn ta phải quảng đại và hết lòng tin tưởng Người. Vì thế, sứ mệnh Người trao thường là chưa rõ
ràng từ ban đầu. Nhưng càng tin tưởng,
ta càng khám phá ra sứ mệnh ấy rõ hơn, càng biết tỏ Chúa muốn ta làm gì. Vì sứ mệnh là công việc của Chúa nên bao giờ
Người cũng hiện diện, tức là sẽ “ở cùng” ta.
Nếu Chúa không “ở cùng” ta, ta sẽ làm theo ý riêng mình và sẽ bỏ cuộc
khi đụng phải khó khăn.
Vậy
cảm nghiệm “bối rối” của Đức Mẹ là dấu chỉ cho ta nhận biết lòng khiêm nhượng
sâu thẳm của Người và “tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì” đánh dấu khởi đầu
hành trình Đức Mẹ thực thi thánh ý Chúa và sứ mệnh Chúa trao ban.
b) “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời
sứ thần nói”
Nếu
lời chào của sứ thần đích thực nói lên con người và sứ mệnh của Mẹ Ma-ri-a, thì
câu trả lời của Đức Mẹ là một khẳng định chân thành và khiêm tốn nhìn nhận thân
phận mình và đáp lại lời gọi của Thiên Chúa.
Ta nhận ra sự song đối tài tình giữa lời chào của sứ thần và lời thưa
của Đức Mẹ. Nhưng tuyệt diệu hơn cả
chính là tâm tình mến yêu và thái độ tôn kính của Mẹ.
Khiêm
nhượng đích thực không bao giờ chối bỏ sự thật. Lời khẳng định “vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa” được phát biểu
từ một tấm lòng khiêm nhượng giờ đây đượm nét tin yêu và tôn kính của một tạo
vật đối với Đấng Tạo Dựng, giống như đất sét trong tay thợ gốm. Đức Mẹ đã nhìn nhận thân phận đích thực của
mình trước mắt Chúa. Cho nên Mẹ mới sẵn
sàng và quảng đại lãnh nhận bất cứ sứ mệnh nào Thiên Chúa trao ban.
Có
lẽ ở đây ta học được bài học quý giá nhất từ nơi Đức Mẹ, đó là biết lãnh nhận
sứ mệnh Chúa trao. Để biết sẵn sàng
lãnh nhận một sứ mệnh, ta đừng tự ti cũng đừng tự tôn. Khiêm nhượng đích thực nghĩa là ta biết mình
là ai và là gì trước mặt Chúa. Nếu ta
tự ti là ta không tin “Chúa ở cùng ta”.
Còn nếu ta tự tôn là ta không “ở cùng Chúa”. Mẹ Ma-ri-a biết mình “là nữ tỳ của Chúa”, tức là vinh dự được làm
tôi tớ Chúa. Mẹ thâm tín Thiên Chúa “ở
cùng” Mẹ nên Mẹ không sợ hãi và xin Chúa cứ trao ban sứ mệnh.
c) Khiêm nhượng và tin yêu trong hành động
Câu
truyện Truyền Tin hé mở cho ta biết về con người và sứ mệnh của Mẹ
Ma-ri-a. Theo dõi cuộc đời của Chúa
Giê-su qua những trang sách Tin Mừng, ta cũng không biết nhiều lắm về cuộc đời
của Đức Mẹ. Ta thắc mắc tại sao một
“Đấng đầy ân sủng” hoặc “nữ tỳ của Chúa” mà lại ít được nhắc tới như vậy. Biết đâu chính Đức Mẹ đã trối lại cho con
cái Người là các thánh sử không được viết gì thêm về cá nhân Mẹ! Hoặc có thể vì muốn tôn kính lòng khiêm
nhượng của Đức Mẹ nên các ngài không muốn làm trái ý Người! Cũng như Gio-an Tẩy giả, Đức Mẹ theo cùng
một đường lối: “Chúa Giê-su phải nổi
bật lên, còn tôi phải lu mờ đi”.
Lòng
khiêm nhượng giúp ta luôn hướng về Chúa là cùng đích để ta biết mình là
ai. Ta không thể đích thực là ta nếu ta
loại Chúa ra khỏi đời mình. Bài ca
“Ngợi khen” (Magnificat) là một khuôn mẫu Đức Mẹ để lại cho ta để ta học khiêm
nhường. Bài học này Mẹ đã dạy cho Con
của Mẹ là Chúa Giê-su, để rồi đến lượt Chúa Giê-su mời gọi ta: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và
khiêm nhường” (Mt 11:29).
d) Suy nghĩ và cầu nguyện
Sứ
mệnh của tôi là gì? Có khi nào tôi đặt
câu hỏi đó không? Tại sao không? Sứ mệnh đó có cần thiết phải là những gì lớn
lao không? Hay chỉ nằm trong những bổn
phận thường ngày của tôi?
Mẹ
Ma-ri-a dạy tôi bài học nào về đức khiêm nhường? Biết tôi là ai? Biết Chúa
là Đấng nào? Biết tin kính Chúa
hơn? Can đảm và quảng đại hơn?
Tôi
đã sẵn sàng đón Chúa đến với tôi chưa?
Cũng như Mẹ Ma-ri-a, tôi có sẵn sàng đem Chúa đến cho người khác không?
Cầu nguyện
Bài ca
“Ngợi Khen” (Magnificat”
Linh hồn
tôi ngợi khen Đức Chúa,
Thần trí
tôi hớn hở vui mừng
Vì Thiên
Chúa, Đấng cứu độ tôi.
Phận nữ
tỳ hèn mọn,
Người
đoái thương nhìn tới;
Từ nay
hết mọi đời
Sẽ khen
tôi diễm phúc.
Đấng
Toàn Năng đã làm cho tôi
Biết bao
điều cao cả.
Danh Người
thật chí thánh chí tôn!
Đời nọ
tới đời kia,
Chúa
hằng thương xót những ai kính sợ Người.
Chúa giơ
tay biểu dương sức mạnh
Dẹp tan
phường lòng trí kiêu căng.
Chúa hạ
bệ những ai quyền thế,
Người
nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
Kẻ đói
nghèo, Chúa ban của đầy dư,
Người
giầu có, lại đuổi về tay trắng.
Chúa độ
trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người
Như đã
hứa cùng cha ông chúng ta.
Vì Người
nhớ lại lòng thương xót
Dành cho
tổ phụ Áp-ra-ham
Và cho
con cháu đến muôn đời.
Vinh
danh Chúa Cha và Chúa Con,
Cùng
vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa,
Tự muôn
đời và chính hiện nay
Luôn mãi
đến thiên thu vạn đại. A-men.
Lm Đaminh
Trần Đình Nhi