THỪA KẾ

Chúa Nhật B Lễ Chúa Ba Ngôi

 

Đnl 32-34.39-40

Mt 28:16-20

Rm 8:14-17

 

Sống trong một thế giới đầy thất vọng và sợ hãi, con người tìm đâu chỗ dựa vững chắc cho hiện tại và tương lai ?  Mầu nhiệm Ba Ngôi có thể mạc khải tất cả sự thật và soi sáng cho con người vượt qua bóng tối trần gian.

 

MẦU NHIỆM LỚN NHẤT

Đức Giêsu đã mạc khải về mầu nhiệm Ba Ngôi khi kêu gọi các môn đệ : làm phép rửa cho muôn dân “nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần.” (Mt 28:19)  Đây là một mầu nhiệm cao cả nhất được mạc khải rõ ràng nhất trong một công thức vắn tắt nhất.  Một chấm chót đã tóm lược toàn bộ mạc khải về Thiên Chúa.  Thiên Chúa là Mầu nhiệm Tuyệt đối đã tự mạc khải và giao tiếp với loài người nhờ Thánh Linh và qua lịch sử cứu độ.  Nhờ ân sủng, Thiên Chúa hiện diện và đi vào tận thâm cung lòng người.  Khi hiện diện trong lịch sử cứu độ, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi trở thành nhiệm cục Thiên Chúa cứu độ.   Vĩnh hằng hóa thành thời gian.  Nhờ Thánh Linh, mạc khải trở thành biến cố hiện tại.  Đức Giêsu thành hiện thực cho cuộc sống hôm nay.

Chính vì thế, Đức Giêsu mới sai các môn đệ đến với muôn dân và hứa “ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 16:20) để thực hiện công cuộc cứu độ đó.  Nhờ Thánh Linh, Người hiện diện và hành động với tất cả sức mạnh vô biên, vì “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất.” (Mt 28:18)  Với sức mạnh đó, Giáo hội có thể hoàn thành sứ mệnh cứu độ một cách vẻ vang.  Không gì có thể cản trở bước chân người môn đệ đến với muôn dân.  Vì chính Người hành động trong họ, khi họ “nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28:19) uốn nắn muôn dân “tuân giữ mọi điều Thày đã truyền.” (Mt 28:20)  Trước bao quyến dũ trần gian, Kitô hữu không dễ dứt bỏ quyền lợi mà nghe theo Lời Chúa.  Phải có sức mạnh kinh hồn mới lôi họ ra khỏi những  đam mê tầm thường và dai dẳng.  Sức mạnh đó chính là Thánh Linh. 

Nhưng như thế không có nghĩa họ phải dứt bỏ những bận tâm hằng ngày và những thăng trầm trong cuộc sống trần gian để đạt tới một tình trạng đạo đức cần thiết cho sứ mạng tông đồ, mặc dầu “Kitô hữu được kêu gọi nên thánh.  Ơn gọi này bắt nguồn từ bí tích thanh tẩy và canh tân bằng các bí tích khác, nhất là bằng bí tích Thánh Thể.” (ĐGH Gioan Phaolô II: Zenit 08/06/2003)  Sự thánh thiện tùy thuộc Kitô hữu có nhờ Thánh Linh mà sống trong Đức Kitô hay không.  Sự thánh thiện này vô cùng cần thiết cho sứ mạng cứu độ.  Lý do vì chỉ trong Đức Kitô, họ mới có thể đi vào cuộc hiệp thông thân mật với Thiên Chúa và với những ai đón nhận ơn cứu độ nhờ cái chết của Đức Kitô.  Chỉ trong cuộc hiệp thông này, người ta mới có thể tìm được một ngôn ngữ diễn tả mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa cứu độ.  Nói khác, sứ mệnh cứu độ được hoàn thành trong cuộc hiệp thông lớn lao đó.

Sứ mệnh đó nhắm tới “muôn dân”.  Chiều kích phổ quát này bao trùm mọi dân tộc và văn hóa.  Sứ mệnh đó phát xuất từ lời Thày chí thánh mời gọi: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ.” (Mt 28:19)  Phải “đi” ra khỏi nơi lối mòn và tới tứ phương thiên hạ rao giảng Tin Mừng.  Không ra khỏi lối mòn đó, không thể thấy chiều kích lớn lao của sứ mệnh cứu độ.  Thật vậy, sứ mệnh này bắt nguồn từ tương quan Ba Ngôi.  Chúa Con đã được sai đến trần gian để hòa giải nhân loại với Thiên Chúa và hiệp nhất mọi người với nhau.  Chúa Thánh Linh cũng được sai đến qui tụ các tín hữu thành một thân thể để hiệp thông và thi hành sứ mệnh cứu độ như Đức Giêsu.  Bởi đấy, Giáo hội luôn hoạt động để làm cho mọi người tham dự vào mầu nhiệm cứu độ của Đức Giêsu.  Bản chất Giáo hội là truyền giáo, nghĩa là mời gọi mọi người vào gia đình Ba Ngôi, để từ đó họ cảm nhận và sống tình yêu Thiên Chúa và chia sẻ với mọi người tình yêu huynh đệ.

Để hoàn thành sứ mệnh đó, các môn đệ phải nỗ lực “dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thày đã truyền cho anh em,” (Mt 28:20) tức là giới răn tình yêu.  Khi công bố Tin mừng, họ gieo vào lòng nhân loại hạt giống “tự do và tiến bộ … tình huynh đệ, hiệp nhất và hòa bình.” (A.G. 8)  Theo Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới 1971, “sứ mệnh dân Chúa là thăng tiến công lý trên thế giới.”  Bởi đấy, Giáo hội cổ võ và xây dựng hòa bình.

 

TIN MỪNG : MỘT GIA TÀI VÔ GIÁ

Chính Thánh Linh làm cho Tin Mừng thấm sâu vào các cơ cấu xã hội và văn hóa.  Tin Mừng trở thành sức mạnh giải thoát lớn lao cho toàn thể nhân loại.  Giáo hội góp phần đem lại tự do như một giá trị lớn nhất cho nhân loại.  Thật vậy, Kitô giáo “đã góp phần tạo nên bản chất Aâu châu.  Chỉ cần đi thăm bất cứ thành phố nào trên lục địa này, vào bất cứ bảo tàng viện nào, đọc bất cứ văn chương quốc gia nào cũng thấy” sự đóng góp của Kitô giáo trong lịch sử (Giorgio Salina : Zenit 11.06.2003).

Thực tế, người ta đang muốn loại bỏ ảnh hưởng Kitô giáo khỏi bản dự thảo Hiến pháp Âu châu.  Salina lưu ý, ngay trong lời mở đầu, bản dự thảo khẳng quyết “Hiến pháp theo tinh thần dân chủ vì quyền lực không nằm trong tay thiểu số nhưng toàn dân.” (Zenit 11.06.2003)  Thực ra họ không muốn nhắc đến Thiên Chúa, chứ không phải nguồn gốc Kitô giáo mà thôi.” (Giorgio Salina : Zenit 11.06.2003)

Ngay cả nước Pháp theo tinh thần tục hóa cũng lên tiếng phản đối việc loại bỏ Kitô giáo ra khỏi lời mở đầu bản dự thảo Hiến pháp Âu châu tương lai.  Một nhà bình luận chính trị, ông Bernard Guetta viết : “Khi bàn về nguồn gốc Kitô giáo Âu châu, tôi nhận thấy Kitô giáo bị bỏ quên.  Đó là một xỉ nhục đối với trí thông minh. Với tư cách một người vô thần kiên định, tôi cương quyết phản đối.  Không nhắc tới gia tài Kitô giáo tại Âu châu tức là chối bỏ chứng cứ lịch sử.” (Zenit 12.06.2003)   Mất gốc, Âu châu không thể đứng vững và vươn lên được. 

Muốn lấy lại bản sắc và vị thế của mình, Âu châu phải “tái khám phá và làm chứng cho mọi người thấy căn tính Kitô giáo để cổ động những giá trị làm nền tảng cho hòa bình giữa các dân tộc, công bình xã hội và tình liên đới quốc tế.  Nếu Âu châu muốn liên kết con người và các dân tộc để sống hòa hợp trong sự kính trọng sâu xa và bao dung với nhau, lục địa này phải lấy Chúa Kitô làm nguồn hứng khởi.” (ĐGH Gioan Phaolô II: Zenit 11.06.2003)  Chỉ có Đức Kitô mới là con đường dẫn đến hòa bình và tự do đích thực.  Chỉ Người mới là chân lý giải thoát và là sự sống sung mãn cho toàn thể nhân loại.  Chỉ Người mới có thể khẳng quyết cho Âu châu biết rõ “chính Đức Chúa là Thiên Chúa, chứ không có thần nào khác nữa.” (Đnl 4:39) 

Âu châu muốn xa lìa nguồn gốc Kitô giáo vì phong trào tục hóa ảnh hưởng vào toàn bộ cuộc sống.  Đây là dấu chỉ mãnh liệt về một nhu cầu phải gấp rút tái Phúc âm hóa Âu châu.  Muốn thế, cần phải thận trọng phân tích hoàn cảnh văn hóa cụ thể đã ảnh hưởng tới Âu châu như thế nào.  Hiện nay đang có một nhu cầu sâu xa đòi phải nhập thể toàn diện trong các lãnh vực thần học, linh đạo và phụng vụ.  Muốn thỏa mãn nhu cầu đó, người ta phải tôn trọng toàn bộ truyền thống Tin mừng cũng như những cách biểu lộ khác nhau của truyền thống ấy.

“Khi rao giảng Tin mừng, cử hành bí tích Thánh Thể, làm chứng tá Phúc âm, cam kết cải hóa đời sống xã hội và chính trị, Giáo hội vừa là bí tích vừa là người đầy tớ phục vụ Vương Quốc Thiên Chúa.” (The New Dictionary of Theology 1989:667)  Cần nhiều nỗ lực hơn nữa mới có thể phục hồi Aâu châu và toàn thế giới theo khuôn mẫu Vương Quốc Thiên Chúa, nơi chúng ta sẽ “đồng thừa kế với Đức Kitô” (Rm 8:17) để hưởng “sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần.” (Rm 14:17) 

 

Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B