LÊN NÚI HAY XUỐNG NÚI ?

Chúa Nhật Chúa Hiển Dung

Núi non đóng góp vào văn chương, thần thoại, khoa học nhiều công trình thật lớn lao.  Nhưng núi non cũng là nơi Thiên Chúa mạc khải nhiều chân lý về chính mình và công cuộc cứu độ con người.   Hôm nay khi trèo lên núi với các môn đệ thân tín, Đức Giêsu cũng muốn mạc khải tất cả sự thật về nguồn gốc, bản tính và sứ mệnh cao cả Người sẽ thực hiện trên trần gian.   Cuộc biến hình trên núi được coi như thần khải.   Đó là cuộc tiếp xúc giữa trời và đất, một cuộc chung sống ngắn ngủi giữa con người và Thiên Chúa, nhưng cũng đủ cho thấy tất cả sự thật về Thiên Chúa trong thân phận con người.

LÊN NÚI

Ba môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan được Chúa Giêsu yêu thương nhất lên núi chiêm ngắm vinh quang của người “Con chí ái” (2 Pr 1:17; Mc 9:7) trong một khung cảnh thân thương và huyền nhiệm nhất.   Một đêm đẹp như huyền thoại.   Một bức tranh xinh xắn vẽ nên một cảnh sắc lộng lẫy tuyệt vời.   Chỉ có bốn thầy trò.   Chỉ có thế.   Nhưng tất cả không còn trong tình trạng bình thường nữa.   “Đang lúc Người cầu nguyện,” (Lc 9:29) “Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông.” (Mc 9:2)   Các môn đệ như chìm sâu vào một cơn hôn mê, “vì các ông kinh hoàng.” (Mc 9:6)   Hầu như các ông không còn kiểm soát được lý trí, tình cảm và giác quan khi tiếp xúc với thế giới Thiên Chúa nữa. Các ông nói mà không biết mình nói gì, nhìn mà không biết mình nhìn gì.   Các ông chỉ diễn tả một cách vắn gọn : “Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy.” (Mc 9:3)   Nghĩa là các ông đã bị lóa mắt trước cảnh tượng chưa từng thấy trên trần gian.  Chứng nhân Phêrô quả quyết : “Chúng tôi đã được thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Người.” (2 Pr 1:16)   Cũng có thể các ông lạc vào một rừng màu sắc, đang ngất ngây chiêm ngưỡng dung nhan Thày Chí Thánh, vì màu trắng là màu tổng hợp mọi màu sắc.

Nhưng chính khi lý trí và giác quan bị tê liệt, các ông phải được đưa lên cao hơn để nghe một mạc khải cực kỳ quan trọng.   “Bỗng có một đám mây bao phủ các ông.   Và từ đám mây, có tiếng phán rằng : ‘Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.’” (Mc 9:7)   Các ông đã được đưa vào đám mây, nghĩa là đi sâu vào sự hiện diện của Thiên Chúa (Xh 16:10; 19:9; 24:15-16; 33:9).   Chỉ trong thế giới Thiên Chúa mới nghe được tiếng nói Thiên Chúa.   Lên núi vẫn chưa lên cao đủ, chưa thanh thoát đến mức có thể tham nhập vào lãnh vực Thiên Chúa.   Thực tế đòi các ông phải lên cao hơn núi, vào tận trong đám mây mới có thể nghe tiếng nói phán từ đám mây (Mc 9:7).   Đó là “tiếng từ Đấng tuyệt vời vinh hiển phán với Người.” (2 Pr 1:17)   Tiếng nói của Đấng tuyệt vời như thế chắc chắn phải ở một tần số rất cao.   Thính giác phàm nhân không thể bắt kịp.   Thánh Phêrô làm chứng về diễm phúc lớn lao duy nhất trong đời khi quả quyết : “Chính chúng tôi đã nghe thấy từ trời phán ra, khi chúng tôi ở trên núi thánh với Người.” (2 Pr 1:18)

Tới mức độ siêu thoát khỏi những giới hạn trần gian, các ông mới có thể nghe biết sự thật về mối tương quan sâu kín nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con.  Đúng hơn, mầu nhiệm như rót vào tận cõi lòng rộng mở của các ông.   Mối tương quan này đủ cho các môn đệ thấy Thày Chí Thánh vượt trên tất cả những suy tưởng bình thường về Thày.   Tất cả bản tính và địa vị cao cả đều được tìm thấy trong tương quan này.   Thày là Con Thiên Chúa (Mt 14:33; 16:16; Mc 15:39; Lc 1:35; Ga 1:49; 3:16; 11:4) và là chính Thiên Chúa (Ga 1:18; 20:28).   Thày đã từng “tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa.” (Ga 5:18)

 Ở địa vị cao sang như thế, Đức Giêsu chắc chắn xứng đáng được mọi người lắng nghe, vì Người là Đấng toàn chân, toàn thiện, toàn mỹ.   Chính Người cũng mạc khải về mình “là con đường, là sự thật và là sự sống.” (Ga 14:6)   Không đi theo con đường này, không thể đạt tới cứu cánh cuộc đời.   Không nghe theo sự thật này, không thể được giải thoát.   Không tiếp nối với nguồn sống này, sẽ chìm vào bóng đêm tử thần.   Thật vậy, “Thiên Chúa yêu thế gian, đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3:16)   Ngoài Đức Giêsu, không thể tìm thấy vị cứu tinh nào khác.   Chỉ nơi Người mới có “sự thật toàn vẹn” (Ga 16:13), vì Người nói tất cả những gì đã nghe biết nơi Chúa Cha (Ga 8:28) và vì lời Chúa “là thần khí và là sự sống.” (Ga 6:63)  

 Chính vì thế, cả Môsê và Eâlia cũng phải hiện ra để lắng nghe tiếng nói của Con Thiên Chúa và “đàm đạo với Đức Giêsu.” (Mc 9:4) về kế hoạch cứu độ sắp thực hiện, kế hoạch đã được Chúa Cha vạch ra từ ngàn xưa.   Sự hiện diện của hai vị đại diện Luật pháp và ngôn sứ đã chiếu sáng lên vai trò của Đức Giêsu.   Hẳn khuôn mặt của hai vị này không thể chiếu sáng như Người.   Nghĩa là, địa vị Người còn trổi vượt hơn tất cả những người cao trọng nhất trong Cựu Ước.   Đúng hơn, Người đến để kiện toàn “Luật Môsê và lời các ngôn sứ.” (Mt 5:17)    Như thế sự xuất hiện của Môsê và Eâlia bảo đảm cho chương trình cứu độ xuyên suốt từ Cựu Ước sang Tân Ước.   Aùnh sáng chói ngời cực độ nơi dung nhan Đức Giêsu cho thấy lời hứa cứu độ đã đạt tới tột điểm.

XUỐNG NÚI

Thời gian trên núi với Thày thật vắn vỏi.   Sau khi nghe tiếng phán từ đám mây, “các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giêsu với các ông mà thôi.” (Mc 9:8)   Các ông đã bị trả về thực tế để bắt đầu chứng nghiệm và thực hành những gì đã nghe hôm nay.  Từ đây các ông đã đổi cái nhìn hoàn toàn về Chúa.   Lời Chúa cũng mang một chiều kích lớn lao hơn và nặng ký hơn.  

 Một kinh nghiệm vắn vỏi nhưng rất sâu đậm trên núi đang làm xốn xang tâm trí và đảo lộn mọi cái nhìn.   Thế mà chưa xuống tới chân núi, các ông đã gặp thách đố. “Ở trên núi xuống, Đức Giêsu truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại.” (Mc 9:9)   Tâm trí các ông đang căng thẳng vì đầy ắp hình ảnh “uy phong lẫm liệt của Người” và “tiếng từ Đấng tuyệt vời vinh hiển”.   Làm sao có thể giữ kín bây giờ ?    Bình thường chắc chắn các ông không thể không chia sẻ với bạn đồng môn.   Nhưng giờ đây, các ông đã thấy tầm quan trọng của việc “vâng nghe lời Người.”    Không nghe không được, dù sự vâng lời đó có giới hạn.

 Thực ra, việc vâng lời đó còn tương đối dễ hơn nhiều so với niềm tin Phục Sinh từ cõi chết của Đức Giêsu.   Làm sao có thể dung hợp hai thực tại trái ngược trong tâm trí các ông ?    Một đàng, Thày là Con chí ái của Thiên Chúa hằng sống.   Đàng khác, Thày phải đau khổ và chết.  Thế nghĩa là gì ?  Thày lại báo trước sự kiện Phục Sinh không hề nằm trong kinh nghiệm nhân loại.   Bởi vậy, mặc dù “các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn hỏi nhau xem câu ‘từ cõi chết sống lại’ nghĩa là gì.” (Mc 9:10)   Dù không hiểu, nhưng các ông vẫn tin tuyệt đối vào Thày chí thánh.   Cuộc Phục Sinh của Đức Giêsu còn lớn lao hơn mạc khải trên núi khi Chúa Hiển Dung.   Nói khác ánh sáng Hiển Dung chỉ là bóng mờ so với ánh sáng Phục Sinh.

 Trong khi chờ đợi từng giây phút biến cố lớn lao sẽ xảy đến cho Thày, các môn đệ đã được hình ảnh trên núi Hiển Dung củng cố niềm tin.   Aùnh sáng Hiển Dung đủ soi chiếu cho các ông đi qua đêm đen cuộc tử nạn của Đức Giêsu.  Hôm nay Giáo hội không sống trong ánh sáng Hiển Dung, nhưng trong ánh sáng Phục Sinh.   Để nhìn thấy ánh sáng Hiển Dung, các tông đồ đã phải leo lên đỉnh núi.   Muốn  thấy ánh sáng Phục Sinh, bạn phải leo lên tới đâu ?    Nhưng Ánh sáng Hiển Dung không giữ các tông đồ mãi trên núi.   Ánh sáng Phục Sinh còn thúc bách bạn vào đời hơn nữa.   Bạn có sẵn sàng chưa ?

 

Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B