NGỌN LỬA TÌNH YÊU
Chúa Nhật Hiện Xuống
Xã hội hôm
nay đang mở ra đón nhận những luồng gió mới. Đối thoại là con đường dẫn tới chân
lý. Thái độ bảo thủ, cố chấp khó được chấp nhận. Có chân thành đối thoại mới thấy
được tất cả nét đẹp của chân lý nơi tha nhân. Chân lý chỉ có một, nhưng có nhiều
cách diễn tả khác nhau. Chính Thánh Linh sẽ cho thấy tất cả nét phong phú tuyệt
vời của chân lý. Nói khác, duy nhất nhưng vẫn khác biệt. Có tôn trọng nét đặc
thù mới thấy tất cả vẻ kỳ diệu của chân lý, gia tài chung của nhân loại.
THẦN CHÂN LÝ
Chân lý không
phải là sở hữu của riêng ai. Chính khi nhân danh chân lý tiêu diệt sự khác biệt
trong duy nhất, người ta đánh mất chân lý. Trong ngày lễ Ngũ tuần, khi “tràn đầy
ơn Thánh Thần” (Cv 2:4), các môn đệ Đức Giêsu đã làm nhiều người “kinh ngạc vì
ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình” (Cv 2:6). Họ đã không nghe
thấy tiếng Do thái từ miệng những người Galilê đó. Thánh Linh có thể làm cho
thính giả nghe và hiểu được tiếng Do thái dễ dàng. Nhưng Người đã không làm
chuyện đó. Sự đồng bộ trong ngôn ngữ hay văn hóa chưa chắc đã đem lại sự hiệp
nhất. Cùng nghe một sứ điệp bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau đó là nét kỳ diệu của
Thần Chân lý, “Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha” (Ga 15:26).
“Thần Khí sự
thật sẽ làm chứng về Thầy” (Ga 15:26), vì “Thầy là sự thật” (Ga 14:6). Chỉ có sự
thật mới làm chứng cho sự thật. Ai muốn làm chứng cho Thầy cũng phải “đứng về
phía sự thật” (Ga 18:37). Nếu không, họ không thể được “sự thật giải phóng” (Ga
8:32), do đó không thể có tự do, được giải thoát khỏi cuộc đời ồn ào để “nghe
tiếng” Chúa (Ga 18:37). Không nghe tiếng Chúa, làm sao nói về Chúa ? Khi được
nghe tiếng Chúa : “Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng”(Ga 15:27), người môn đệ
sung sướng biết chừng nào ! Nhưng niềm vui đó chỉ có thể trọn vẹn, khi họ trở nên
những “thần chân lý”. Thật vậy, họ phải được “thánh hiến trong sự thật” (Ga
17:17), hòa nhập hoàn toàn vào sự thật, mới có thể làm chứng cho sự thật. “Khi
nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16:13).
Sự thật toàn vẹn đó vượt quá khả năng lãnh nhận của con người, vì phát xuất tự
Thiên Chúa. Chính Thánh Linh sẽ thực hiện việc kỳ diệu đó. Cũng như Con Thiên
Chúa, Thánh Linh “sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người
nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến” (Ga
16:13). Những điều sẽ xảy đến cho người môn đệ cũng là những điều đã xảy đến
cho Thầy Chí Thánh, vì “trò không hơn Thầy” (Mt 10:24). Nói lên những điều đó
phải là những ngôn sứ, những người nói sự thật, vì “lời Cha là sự thật” (Ga
17:17).
Cũng như Thánh
Linh, khi loan báo sự thật như thế, họ làm vinh danh Thiên Chúa, đúng như lời Đức
Giêsu đã nói : “Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan
báo cho anh em” (Ga 16:14). Tự bản chất, “lời Thầy là thần khí và là sự sống”.
Nghĩa là, sự thật mạnh mẽ và uyển chuyển như chính sự sống, chứ không cứng ngắc
như xác chết. Không thể có sự thật một chiều. Trái lại, sự thật đa dạng và có
thể xuất hiện trong những hoàn cảnh và với những con người bất ngờ. Chấp nhận
chân lý trong những điều kiện cụ thể như thế đòi con người phải có một tấm lòng
mở rộng. Mở rộng để chấp nhận những con người hay não trạng khác với mình. Mở rộng
để thấy được những nét biến ảo kỳ diệu của chân lý. Đức Giêsu là chân lý, nhưng
là một chân lý đã nhập thể, chứ không còn thuần túy ở trên trời. Con đường nhập
thể của Chúa không phải là con đường một chiều. Người ta thích trải nhung trên
con đường ấy. Nhưng thiên nhiên không bao giờ có một con đường giống như thế.
Trái lại đường Chúa đến thường gai góc, gồ ghề, khúc khuỷu. Đi trên đường đó chắc
chắn sẽ đạt tới đích điểm, nhưng chắc chắn cũng trầy da tróc vẩy. Thực tế cũng
có những con đường rộng thênh thang. Có những con đường chật hẹp, tăm tối, sình
lầy. Tất cả mọi người chắc chắn không đi trên một con đường. Hướng mở rộng trăm
chiều như thế, tại sao lại cố chấp cho rằng chỉ có con đường của mình mới duy
nhất đúng ? Chính thánh Phaolô đã xác nhận : “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng
chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có
nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi
người” (1 Cr 12:4-6). Sự khác biệt làm phong phú, chứ không triệt tiêu chân lý.
Thực tế, “Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung” (1 Cr
12:7). Như thế, tiêu chuẩn duy nhất để thẩm định giá trị của sự đa dạng là “ích
chung”. Ích chung chính là hạnh phúc sau cùng của mọi người. Nhưng “ngoài Chúa ra, đâu là hạnh phúc ?”
(Tv 15:2). Thiên Chúa chính là cứu cánh mọi người đều nhắm tới. Cụ thể, “chỉ có
Đức Kitô là tất cả và ở trong mọi người” (Cl 3:11). Nói khác, Đức Kitô chính là
“ích chung”, tiêu chuẩn lượng định mọi giá trị.
KHÁC BIỆT TRONG DUY
NHẤT
Tới nay, sự
khác biệt trong Giáo Hội vẫn làm nhức nhối tim óc nhiều người. Sự khác biệt ấy
lớn lao đến nỗi nhiều người không nhận ra nhau mặc dầu cùng chia sẻ một niềm
tin Kitô. Giáo Hội vẫn cố gắng không ngừng tìm về hiệp nhất với những anh em
mình. Nhưng bao nhiêu thập niên sau Công đồng Vatican II, nỗ lực ấy hình như vẫn
chưa đi xa lắm, mặc dù đã có những tiến bộ lớn trong cuộc đối thoại với anh em
Chính thống, Anh giáo, Tin Lành. Đến nay, có lẽ Giáo Hội vẫn phải học cho biết
“sự duy nhất do sự hiện diện của Thánh Linh là sự duy nhất trong khác biệt”(Finan
1995:633). Không có những khác biệt đó, duy nhất sẽ trở thành đồng nhất, đồng bộ.
Còn gì nghèo nàn hơn sự đồng nhất ! Đẹp thì đẹp thật, nhưng không phải là dấu
chỉ sức hoạt động của Thánh Linh, Đấng “hiệp nhất nhưng không tiêu diệt hay giảm
thiểu sự khác biệt đích thực” (Finan 1995:635). Dĩ nhiên có những khác biệt gây
xung khắc, không đưa tới “ích chung”. Cần phải cảnh giác trước những khác biệt đó.
Nhưng nhiều khi cảnh giác quá đến nỗi quên rằng “sự khác biệt giữa các ân sủng
trong cộng đồng Kitô giáo (và nhân loại nói chung) là một phước lành” (Finan
1995:635). Khi gạn bỏ đống sạn, vô tình người ta đổ luôn cả những hạt kim cương.
Thái độ khắt khe quá mức nhiều lúc đã để lỡ cơ hội đối thoại để tìm ra sự thật.
Ví dụ mới đây Giáo Hội đã nhận thấy mình đã đối xử quá khắt khe với những đòi hỏi
chính đáng của giới ký giả thế giới. Trong lịch sử vì quá khắt khe đó, Giáo Hội
đã tạo một khoảng trống rất khó lấp nổi giữa những anh em cùng một niềm tin Kitô.
Biết bao giá trị vô cùng cao quí đã trôi đi vì những rạn nứt quá lớn đó.
Ngày nay Giáo
Hội đang cố gắng xích lại với những anh em Kitô hữu và với thế giới. Cùng thờ một
Chúa, tại sao lại chia rẽ ? Cùng phục vụ một chân lý, tại sao lại không hợp tác
với nhau ? Nếu tất cả những anh em Kitô hữu trên thế giới thực hiện được giấc mộng
xưa của Đức Kitô, Giáo Hội sẽ có một tiếng nói mạnh biết bao đối với thế giới !
Chẳng hạn, trong các Giáo Hội Kitô, Công giáo đã có một tiếng nói mạnh nhất vì
có sự hiệp nhất trên toàn cầu.
Sự hiệp nhất
của Giáo Hội Công Giáo hôm nay lây lan sang cả các sinh hoạt thế tục. Chẳng hạn,
Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã hội lần thứ 34 ngày 4/6/2000 vừa qua, hằng ngàn ký
giả khắp thế giới tuốn về Roma. Giáo Hội đang tìm cách ảnh hưởng tới những cơ
quan cân não này. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói với các ký giả báo chí :
“Thách đố lớn mà quí vị đang đương đầu là dùng tài năng và ảnh hưởng rộng lớn
trên công luận mà phục vụ cách trung thực cho sự thật về nhân bản con người. Điều
này có nghĩa là bảo vệ sự sống và xây dựng một cộng đồng nhân loại càng ngày vững
mạnh hơn dựa trên sự liên đới keo sơn, công lý và tình yêu” (VietCatholic
4/6/2000). Chỉ khi nào phục vụ chân lý và con người, mọi hoạt động truyền thông
mới đạt mục đích hiệp nhất nhân loại, nền tảng xây dựng hòa bình. Hơn ai hết,
Kitô hữu thời đại hôm nay phải dùng mọi phương tiện, ngay cả những phương tiện
tân tiến nhất để loan truyền sứ điệp Phúc Âm (ĐGH Gioan Phaolô II, VietCatholic
6/6/2000). Sứ mệnh cao cả đó nhằm thực hiện một lễ Hiện Xuống mới cho toàn thể
nhân loại trong thế kỷ mới.
Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP