LỄ HIỂN LINH
(Mát-thêu 2: 1-12)
Thiên
Chúa làm người và giáng trần là một biến cố ngoài sự tưởng tượng của ta. Đứng trước việc diệu kỳ Thiên Chúa đã thực
hiện, ta gặp được những phản ứng vô cùng ý nghĩa. Nào là Mẹ Ma-ri-a thì “hằng ghi nhớ những kỷ niệm ấy và suy đi
nghĩ lại trong lòng”. Còn các người
chăn chiên thì “kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi” và “ra về, vừa đi
vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa”. Giờ
đây đến lượt những nhà chiêm tinh từ xa tới, thay mặt cho lớp người không thuộc
về dân riêng của Thiên Chúa, “đến bái lạy Người”. Tất cả đều nhận ra được một điều gì đặc biệt về sự hiện diện và
lòng yêu thương của Thiên Chúa, được tỏ ra cho nhân loại qua Hài Nhi Giê-su. Họ nhận biết theo cách thức Thiên Chúa tỏ ra
và theo khả năng họ lãnh nhận. Nhưng có
một điểm chung là việc nhận biết kế hoạch tình yêu của Thiên Chúa diễn tiến như
một hành trình kéo dài suốt cả cuộc sống.
Câu truyện các nhà chiêm tinh từ phương Đông đi gặp “Đức Vua dân
Do-thái” trình bày hành trình sống động ấy và cho ta những bài học thực tế.
a) “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người”
Hành
trình tìm gặp Chúa khởi đầu với dấu chỉ Chúa dùng để tỏ ra cho ta biết
Người. Đức Vua dân Do-thái, tức Thiên
Chúa làm người, đã giáng trần một cách lặng lẽ, đến nỗi không ai biết nếu chính
Thiên Chúa không tỏ ra cho họ biết. Mẹ
Ma-ri-a tuy là người trong cuộc, nhưng Mẹ cũng cần một dấu chỉ để nhận ra việc
Ngôi Lời Nhập Thể là công việc trọng đại của Chúa Thánh Thần. Dấu chỉ Chúa dùng để tỏ ra cho Đức Mẹ là bà
chị họ Ê-li-sa-bét tuy lớn tuổi, nhưng đã có thai được sáu tháng, “vì đối với
Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1:37). Với các người chăn chiên, dấu chỉ để họ nhận
ra “vinh quang Thiên Chúa” và “bình an cho những người Chúa thương” là “một trẻ
sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”. Dấu
chỉ Thiên Chúa dùng bao giờ cũng hợp với tầm hiểu biết và hoàn cảnh của mỗi
người. Với một thiếu nữ như Mẹ Ma-ri-a,
dấu chỉ là việc mang thai. Với các mục
đồng, dấu chỉ là trẻ sơ sinh và máng cỏ.
Còn với các nhà chiêm tinh, dấu chỉ là một vì sao. Những điều này chứng tỏ Thiên Chúa không khi
nào tỏ mình cho ta bằng những dấu chỉ ngoài tầm hiểu biết của ta.
Vấn
đề không phải là thiếu dấu chỉ, nhưng là ta có “thấy” được điều Thiên Chúa muốn
cho ta biết qua dấu chỉ ấy hay không.
Nếu ngôn ngữ là dấu chỉ thông dụng nhất để ta thông đạt với nhau và hiểu
nhau, thì Thiên Chúa cũng sử dụng một dấu chỉ hoàn hảo nhất để tỏ mình ra cho
chúng ta. Thư Do-thái đã nói đến dấu
chỉ ngôn ngữ này: “Thuở xưa, nhiều lần
nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã
phán dạy chúng ta qua Thánh Tử... Người
là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa” (Dt
1:1.2). Vậy từ nay, ngôn ngữ của Thiên
Chúa là “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga
1:14). Với cả cuộc đời con người, từ
khi thành thai trong lòng mẹ, sinh ra, lớn lên, thi hành sứ vụ rao giảng Tin
Mừng, cho tới khi tắt thở trên thập giá, Chúa Giê-su đã trở thành một dấu chỉ,
một “vì sao” để soi dẫn ta và đưa ta đến với Thiên Chúa. Chúa Giê-su cho ta biết Thiên Chúa muốn nói
gì với ta và Chúa Giê-su cũng cho ta biết ta phải đáp lời Thiên Chúa như thế nào.
Các
nhà chiêm tinh đã “thấy” vì sao, không phải như đã thấy các vì sao khác, nhưng
là vì sao của Hài Nhi. Sách Tin Mừng
không cho ta biết hành trình của họ từ phương Đông tới Do-thái diễn tiến thế
nào. Nhưng ta chắc một điều hành trình
ấy không phải dễ dàng. Nếu quả thực họ
là những “vua” như truyền thống thường hiểu thì lại càng khó hơn nữa. Như vậy, chỉ có cái “thấy” của đức tin mới
có đủ mãnh lực để giúp họ lên đường và vượt thắng mọi khó khăn.
b) “Ngôi sao dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở mới dừng
lại. Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô
cùng”
Dĩ
nhiên đây không phải là một hình ảnh khoa học, nhưng là một biểu tượng đức tin
hết sức ý nghĩa. Ngôi sao là một dấu
chỉ, và dấu chỉ thi hành tác vụ của nó là dẫn đường, giúp ta nhận ra được điều
hoặc hình ảnh nó biểu tượng. Vậy khi dừng
lại nơi Hài Nhi ở, ngôi sao muốn nói điều gì với các nhà chiêm tinh hoặc với ta
hôm nay?
Để hiểu
ý nghĩa ngôi sao, ta đọc lại câu truyện ông Bi-lơ-am trong Cựu Ước. Ông Bi-lơ-am được vua Ba-lác mời đến xứ
Mô-áp để chúc dữ cho dân Chúa. Nhưng
thay vì chúc dữ, ông lại chúc lành và đọc sấm ngôn: “Sấm ngôn của người nghe các lời Thiên Chúa... Tôi thấy nó, nhưng bây giờ chưa phải lúc,
tôi nhìn, nhưng chưa thấy nó kề bên, đó là một vì sao xuất hiện từ Gia-cóp, một
vương trượng trỗi dậy từ Ít-ra-en” (Ds 24:16.17). Ngôi sao ông Bi-lơ-am đã “nhìn nhưng chưa thấy nó kề bên” thì bây
giờ xuất hiện và dẫn đường cho các nhà chiêm tinh đến gặp Hài Nhi Giê-su. Nó biểu tượng cho vương quyền của Đức Vua
dân Do-thái, Đấng đã được Thiên Chúa tặng ban danh hiệu GIÊ-SU, để “khi vừa
nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật
phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa
Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng:
“Đức Giê-su Ki-tô là Chúa” (Pl 2:10-11).
Thánh
Mát-thêu cũng không quên cho ta biết tâm tình của các nhà chiêm tinh khi được
ngôi sao dẫn đường: họ mừng rỡ vô
cùng. Vui mừng là tâm tình quan trọng
của hành trình đức tin. Nó biểu lộ thái
độ tự hào của những người bước đi trong niềm hy vọng được cứu độ như thánh
Phao-lô diễn tả (Rm 5:1-11). Vui mừng
làm cho các nhà chiêm tinh thêm can đảm và quảng đại hiến dâng tất cả những gì
mình có, để giúp cho “mầu nhiệm Ki-tô” được tỏ bày cho mọi người. Các lễ vật họ tiến dâng là những dấu chỉ nói
lên con người, sứ mệnh và uy quyền của Chúa Giê-su. Chúa Giê-su là Vua (biểu tượng là vàng), là Thiên Chúa (biểu
tượng là nhũ hương) và là người (biểu tượng là mộc dược).
Ngoài
ra, thánh Mát-thêu còn cho ta biết thêm một điều rất ý nghĩa về các nhà chiêm
tinh: “Sau đó, họ được báo mộng là đừng
trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình”. Ta nhận thấy câu truyện đầy những biểu
tượng. Đã gặp được Hài Nhi, Vua trời
đất, thì làm sao ta có thể trở lại gặp Hê-rô-đê, biểu tượng cho sự tàn ác? Từ nay, các nhà chiêm tinh và cả ta nữa, gặp
được Chúa Ki-tô là ta có một con đường, một lối khác để đi về quê hương đích
thực của ta là Thiên Chúa. Mai mốt khi
lớn lên và thi hành sứ vụ, Chúa Giê-su sẽ nói với mọi người: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là
sự sống” (Ga 14:6). Từ nay, “xứ” của
các nhà chiêm tinh và của ta không còn là Ba-tư hay một địa danh nào nữa, nhưng
là cùng đích của hành trình đức tin, tức là được trở về nhà Cha và cùng hưởng
gia nghiệp vĩnh cửu với Con Một Người.
c) Suy nghĩ và cầu nguyện
Muốn biết lái xe, tôi cần học những dấu hiệu
đi đường. Vậy tôi có tập đọc những dấu
chỉ chung quanh tôi để nhận ra được sự hiện diện và tình yêu của Thiên Chúa
không? Những dấu chỉ nào từ thiên
nhiên? Từ những lời nói và hành động
yêu thương của người khác? Hoặc chính tôi
có trở nên dấu chỉ để người khác nhận biết Chúa Ki-tô?
Ngôi
Sao dẫn lối đời tôi chính là Chúa Giê-su.
Vậy tôi đã biết gì về Ngôi Sao ấy và đã theo Ngôi Sao ấy thế nào?
Đức
Ki-tô là niềm tự hào của thánh Phao-lô.
Ngôi sao làm cho các nhà chiêm tinh vô cùng mừng rỡ. Thánh Lê-ô Cả thì viết: “Anh em thân mến, được biết các mầu nhiệm ân
sủng này của Thiên Chúa, chúng ta hãy hân hoan mừng ngày khởi đầu của chúng ta,
ngày Chúa bắt đầu kêu gọi các dân tộc” (Bài đọc 2, giờ Kinh sách lễ Hiển
Linh). Đâu là tâm tình của tôi trong
quan hệ với Chúa Giê-su? Tâm tình ấy
giúp gì cho tôi trong hành trình đức tin?
Cầu nguyện
“Lạy
Chúa Giê-su thương mến,
xin
ban cho chúng con
tỏa lan
hương thơm của Chúa
đến mọi
nơi chúng con đi.
Xin Chúa
hãy tràn ngập tâm hồn chúng con
bằng
Thần Khí và sức sống của Chúa.
Xin Chúa
hãy xâm chiếm toàn thân chúng con
để chúng
con chiếu tỏa sức sống Chúa.
Xin Chúa
hãy chiếu sáng qua chúng con,
để những
người chúng con tiếp xúc
cảm nhận
được Chúa đang hiện diện nơi chúng con.
Xin cho
chúng con biết rao giảng về Chúa,
không
phải bằng lời nói suông,
nhưng
bằng cuộc sống chứng tá,
và bằng
trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa.”
- Mẹ
Têrêxa Calcutta
(Trích
RABBOUNI, lời nguyện 68)
Lm. Đaminh Trần Đình Nhi