CHÚA NHẬT LỄ LÁ

(Mác-cô 14:1 – 15:47)

 

          Càng gần tới cái chết khổ nhục trên thập giá, chân tính của Chúa Giê-su càng được sáng tỏ hơn.  Tin Mừng Mác-cô trình bày mầu nhiệm Đấng Ki-tô như một bí mật.  Sau khi làm những phép lạ, Chúa Giê-su thường ngăn cấm không cho người được khỏi bệnh nói cho người khác biết Người đã chữa lành cho họ.  Ngay đến ông Phê-rô, sau khi tuyên xưng Người là Đấng Ki-tô, Người cũng nghiêm cấm các ông không được nói cho ai biết điều đó.  Giờ đây, điều gì phải đến sẽ đến.  Cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su đã biểu lộ rõ ràng chân tính ấy vào ba thời điểm:  cuộc xức dầu thơm ở Bê-ta-ni-a, lúc Người đứng trước Thượng Hội Đồng và trên Gôn-gô-tha khi viên đại đội trưởng Rô-ma tuyên xưng Người là Con Thiên Chúa.  Vậy ta hãy dừng lại ở ba địa điểm ấy, nhìn lên Chúa Giê-su, nghe Người nói và nhất là cung kính nhìn nhận sứ mệnh hy sinh của Người với tất cả lòng yêu mến và biết ơn.

 

a)  Đấng Ki-tô được xức dầu thơm tại Bê-ta-ni-a

 

          Đang khi Chúa Giê-su dùng bữa ở nhà ông Si-mon Cùi, một phụ nữ đã đến xức dầu thơm trên đầu Người.  Hành vi xức dầu của người phụ nữ và những lời giải thích của Chúa Giê-su đã nói lên ý nghĩa biến cố này.  Bình bạch ngọc và dầu thơm đựng trong đó đều là thứ đắt tiền, bằng với tiền lương của một công nhân làm việc ròng rã một năm trời.  Vậy mà giờ đây người phụ nữ ấy “đập ra, đổ dầu thơm trên đầu Người”.  Có lẽ bình dầu thơm ấy đã được giữ gìn cẩn thận không biết từ bao năm.  Đã bao nhiêu dịp hoặc biến cố cô muốn sử dụng bình dầu thơm ấy, nhưng cô vẫn chưa thấy đủ lý do để sử dụng nó.  Cô chờ đợi.  Hôm nay, Đấng Ki-tô và Con Thiên Chúa trên đường lên Giê-ru-sa-lem để được tấn phong làm Vua Cứu Thế đã dừng lại ở Bê-ta-ni-a, đúng là dịp để cô sử dụng bình dầu thơm quý giá ấy.  Hành động của cô không cần lời nói gây chú ý hoặc khoe khoang.  Cô yên lặng đập vỡ nút bình đã được gắn kỹ lưỡng, rồi trút dầu thơm trên đầu Chúa Giê-su.  Lòng yêu mến là động lực khiến cô không chút tiếc rẻ, trái lại chỉ sợ còn chưa đủ để nói lên tất cả tâm tình kính yêu của cô.  Xức dầu cho Vua trời đất là một vinh dự cô không bao giờ dám mơ tưởng.

          Về phần Chúa Giê-su, Người đã nghiêm nghị sửa dạy những kẻ phê phán việc làm của cô và Người cho biết ý nghĩa việc làm ấy:  “Cô đã lấy dầu thơm ướp xác tôi, để chuẩn bị ngày mai táng.  Tôi bảo thật các ông:  Hễ Tin Mừng được loan báo đến đâu trong khắp thiên hạ, thì nơi đó việc cô vừa làm cũng sẽ được kể lại để nhớ tới cô”.  Chúa Giê-su ám chỉ việc xức dầu cho một vị vua sẽ chịu đau khổ và chịu chết.  Ý nghĩa việc xức dầu ấy chính người phụ nữ cũng không ý thức được, nên đã được Chúa Giê-su nói lên thay cho cô.  Bằng lời nói, ông Phê-rô tuyên xưng Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô.  Còn ở đây, bằng việc xức dầu, người phụ nữ đã tuyên xưng vương quyền của Đấng Cứu Thế.

          Câu truyện xức dầu đã được thánh sử dùng để mở đầu cho trình thuật Thương Khó của Chúa Giê-su có một ý nghĩa đặc biệt đối với ta trong những ngày thánh thiện của Tuần Thánh này.  Chúa Giê-su, Người Tôi Tớ Đau Khổ của Thiên Chúa đang mời gọi ta bước theo Người trên đường khổ giá.  Ta có nhiều cách để “xức dầu” cho Chúa và tuyên xưng Người là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa.  Lời Chúa Giê-su nói về người phụ nữ làm cho ta phải suy nghĩ:  “Điều gì làm được thì cô đã làm”.  Cô không thể xức dầu ướp xác Người ít ngày nữa, cho nên bây giờ cô xức dầu trên đầu Người.  Còn ta, có rất nhiều dịp và nhiều việc ta có thể làm để tuyên xưng Người thì ta lại không làm.  Nếu đặt cuộc đời ta là một hành trình cùng với Chúa Giê-su trên đường Thương Khó, thì việc xức dầu của người phụ nữ quả thực nhắc nhở ta về chân tính Đấng Ki-tô của Người và bổn phận phải tuyên xưng đức tin của ta.

 

b)  Đấng Ki-tô tỏ ra chân tính của Người trước Thượng Hội Đồng

 

          Cuộc Thương Khó tới hồi quyết liệt và đây là giây phút hùng hồn nhất của cả cuộc đời và sứ mệnh Chúa Giê-su.  Chúa khẳng khái trả lời trước toàn thể hội đồng câu hỏi của vị thượng tế “Ông có phải là Đấng Ki-tô, Con của Đấng Đáng Chúc Tụng không?”, Người nhấn mạnh từng lời từng chữ:  “Phải, chính thế.  Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến”.  Câu trả lời chắc chắn đưa tới cái chết.  Nếu chối bỏ là chối bỏ chính con người và sứ mệnh của Người.

          Động lực nào đã thúc đẩy Chúa Giê-su chấp nhận câu trả lời chết người như vậy, nếu không phải là vì yêu mến?  Yêu mến Chúa Cha và yêu mến nhân loại.  Hành động yêu mến khi người phụ nữ xức dầu trên đầu Chúa Giê-su được Người đáp trả không biết bao nhiêu lần khi Người nhận lấy cái chết để tỏ lòng yêu thương.  Phải chi ta cũng xức dầu cho Chúa và nhận ra được Người đáp trả ta qua cái chết đầy yêu thương của Người!

          Sau khi nhận lấy danh hiệu Đấng Ki-tô, Con của Đấng Đáng Chúc Tụng, Chúa Giê-su được vinh danh như thế nào?  Thánh Mác-cô cho ta những câu trả lời hết sức sống động, như đang thực sự xảy ra trước mắt ta.  Không phải là những tiếng hô chúc tụng, mà là một màn hạ nhục vô cùng tàn bạo với những lời tục tĩu, chửi rủa, lên án.  Chẳng có những vòng hoa dâng kính, nhưng là khạc nhổ, nước bọt, đờm rãi thi nhau phóng vào mặt mũi Người.  Không phải những tiếng vỗ tay rân ran tán dương, mà là những tay đấm chân đá túi bụi vào thân hình tiều tụy của Người...  Đấy, danh hiệu Con Người hoặc Đấng Ki-tô của Chúa Giê-su đã được nhìn nhận như vậy đó!  Người Tôi Tớ Đau khổ của Đức Chúa cúi mặt chấp nhận mọi bất công, mọi sỉ nhục.  Trong lòng Người trào dâng yêu thương.  Nồng độ yêu thương tăng lên theo tỷ lệ thuận với đau khổ.  Những lời giải thích của Chúa Giê-su trong ba lần tiên báo cuộc Thương Khó giờ đây ta mới hiểu thấm thía:  “Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư.  Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại.  Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người” (Mc 10:33-34).

          Có vài người bạn rất thân yêu của Chúa Giê-su cũng về phe với những kẻ chối bỏ Đấng Ki-tô:  Giu-đa tên phản bội và Phê-rô người môn đệ thân tín nhất.  Ta sẽ chọn đóng vai Giu-đa hay Phê-rô?  Nếu ta nhận ra mức độ lớn lao của Người Bạn sẵn sàng thí mạng sống vì bạn hữu, ta sẽ khiêm nhượng đóng vai Phê-rô, để đời ta luôn là một cuộc trở về, đáp lại Tình Yêu của Người.

 

c)  Tại Gôn-gô-tha, viên đại đội trưởng tuyên xưng:  “Quả thật, Người này là Con Thiên Chúa”

 

          Đáng lẽ lời tuyên xưng trên phải thốt ra từ miệng các môn đệ hoặc Dân được Chúa tuyển chọn, nhưng lại được tuyên xưng do một người dân ngoại.  Trước khi kể lại lời tuyên xưng của viên đại đội trưởng, thánh sử Mác-cô cho ta một chi tiết rất ý nghĩa:  “Viên đại đội trưởng đứng đối diện với Đức Giê-su, thấy Người tắt thở như vậy liền nói...”  Đúng vậy, cần phải đứng đối diện với Chúa, phải ở gần Người, chiêm ngưỡng Người quằn quại trong đau đớn mà không chửi rủa than trách, trái lại Người còn nhân từ độ lượng tha thứ cho kẻ thù, Người còn chiếu ra những ánh mắt yêu thương trìu mến..., ta mới có thể nhận ra được chân tính của Người.  Nhất là lúc tắt thở, Chúa Giê-su đã lập lại tiếng kêu của một người lúng túng và bối rối trước thử thách dồn dập, nhưng với tất cả lòng tín thác tin tưởng và bình an đặt số phận mình trong bàn tay yêu thương của Thiên Chúa.  Nhất cử nhất động của tội nhân Giê-su đã được ghi lại trong cặp mắt của viên đại đội trưởng.  Ông nhận ra được chân tính của con người này.  Nhưng điểm đáng phục ở đây là ông còn can đảm tuyên xưng trước mặt nhân loại và trước mặt cả những kẻ thù của Chúa Giê-su:  “Quả thật, Người này là Con Thiên Chúa”.  Con Thiên Chúa, hoặc Con Người, hoặc Đấng Ki-tô, hoặc Người Tôi Tớ Đau khổ, tất cả những danh hiệu này đều nói lên chân tính của Chúa Giê-su, Đấng đã chết để cứu chuộc trần gian.

          Đến đây, bí mật về Đấng Ki-tô không còn là một bí mật nữa.  Người đã được tuyên xưng ở giây phút đen tối nhất cuộc đời Người.  Tuy ta đã rõ được chân tính của Chúa Giê-su, nhưng liệu ta có dám bước thêm một bước nữa như viên đại đội trưởng, tuyên xưng Người là Con Thiên Chúa, và bước thêm một bước nữa như người môn đệ chân chính biết yêu thương và phục vụ tha nhân như Thầy Giê-su đã làm gương không?

 

d)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

          “Điều gì làm được thì cô đã làm”, Chúa Giê-su nói về người phụ nữ xức dầu cho Người.  Còn tôi, có bao giờ tôi hỏi mình những câu hỏi này:  “Tôi đã làm gì cho Chúa Giê-su?  Tôi có thể làm gì cho Người?”  Chọn lấy một điều ý nghĩa nhất để thi hành cho Người, vì Người và với Người.

          Tôi cảm nhận những đau khổ của Chúa Giê-su như một người quan sát hay như một người đồng hành đồng cảm với Người (companion = cùng chia một bánh)?  Nếu đồng cảm những đau khổ của Chúa, tôi nhận ra mình dự phần vao những đau khổ của Người như thế nào?

          Lời tuyên xưng của viên đại đội trưởng có ý nghĩa gì đối với tôi?  Đó có phải là lời tuyên xưng của cá nhân tôi không?

 

Cầu nguyện

         

          “Lạy Cha, xin ban cho con điều khó hơn cả,

          đó là ơn nhận ra Thánh giá của Con Cha

          trong mọi nỗi khổ đau của đời con,

          và ơn bước theo Con Cha trên đường Thánh giá

          bao lâu tùy ý Cha định liệu.

          Xin đừng để con trở nên chua chát

          nhưng được trưởng thành nhờ đón nhận đau khổ

          với sự kiên nhẫn, quảng đại, nhân từ

          và lòng khát khao nóng bỏng

          có ngày sẽ được ở nơi không còn khổ đau.

          Ngày đó, Cha sẽ lau khô mọi giọt lệ

          của những người đã yêu mến Cha,

          đã tin vào tình yêu Cha giữa nỗi thống khổ,

          tin vào ánh sáng của Cha giữa đêm đen.

          Nhờ Cha, ước gì đau khổ của con

          nói lên lòng tin của con

          vào những lời hứa của Cha,

          lòng cậy của con vào tình yêu trung tín của Cha

          và lòng mến mà con dành cho Cha.

Lạy Cha, xin cho con yêu Cha hơn yêu bản thân

          và yêu Cha chỉ vì Cha,

          chứ không mong phần thưởng.

          Ước gì Thánh giá trở nên mẫu gương cho con,

          là ánh sáng cho đêm tăm tối,

          nhờ đó con không còn coi khổ đau

          như một tai họa hay một điều vô lý,

          nhưng như một dấu chỉ cho thấy

          con đang thuộc về Cha mãi mãi.”

                             - Cha Karl Rahner

                   (Trích RABBOUNI, lời nguyện 63)

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi
7-4-2006

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B