LỄ ĐỨC MẸ LÀ MẸ THIÊN CHÚA

(Lu-ca 2: 16-21)

 

          Năm 431 trên các đường phố tại thành Ê-phê-xô, buổi tối 11 tháng 10 sau khi Công đồng bế mạc, giáo hữu đã đốt đuốc rực trời, cung nghinh ảnh Đức Trinh Nữ Ma-ri-a và cất tiếng tung hô Mẹ với tước hiệu Mẹ Thiên Chúa.  Thời ấy có một số người không muốn nhìn nhận Chúa Giê-su là Thiên Chúa.  Đó chính là điều Công đồng đã thảo luận và các nghị phụ đã đồng thanh định tín rằng nơi Chúa Giê-su bản tính nhân loại và bản tính Thiên Chúa kết hiệp với nhau trong một ngôi vị là Ngôi Hai Thiên Chúa.  Chúa Giê-su thực sự là người và cũng thực sự là Thiên Chúa.  Do đó, Đức Mẹ không chỉ là mẹ của một hài nhi, nhưng cũng là mẹ của Thiên Chúa nữa.  Tuy nhiên, đoạn cuối của bài Tin Mừng hôm nay lại cho ta cơ hội để suy niệm về thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa của Đức Mẹ.  Thánh sử Lu-ca đã tế nhị ám chỉ thiên chức ấy của Đức Mẹ khi ngài kể lại biến cố Chúa Giê-su chịu phép cắt bì.  Ngài viết:  “Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giê-su;  đó là tên mà sứ thần đã đặt, trước khi Hài Nhi thành thai trong lòng mẹ”.  Tên của Hài Nhi nói lên sứ mệnh của Người, nhưng cũng nói lên chức phận của Đấng đã cưu mang và nuôi dưỡng Người.

 

a)  “GIÊ-SU, đó là tên mà sứ thần đã đặt, trước khi Hài Nhi thành thai trong lòng mẹ”

 

          Mỗi dự án của ta thường mang một cái tên, thí dụ chương trình Xóa đói giảm nghèo, Khuyến học dành cho các em học sinh Dân tộc, Chén cơm cho người già neo đơn...  Các chính phủ lại càng nhiều dự án hơn nữa, nhưng thường thì cái tên thật kêu mà kết quả chẳng là gì cả!  Thiên Chúa cũng có một kế hoạch duy nhất và kế hoạch này mang cái tên thật ngắn gọn:  GIÊ-SU.  Giê-su nghĩa là “Thiên Chúa là sự cứu độ”, hoặc “Thiên Chúa cứu độ”.  Các ngôn sứ trong Cựu Ước đã nói về kế hoạch này, nhất là ngôn sứ I-sai-a.  Nhưng họ chỉ biết diễn tả một viễn tượng gồm những gì Thiên Chúa sẽ thực hiện cho nhân loại, chứ không thể đặt cho kế hoạch đó một cái tên đầy đủ ý nghĩa.

          Khi truyền tin, sứ thần Gáp-ri-en đã chuyển lại cho Đức Mẹ sứ điệp của Thiên Chúa về kế hoạch ấy.  “Này đây, bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là GIÊ-SU”.  Rồi sứ thần giải thích ý nghĩa của tên ấy:  “Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao.  Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng Vua Đa-vít, tổ tiên Người.  Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận”.  Đó là kế hoạch của Thiên Chúa để cứu độ một nhân loại đã bị hư mất do tội lỗi.  Thiên Chúa muốn tạo dựng một nhân loại mới, một triều đại mới và vĩnh cửu.  Nhưng Thiên Chúa sẽ thực hiện kế hoạch ấy trong chính lịch sử của nhân loại, cho nên Người đã chọn một không gian và thời gian là Do-thái, và nhất là Người đã chọn một “nhà tạm” bằng xương bằng thịt, một “lâu đài Đa-vít” sống động là Mẹ Ma-ri-a, để bắt đầu thực hiện việc cứu độ toàn diện con người, từ khi thành thai trong lòng mẹ cho tới giây phút cuối cùng cuộc đời trần gian.  Nếu con người nguyên tổ đã đánh mất đi toàn diện con người mình, từ thể xác cho đến linh hồn, thì giờ đây qua kế hoạch GIÊ-SU, Thiên Chúa sẽ tái tạo con người theo mẫu mực của Ngôi Lời nhập thể.

          Ta không thể tưởng tượng nổi kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.  Chính Người đã tiền định kế hoạch cứu độ và đích thân thực hiện kế hoạch ấy bằng cách đến với con người.  Người có thể đến theo cách của thần thánh, như Người đã đến với dân Do-thái tại Xi-nai trong sấm chớp vang rền và vô cùng sợ hãi.  Nhưng Người chọn cách đến thầm lặng và khiêm tốn trong lòng của một trinh nữ, lệ thuộc vào điều kiện vật lý để lớn lên.  Sự phát triển toàn diện và viên mãn con người của Chúa Giê-su từ lúc thành thai trong lòng Đức Mẹ cho đến khi phó thác linh hồn trong tay Chúa Cha là tiến trình gương mẫu cho mọi người.  Tuy nhiên, một trong những diệu kỳ của kế hoạch cứu độ là Thiên Chúa đã chọn cho mình một bà mẹ trần gian để làm gương mẫu cho mọi người.  Một ngày kia, Thiên Chúa làm người đứng trước đám đông dân chúng và nghe họ khen ngợi Mẹ Người, Người đã hãnh diện và tế nhị nói về Mẹ Người:  “Đúng hơn phải nói rằng:  Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11:28).  Đức Mẹ là Đấng có phúc không những vì Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, nhưng còn vì Mẹ là gương mẫu cho những ai biết lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.

 

b)  “Bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng”

 

          Để bổ túc cho lời đám đông ca ngợi Đức Mẹ, Chúa Giê-su đã gọi Mẹ Người là “kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa”.  Trong suốt sứ vụ rao giảng Tin Mừng, Chúa Giê-su luôn lập đi lập lại câu nói “ai nghe và tuân giữ lời Thầy, người ấy mới đích thực là môn đệ Người và mới được vào Nước Trời”.  Chắc chắn nói những lời ấy, Chúa Giê-su muốn ám chỉ về Mẹ Người như một gương mẫu lắng nghe và thi hành lời Chúa.  Từ sau khi được sứ thần truyền tin và cả trước đó nữa, Mẹ hằng chiêm niệm chân lý và vẻ diệu kỳ trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.  Do đó, lúc sứ thần trình bày kế hoạch ấy, Mẹ đã sẵn sàng chấp nhận và thi hành ý Chúa.  Hơn ai hết, Mẹ đã là môn đệ toàn hảo của Chúa rồi và được Người chọn làm Mẹ Người.

          Ghi nhớ và chiêm ngưỡng ân sủng của Thiên Chúa ban cho Người và cho toàn thể nhân loại, Đức Mẹ không “suy đi nghĩ lại” một cách thụ động hay tính toán, nhưng là để biết quảng đại hơn.  Càng nhận ra mức độ bao la của tình yêu Thiên Chúa, Đức Mẹ càng muốn đáp trả một cách quảng đại hơn.  Não trạng của người đời là vênh vang khi mình có chức phận.  Còn Đức Mẹ thì ngược lại, Mẹ không tự mãn với vai trò làm Mẹ Thiên Chúa, nhưng Mẹ càng nhận rõ hơn tình thương Chúa dành cho “phận nữ tỳ hèn mọn”, để rồi từng giây từng phút trong cuộc đời, Mẹ chỉ hết lòng “ngợi khen Đức Chúa” và “thần trí hớn hở vui mừng” khi thấy kế hoạch cứu độ của Đức Chúa đang được thực hiện.

          Gương mẫu này bắt ta phải xét lại lối sống của ta.  Thử hỏi có gì tốt trong đời ta lại không phải là ân sủng Chúa ban?  Vậy mà ta dễ dàng quên đi nguồn gốc của ân sủng.  Nhiều khi ta còn cho đó là tự tay ta tạo nên, thay vì nhận biết chúng đến từ Thiên Chúa.  Ta không muốn làm “phận nữ tỳ hèn mọn”, nhưng muốn loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống.  Thay vì suy đi nghĩ lại những ân sủng để nhận biết quyền năng và tình thương của Chúa, ta lại tính toán chuyện leo cao hơn nữa trên đường danh vọng và không muốn ai hơn mình.  Mẹ Ma-ri-a chiêm niệm sự khiêm nhượng của “Đấng vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nên đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2:6), để Mẹ càng sống khiêm nhượng và sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh, dù phải dâng hiến chính Con của Mẹ cho Thiên Chúa và nhân loại.

 

c)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

          Đức Mẹ cưu mang Thiên Chúa trong lòng và cống hiến Thiên Chúa cho nhân loại, đó là một ý nghĩa của tước hiệu Mẹ Thiên Chúa.  Vậy tôi có chia sẻ sứ mệnh ấy của Đức Mẹ không?  Tôi có Chúa trong tôi như thế nào và tôi đem Chúa đến cho anh chị em như thế nào?

          Tôi có noi gương Đức Mẹ, lắng nghe và tuân giữ lời Chúa không?  Lắng nghe thế nào và tuân giữ ra sao?  Đức Mẹ dạy tôi những bài học nào để lắng nghe và tuân giữ lời Chúa?

          Tôi có chiêm ngưỡng tình yêu của Thiên Chúa dành cho tôi và sống đáp trả tình yêu ấy theo gương Đức Mẹ không?  Tình yêu Thiên Chúa dành cho tôi được thể hiện trong những điều gì?  Tôi đáp lại cách cụ thể như thế nào?

 

Cầu nguyện

 

          “Lạy Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, Mẹ Thiên Chúa,

          xin gìn giữ nơi con quả tim của trẻ thơ

          tinh tuyền và trong ngần như dòng suối.

          Xin ban cho con quả tim đơn sơ,

          mau quên những nỗi buồn phiền.

          Một quả tim hào hiệp dám hiến thân,

          dịu dàng để cảm thông.

          Một quả tim trung thành và quảng đại,

          không quên ơn, không báo oán.

          Xin tạo cho con quả tim hiền từ và khiêm tốn,

          yêu mà không mong được yêu lại,

          hân hoan xóa mình đi

          để Con của Mẹ có chỗ trong lòng người khác.

          Một quả tim vĩ đại và bất khuất,

          không khép lại trước những kẻ vô ơn,

          không chán nản trước người lạnh nhạt.

          Một quả tim khắc khoải

          lo tìm vinh danh Chúa Giê-su Ki-tô,

          quả tim mang vết thương vì yêu Ngài,

          vết thương chỉ lành

          khi được sống với Ngài trên trời.  A-men.”

                             (Trích RABBOUNI, lời nguyện 50)

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

31-12-2005

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B