MÁU GIAO ƯỚC
Lễ Mình Máu Chúa năm B
Xh 24:3-8
Mc 14:12-16.22-26
Dt 9:11-15
Thánh
Thể là trung tâm phụng vụ và đời sống Kitô giáo. Chính vì tầm quan trọng đó, nên Giáo hội đã
không ngừng mời gọi tín hữu đến Thánh Thể như cao điểm hiến tế và nguồn mạch hiệp
thông với Chúa Kitô và anh em.
Không
ai có thể quên đêm cuối cùng Đức Giêsu chia sẻ với các môn đệ về tất cả những
gì Người làm cho Giáo hội. Trong bữa tiệc
ly đó, khi cầm chén rượu, Người đã nói một lời chí lý : “Đây là máu Thày, máu
Giao Ước, đổ ra vì muôn người.” (Mc 14:24)
Rõ ràng trong khung cảnh Chúa sắp bước vào tuần thương khó, không thể nào
hiểu những lời đó theo nghĩa tượng trưng hay biểu tượng. Chúa muốn cho các môn đệ thấy cái chết của Thày
đã cận kề. Phải nói cho họ thấy tất cả ý
nghĩa lớn lao của cuộc hi sinh đó. Bởi vậy,
Thày nói đến “máu Giao Ước,” một hình ảnh quen thuộc trong Cựu Ước (Xh 24:8; Is
53:12) và gợi lên niềm hi vọng hướng về ngày nhập tiệc Thiên Sai trong Nước Chúa. Oâng Môsê đã lấy máu các vật hiến tế rẩy trên
dân Israel để đóng ấn giao ước.
Khác hẳn
với “Máu Giao Ước” trong quá khứ, Đức Giêsu sẽ lấy chính máu mình làm hiến tế dâng
lên Thiên Chúa. Hơn nữa, “Máu Giao Ước”
không chỉ giới hạn cho một dân tộc, dù là dân riêng của Chúa, nhưng sẽ bao trùm
cả nhân loại. Nói khác, sẽ “đổ ra vì muôn
người.” (Mc 14:24) Lời ngôn sứ Is
53:12, một trong những đoạn nói về Người Đầy Tớ Đau khổ, cho thấy hành động đó có một chiều kích hiến
tế. Nói khác, có thể tìm thấy một chiều
kích bao la và một sức mạnh vô song nối
kết đất trời trong một hòa điệu tuyệt vời.
Ngay trong việc hiến tế, Đức Giêsu đã muốn cho mọi người thấy cái chết của
Người có một sức mạnh cứu độ phổ quát.
Cả hai đoạn
Cựu Ước đều cho thấy cái chết của Đức Giêsu là một cuộc hiến tế cho mọi người,
chứ không chỉ cho một số người. Khi cầm
lấy “máu Giao Ước,” Người khẳng quyết
“chẳng bao giờ Thày còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến ngày ấy, ngày Thày
được uống thư rượu mới trong Nước Thiên Chúa.” (Mc 14:25) “Rượu mới” đó chỉ tìm thấy trong bữa tiệc Thiên
Sai (c. 6:35-44; 8:1-10). Không thể coi
Tiệc ly như một biến cố tách biệt. Trái
lại chỉ có thể hiểu được ý nghĩa của bữa tiệc lịch sử đó khi nối kết với những
bữa tiệc trước đây Đức Giêsu đã từng chia sẻ với những người thu thuế và tội lỗi
(x 2:16) và với bữa tiệc cánh chung. Như
vậy, công cuộc cứu độ vừa có giá trị hiện tại vừa nhắm về tương lai nhân loại.
Ngay từ
bây giờ, các tín hữu đã được uống thứ “rượu mới” đó. Vì Nước Thiên Chúa đang hiện diện giữa họ (x.
Lc 17:21). Khi chịu lễ, họ được mời gọi chia sẻ với Đức Giêsu trong cái chết của Người. Thực vậy, khi trao bánh cho các môn đệ, Người
nói: “Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thày.” (Mc 14:22) Tương tư,ï Người “trao cho các ông” (Mc
14:23) chén rượu là chính máu Ngươi (x. Mc 14:24). Người thúc đẩy các ông hành động, chứ không
chỉ đón nhận một cách thụ động. Thực vậy,
chính Đức Giêsu đã phục sinh để trở thành “dấu chỉ” Giao Ước. Mỗi lần lặp lại cử chỉ hiến tế trong thánh lễ,
người tín hữu dâng lên dấu chỉ Giao Ước là chính Đức Giêsu, Chúa Cha sẽ lại
nhìn thấy, tưởng nhớ và hành động theo Giao Ước đó.
Khi
tham dự vào cuộc hiến tế đó, các tín hữu lập lại Giao Ước đã ký kết trong máu Đức
Giêsu. Máu đó không những có sức đưa họ
vào cuộc hiệp thông sâu xa với Thiên Chúa, nhưng còn hiệp nhất họ trong sức mạnh
Thánh Linh. Chính Thánh Thể cho họ hưởng
ngay từ bây giờ tất cả những gì họ sẽ tìm thấy trong bửa tiệc cánh chung, nơi họ
sẽ được hiệp thông trọn vẹn và chung cuộc với Đức Giêsu và Thiên Chúa. Bởi thế, không có cuộc hiệp thông hôm nay
trong Mình và Máu Chúa Kitô, cũng chẳng có cuộc hiệp nhất ngày mai trong Nước
Thiên Chúa.
Trong
cuộc hiến tế, Mình và Máu Chúa Kitô tách lìa nhau, nhưng lại trở thành đầu mối
hiệp nhất và hòa hợp cho muôn dân. Thánh
Phaolô đã gọi bữa Tiệc ly là bữa tiệc “hiệp thông” để nói lên một mối liên hệ kép
: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào
Máu Đức Kitô ư ? Và khi ta cùng bẻ Bánh
Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao ? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng
ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân
thể.” (1 Cr 10:16-17) Chén Giao Ước đã hòa
hợp và nối kết con người với Thiên Chúa, Đấng lập Giao Ước. Bánh là thân thể Đức Kitô, nơi tín hữu tìm được
sự hòa hợp và nối kết với Đức Kitô là đầu và với mọi người là chi thể Người.
Như thế,
trong chính Máu và Mình Thánh Chúa, người tín hữu có thể tìm thấy lý do và sức
mạnh xây dựng Giáo hội. Thật vậy, từ nơi
Thánh Thể, một dân mới sẽ được thành lập để trở nên nhiệm thể Chúa Kitô phục
sinh. Chính trong nhiệm thể này, Thiên
Chúa sẽ hoàn toàn được tôn vinh và con người được ơn thánh hóa. Chúa hiện diện
thực sự trong Thánh Thể để nguồn lương thực nuôi sống và hiệp nhất muôn dân. Hơn thế, thánh Thomas còn nhìn thấy nơi Thánh
Thể một “bảo đảm cho ta một ngày mai huy hoàng rực rỡ.” Nhờ đó, mỗi lần chịu Mình và Máu Chúa, “chúng
con đợi chờ ngày hồng phúc, ngay Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con ngự đến.”
(Sách Lễ Rôma)
Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP