ĐƯỜNG NÀO CHO CHÚA ĐẾN.

Chúa nhật I B Mùa Vọng

 

Mùa vọng chắc chắn là mùa hi vọng. Hi vọng Chúa đến không phải với những đe loi kinh hồn, nhưng với lời hứa và phần thưởng lớn lao.   Dân Do thái đã mong chờ ngày thực hiện lời hứa ấy hằng bao thế kỷ. Ngày giờ đã tới thật gần. Niềm hi vọng ngày càng lộ diện. Hôm nay Chúa muốn chúng ta nhận định rõ và kịp thời niềm hi vọng lớn lao đó ngay trong cuộc sống hiện tại và tương lai của chúng ta.

HI VỌNG ĐÃ VƯƠN LÊN

Từ bao đời, dân Do thái đã chìm sâu trong tăm tối, nhục nhằn và thất vọng. Không phải cảnh đói khát, nô lệ đã  đầy đọa con người. Nhưng chính trong cảnh sung túc, ngôn sứ Isaia đã phải thốt lên : “Lạy ĐỨC CHÚA, tại sao Ngài lại để chúng con lạc xa đường lối Ngài ? Tại sao Ngài làm cho lòng chúng con ra chai đá, chẳng còn biết kính sợ Ngài” ? (Is 63:17)  Tình trạng càng bi thảm chỉ “vì Ngài đã ngoảnh mặt không nhìn đến, và để cho tội ác chúng con phạm mặc sức hành hạ chúng con” (Is 64:6).

 Nhưng niềm hi vọng vẫn chưa tiêu tan. Mối liên hệ vẫn còn đó. Thật vậy, “Ngài là Cha chúng con ; chúng con là đất sét, còn thợ gốm là Ngài, chính tay Ngài đã làm ra tất cả chúng con” (c.7). Bởi đó Ngài là ông chủ có toàn quyền trên mạng sống và cuộc đời chúng con.   Nhưng Ngài cũng là Từ Phụ đối với dân Chúa.  Chính vì thế niềm hi vọng càng lớn lao khi họ thưa với Chúa : “Vì tình thương đối với tôi tớ là các chi tộc thuộc gia nghiệp của Ngài, xin Ngài mau trở lại” (Is 63:17). Tiếng kêu ngày càng thống thiết : “Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống, cho núi non rung chuyển trước Thánh Nhan” (c.19).

Ngài đã xé trời ngự xuống thật sự nơi con người Đức Giêsu. Ngài đã đến, mang theo ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại. Người đến không phải chỉ cứu rỗi các linh hồn, nhưng cứu toàn thể con người. Người đến rồi Người đi. Đó là một cơ hội bằng vàng, ngàn năm một thuở. Bởi thế “phải tỉnh thức” (Mc 13:33), “phải canh thức !” (c.37) để khỏi bị vuột mất cơ hội đó.

Nếu biết lúc nào chủ về, chắc chắn chúng ta sẽ chuẩn bị chu đáo. Nhưng Chúa là “ông chủ đến bất thần” (c.37). Bởi vậy sẽ có nhiều người “đang ngủ” (c.36), nghĩa là còn mê man với bao mộng đẹp trần gian. Hình ảnh tươi sáng của Người sẽ làm lu mờ và tiêu tan tất cả mộng đẹp đó. Nếu chỉ quen với bóng đêm hay bóng đèn mờ, mắt có thể bị mù khi ánh sáng mặt trời xuất hiện. Làm sao có thể thích ứng kịp với thứ ánh sáng đó nếu chúng ta còn li bì hay cuộn tròn trong cái tôi kệch cỡm của mình. Từ cái tôi đã phát sinh mọi bất công và bất hòa.   Chỉ Người mới là niềm hi vọng cho muôn dân vì đã chiếu toả khắp trái đất  ánh sáng công lý và hòa bình.

Nếu thế, việc gì phải  run sợ khi Người trở lại lần thứ hai. Lần thứ nhất Người đã mang đến muôn ân sủng nhờ cái chết và sự phục sinh của Người.   Nếu đón nhận ân sủng đó, chúng ta sẽ hưởng nền hòa bình đích thực (x.NIV:1991).   Tin vào Đức Giêsu Kitô mới có thể sống bình an và hoan lạc trong Thánh Thần. Từ đó mới vãn hồi được trật tự xã hội và nối lại tương quan giữa con người với con người.  Quả thực, “một khi đã được nên công chính nhờ đức tin, chúng ta được bình an với Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 5:1). Đức tin là một ân sủng, một mầu nhiệm vượt trên mọi hiểu biết trần gian. Hòa bình chỉ nằm trong tầm tay những ai tin nơi Chúa. Chỉ đức tin mới đọc được mầu nhiêm đó và mới thực hiện được hòa bình thực sự.

Chính trong đức tin đó, tín hữu Côrintô đã “không thiếu một ân huệï nào, trong lúc mong đợi ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mặc khải vinh quang của Người” (1 Cr 1:7). Ngày Chúa đến không phải là ngày kinh hoàng như nhiều người lầm tưởng.   Đức tin và ân sủng sẽ giúp ta chuẩn bị đầy đủ tất cả những gì cần thiết cho “ngày của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô” đến nỗi “không ai có thể trách cứ được” (1 Cr 1:8).  Chúng ta sẽ hoàn toàn bình an và vui mừng khi được chiêm ngưỡng Thánh Nhan.

Làm thế nào để có thể tỉnh thức như Chúa muốn ?   Trước hết, phải tìm mọi cách để “lắng nghe Lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người.” (1 Cr 1:5)   Thực vậy, chỉ có Đức Kitô mới là Đấng Cứu thế duy nhất của toàn thể nhân loại, vì Người là “con đường, là sự thật và là nguồn sống.” (Ga 14:6)   Chỉ Người mới mạc khải hết tất cả sự thật về Thiên Chúa và con người.   Nhờ đó, chúng ta mới được giải thoát khỏi mọi đam mê và tỉnh thức mong chờ Chúa đến.

Hơn nữa, muốn tỉnh thức và “vững chắc đến cùng,” (1 Cr 1:8) chúng ta cần biết rằng “Thiên Chúa là Đấng trung thành, Người đã kêu gọi anh em đến hiệp thông với Con của Người là Đức Giêsu, Chúa chúng ta” (1 Cr 1:9) trong cái chết và sự phục sinh của Chúa.   Đó là cách phục vụ tuyệt vời nhất cho ơn cứu độ nhân loại.   ĐGH Gioan Phaolô II đã nói : “Bất cứ ơn gọi nào từ Thiên chúa cũng là lời mời gọi phục vụ tha nhân.” (Zenit 24/11/2002)    Trong việc phục vụ, Đức Giêsu đã mạc khải cho mọi người biết cách tỉnh thức và cứu độ muôn dân.    “Trong văn hoá ngày nay, người phục vụ bị coi là thấp kém, nhưng trong lịch sử dân thánh, người tôi tớ được Thiên Chúa mời gọi để thực hiện một hành vi cứu độ và cứu chuộc đặc biệt” (ĐGH Gioan Phaolô II : Zenit 24/11/2002)    

Đứng trước những đòi hỏi phục vụ, ai cũng ngại ngùng và tránh né.   Nhiều người không sẵn sàng ra khỏi cái tôi để phục vụ tha nhân.   Thế nhưng, khi phục vụ, con người mới khám phá thấy niềm vui trong việc phục vụ.   Đây là kinh nghiệm của những người đang xả thân hi sinh cho gia đình, họ đạo, bệnh viện, các miền truyền giáo v.v.    Chính nhờ phục vụ, “anh em không thiếu một ân huệ nào, trong lúc mong đợi ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mạc khải vinh quang của Người.” (1 Cr 1:7) “Chỉ trong phục vụ con người mới khám phá thấy địa vị mình và tha nhân.   Khi những tương quan giữa con người đã trở thành nguồn hứng cho việc phục vụ lẫn nhau, một thế giới mới sẻ thành hình va một nền giáo dục ơn gọi đích thực sẽ tăng triển.” (ĐGH Gioan Phaolô II : Zenit 24/11/2002)     Đức Giêsu được nêu cao cho các bạn trẻ như “một lý tưởng phục vụ giúp họ vượt qua những cám dỗ cá nhân chủ nghĩa và ảo tưởng chiếm đoạt hạnh phúc bằng con đường đó.   trong tâm hồn nhiều bạn trẻ có sẵn một khuynh hướng tự nhiên mở ra cho tha nhân, nhất là cho những người cùng khổ.   Khuynh hướng đó khiến họ có thể cảm thông, sẵn sàng quên mình để đặt người khác trên quyền lợi mình.   Phục vụ là một ơn gọi hoàn toàn tự nhiên, vì con người tự bản chất là tôi tớ để phục vụ tha nhân, chứ không phải là chủ nhân ông của cuộc sống và sự hiện hữu.   Việc bác ái là một hình thức diễn tả tất cả nét tinh thần và tông đồ phong phú nhất.” (ĐGH Gioan Phaolô II : Zenit 24/11/2002)    

NGÀY CHÚA ĐẾN TRÊN QUÊ HƯƠNG

Thời gian chờ đợi Chúa đến, còn bao nhiêu công việc bề bộn và dở dang.  Thực sự chúng ta không thể nào ngủ yên, khi thấy phần lớn quê hương yêu dấu chưa đón nhận ánh sáng Tin Mừng, mặc dầu bao mồ hôi, nước mắt và máu đã đổ ra trên ba thế kỷ. Chính Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II cũng ngạc nhiên: “Thật là một mầu nhiệm không hiểu tại sao Đấng Cứu thế đã sinh ra tại Á Châu, mà cho tới bây giờ phần lớn dân cư trên lục địa này vẫn chưa biết tới Người” (Giáo hội tại Á Châu:1999). Mầu nhiệm làm nhức nhối con tim chúng ta.  Sứ mệnh vẫn còn đó. Trách nhiệm vẫn đè nặng đôi vai. Tại sao chúng ta vẫn không đáp ứng được những khát vọng dân tộc và niềm hi vọng thời đại ?  Có lẽ chúng ta còn nhốt Đức Kitô quá kỹ trong bốn bức tường nhà thờ chăng ?  Chúng ta còn co cụm lại để bảo vệ một thứ truyền thống hay quyền lợi nào đó, khiến nhiều người chưa nhìn được dung nhan đích thực của Đức Kitô chăng ?  Hay chúng ta còn quá hãnh diện vì đủ thứ hào quang vây quanh ?  Một cộng đồng sẽ mất hết sức sống nếu chỉ quanh quẩn với quá khứ, dù vàng son mấy chăng nữa.

Mùa vọng là mùa chúng ta hướng tới tương lai với một niềm tin tưởng. Chúa sẽ đến với dân tộc chúng ta, nếu ngay từ bây giờ chúng ta cùng với vị Chủ Chăn tối cao của Hội Thánh nhìn sâu vào quá khứ và hướng thẳng về đằng trước. Trong một diễn văn tại Hội Nghị các Giám mục Á châu tại Manila, Đức Giáo Hoàng nói : “Ngay từ thiên niên kỷ thứ nhất, Thánh Giá đã được trồng trên miền đất Aâu châu, và thiên niên kỷ hai tại Mỹ và Phi châu, chúng ta có thể cầu nguyện để đức tin trổ sinh một mùa màng bát ngát trên lục địa bao la và đầy sức sống này vào thiên niên kỷ thứ ba” (Insegnamenti XVIII, 1:1995:159).

Chắc chắn cái nhìn đó phải bao trùm cả quê hương chúng ta. Đức Giáo Hoàng luôn ưu ái dân tộc Việt Nam. Tình thương đó đã được biểu lộ nhiều lần, nhất là trong dịp Kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La vang và trong việc cứu trợ đồng bào miền Trung. Tại sao quê hương nhỏ bé của chúng ta lại chiếm được cảm tình đặc biệt của Đức Thánh Cha ?  Chẳng phải vì Người kỳ vọng gặt hái được một mùa màng tươi tốt trên cánh đồng truyền giáo Việt Nam hay sao ?    Nước Chúa sẽ đến, nghĩa là sự công chính, bình an và hoan lạc sẽ tràn ngập trên quê hương dân tộc chúng ta. Chừng nào chúng ta mới cùng bắt tay hành động cho niềm hi vọng lớn lao đó ?

Trách nhiệm đó trước tiên thuộc về Kitô hữu.   Để chuẩn bị cho Nước Chúa ngự đến, họ cần ý thức rằng “loại trừ những nguyên nhân sâu xa sinh ra nghèo đói và thất vọng, làm cho mỗi người có phẩm giá cơ bản, là bổn phận thiêng liêng của mọi dân tộc, đặc biệt của những người đang nắm quyền cai trị.” (ĐGH Gioan Phaolô II : Zenit 22/11/2002)   Để chu toàn bổn phận đó, Kitô hữu không thể hành động đơn độc.   Trái lại, họ phải đối thoại để tìm thế liên kết và hợp nhất với những người thiện chí, dù họ khác chính kiến hay tôn giáo với mình.   Không có tinh thần đối thoại, dù là Kitô hữu, họ cũng không phải là những người có thiện chí.   Thật vậy, “nguồn gốc sinh ra mọi xung đột thường nằm trong những người không cởi mở cõi lòng với Thiên chúa.” (TGM Michael Fitzgerald: Zenit 22/11/2002)    Trước những cuộc bạo động hôm nay, TGM Michael Fitzgerald nói: “Ai cũng biết đâu là nguyên nhân cuối cùng sinh ra các cuộc chiến tranh.   Bởi vậy, trên hết chúng ta cần cùng nhau khám phá ra những nẻo đường dẫn tới hoà bình.   Như những người tin tưởng vào một Thiên chúa duy nhất, chúng ta thấy mình phải cố gắng tạo lập hoà bình.   Các Kitô hữu và các người Hồi giáo đều tin rằng hoà bình trên hết là một hồng ân Thiên Chúa.   Bởi thế, cả hai cộng đoàn chúng ta đều cầu nguyện cho hoà bình.   Đó là điều chúng ta luôn được kêu gọi thực hiện.   Trong việc kiến tạo và duy trì hoà bình, các tôn giáo đóng một vai trò quan trọng.   Hơn bao giờ, ngày nay các xã hội dân sự và chính quyền đều nhìn nhận điều đó.   Phải nhìn nhận những nẻo đường hoà bình bao gồm cả việc giáo dục, vì qua việc giáo dục con người có thể học cách nhìn nhận bản thân và tha nhân.  Giáo dục hoà bình cũng bao gồm việc nhìn nhận và chấp nhận sự khác biệt.   Hiện nay sự cộng tác giữa những người Hồi giáo và Kitô hữu, nhất là tái duyệt cách vô tư các sách giáo khoa cho học đường.” (Zenit 22/11/2002)   Nếu công cuộc này được thực hiện khắp nơi, chắc chắn tương lai thế giới sẽ thay đổi sâu xa.   Đó là dấu chỉ hoà bình, là cách nhân loại đang dọn đường cho Chúa đến.

Lm. Giue Đỗ Vân Lực, OP


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B