Chúa Nhật I mùa Vọng,
Năm B, (2008)
Sau trận bão Katrina, nhiều gia đình di tản dã trở về và
không cầm được nước mắt nhìn cảnh hoang tàn do nước lụt tàn phá. Nhà cửa hư hại nặng nề, đồ đạc bị hủy hoại… Người ta không biết bao giờ mới có thể sửa chữa
lại được như trước. Cũng thế, nhân loại
đã bị tội lỗi làm băng hoại, mất đi vẻ đẹp và thánh thiện lúc ban đầu. Người ta hướng về Thiên Chúa và trông đợi Người
đến cứu độ và tái tạo con người. Các bài
đọc hôm nay trình bày khát vọng của con người và giới thiệu sứ mệnh của Chúa
Ki-tô, Đấng cứu độ, đồng thời nhấn mạnh thái độ sẵn sàng tỉnh thức của những ai
muốn đón nhận Người.
1. Lời cầu xin ơn cứu độ của nhân loại (bài đọc Cựu Ước – Is 63:16b-17.19b;
64:2b-7)
Trước hết ta cảm nhận được tâm tình thống thiết và khiêm tốn
của con người nhận biết tình trạng khốn khổ của họ. Có bao lần con người biết khiêm hạ nhìn vào bản
thân mình để nhận thức mình là ai? Giờ
đây, ngôn sứ I-sai-a đã nói lên điều ấy.
“Tất cả chúng con đã trở nên như người nhiễm uế, mọi việc lành của chúng
con khác nào chiếc áo dơ. Tất cả chúng
con héo tàn như lá úa, và tội ác chúng con đã phạm, tựa cơn gió, cuốn chúng con
đi” (Is 64:5).
Ngôn sứ I-sai-a cho ta một cái nhìn rất sống động về thân
phận con người sống trong vòng kiềm tỏa của tội lỗi, nhận biết mình sống xa lạc
đường lối của Thiên Chúa, nhưng lại thấy bất lực tuy muốn trở lại với Người. Vì thế, họ chỉ còn biết hoàn toàn phó thác số
phận trong tay Chúa, như đất sét trong tay thợ gốm. Để diễn tả khát vọng cứu độ này, ngôn sứ đã sử
dụng hoàn cảnh lịch sử dân Chúa thời lưu đày.
Cũng như lòng mong ước được cứu thoát khỏi ách nô lệ ngoại bang, khát vọng
được cứu độ không thể đặt nền tảng vào bất cứ quyền lực nào ngoài Thiên
Chúa. Lời cầu xin của dân Chúa xin Người
mau đến giải phóng họ phản ảnh lời khẩn cầu của toàn thể nhân loại xin Chúa đến
cứu họ khỏi quyền lực tội lỗi. Chỉ có “Đức
Chúa là Cha, là Đấng cứu chuộc” (Is 63:16b) mới có thể xóa bỏ “tội ác chúng con
đã phạm mặc sức hành hạ chúng con” (Is 64:6).
Lời kêu xin Thiên Chúa đến cứu độ của con người đã khẩn
trương tới mức độ họ mong ước “phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống, cho núi non
rung chuyển trước Thánh Nhan” (Is 63:19b).
Hình ảnh “xé trời ngự xuống” đưa ta trở về với khung cảnh long trọng
Chúa Giê-su chịu phép rửa được mô tả trong Tin Mừng Mác-cô: “Vừa lên khỏi nước, Đức Giê-su liền thấy các
tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí tựa chim bồ câu ngự xuống trên mình” (Mc
1:10). Đúng như lời cầu khẩn trong sách
ngôn sứ I-sai-a, việc “xé trời ngự xuống” giờ đây được thể hiện. Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Thần đã “xé trời”
đến với nhân loại. Thiên Chúa Cha đã thực
hiện kế hoạch cứu độ, sai Con Một đến chịu chết để chuộc tội nhân loại và sai
Thánh Thần xuống đem sự sống mới cho nhân loại.
Quả thực Thiên Chúa đã ngự xuống, điều làm cho dân Chúa vô cùng sửng sốt
đến nỗi họ phải kêu lên: “Người ta chưa
nghe nói đến bao giờ, tai chưa hề nghe, mắt chưa hề thấy có vị thần nào, ngoài
Chúa ra, đã hành động như thế đối với ai tin cậy nơi mình” (Is 64:3). Cảm nghiệm này cũng được thánh Gio-an tóm kết
trong sách Tin Mừng của ngài: “Thiên
Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi
phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3:16).
2. Để giúp ta được cứu độ, Thiên Chúa kêu gọi ta
đến hiệp thông với Con của Người là Đức Giê-su Ki-tô (bài đọc Tân Ước – 1 Cr 1:3-9)
Theo kế
hoạch cứu độ, Thiên Chúa đã “xé trời mà đến” với nhân loại. Tuy nhiên cứu độ không phải là công việc độc
diễn của Thiên Chúa, mà Người muốn chính ta phải tích cực đáp trả và đón nhận. Với thánh Phao-lô, đây là đề tài phong phú và
bất tận để ta cảm tạ hồng ân Thiên Chúa ban cho ta nơi Đức Ki-tô. Vậy hồng ân ấy là gì? Trước tiên, hồng ân đó là Chúa làm cho ta được
“trở nên phong phú về mọi phương diện”, nhưng cao cả hơn hết vẫn là “được nghe
lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người” (1 Cr 1:5). Thực vậy, trước khi Chúa Ki-tô đến, con người
quá nghèo nàn. Họ đã bị tước đoạt hết tất
cả sau khi phạm tội không vâng phục Thiên Chúa.
Cả đến nơi ở là “vườn địa đàng” cũng không còn là chỗ dung thân. Tuy nhiên cái nghèo to lớn nhất, đó là họ
không có Thiên Chúa là phần gia nghiệp nữa.
Họ không còn được “nghe thấy tiếng Đức Chúa là Thiên Chúa đi dạo trong
vườn lúc gió thổi trong ngày” và “giáp mặt Đức Chúa là Thiên Chúa” nữa (St
3:8), nhưng đã bị đuổi ra khỏi vườn Ê-đen (St 3:23). Sự phong phú nguyên thủy đã bị tội lỗi tước
đoạt của con người, tức là được nghe lời Thiên Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của
Người, nay lại được hoàn phục nơi Chúa Ki-tô.
Sự thật toàn vẹn của Thiên Chúa thể hiện nơi con người Chúa Ki-tô. Người nói với ta tất cả những gì Thiên Chúa
muốn nói và cho ta biết tất cả những gì Thiên Chúa muốn cho ta biết về Thiên
Chúa. Chỉ nơi Chúa Ki-tô, ta mới tìm thấy
“sự thật toàn vẹn” (Ga 16:13) và “ân sủng tràn đầy” (Ga 1:14) của Thiên
Chúa. Vì thế, Thiên Chúa mới kêu gọi ta
đến hiệp thông với Con của Người. Hiệp
thông để ta cũng được tham dự vào sự phong phú về mọi phương diện, nhất là
phong phú vì được nghe và biết Thiên Chúa.
Sự hiệp
thông với Chúa Ki-tô mang tính chất tích cực và năng động, có khả năng biến đổi
con người của ta và cuối cùng là biến đổi hoàn toàn thân phận của ta. Hiệp thông với Chúa Ki-tô là để lắng nghe và
hiểu biết: lắng nghe Thiên Chúa nói với
ta qua Chúa Ki-tô và hiểu biết mầu nhiệm Thiên Chúa là mầu nhiệm tình yêu; lắng
nghe lời Chúa để đem ra thực hành và hiểu biết mầu nhiệm lòng Chúa yêu ta để ta
đáp trả. Sự hiệp thông này còn giúp ta
“nên vững chắc đến cùng”. Đúng vậy, nếu
không hiệp thông với Chúa Ki-tô, ta sẽ thấy tương lai mù mờ bất định và không
biết phải đi về đâu. Sức tấn công của ma
quỷ tội lỗi làm cho ta chao đảo và thường bỏ cuộc làm môn đệ Chúa Ki-tô. Trái lại, nếu kết hiệp với Chúa Ki-tô, ta sẽ
“nên vững chắc đến cùng”, nghĩa là tiếp tục được biến đổi theo khuôn mẫu Chúa
Ki-tô cho đến khi Người lại đến với ta, nói khác đi, cho đến lúc ta hoàn tất cuộc
lữ hành đức tin trên trần gian này. Tóm
lại, Chúa Ki-tô đã “xé trời” mà đến với ta là để giúp ta cùng với Người làm một
cuộc hành trình lấy lại sự phong phú nguyên thủy của ta và được cùng Người tiến
vào quê hương vĩnh cửu.
3. Ki-tô hữu phải canh thức, vì không biết khi
nào Chúa đến với họ (bài Tin Mừng – Mc
13:33-37)
Kết luận bài giảng về ngày Giê-ru-sa-lem bị tàn phá và về
ngày tận thế, tức là về cuộc quang lâm của Người, Chúa Giê-su nói: Anh em phải canh thức. Như người chủ nhà trẩy phương xa và sẽ trở về
không biết vào ngày giờ nào, Chúa cũng sẽ đến bất chợt để phán xét ta khi ta chết
và để phán xét mọi người trong ngày tận thế.
Do đó, thái độ canh thức chờ đợi là thái độ phải có. Để nói lên việc canh thức này, Chúa Giê-su
dùng hình ảnh cụ thể người đầy tớ có bổn phận giữ cửa nhà trong khi chủ đi vắng
cho đến lúc ông trở về. Dĩ nhiên canh thức
không thể hiểu theo nghĩa đen, nhưng là thái độ chờ đợi Chúa đến của Ki-tô hữu. Làm sao ta giữ được tư thái tỉnh thức và
không sống trong tình trạng ngủ mê, đó là sứ điệp của đoạn Tin Mừng hôm
nay. Nỗi nguy hiểm đối với Ki-tô hữu, những
người đang chờ đợi Chúa đến, là ngủ mê, là quên bổn phận của họ, là để cho những
quyến rũ thế gian đưa họ vào con đường dẫn tới hư mất.
Chúa Giê-su dường như nhấn mạnh đến nhân tố đưa ta đến tình
trạng ngủ mê của người đầy tớ giữ cửa. Mặc
dù chủ nhà trước khi đi đã “ra lệnh” cho người giữ của phải canh thức, nhưng lý
do khiến anh ta lơ là việc canh thức là tính ỷ lại. Vì không biết lúc nào chủ nhà đến nên anh ta
lý luận theo lợi ích của riêng mình: lúc
ban tối thì anh ta cho rằng đến nửa đêm chủ mới về, tới nửa đêm anh ta lại nghĩ
là ba bốn giờ sáng, rồi tới ba bốn giờ sáng thì anh ta lại tin là tảng
sáng. Đáng lẽ việc không biết lúc nào chủ
về phải là động lực giúp anh đầy tớ thức tỉnh thì lại trở thành cớ để anh sao
lãng bổn phận và lao mình vào những gì lợi ích riêng cho mình. Chủ nhà chẳng những ra lệnh cho anh tỉnh thức,
mà còn cố ý không cho anh biết lúc nào ông về, cốt là để anh chu toàn bổn phận
canh thức.
Người đầy tớ canh thức chỉ là một thí dụ nói chung. Canh thức đón Chúa đến không phải là việc của
một số người, nhưng là mọi người không trừ ai và trong mọi thời. “Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói
với hết thảy mọi người là: phải canh thức”
(Mc 13:37). Canh thức chờ Chúa đến là việc
mọi Ki-tô hữu phải thi hành, từ Giáo hoàng cho tới giáo dân, vì ai cũng cần được
cứu độ và phải chịu phán xét khi Chúa đến.
Canh thức bằng cách chu toàn bổn phận giống như các đầy tớ được chủ nhà
“chỉ định cho mỗi người một việc”. Giáo
dân có việc của giáo dân, linh mục tu sĩ có việc của linh mục tu sĩ. Chúa không bắt giáo dân phải làm công việc của
linh mục, và ngược lại. Điều quan trọng
là Chúa đến vào lúc nào cũng có thể thấy ta canh thức hoặc bắt gặp ta đang ngủ
trong những quyến rũ của thế gian.
4. Sống Lời Chúa
Mùa Vọng
là thời gian chuẩn bị đón Chúa giáng sinh trong niên lịch phụng vụ, nhưng cũng
là cả cuộc đời còn lại của ta để đón chờ Chúa đến phán xét cho tương lai vĩnh cửu
của ta. Nếu ta thực tâm cầu xin Chúa đến
cứu độ ta và phó thác trong bàn tay Chúa thì ta hãy đón nhận Đấng cứu độ là
Chúa Giê-su Ki-tô. Ta được kêu gọi hãy
hiệp thông với Người, để Người đồng hành với ta, dẫn dắt ta đi theo đường lối
Thiên Chúa và kiên trì sống sự phong phú Người chia sẻ với ta về Đấng mà Người
dạy ta gọi bằng Cha.
Suy nghĩ: Thánh Phao-lô nói đến sự phong phú ân huệ
Chúa ban cho anh chị em tín hữu Cô-rin-tô, là được nghe lời Chúa và được hiểu
biết mầu nhiệm của Người. Sự phong phú ấy
có ở nơi tôi không? Tôi có coi việc nghe
lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Chúa là ân huệ tôi phải luôn cảm tạ Chúa
không? Quan trọng hơn hết, tôi có lãnh
nhận ân huệ ấy cho xứng đáng không?
Cầu nguyện: Lạy Mục Tử
nhà Ít-ra-en,
Ngài là Đấng
ngự trên các thần hộ giá,
xin khơi dậy
uy dũng của Ngài,
đến cùng
chúng con và thương xứu độ.
Lạy Chúa Tể
càn khôn, xin trở lại,
tự cõi trời,
xin ngó xuống mà xem,
xin Ngài
thăm nom vườn nho cũ,
bảo vệ cây
tay hữu Chúa đã trồng,
và chồi non
được Ngài ban sức mạnh.
(Đáp ca CN I mùa Vọng – Thánh Vịnh
79:2ac.3b.15-16)
Lm. Đaminh Trần Đình Nhi