Chúa Nhật II mùa Vọng, B

(2008)

 

          Cứu độ là việc gặp gỡ giữa Chúa với ta.  Từ trời cao Chúa đến với ta thì dĩ nhiên ta cũng phải sẵn sàng để đón tiếp Người.  Trong Cựu Ước, ngôn sứ I-sai-a đã gióng lên tiếng hô, kêu gọi dân Chúa hãy chuẩn bị đón tiếp Chúa sau khi “thời làm nô lệ của Thành (Giê-ru-sa-lem) đã mãn, tội của Thành đã đền xong”.  Cũng vậy, trong Tân Ước ông Gio-an Tẩy Giả đã lập lại cùng một sứ điệp của ngôn sứ I-sai-a, mời gọi người ta dọn đường tâm hồn đón Chúa Ki-tô.  Còn thánh Phê-rô lại mở cánh cửa trời mới đất mới cho ta nhìn thấy tương lai vĩnh cửu để ta cố gắng trở nên tinh tuyền.  Đó là chủ đề Lời Chúa hôm nay muốn trình bày.

1.  Con đường Chúa đến với ta (bài đọc Cựu Ước – Is 40:1-5.9-11 và bài Tin Mừng – Mc 1:1-8)

          Gọi là con đường cho cụ thể, chứ thực ra đó chính là tâm hồn ta.  Chúa đi trên con đường tâm hồn để đến với ta.  Hình ảnh cụ thể ấy được sử dụng để mô tả những trạng thái tâm hồn khác nhau, nhưng tựu chung vẫn phải là con đường Chúa đến với ta, vì ngoài ra Chúa không đến bằng bất cứ con đường nào khác.  Vậy ngôn sứ I-sai-a và ông Gio-an Tẩy Giả nói về con đường này với ai và trong hoàn cảnh nào?

          Giê-ru-sa-lem bị thất thủ và cuộc lưu đày Ba-by-lon đã khiến dân Ít-ra-en phải sống những tháng năm tủi nhục, làm tôi đòi cho ngoại bang.  Giữa những khổ đau trăm điều, ngôn sứ I-sai-a đốt lên ngọn nến hy vọng, mở đầu sách An ủi cho dân Ít-ra-en, từ chương 40 đến 55.  Ngài loan báo một tin mừng cho Ít-ra-en, là Đức Chúa sẽ đến với họ, “tay nắm trọng chủ quyền” và “như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa” (Is 40:10-11).  Tội bất trung của Ít-ra-en đã phải đền bằng cuộc nô lệ phục dịch Ba-by-lon.  Dường như Thiên Chúa để mặc cho Ít-ra-en bị trao vào tay ngoại bang và Người chẳng đoái hoài.  Tuy nhiên đó chỉ là đường lối Thiên Chúa dùng để giúp Ít-ra-en cải tà quy chính và sẽ luôn trung thành thờ phượng Người.  Giờ thì “thời phục dịch của Thành đã mãn, tội của Thành đã đền xong” nên Thiên Chúa quyết định trở lại với Ít-ra-en.  Nhưng trước khi Người đến với Ít-ra-en, họ cần phải chuẩn bị đón tiếp.  Ngôn sứ I-sai-a đóng vai trò làm “tiếng hô trong sa mạc”.  Trong sa mạc thinh lặng, ngay đến tiếng thì thầm cũng còn nghe được, huống chi là tiếng hô lớn.  Sứ điệp của tiếng hô này chỉ vỏn vẹn ý tưởng:  hãy dọn đường tâm hồn cho Chúa đến.

          Địa lý Ít-ra-en quả thực rất thích hợp để diễn tả những trạng thái trừu tượng của tâm hồn.  Ít-ra-en là đất đồi núi, sỏi đá khô cằn, họa hiếm đồng bằng và không có sông ngòi to lớn.  Sa mạc, đồng hoang, thung lũng, núi đồi, lồi lõm, gồ ghề là đặc điểm địa lý Ít-ra-en, nhưng cũng tượng trưng cho những trở ngại tâm hồn dân Ít-ra-en ngăn cản Chúa đến với họ.  Do đó, họ cần phải mở đường, phải loại trừ tất cả những trở ngại tâm hồn cho Chúa đến.  Chúa có thể bất chấp những trở ngại đó mà đến, nhưng việc Chúa đến là cuộc gặp gỡ yêu thương nên không thể là một áp đặt vô nghĩa.  Người đến với họ, nhưng chính họ cũng phải đến với Người.

          Khi rao giảng sám hối trong hoang địa, ông Gio-an là hiện thân tiếng hô trong sách ngôn sứ I-sai-a.  Ông làm sứ giả cho Chúa Giê-su, đi trước Người, kêu gọi người ta chuẩn bị con đường tâm hồn cho Đấng Cứu độ đến với họ.  Kèm theo lời giảng, ông còn thực hành nghi thức làm phép rửa để giúp người ta biểu lộ quyết định sám hối, thay đổi cuộc sống cho thánh thiện để tâm hồn họ trở thành “con đường của Đức Chúa” và “lối thẳng để Người đi”.

          Tiếng hô của ngôn sứ I-sai-a và ông Gio-an Tẩy giả chắc chắn là một thách đố cho ta.  Nó đòi ta phải nhìn lại chính cuộc đời mình để nhận định những trở ngại trên con đường tâm hồn ta.  Những hình ảnh tiêu cực hết sức thực tế như quanh co, gồ ghề, lồi lõm, lũng sâu, đồi cao… đều biểu hiện cho những trạng thái xấu xa của tâm hồn.  Trái lại, những hình ảnh tích cực như đầy đặn, bằng phẳng, thẳng tắp diễn tả những nét tích cực của con đường tâm hồn không trở ngại, sẵn sàng để Chúa đến với ta.  Sự tương phản giữa hai trạng thái tiêu cực và tích cực ấy nói lên việc ta phải làm, giống như muốn bỏ một tính xấu thì phải thay thế bằng một nhân đức.  Thí dụ:  núi đồi phải bạt xuống có nghĩa là muốn diệt trừ tính kiêu căng cần phải tập đức khiêm nhường.  Đó là công việc song song, diệt trừ nết xấu và tập tành nhân đức.  Vấn đề là ta có thực sự lắng nghe tiếng hô của những người muốn giúp ta sửa đổi và can đảm nhìn thẳng vào chính mình hay không.

2.  Ông Gio-an Tẩy giả, gương mẫu sám hối (bài Tin Mừng – Mc 1:1-8)

          Ta đã nghe ông Gio-an Tẩy giả hô lên trong sa mạc kêu gọi người ta sám hối.  Tuy nhiên ta có thể nhận thấy tấm gương sám hối của ông trong lối sống cũng như cách cư xử và thi hành sứ mệnh.  Sám hối tức là thay đổi sao cho tốt hơn.  Đời sống của ông thật giản dị, khó nghèo và thẳng thắn.  Ông có thể thừa hưởng tất cả gia tài giàu có của cha mẹ, nhưng ông lại từ bỏ nếp sống xa hoa và tất cả để chấp nhận đời sống giản dị của vị ẩn sĩ.  Ông có thể giữ lấy thanh thế cho chính mình, vì “mọi người khắp miền Giu-đê và thành Giê-ru-sa-lem kéo đến với ông” (Mc 1:5), nhưng ông xác tín mình cần phải lu mờ đi để cho Chúa Giê-su nổi bật lên (Ga 3:30).  Ông còn khiêm nhượng đến nỗi cho rằng mình “không đáng cúi xuống cởi quai dép” cho Chúa Giê-su.  Lời giảng và phép rửa của ông chắc chắn là một nghi thức đánh động nhiều tâm hồn.  Nhưng ông không vì thế mà kênh kiệu, trái lại ông còn tôn vinh phép rửa của Chúa Giê-su.  “Tôi thì tôi đã làm phép rửa cho anh em bằng nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần” (Mc 1:8).  Nước là chất liệu bên ngoài, làm sao tẩy rửa được tâm hồn.  Cho nên nước không thể so sánh được với Thánh Thần, Đấng thay đổi cả bộ mặt trái đất và tâm hồn con người.  Ông Gio-an có nhiều môn đệ.  Nhưng khi gặp Chúa Giê-su đến xin nhận phép rửa của ông, ông đã giới thiệu Chúa với môn đệ mình và để họ đi theo Người (Ga 1:35-39).  Tóm lại, ông Gio-an đã thay đổi cuộc sống trước khi rao giảng sám hối cho người khác.

3.  Chúa đến mở ra cho ta trời mới đất mới (bài đọc Tân Ước – 2 Pr 3:8-14)

          Nếu ta nghe theo lời giảng của ngôn sứ I-sai-a và ông Gio-an Tẩy giả, chuẩn bị tâm hồn xứng đáng để Chúa đến với ta, chắc chắn sẽ có nhiều điều tốt đẹp và mới lạ nảy sinh, nhưng đặc biệt nhất đó là ta sẽ nhận ra trời mới đất mới như Chúa đã hứa.

          Tin chắc như vậy, thánh Phê-rô Tông Đồ mới nhắn nhủ ta hãy chuẩn bị chu đáo cho “ngày của Chúa”.  Vậy điều gì sẽ xảy ra trong “ngày của Chúa”?  Thánh Phê-rô dùng lối diễn tả khải huyền để nói về ngày ấy:  “Ngày đó, các tầng trời sẽ ầm ầm sụp đổ, ngũ hành bốc cháy tiêu tan, mặt đất và các công trình trên đó sẽ bị thiêu hủy” (2 Pr 3:10).  Thực sự khó mà hiểu được cách diễn tả của thánh Phê-rô về “ngày của Chúa”.  Nhưng chắc chắn một điều, là nếu “muôn vật phải tiêu tan như thế, thì anh em phải là những người tốt dường nào, phải sống đạo đức và thánh thiện biết bao trong khi mong đợi ngày của Thiên Chúa”.  Như vậy, thánh Phê-rô muốn nói rằng:  Muôn vật phải tiêu tan, nhưng ta cần phải tồn tại, và đó là điều Chúa muốn.  “Người kiên nhẫn đối với anh em, vì Người không muốn cho ai phải diệt vong” (2 Pr 3:9).  Mà nếu muốn được tồn tại vĩnh viễn, ta phải là những người thánh thiện đạo đức.  Được sống muôn đời, đó chính là “trời mới đất mới” của ta đó.

Thay vì nói về sám hối như sứ điệp của tiếng hô trong sa mạc, thánh Phê-rô lại nói đến hiệu quả của sám hối:  “Trong khi mong đợi ngày đó, anh em phải cố gắng sao cho Người thấy anh em tinh tuyền, không chi đáng trách và sống bình an” (2 Pr 3:14).  Đúng thế, ta là những người tội lỗi, đáng trách trước mặt Chúa.  Nhưng nếu ta có thực thi sám hối, thì mới có thể biến đổi con người từ trạng thái tội lỗi đến trạng thái tinh tuyền thánh thiện.  Theo cái nhìn của thánh Phêrô, khi ta thực thi sám hối có nghĩa là ta xa dần khỏi “trời cũ đất cũ” để tiến gần đến “trời mới đất mới” vậy.

4.  Sống Lời Chúa

          Sám hối không chỉ là chủ đề của mùa Chay, mà cũng là chủ đề của mùa Vọng nữa, bởi vì cả hai mùa đều đưa ta tới Chúa Ki-tô, Đấng đã giáng sinh, chết trên thập giá và sống lại vinh hiển để cứu độ ta.  Cùng một sứ điệp sám hối đã được ngôn sứ I-sai-a, Gio-an Tẩy giả và Tông Đồ Phê-rô trình bày trong những bối cảnh khác nhau, nhưng đều quy về một mục đích là chuẩn bị đón Chúa đến với ta.  Ta dọn đường tâm hồn cho Chúa đến và khi Người ở với ta, Người cũng chính là Đường dẫn ta về trời mới đất mới là nhà Cha trên trời.

Suy nghĩ:  Tại Hoa-kỳ, công tác làm đường và sửa đường là việc thường xuyên, nhờ đó bốn mùa ta đều có thể đi lại dễ dàng.  Còn con đường tâm hồn để tôi đón Chúa liệu có được sửa sang tu bổ hằng ngày không?  Vào cuối ngày trước khi nghỉ ngơi, tôi có nhìn lại tâm hồn mình để nhận ra những khuyết điểm cần sửa đổi không?  Và sửa đổi làm sao?

Cầu nguyện:  Lạy Thiên Chúa toàn năng ái tuất, xin đừng để chúng con mải mê thế sự, chẳng còn hăm hở đi đón mừng Con Chúa, nhưng xin dạy chúng con biết ham thích những sự trên trời, hầu được cùng Người vui hưởng phúc trường sinh.  Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  A-men.  (Lời nguyện Nhập lễ, Chúa Nhật II mùa Vọng).

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B