CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG,
năm B
Ga 1, 6-8.19-28
CHỨNG NHÂN CHO ĐỨC KITÔ
Chúa nhật thứ III Mùa
Vọng gợi lên cho chúng ta hai hình ảnh thật ấn tượng, hai tư tưởng thật quí hóa
: một là tư tưởng vui mừng, hân hoan, phấn khởi vì thời cứu độ đầy khích lệ,
đầy an ủi đã gần kề chúng ta; hai là hình ảnh kham khổ, khiêm tốn của Gioan Tẩy
Giả, khiến nhiều người đồng thời thắc mắc, tự đặt vấn đề Gioan Tiền Hô là ai
vậy ?
Cuộc đời của các Kitô
hữu là cuộc hành trình tiến về Nước Trời, do đó, con người vẫn còn lo âu, vẫn
còn thử thách, vẫn còn tội lỗi. Chúa không miễn trừ cho con người những điều
khó khăn ấy, nhưng trong mọi hoàn cảnh, Chúa nói chúng ta hãy vui lên. Bởi vì
Chúa đang ở giữa chúng ta để chia sẻ nỗi lo âu và hy vọng, làm cho những đau
khổ, cũng như niềm vui của chúng ta có giá trị trước mặt Thiên Chúa. Tuy nhiên,
sự an bình chỉ có được nơi người mộn đệ có niềm tin, lòng khiêm tốn cậy dựa,
tín thác vào Chúa. Gioan Tẩy Giả đã nêu gương cho chúng ta, cho mọi người về
đức tin sống động, sự khiêm tốn tuyệt hảo, nên Ông đã trở nên Đấng Tiền Hô và
trở nên cao trọng trong Nước Thiên Chúa.
THỜI GIAN GIÚP NHÂN
LOẠI NHẬN RA LỜI HỨA CỦA THIÊN CHÚA ĐƯỢC THỰC HIỆN NƠI LỊCH SỬ CON NGƯỜI : Thời
gian là một thực tại mà tất cả mọi người sống trong lịch sử đều kinh nghiệm.
Dòng đời luôn trôi qua, thời gian, bốn mùa thời tiết cứ tiếp tục xoay vần, luân
chuyển.Tuy nhiên, thời gian lại là một cái gì đó con người khó lòng định nghĩa,
khó lòng xác định. Con người chỉ biết được mình được sinh ra tại một nơi chốn,
trong một đất nước, trong một thời giờ và thời gian nhất định. Chỉ có một mình
Thiên Chúa là thoát ra ngoài những ràng buộc, những ấn định của thời gian, Ngài
sống ngoài những giới hạn của thời gian, bởi vì Ngài sống trong cõi đời đời,
không có quá khứ và tương lai. Ngài luôn ở trong cõi vĩnh cửu…Thiên Chúa tạo
dựng vũ trụ, muôn loài muôn vật và con người. Chính trong khoảng khắc của thời
gian hay ngày giờ mà Thiên Chúa dựng nên thế giới này, thời gian đã trở thành
một thực tại không ai có thể chối cãi được. Do đó, chúng ta nhận ra rằng với
lời mời gọi của Abraham đi tới vùng Đất Hứa vào một ngày đặc biệt trong thời
gian, lịch sử cứu độ của con người, của thế giới bắt đầu. Thiên Chúa đã ban cho
Abraham qua lời hứa của Ngài mà Đấng Cứu Thế đã sinh ra bởi dòng tộc Vua Đavít
trong một nơi chốn và trong một thời gian nhất định:” Gioan Tẩy Giả là Vị Tiền
Hô của Đấng Cứu Độ và nhờ Gioan mà nhân loại nhận ra Ngài khi Ngài đến “.
GIOAN TIỀN HÔ LÀ CHỨNG
NHÂN CỦA ĐỨC KITÔ : Thánh Gioan trong chương 1,6-8 đã viết :” Có một người được
Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh
sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để
làm chứng về ánh sáng “. Sự Sáng là Đấng Cứu Độ mà Gioan chính là người được
diễm phúc làm chứng cho Chúa, Gioan đã là chứng nhân trung thành nhất, kiên trì
và hoàn hảo nhất cho Đấng Cứu Thế.Gioan Tiền Hô làm chứng cho Đấng Cứu Thế bằng
lời nói, bằng gương sáng và bằng hành động của Người. Gioan đã sống đời sống
hết sức khổ hạnh, Người đã rao giảng sự sám hối, ăn năn, và qua việc làm chứng
của Người :” Tôi là tiếng kêu trong hoang địa : Hãy sửa cho ngay đường Chúa đi
“ ( Ga 1, 23 ). Gioan Tẩy Giả chỉ là Đấng Tiền Hô và báo trước ngày, thời gian
Chúa xuất hiện, sau đó Người rút lui vào bóng tối:” Ngài phải lớn lên, còn tôi
phải nhỏ lại “. Gioan chính là người nô bộc của Đấng Cứu Thế và Đức Kitô là
chủ, là Chúa và là Thầy.
CHÚNG TA CŨNG PHẢI LÀ
CHỨNG NHÂN CHO CHÚA : Như thánh Gioan Tiền Hô, mỗi Kitô hữu cũng phải là chứng
nhân cho Đức Kitô trong cuộc sống của mình. Bởi vì, Chúa Cứu Thế đã tới trần
gian như thánh Gioan viết:” Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và
chiếu soi mọi người “ ( Ga 1, 9 ). Con Thiên Chúa đã thực sự làm người và ở
giữa thế gian:” Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng
lại không nhận biết Người “( Ga 1, 10 ). Chính vì thế gian không nhận biết
Người mà nhân loại và mỗi Kitô hữu chúng ta phải làm chứng cho sự hiện của
Người. Chúng ta phải như Gioan Tiền Hô minh chứng chính Đấng Cứu Thế là Con
Thiên Chúa và Đức Kitô đang sống với, sống vì, sống cho chúng ta, sống cho nhân
loại. Và cũng như các Tông Đồ xưa, chúng ta phải làm chứng :” Ngôi Lời đã trở
nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang
của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và
sự thật “( Ga 1, 14 ). Các Tông Đồ đã nhìn thấy vinh quang của Đức Kitô ở một
vài thời điểm trong cuộc đời trần thế của Người ( Ga 2, 11 và Lc 9, 32 ). Chính
các Tông Đồ đã nhìn thấy vinh quang trong cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Đức
Kitô. Các Ngài đã làm chứng cho Đức Kitô Nagiarét chết và phục sinh, cũng như
Gioan Tẩy Giả đã làm chứng cho chúa Giêsu khi Ngài đến và xuất hiện giữa trần
gian, chúng ta cũng phải làm chứng cho Chúa Giêsu như các Ngài đã làm chứng.
ÁP DỤNG VÀO THỰC TẾ :
Chúa đã đến trần gian, đã chết và sống lại vì yêu thương con người. Chúng ta
đang trên con đường hành trình lữ thứ, chúng ta phải năng lắng nghe và thực thi
lời Chúa qua đời sống cụ thể hằng ngày. Làm chứng cho Chúa bằng gương sáng và
bằng những hành động bác ái cụ thể trong đời sống mỗi người chúng ta. Bí tích
Thánh Thể là lương thực nuôi sống chúng ta và là bằng chứng chúng ta tôn kính,
thờ lạy và làm chứng cho Ngài.
Lạy Chúa, xin hãy dạy
chúng con sống thánh thiện để được rước Chúa và siêng năng, cần mẫn rước Chúa
mỗi ngày. Xin làm cho tâm hồn chúng con trở nên đền thờ sống động, xứng đáng
cho Chúa ngự trị. Amen.
GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :
1.Chúa nhật III Mùa
Vọng day chúng ta những gì ?
2.Tại sao Gioan Tẩy Giả
lại là người chứng quan trọng ?
3.Thánh Gioan Tiền Hô
đã làm gì để cho nhiều người nhận ra Chúa Cứu Thế đến và xuất hiện ?
4.Thái độ nào chúng ta
phải có để làm chứng cho Đức Kitô.
Linh mục Giuse Nguyễn
Hưng Lợi DCCT