Chúa Nhật III mùa Vọng, B (2008)

 

          Chuẩn bị tâm hồn đón nhận Đấng Cứu độ đến mà lại không biết Đấng ấy là ai thì quả thực là vô lý.  Mặc dù thánh Gio-an Tẩy giả đã giới thiệu Chúa Giê-su như là “Đấng quyền năng đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người”, nhưng đó mới chỉ là lời giới thiệu khái quát.  Ngài muốn dành cho ta phần tìm hiểu căn tính của Đấng ngài giới thiệu, bởi vì gặp gỡ không chỉ căn cứ vào lời giới thiệu của ngài, nhưng bằng chính nỗ lực và tâm huyết của ta mà tiến dần tới một liên hệ mật thiết với Đấng ta tìm kiếm.

1.  “Đấng Ki-tô”, Ngài là ai? (bài Tin Mừng – Ga 1:6-8.19-28)

          Sự xuất hiện và việc làm của thánh Gio-an Tẩy giả trong hoang địa là một biến cố vĩ đại làm rung động toàn cõi Giu-đê, khiến cho các nhà lãnh đạo cả tôn giáo lẫn chính quyền đều thắc mắc với cùng một câu hỏi:  Vị này có phải là Đấng Ki-tô hay không?  Người ta muốn tìm hiểu căn tính của Gio-an Tẩy giả.  Các nhà lãnh đạo tôn giáo đều cho ngài là Đấng Ki-tô mà dân Do-thái đang trông đợi.  Họ mong chính miệng ngài xác nhận điều ấy.  Trước tất cả các câu hỏi về căn tính của ngài, từ Đấng Ki-tô cho đến ông Ê-li-a rồi tới một vị ngôn sứ, ông Gio-an Tẩy giả đều trả lời không.  Ông khẳng định:  “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa”.  Trả lời như thế, ông Gio-an Tẩy giả ngầm bảo những người đến hỏi ông:  các bạn đừng để ý tới người hô trong hoang địa, nhưng hãy lắng nghe sứ điệp người ấy hô lên.  Sứ điệp mới quan trọng, còn người rao sứ điệp chẳng là gì cả.  Ông Gio-an mời gọi họ đừng chú ý tới ông, nhưng tới Đấng đến sau ông.  Đấng ấy cao trọng đến nỗi ông không xứng đáng cởi dép cho Ngài.  Sứ vụ của ông chỉ là hô cho mọi người biết phải chuẩn bị đón tiếp một nhân vật vô cùng quan trọng.  Vị ấy quan trọng đến độ không thể lấy lời lẽ nào diễn tả được, nhưng mỗi người phải đích thân gặp gỡ Ngài và thiết lập mối quan hệ tình yêu với Ngài.

          Tuy nhiên ta có thể thắc mắc:  vậy thánh Gio-an Tẩy giả có thực sự biết Chúa Giê-su là Đấng nào không?  Biết chứ!  Ngài có biết thì ngài mới nói lên được sứ điệp này, là “Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ I-sai-a đã nói” (Ga 1:23).  Đối với Gio-an, Chúa Giê-su chính là Đức Chúa đến cứu độ trần gian.  Vậy mà đối với nhiều người khác, Chúa Giê-su lại là “một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết”.  Thật đáng buồn.  Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người, làm “Thiên Chúa ở giữa chúng ta” (Emmanuel), nhưng chúng ta lại không biết hoặc không muốn biết.  Bổn phận giới thiệu Chúa Giê-su thì ông Gio-an đã chu toàn, nhưng phải tìm biết và chuẩn bị tiếp đón Đấng ông giới thiệu là bổn phận của ta và chu toàn bổn phận này là việc không ai có thể làm thay cho ta được.  Trước khi trở thành Tông đồ dân ngoại, thánh Phao-lô đã được gặp Chúa Giê-su trên đường đi Đa-mát.  Ngài hỏi Chúa:  “Thưa Ngài, Ngài là ai?”  Chúa Giê-su đã trả lời ngắn gọn:  “Ta là Giê-su mà ngươi đang bắt bớ” (Cv 9:5).  Với câu trả lời ấy, Phao-lô bắt đầu một hành trình tìm hiểu và quan hệ với Chúa Giê-su Ki-tô và giáo lý của Người.  Thế rồi ngài vừa rao giảng vừa tìm hiểu về Chúa Ki-tô chịu đóng đinh cho đến độ “đành mất hết, coi tất cả như đồ bỏ, để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người” (Pl 3:8).  Để giúp ta khám phá một vài nét chính về Đấng ta mong đợi và chuẩn bị đón tiếp, Lời Chúa trong sách ngôn sứ I-sai-a mô tả sứ vụ của Người.

2.  Chúa Giê-su là Đấng Cứu độ theo diễn tả của ngôn sứ I-sai-a (bài đọc Cựu Ước – Is 61:1-2a.10-11)

          Bài đọc trích sách ngôn sứ I-sai-a hôm nay cũng là những lời được Chúa Giê-su lấy lại và áp dụng cho chính Người khi Người đến rao giảng Tin Mừng tại hội đường Na-da-rét, quê hương của Người (Lc 4:16-30).  Ngôn sứ cho ta thấy một ít đường nét dung mạo và sứ mệnh của Đấng Cứu độ mà nhân loại đợi chờ.  Trước hết, Đấng Cứu độ được đầy tràn Thần Khí của Thiên Chúa và được xức dầu tấn phong – Đấng Ki-tô có nghĩa là Đấng được xức dầu – để thi hành sứ mệnh do Thiên Chúa trao phó.  Tiếp đến ngôn sứ mô tả sứ mệnh của Đấng Cứu độ là công bố kế hoạch tái tạo một thế giới đã bị tội lỗi làm cho đổ nát điêu tàn.  Thế giới ấy đầy dẫy “những kẻ nghèo hèn, tan nát tâm hồn, bị giam cầm, tù nhân, nô lệ…”  Tất cả đều là hậu quả của tội nguyên tổ và tội lỗi xã hội cũng như cá nhân.  Cho nên sứ mệnh của Đấng Cứu độ là công bố “năm hồng ân của Đức Chúa” hay Triều Đại Thiên Chúa đã bắt đầu và “ngày báo phục của Đức Chúa” hay ngày chiến thắng sức mạnh của tội lỗi đã đến gần.  Đấng Ki-tô được sai đi để thực hiện một cuộc tạo dựng mới, phục hồi cho nhân loại tất cả những gì họ đã bị tội lỗi tước đoạt.  Cuộc tạo dựng mới này còn đem lại cho nhân loại vẻ đẹp và cao quý hơn cả tình trạng nguyên thủy trước khi A-đam và E-và phạm tội bất tuân lệnh Chúa.  Đó là sứ mệnh giải phóng mà Chúa Giê-su sẽ thực hiện khi Người sinh xuống làm người giữa nhân loại.

          Sau khi mô tả sứ mệnh của Đấng Cứu độ, ngôn sứ I-sai-a còn nói lên tâm tình tạ ơn của Chúa Giê-su, Đấng Cứu độ, khi Người được Thiên Chúa trao ban sứ mệnh (Is 61:10-11).  Chúa Giê-su muốn biểu lộ niềm vui đích thực nhờ hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa.  Không vui sao được khi Thiên Chúa đặt Chúa Giê-su làm Hồng Ân Cứu Độ và Hồng Ân này được chia sẻ cho toàn thể nhân loại mà Người là Trưởng Tử!  Không vui sao được khi Thiên Chúa tìm thấy sự công chính trọn vẹn nơi Chúa Giê-su, để sự công chính ấy giúp cho mọi người từ tình trạng thù nghịch được trở thành con cái Thiên Chúa!  Người tạ ơn Thiên Chúa vì sứ mệnh mà Người thi hành sẽ đem lại hoa trái tốt đẹp.  “Hoa công chính” sẽ nở rộ và “lời ca ngợi” Thiên Chúa sẽ vang lên khắp nơi.  Tóm lại, Đấng Cứu độ sẽ biến trái đất khô cằn vì hậu quả tội lỗi trở thành vườn địa đàng mới cho nhân loại.

3.  Ta hãy vui mừng và cảm tạ Chúa vì được Người cứu độ (bài đọc Tân Ước – 1 Tx 5:16-24)

          Nếu Chúa Giê-su đã cảm thấy vui mừng và tạ ơn Thiên Chúa vì được trao ban sứ mệnh cứu độ nhân loại, thì làm sao ta lại không thể theo gương Người mà vui mừng và cảm tạ Thiên Chúa đã thương cứu độ ta?  Đó chính là điều thánh Phao-lô hô hào anh chị em tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca hãy sống cùng những tâm tình ấy của Chúa Giê-su.  Ngài còn nhấn mạnh:  phải vui mừng và cảm tạ luôn luôn, trong mọi tình huống cuộc sống.  Hơn thế nữa, ngài bảo đó là điều Thiên Chúa muốn ta làm, theo gương Đức Ki-tô Giê-su (1 Tx 5:16-18).  Có lẽ ít khi ta đọc được những câu văn ngắn gọn, rõ ràng, đầy sức mạnh và thúc giục như trong đoạn thư hôm nay.  Toàn là những lời khuyên đậm tình, lạc quan, nhưng cũng không kém phần nghiêm khắc của người cha chỉ dạy con cái.  Ta có thể đọc đi đọc lại những dòng thư này để cảm nghiệm được lòng nhiệt thành chăm sóc của vị Tông đồ dân ngoại và để thấy ta được an ủi khích lệ như thế nào.  Cảm nghiệm được cứu độ không chỉ là một tư tưởng hay lý thuyết thần học khô khan, nhưng còn là một tình cảm sống động trong ta.

          Nhưng muốn vui mừng và cảm tạ Chúa cho đúng, ta phải làm gì?  Câu trả lời là:  “Anh em đừng dập tắt Thần Khí” (1 Tx 5:19).  Thần Khí đã chi phối Chúa Ki-tô suốt cả cuộc đời, từ khi Đức Trinh Nữ Ma-ri-a thụ thai Người cho tới lúc Người tắt thở trên thập giá.  Mỗi khi Chúa Giê-su bị cám dỗ, trong hoang địa, trong thành công khi rao giảng Tin Mừng, trong Vườn Dầu, trên thập giá, là những lúc Người bị cám dỗ hãy dập tắt Thần Khí trong Người.  Cho nên câu trả lời tuy đơn giản, nhưng lại là cốt lõi của cuộc sống.  Có khi nào ta thực sự hiểu rằng mọi cám dỗ của ta đều là cám dỗ hãy dập tắt lửa Chúa Thánh Thần trong ta, hãy sống và làm theo tinh thần thế gian ma quỷ chứ đừng sống và làm theo tinh thần của Thiên Chúa?  Nhờ quyền năng và ân sủng của Chúa Thánh Thần, ta sẽ biết phân định điều tốt điều xấu.  Từ ngữ tu đức gọi việc phân biệt này là phân định thần loại.  Đúng thế, cuộc đời ta luôn luôn là phân định điều tốt điều xấu, để rồi ta tự do chọn lựa, tốt làm xấu tránh.  Nhưng rất nhiều khi ta biết là điều tốt mà vẫn không làm và điều xấu mà cứ làm.  Do đó, ta cần thêm sức mạnh của Chúa Thánh Thần giúp ta sống theo sự phân định đúng đắn.  Nếu ta cứ tiếp tục để cho Thần Khí bừng sáng trong ta, thánh hóa ta và nếu ta cứ sống theo dẫn dắt của Người, ta sẽ “được gìn giữ vẹn toàn, không gì đáng trách, trong ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, quang lâm” (1 Tx 5:23).

4.  Sống Lời Chúa

          Càng gần ngày lễ Giáng Sinh, Lời Chúa càng giúp ta hiểu rõ hơn sứ mệnh của Đấng Cứu độ ta đang chuẩn bị đón mừng.  Ông Gio-an Tẩy giả giới thiệu Đức Chúa đang đến chính là Chúa Giê-su, Đấng sẽ đến sau ngài.  Ngôn sứ I-sai-a trong thời Cựu Ước đã thấy rõ con người và sứ mệnh của Đấng Cứu độ và ngài cho ta biết.  Còn thánh Phao-lô thì mời gọi ta hãy vui lên và cảm tạ Thiên Chúa, vì Người đã ban cho ta Đấng Cứu độ.  Ngài cũng không quên đề ra cách thực tế đón nhận ơn cứu độ, đó là theo gương Chúa Giê-su sống theo sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần.

Suy nghĩ:  “Đừng dập tắt Thánh Thần” có lẽ là một lời khuyên thật mới mẻ cho cuộc sống Ki-tô hữu của tôi.  Vậy từ nay tôi sẽ sống theo lời khuyên này của thánh Phao-lô như thế nào?  Đặc biệt trong việc phân định thần loại, cân nhắc điều tốt điều xấu, tôi sẽ thực hành ra sao?  Tôi có bàn hỏi với những người khôn ngoan đạo đức?  Trước khi quyết định điều gì, dù lớn hay nhỏ, tôi có cầu nguyện xin ơn Chúa Thánh Thần không?

Cầu nguyện:  Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, này dân Chúa đem tất cả niềm tin đợi chờ ngày lễ Sinh Nhật Đấng Cứu Thế.  Xin hướng niềm vui chúng con về chính nguồn hoan lạc của mầu nhiệm Giáng Sinh cao cả, để tâm hồn chúng con hoàn toàn đổi mới, mà họp mừng ngày cứu độ đã gần kề.  Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.  A-men.  (Lời nguyện Nhập lễ, Chúa Nhật III mùa Vọng).

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi                  

 

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B