Chúa Nhật IV mùa Vọng, B

(2008)

 

          Tình yêu đích thực của Thiên Chúa luôn luôn đi trước con người một bước.  Người yêu thương ta trước khi ta có mặt trên đời hoặc tìm đến với Người.  Với câu truyện vua Đa-vít muốn xây đền thờ cho Chúa ngự và Mẹ Ma-ri-a được chuẩn bị làm Mẹ Đấng Cứu độ trần gian, ta thấy rõ mầu nhiệm Thiên Chúa yêu thương ta vô điều kiện nay được biểu lộ.

1.  “Đức Chúa lập cho ngươi một nhà” (bài đọc Cựu Ước – 2 Sm 7:1-5.8b-12.14a.16)

          Lòng yêu mến của vua Đa-vít đối với Thiên Chúa quả thực lớn lao.  Ông thấy không yên tâm vì đang khi ông có “nhà” làm bằng gỗ bá hương thì Hòm Bia Thiên Chúa lại phải đặt trong một lều vải.  Do đó ông hội ý với ngôn sứ Na-than, muốn xây một thánh điện cho Thiên Chúa ngự giữa dân Người.  Thiên Chúa liền sai ngôn sứ mang đến nhà vua một sứ điệp:  Người không cần một ngôi đền thờ bằng đá gỗ, nhưng Người sẽ thiết lập một ngôi nhà thiêng liêng, là vương quốc cứu độ của một người hậu duệ sinh ra từ dòng dõi Đa-vít.

          Vậy ngôi nhà Thiên Chúa sẽ thiết lập để “ở lại” giữa con cái Người sẽ được tiến hành như thế nào?  Trước hết Thiên Chúa chuẩn bị một nền nhà vững chắc khi Người “cất nhắc” Đa-vít, một cậu bé chăn chiên, lên làm vua Ít-ra-en.  Có Thiên Chúa luôn ở cùng, Đa-vít trở nên một vĩ nhân lẫy lừng thế giới.  Tuy nhiên điều làm cho Đa-vít nổi danh không phải là có thế lực đời này, mà là vì ông được Thiên Chúa đặt làm nền móng cho vương quyền tồn tại muôn đời của một người sinh ra trong dòng dõi của ông, đó là Chúa Giê-su Ki-tô.  Ta có thể biết điều này qua câu truyện truyền tin của sứ thần Gáp-ri-en:  “Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít.  Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a” (Lc 1:26-27). Nói cho cụ thể, vua Đa-vít đã được Thiên Chúa dùng làm nền tảng xây dựng một “ngôi nhà” mới là chính Chúa Giê-su, để Thiên Chúa ngự trong Chúa Giê-su mà ở cùng nhân loại.  “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-tôi” (Mt 1:23).

          Một khi “ngôi nhà” Giê-su được thiết lập, sẽ nảy sinh một quan hệ mới giữa Thiên Chúa và nhân loại, nhờ mối quan hệ giữa Chúa Giê-su và Thiên Chúa.  Ta hãy nghe Thiên Chúa phán với ngôn sứ Na-than:  “Đối với nó (miêu duệ của Đa-vít là Chúa Giê-su), Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ là con” (2 Sm 7:14a).  Cũng thế, Thiên Chúa là Cha của Đức Giê-su thì cũng là cha của nhân loại, và Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa thì nhân loại cũng được làm con cái Thiên Chúa, vì ta được liên kết với Chúa Giê-su qua bản tính nhân loại của Người.

          Vua Đa-vít muốn làm một đền thờ cho Chúa, đổi lại, Chúa thiết lập một ngôi nhà bằng xương bằng thịt là Ngôi Hai giáng trần để ở giữa nhân loại.  Nhận biết lòng yêu thương vô bờ ấy, vua Đa-vít đã cất tiếng ngợi khen:  “Tình thương Chúa, đời đời con ca tụng, qua muôn ngàn thế hệ miệng con rao giảng lòng thành tín của Ngài” (Tv 88:2).

2.  Mẹ Ma-ri-a:  một ngôi nhà bằng xương bằng thịt để Con Thiên Chúa ngự  (bài Tin Mừng – Lc 1:26-38)

          Lời Thiên Chúa hứa lập cho vua Đa-vít một nhà là lời hứa ban Đấng Cứu độ cho nhân loại.  Nhưng để thực hiện việc sai Đấng Cứu độ đến trần gian, Thiên Chúa lại chuẩn bị một “ngôi nhà” để Con Một Người là Ngôi Lời được cưu mang, “trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1:14).  Ngôi nhà ấy chính là Đức Trinh Nữ Ma-ri-a “đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít” (Lc 1:27).

          Khác hẳn với vua Đa-vít, một quân vương lừng danh thế giới, thân phận của Mẹ Ma-ri-a quả thực khiêm nhường.  Khi vua Đa-vít ngỏ ý muốn xây nhà cho Chúa, Chúa đã nhắc nhở ông chính Người mới là Đấng đã cất nhắc ông và làm cho ông thành vĩ nhân trên mặt đất.  Trái lại, Mẹ Ma-ri-a khi được truyền tin sẽ làm mẹ Đấng Cứu độ thì Mẹ lại “rất bối rối”, rồi sau lời giải thích của sứ thần Gáp-ri-en, Mẹ đã khiêm tốn vâng phục.  “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1:38).

          Sự vâng phục của Mẹ Ma-ri-a chính là nền tảng để Thiên Chúa xây nhà cho Con Một Người trú ngụ và ở giữa nhân loại.  Điều này đưa ta về cội nguồn lịch sử cứu độ.  Xưa kia trong vườn địa đàng, bà E-và đã nghe theo lời con rắn cám dỗ và ăn trái cấm.  Sự kiêu căng là đầu mối của sa ngã.  Ma quỷ xúi bà hãy ăn trái cấm để “mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác” (St 3:5).  Hôm nay, nơi Mẹ Ma-ri-a là E-và Mới, sự vâng phục là cốt lõi của quan hệ giữa Thiên Chúa và con người.  Qua Mẹ, con người đã trở về chỗ đứng nguyên thủy của họ, nhìn nhận mình là “nữ tỳ của Chúa” chứ không phải muốn nên như những vị thần.  Nguyên tổ loài người đã bất tuân và muốn phá bỏ nền tảng quan hệ với Thiên Chúa, còn Mẹ Ma-ri-a và Chúa Giê-su là Nguyên Tổ Mới đã tái tạo nền tảng quan hệ ấy bằng lòng khiêm nhường đích thực.  Mẹ Ma-ri-a thì vâng phục như một nữ tỳ và Chúa Giê-su thì vâng phục cho đến chết và chết trên thập giá.

          Ta cũng có thể nghĩ đến hậu quả của hai thái độ trái nghịch trên.  Vì bất tuân, nguyên tổ loài người đã để lại hậu quả tai hại.  Loài người biến thành “kẻ thù” của Thiên Chúa.  “Đức Chúa là Thiên Chúa đuổi con người ra khỏi vườn Ê-đen để cầy cấy đất đai”.  Người đàn bà phải cực nhọc khi thai nghén và sinh con.  Người đàn ông phải đổ mồ hôi trán mới có miếng ăn (St 3:16-24).  Dòng dõi nguyên tổ phải lãnh nhận những hậu quả ấy.  Trái lại, Mẹ Ma-ri-a sẽ hiến cho nhân loại một người con được gọi là “Con Đấng Tối Cao”, để qua Người nhân loại được biến đổi từ kẻ thù thành con cái Thiên Chúa.  Thay vì phải “trở về với bụi đất” vĩnh viễn (St 3:24), con người sẽ được sống trong “nhà Gia-cóp đến muôn đời” và trong “triều đại vô cùng vô tận” của Thiên Chúa (Lc 1:33).

          Mẹ Ma-ri-a trở thành ngôi nhà mẫu cho mọi người mọi thời.  Thiên Chúa cư ngụ trong ngôi nhà ấy và Người cũng muốn cư ngụ trong căn nhà tâm hồn của hết tất cả con cái Người.  Nếu ta cũng noi gương Mẹ Ma-ri-a, lấy lòng khiêm nhường làm nền tảng cho ngôi nhà tâm hồn của ta, trở về vị trí đích thực của ta trước mặt Thiên Chúa, thì chắc chắn Thiên Chúa sẽ giáng sinh ngay trong lòng ta và sẽ ở lại với ta mọi ngày cho đến khi ta trở về căn nhà đích thực là quê trời.

3.  Mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa được loan báo để ta “tin mà vâng phục Thiên Chúa” (bài đọc Tân Ước – Rm 16:25-27)

           Thiên Chúa yêu thương nhân loại và muốn xây nhà trên trần gian để ở lại với họ.  Thánh Phao-lô coi đó là một “mầu nhiệm” phải được loan báo và rao giảng.  Thực vậy, mầu nhiệm này đã được các vị ngôn sứ loan báo trong Cựu Ước như ta thường được nghe qua các bài đọc thứ nhất trong mùa Vọng.  Khi Chúa Giê-su thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng, mầu nhiệm này được tỏ lộ, không chỉ qua lời giảng mà còn qua toàn bộ đời sống của Người.  Tiếp đến, các Tông đồ và Giáo Hội tiếp tục công việc loan báo và rao giảng ấy.  Tất cả đều nhắm cùng một mục đích, là để toàn thể nhân loại “tin mà vâng phục Thiên Chúa” (Rm 16:26).

          Tin và vâng phục là thái độ cốt yếu của việc lãnh nhận ơn cứu độ.  Chúa Giê-su luôn mời gọi người ta “hãy tin vào Tin Mừng và hãy sám hối”.  Nói khác đi, hãy tin vào tình yêu cứu độ của Thiên Chúa và hãy thay đổi cuộc sống bằng cách vâng phục Thiên Chúa thay vì chống đối Người.

          Mùa Vọng là thời gian để ta suy nghĩ về mầu nhiệm tình yêu cứu độ của Thiên Chúa.  Tuy nhiên, suy nghĩ ấy phải đưa ta tới việc đáp trả tình yêu của Người.  Mà cách đáp trả tốt nhất, đó là phải xác tín tình yêu đó và trở về vị trí nguyên thủy của ta mà khiêm tốn và vâng phục Thiên Chúa.  Mẹ Ma-ri-a chính là gương mẫu của con người được cứu độ.  Lòng khiêm nhường của Mẹ không những đã đưa Thiên Chúa đến ngự trong Mẹ, mà còn đưa Chúa đến cho mọi người.  Cũng vậy, nếu ta không có Chúa cư ngụ trong tâm hồn mình, thì làm sao ta có thể đưa Chúa đến với anh chị em.  Lòng tin và sự vâng phục của Mẹ Ma-ri-a phải là cốt lõi cho việc chuẩn bị cần thiết nhất trong mùa Vọng này.

4.  Sống Lời Chúa

          Thiên Chúa giáng trần không phải chỉ ở Bê-lem, nhưng còn ở trong tâm hồn mỗi người.  Lòng ta sẽ là nơi Người đến và cư ngụ vĩnh viễn.  Nhưng làm sao chuẩn bị ngôi nhà cho Chúa?  Nhìn lên Mẹ Ma-ri-a, ta học được nơi Mẹ tất cả những gì cần phải làm để đón nhận Chúa.  Lời thưa “Vâng, tôi dđây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói” phải là khuôn vàng thước ngọc cho ta, không những cách riêng cho mùa Vọng mà là cho cả cuộc đời ta là mùa Vọng đón chờ ngày ta được đến trước tòa phán xét của Chúa.

Suy nghĩ:  Lời thưa “Xin vâng” của Mẹ Ma-ri-a có ý nghĩa gì đối với tôi?  Trong cuộc sống quan hệ với Chúa, quan hệ với chính mình, quan hệ với anh chị em, tôi đã vâng phục Thiên Chúa như thế nào để làm cho những quan hệ trên được tốt đẹp và hiệu quả?

Cầu nguyện:  Lạy Chúa, Chúa đã dùng lời thiên sứ truyền tin mà cho chúng con biết thật Đức Ki-tô, Con Chúa, đã xuống thế làm người.  Xin đổ ơn thánh đầy lòng chúng con, để nhờ công ơn Con Chúa chịu khổ hình thập giá, Chúa cũng cho chúng con được sống lại hiển vinh.  Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.  A-men.  (Lời nguyện Nhập lễ, Chúa Nhật IV mùa Vọng)

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B