TRỜI ĐẤT GIAO HÒA
(CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM B
Và ĐẠI LỄ GIÁNG SINH)
___________________________________
(Linh Mục
Anphong Trần Đức Phương)
Paul Claudel (1868 – 1955) là một văn
hào người Pháp rất nổi tiếng. Khi lớn lên, ông sống như một người vô thần, mặc
dù cha mẹ và gia đình là người Công Giáo. Trong khi đang theo học về ngành ngoại
giao ở Paris, vào một buổi chiều ngày lễ Giáng Sinh năm 1886, lúc ông 18 tuổi,
nhân đi qua Nhà thờ Notre Dame, Paris, ông có ý tò mò đi vào Nhà thờ để xem cảnh
Giáng Sinh. Lúc đó vào giờ hát Kinh Chiều, và ca đoàn đang hát bài Chúc Tụng
(Magnificat). Tiếng hát rất thánh thiện và thanh thóat đã làm cho chàng thanh
niên Claudel cảm thấy một bầu khí thật thiêng liêng bao trùm anh và như có một
sức mạnh siêu nhiên nào đó làm anh như bị chiếm hút trong ngây ngất. Sau này,
ông ghi lại: “Ngay trong khoảng khắc đó, trái tim tôi bị xúc động và tôi tin!”
Đó là cảm nghiệm siêu nhiên đầu đời của anh, và giây phút thiêng liêng đó cứ ám
ảnh tâm trí anh, làm anh quyết định tìm hiểu về Chúa qua Kinh Thánh, và sau một
quá trình khá lâu dài tìm hiểu, ông đã “nắm bắt được Thiên Chúa” và “trở
lại” cuộc sống Đức Tin Công Giáo suốt đời một cách tích cực.
Từng là một sinh viên rất xuất sắc,
khi ra trường, ông đã được bổ nhiệm vào nhiều chức vụ quan trọng của ngành ngoại
giao Pháp ở nhiều nơi khác nhau, kể cả ở Trung Hoa, ở Nam Mỹ. Ông đã từng là Đại
Sứ Pháp tại Nhật Bản (1922-1928), ở Hoa Kỳ (1928-1933), và ở Bỉ từ năm 1933 cho
đến khi về hưu (năm 1936). Cuộc đời của Paul Claudel hầu hết đều ở hải ngọai.
Nhưng dù đi đâu và ở chức vụ nào, ông vẫn giữ được một Đức Tin Công Giáo rất sống
động, trong sáng và hạnh phúc. Chính Niềm Tin đó đã cho ông nguồn cảm hứng để
sáng tác nhiều tác phẩm văn chương nổi tiếng phản ảnh đời sống đạo đức của ông.
Trong số các tác phẩm lừng danh của ông (như Cinq Grandes Odes, Tête d’Or, Le
Soulier de Satan,…) có bản “ Truyền Tin” (L’annonce faite à Marie,The
Annunciation of Mary), ông viết trong hai năm 1910-1911 và ra mắt năm 1912. Vừa
là một nhà ngoại giao xuất sắc, lại là một học giả, một thi sĩ và nhà văn danh
tiếng, ông được mời vào Hàn Lâm Viện Pháp.
Giờ phút “Truyền Tin” là một giờ phút
uy linh huyền nhiệm của việc Ngôi Lời Thiên Chúa xuống thai trong lòng
Trinh nữ Maria. Giờ phút thiêng liêng “Trời Đất Giao Hòa.” Thiên Chúa mặc lấy
thân xác con người và ở cùng con người. Đây là giờ phút vô cùng quan trọng của
lịch sử Ơn Cứu Độ. Vì thế, để tưởng nhớ giờ phút linh thiêng đó, hàng
ngày, các tín hữu luôn dành ba khoảng khắc quan trọng của một ngày là sáng,
trưa và chiều để nguyện Kinh Truyền Tin. Ở những nơi có Thánh đường, vào những
giờ phút đó, chúng ta thường nghe có những tiếng chuông gọi là chuông ‘Truyền
Tin’, ‘Chuông Nguyện’ (cũng gọi là chuông ‘nhật một’, vì kéo từng tiếng ba lần,
sau mới đổ hồi). Cũng có nhiều thi phẩm và nhạc phẩm diễn tả giây phút huyền
nhiệm đó, giây phút Thiên Chúa đến với con người để nối kết và hòa giải.Thi Sĩ
Hàn Mạc Tử cũng có Bài thơ cảm động về “Truyền tin”; nhạc sĩ Hoàng Diệp với bản
Thánh Ca “Theo Tiếng Thiên Thần Xưa Kính Chào”…
Tất nhiên Lễ Giáng Sinh vẫn là Đại Lễ
được long trọng mừng ở khắp nơi, để kỷ niệm Chúa Hài Nhi sinh ra đem niềm vui
Ơn Cứu Độ đến cho mọi người có tâm hồn thành tâm, thiện chí. Tuy nhiên giờ phút
Truyền Tin cũng thật sự rất quan trọng. Khi Thiên Thần Chúa đến báo tin
việc Mẹ Maria được Thiên Chúa chọn để cưu mang và sinh ra Đấng Cứu Thế, sau khi
đã hiểu rõ ý Chúa, và việc Chúa Cứu Thế xuống thai trong lòng Mẹ là do tác động
của Chúa Thánh Thần,và Mẹ vẫn đồng trinh trọn đời, Đức Mẹ thưa ‘Xin Vâng’.
Chính giây phút đó “Trời và Đất giao hòa: Thiên Chúa xuống thế làm người và ở
cùng chúng ta.” Mầu Nhiệm đó đã tác động mạnh vào tâm hồn Paul Claudel để ông
viết nên tác phẩm trứ danh “Truyền Tin.” Hàng năm, giáo Hội long trọng mừng
Lễ này vào ngày 25 tháng 3.
Trong Chúa Nhật IV Mùa Vọng, năm B,
chúng ta được nghe bài Phúc Âm rất cảm động diễn tả về giây phút thánh thiêng
đó (Luca 1,26-38). Bài Phúc Âm này cùng với Bài Đọc I trích trong sách Tiên Tri
Samuel (7,1-5; 8-12; 14-16) và Bài Đọc II trích trong thơ Rôma (16, 25-27) đều
giúp chúng ta những tư tưởng thánh thiện, thiêng liêng để chúng ta chuẩn bị tâm
hồn xứng đáng mừng kỷ niệm Thiên Chúa đã xuống thế làm người từ hơn hai
ngàn năm trước.
Lịch sử Ơn Cứu Độ kéo dài cách nhiệm mầu
trong Thánh Kinh Cựu Ước đã được thực hiện trong ngày “Thiên Chúa làm người ở
giữa chúng ta!” Nhưng Ngài không sinh ra trong cảnh giầu sang, trong nhà lầu
gác tía; trái lại, Ngài đã sinh ra trong cảnh hèn mọn cùng cực, trong hang đá
bò lừa; Mẹ Maria và Thánh Giuse cũng chỉ là những người nghèo khó, bình dân,
đơn sơ. Ngài đến không phải để “thống trị, để được người ta hầu hạ, nhưng Ngài
đến để phục vụ và hầu hạ mọi người (Matthêu 20,28). Ngài đến để đem cả cuộc đời
phục vụ những người nghèo khó, bệnh tật, những lớp người thấp hèn nhất. Ngài đến
để chia sẻ thân phận đau khổ của mọi người và rao giảng Tin Mừng tình thương và
ơn cứu độ. Ngài đến để kêu gọi mọi người, kể cả những người lỡ yếu đuối sa ngã,
biết nhận ra: Thiên Chúa là Cha yêu thương của mọi người; Thiên Chúa không xa rời
con người nhưng luôn gần gũi mọi người, kể cả những người tội lỗi ( Matthêu
18,12…), để giúp mọi người canh tân đời sống, sống xứng đáng những con người đã
được Chúa dựng nên “theo hình ảnh của Chúa!”
Chỉ còn mấy ngày nữa, là chúng
ta lại được cùng toàn thể Giáo Hội và thế giới mừng Đại Lễ Giáng Sinh. Chúng ta
lại được nghe lời Thiên Thần hát mừng năm xưa:
“Vinh danh
Thiên Chúa trên trời,
Bình an dưới
thế cho người thiện tâm!”
(Luca 2,14)
Xin Chúa đến với Thế Giới, đến với mọi
người chúng ta, đến với gia đình chúng ta, giúp chúng ta xây dựng sự hòa hợp
yêu thương ngay trong tâm hồn chúng ta, trong gia đình chúng ta, và chung tay
xây dựng Hòa Bình và sự Công chính trên thế giới. Xin cho chúng ta được sống những
cảm nghiệm thiêng liêng đã tác động Paul Claudel, cũng như bao tâm hồn thành
tâm, thiện chí khác, để chúng ta biết nhìn vào máng cỏ nghèo hèn, học bài học sống
khó nghèo, khiêm tốn, sống yêu thương hòa hợp và phục vụ mọi người, nhất là những
người nghèo khó, già yếu, bệnh tật.
Xin cùng hiệp lời cầu nguyện chung để
ơn sủng Giáng Sinh giúp đổi mới con người chúng ta, gia đình chúng ta, thế giới
chúng ta; giúp chúng ta luôn sống đức tin một cách tích cực, sống động, vui
tươi, hạnh phúc, và đem tình yêu của Chúa đến cho mọi người chúng ta gặp gỡ
hàng ngày trong mọi hoàn cảnh.
Xin chúc mừng Giáng Sinh 2008 và Năm Mới 2009.