Chúa Nhật Lễ Các Thánh
Nam Nữ B
Người Nghèo Khó
Trong Tinh Thần
Mt 5,1-12a: 1 Thấy dân
chúng thì Ngài lên núi. Ngài ngồi xuống và môn đồ đến bên Ngài.
2 Ngài mở miệng dạy họ
rằng:
3 Phúc cho những kẻ có
tinh thần khó nghèo,
vì nước trời là của họ.
4 Phúc cho những kẻ
hiền lành,
vì họ sẽ được đất làm
cơ nghiệp.
5 Phúc cho những kẻ ưu
phiền,
vì họ sẽ được an ủi.
6 Phúc cho những kẻ đói
khát công chính,
vì họ sẽ được no đầy.
7 Phúc cho những kẻ
biết thương xót,
vì họ sẽ được thương
xót.
8 Phúc cho những tinh
sạch trong lòng,
vì họ sẽ thấy Thiên
Chúa.
9 Phúc cho những kẻ tác
tạo hòa bình,
vì họ sẽ được gọi là
con Thiên Chúa.
10 Phúc cho những kẻ bị
bắt bớ vì sự công chính, vì Nước Trời là của họ.
11 Phúc
cho các ngươi khi người ta sỉ mạ các ngươi, và bắt bớ, đặt điều nói xấu đủ điều
về các ngươi một cách lếu láo vì cớ Ta. 12 Hãy vui xướng và hân hoan, vì phần
thưởng các ngươi lớn thật ở trên trời :vì cũng như thế, chúng đã bắt bớ các
tiên tri, tiền bối của các ngươi.
Đoạn 5:1-12a nằm
trong văn mạch của Bài Giảng Trên Núi (5:1-7:29), diễn từ đầu tiên trong 5 diễn
từ lớn của tin mừng theo thánh Matthêô; diễn từ thứ hai về truyền giáo
(10:1-11:1); thứ ba là các dụ ngôn về Nước Trời (13:1-58); thứ tư là diễn từ về
đời sống của Cộng đoàn Nước Trời (18:1-35); diễn từ cuối cùng về sự phá hủy đền
thờ và tận cùng thế giới (24:1-25:46). Các Mối Phúc mở đầu Bài Giảng Trên Núi,
gồm 8 mối phúc trong đó mối phúc thứ nhất và cuối cùng đóng khung đoạn bằng cụm
từ giống nhau “vì Nước Trời là của họ” (cc. 3.10). Các mối phúc trong các câu
4-6 đề cập đến những khía cụ thể của mối phúc thứ nhất (c. 3). Trong khi ba mối
phúc sau (cc. 7-9) nói đến những người thực hiện các việc khác nhau và họ sẽ được
chúc phúc vì làm những việc ấy. Các mối phúc có cấu trúc giống nhau, gồm ba phần:
- Lời tuyên bố “Phúc cho”, makarios;
- các đối tượng khác nhau của sự chúc phúc;
- Hành động chúc phúc của Thiên Chúa làm cho những người nầy. Nền tảng của các
mối phúc là Thiên Chúa. Người chúc phúc cho những ai sống theo ý Người.
Văn mạch và bối cảnh
(5:1). Diễn từ Bài Giảng Trên Núi mở đầu bằng “Người mở miệng dạy họ” và kết thúc
bằng “sau khi Chúa Giêsu kết thúc nói với họ những lời ấy”. Diễn từ ngỏ với dân
chúng và các môn đệ (5:1; 7:28); do đó, Bài Giảng nầy dành cho tất cả mọi người.
Việc Chúa Giêsu lên núi, anabainō eis to
opos, gợi lại hình ảnh Môsê lên núi Sinai để lãnh nhận lời Thiên Chúa và nói
cho dân chúng (Xh 19:3; 24:15). Có thể Matthêô nhìn Chúa Giêsu như một Môsê mới.
Thiên Chúa lại nói với dân Người qua Con của Người, và lời của người Con nầy có
uy quyền và vượt qua mọi thầy dạy lề luật của Môsê (x. 7:29). Chúa Giêsu ngồi để
giảng dạy; vị thế của các thầy dạy trong hội đường. Cụm từ “mở miệng giảng dạy và
nói” là công thức trang trọng chỉ một diễn từ lớn sắp bắt đầu được nói ra.
Những người được chúc
phúc (5:3-12). Makarios, nghĩa là “phúc
lành”, “sự chúc phúc”. Trong Matthêô, makarios
gắn liền với Thiên Chúa như là chủ thể của hành động. Người là chủ mọi phúc lành.
Người “có phúc” là người được Thiên Chúa chúc phúc (x. Mt 11:6; 13:16; 16:17;
24:46).
Người nghèo trong
tinh thần (5:3). Khác với Luca, trong mối phúc thứ nhất, Matthêô nói đến “những
người nghèo trong tinh thần”. Nói đến “người nghèo”, ptōchos, Luca trình bày những khuôn mặt cụ thể như Lazarô (16:20),
Zachêô (19:8), bà goá nghèo (21:3), và việc mời người nghèo trong những buổi tiệc
(14:13:31). Mối phúc về người nghèo trong Luca không có cụm từ “trong tinh thần”
(6:20) như Matthêô. Như thế, có thể nghĩ là Matthêô bàn đến mối phúc nầy theo hướng
khác. Trước hết ptōchos, “người nghèo”
đối nghịch lại với “người giàu” (19:21; 26:9.11). Theo nghĩa rộng “người nghèo”
là những người thiếu một điều gì đó mà một người bình thường có: vật chất, sức
khỏe, thân xác lành mạnh, tình cảm, hiểu biết, tự do…(x. 11:5; Lc 4:18). Do đó,
người nghèo thường lệ thuộc vào sự giúp đỡ của người khác (x. 26:9), đặc biệt và
cách tuyệt đối họ cần đến Thiên Chúa (11:5).
Tiếp đến Matthêô nói
đến những người nghèo “trong tinh thần”, en
pneumati. “Tinh thần”, Hipri ruah,
Latin spiritus, đối nghịch với xác phàm,
sarx: “Tinh thần thì sẵn sàng, thân xác
thì yếu nhược” (26:41). “Tinh thần” là nguyên lý sống của thân xác. Còn tinh thần
trong thân xác, con người còn sống. Pneuma
ra khỏi thân xác, con người chết (x. 27:50). Bởi đó, pneuma là nguồn của sự sống, tình cảm, hiểu biết, tư duy, cảm xúc, ước
muốn, ý chí…(x. Lc 8:55; 23:46; Gio 19:30; Cv 7:59).
Sau cùng, cụm từ “những
người nghèo trong tinh thần” (“Những kẻ có tâm hồn nghèo khó”, Nguyễn Thế Thuấn)
hiểu như thế nào? Theo ngữ pháp, cụm từ nầy ở trường hợp dative of respect, dùng
để chỉ vị trí (locality) của một điều gì đó đang bàn đến. Vị trí ở đây là
“trong tinh thần”, pneuma; chẳng hạn
Chúa Giêsu biết “trong pneuma” của Người điều gì các kinh sư đang nghĩ trong lòng
(Mc 2:8). Cũng thế, Người thở dài (Mc 8:12), Người xao xuyến (Gio 11:33). Pneuma là “nơi” mà sự hiểu biết, cảm xúc,
tình cảm của Chúa Giêsu phát sinh. Như thế, khi nói “người nghèo trong tinh thần”
Matthêô muốn nói về những người thiếu thốn về các khía cạnh tinh thần. Ông không
đề cập đến khía cạnh vật chất cần cho thân xác và cũng không có ý nói đến tinh
thần không dính bén vào của cải vật chất. Những thiếu thốn về mặt tinh thần sẽ được
kê ra trong các mối phúc tiếp theo: hiền lành, ưu phiền, đói khát sự công chính
(cc. 4-6). Chính Thiên Chúa sẽ ban cho “những người nghèo trong tinh thần” nầy
Nước Trời.
Lời Thiên Chúa hứa
cho những người nghèo trong tinh thần là Nước
Trời (c. 3b). Nước Trời chính là vương quyền của Thiên Chúa. Đó cũng chính
là sự sống vĩnh cửu (19:16.21). Ngoài người nghèo trong tinh thần ra, Thiên Chúa
còn dành Nước Trời nầy cho những người bị bách hại (5:10), người dạy và thực hiện
Lời (5:19); người công chính hơn người Pharisêô (5:20), người thực hiện ý Chúa
Cha (7:21), người bán mọi sự và theo Chúa Giêsu (19:21) và người bé mọn
(19:14). Vậy, mối phúc dành thứ nhất chính là nội dung của tin mừng Nước Trời
rao giảng cho người nghèo (4:23; 11:5) trong đó Thiên Chúa hứa ban cho họ Nước
Trời.
Thiên Chúa hành động
là yếu tố quyết định của Các Mối Phúc. Mọi phúc lành Thiên Chúa hứa ban đều qui
về một điểm là ban Nước Trời; đó cũng chính là Người, Nguồn Phúc Lành vô biên.
Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến