LỄ THIÊN CHÚA BA NGÔI, NĂM B
(Linh Mục Anphong Trần Đức Phương)
(hinh)
Lễ Thiên Chúa Ba Ngôi được mừng vào Chúa Nhật sau Chúa Nhật Lễ Đức
Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.
Các Bài Đọc chu kỳ Năm B: Bài Đọc I (Đệ
Nhị Luật 4: 32-34, 39-40): Ông Môsê nói với Dân Chúa: Thiên Chúa là Chúa duy nhất
trên trời dưới đất; chỉ một mình Ngài là Thiên Chúa, không có Chúa nào khác.
Bài Đọc II (Thơ Rôma 8:14-17): Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta , nhờ ơn Chúa
Thánh Thần mà chúng ta đã lãnh nhận, chúng ta được làm con cái Chúa và có thể
xưng với Chúa là Cha. Bài Phúc Âm (Matthêu 28:16-20): Chúa Giêsu nói với các
Tông Đồ : “Hãy đi giảng dạy muôn dân và ban phép Thánh Tẩy cho họ “Nhân Danh
Cha và Con và Thánh Thần.”
Thiên Chúa Ba Ngôi là một Mầu Nhiệm,
nghĩa là một Tín Điều mà chúng ta không thể nào cắt nghĩa được bằng lý trí;
nhưng chúng ta tin và lãnh nhận do Chúa Giêsu đã giảng dạy, và nhờ ơn Chúa
Thánh Thần soi sáng (Gioan 16:12) để nhận biết: Chỉ có một Thiên Chúa mà Ngài
có Ba Ngôi: Ngôi Nhất là Cha, Ngôi Hai là Con, Ngôi Ba là Thánh Thần; Ba Ngôi
cùng một bản thể, cùng là một Thiên Chúa duy nhất.
Người ta nói khi Thánh Patrick giảng dạy
về Thiên Chúa Ba Ngôi, Ngài đã dùng một lá có ba nhánh để làm thí dụ. Giáo sư
Tiến sĩ Phan Văn Ngọc, sau khi tìm hiểu Thánh Kinh kỹ càng và được ơn Chúa soi
sáng, đã tin nhận Thiên Chúa và chịu phép Thánh Tẩy. Khi tìm hiểu giáo lý, ông
cảm thấy điều khó hiểu nhất là về Thiên Chúa Ba Ngôi; nhưng sau cùng, ông suy
nghĩ: dù chỉ là nước, nhưng vẫn có thể ở thể lỏng, thể rắn (nước đá) hay thể
hơi (hơi nước).
Tuy nhiên, tất cả những so sánh, những
biểu tượng bề ngoài chỉ để tạm thời giải thích Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi; vì
‘Mầu Nhiệm’ là điều vượt quá mọi sự suy nghĩ của lý trí con người. Con người dù
thông minh thế nào, cũng không thể hiểu hết được những ‘bí ẩn’ trong vũ trụ, huống
chi làm sao hiểu được hết mọi điều siêu việt của Thiên Chúa. Thánh Augustinô
(354-430) là một nhà Thần Học và Triết Gia, Ngài luôn muốn cắt nghĩa mọi sự
theo lý trí, kể cả Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Một ngày kia, Ngài đi đi lại lại
trên bờ biển để vừa cầu nguyện vừa cố suy nghĩ trong tâm trí xem có cách nào để
hiểu và cắt nghĩa được tường tận mọi điều về Thiên Chúa Ba Ngôi. Đang lúc vừa
đi đi, lại lại trên bờ biển, vừa suy nghĩ mung lung, chợt ông thấy có một em bé
trông rất khôi ngô và thông minh, đang dùng một vỏ sò múc nước biển đổ vào một
lỗ nhỏ trên bờ biển. Thánh Augustinô liền dừng lại hỏi em đang muốn làm gì vậy.
Em bé mỉm cười trả lời: “Cháu đang muốn múc hết nước đại dương để đổ vào cái lỗ
nhỏ này.” Thánh Augustinô liền cười và nói: “Sao cháu làm một việc vô ích như vậy…
Làm sao cháu có thể múc nước cả đại dương này để đổ hết được vào cái lỗ nhỏ như
thế?” Em bé liền cười nói: “Việc của cháu đang làm có vẻ khờ dại thật, nhưng việc
bác đang suy nghĩ còn khờ dại hơn…”
Thiên Chúa là cả một đại đương mênh
mông, tâm trí con người chỉ là một giới hạn nhỏ bé, làm sao có thể thông hiểu
tường tận hết mọi điều về Thiên Chúa. Chỉ với đức tin và tâm hồn khiêm nhường
và sự kết hiệp với Chúa qua lời cầu nguyện, chúng ta mới có thể được Ơn Chúa
soi sáng và tin nhận được các Mầu Nhiệm về Thiên Chúa, nhất là Mầu Nhiệm Thiên
Chúa Ba Ngôi, chứ không phải qua suy nghĩ của lý trí hạn hẹp của chúng ta.
Như vậy, Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi
không phải là một điều ‘huyền nhiệm’ chỉ các nhà Thần Học mới hiểu được. Một
nhà Thần Học thế kỷ 19, ông Thomas Hancock nói: “Một người đàn ông hay một người
phụ nữ dù quê mùa không thể lý luận về Thịên Chúa Ba Ngôi, nhưng vẫn có thể nhận
thức được về Thiên Chúa Ba Ngôi một cách hoàn hảo hơn một nhà Thần Học uyên
bác, thông hiểu các tác phẩm của Thánh Athanasius hay Thánh Augustinô và tất cả
những tranh luận của sáu thế kỷ đầu của Giáo Hội!” (trích trong Preaching the
Lectionary, Reginald H. Fuller). Thánh Phaolô cũng nói với chúng ta: “Đức tin của
chúng ta không dựa vào những lý lẽ khôn ngoan của con người…nhưng nhờ mạc khải
của Thiên Chúa qua sự soi sáng của Chúa Thánh Thần (Xin xem 1 Corintô, chương
2; hoặc Gioan 14: 26). Trong một lần cầu nguyện, Chúa Giêsu đã nói: “Con cảm tạ
Cha vì Cha đã không soi sáng cho những kẻ khôn ngoan thế gian biết những điều ấy,
nhưng cho những người đơn sơ, hèn mọn!”
(Luca 10: 21; Matthêu 11: 25). Chính
vì vậy, Pascal, một nhà tư tưởng lớn trong thế kỷ 17, đã luôn cầu xin cho mình
được có một Đức Tin mạnh mẽ của một bà nhà quê ở xứ Bretagne!
Chúng ta tuyên xưng Mầu Nhiệm Thiên
Chúa Ba Ngôi khi đọc kinh Tin Kính. Mỗi khi chúng ta đọc kinh: “Sáng Danh Đức
Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần”, chúng ta cúi đầu để tôn vinh
Thiên Chúa Ba Ngôi. Mỗi khi làm Dấu Thánh Giá là chúng ta tuyên xưng Thiên Chúa
Ba ngôi: “Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần.” Chúng ta được chịu phép Thánh Tẩy
để gia nhập Gia Đình Hội Thánh Chúa nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi trong công thức:
“Cha rửa con, nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần.”
Hôm nay, cùng với toàn thể Giáo Hội,
chúng ta long trọng kính mừng Lễ Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta hãy cầu xin cho
chúng ta luôn được ơn Chúa soi sáng để chúng ta có thể có một đức tin sáng suốt
và mạnh mẽ, không phải chỉ dựa vào lý trí, nhưng bằng chính đời sống thực hành
đức tin hàng ngày của chúng ta qua đức Bác Ái.
Với lời cầu nguyện của Thánh Phaolô,
chúng ta hãy cùng “nguyện xin Ân Sủng của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Tình
Yêu của Chúa Cha, và Ơn Thông Hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng mỗi người, mỗi
gia đình chúng ta!” (2 Corinto 13:13).