ĐÊM NHẬP THỂ
Thánh Lễ Giáng Sinh Ban Đêm
Đức Giêsu đã đến lần thứ nhất trong khiêm cung, nghèo hèn. Chính. Trong thân phận giới hạn đó, Người lại muốn làm
chứng cho mọi người thấy chiều kích vô biên của Thiên Chúa trong giới hạn tầm
thường của một phàm nhân.
VÔ BIÊN TRONG HỮU HẠN
Thiên Chúa không biết đến bất cứ giới hạn nào. Người siêu việt trên
tất cả. Bởi vậy thật là kỳ diệu, khó hiểu khi Người chấp nhận giới hạn như bất
cứ thụ tạo nào. Khi xuống trần làm người, Thiên Chúa đã mặc lấy tất cả chiều
kích thời gian và không gian. Chính thánh sử Luca đã cho thấy chiều kích thời
gian :"Thời ấy, hoàng đế Augusto ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số
trong khắp cả thiên hạ. Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên được thực hiện thời ông Quirinô
làm tổng trấn xứ Xyria" (Lc 2:1-2). Nghĩa là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, cũng
bắt đầu hiện hữu nơi trần gian vào một thời gian nhất định. Thời gian sẽ đóng
khung cuộc đời của Người như bất cứ ai. Đấng không hề có khởi điểm lại chấp nhận
bị vây hãm trong vòng thời gian chật hẹp như chúng ta. Không một thứ triết học
nào có thể hiểu nổi sự kết hiệp kỳ diệu ấy.
Chiều kích không gian cũng khắt khe không kém. Đức Giêsu đã được
sinh ra trong "thành vua Đavít" (Lc 2:4). Hình ảnh huy hoàng này chỉ
gợi nhớ lời hứa Chúa thực hiện cho nhà Đavít. Thực tế thật là bi thảm. Chúa đã
sinh ra "trong máng cỏ" (c.7), giữa cảnh bơ vơ, hất hủi, "vì hai
ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ" (c.7). Một Thiên Chúa làm bá chủ
toàn thể vũ trụ, chỉ tìm được một nơi sinh ra kém một người bình thường ! Thật
là bất lực, yếu đuối !
Từ Thiên triều tráng lệ, Chúa lao thẳng xuống cảnh nghèo hèn. Cảnh
tượng thật trái ngược. Chúa đến qui tụ "những người chăn chiên sống ngoài đồng"
(c.8), sống "bên lề xã hội" (Kinh thánh Tân Ước : 1995). Xuất hiện như
thế, làm sao Đấng Messia có thể hấp dẫn nổi những tâm hồn vẫn ngưỡng vọng một
anh hùng cái thế, giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ Rôma ? Nhưng chính trong
khung cảnh trần trụi đó, Đức Giêsu đã mạc khải tất cả nguồn ơn cứu độ, vì
"sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối" (2Cr
12:9).
Đời sống những người chăn chiên không còn êm ả bình thường nữa, vì
"họ kinh khiếp hãi hùng" trước cảnh tượng "sứ thần đứng bên họ và
vinh quang của Chúa chiếu tỏa chung quanh" (c.9). Họ không hiểu chuyện gì
xảy ra. Tất cả đều ngoài sức tưởng tượng. Như thế là bàn tay Thiên Chúa đã can
thiệp vào lịch sử nhân loại ư ? Làm sao họ có thể chuẩn bị sẵn sàng ? Giữa lúc
họ kinh hoàng, lạc lõng như thế, sứ thần trấn an ngay : "Anh em đừng sơ"(c.10).
Chính đời sống đơn sơ nghèo hèn đã chuẩn bị cho anh em xứng đáng đón nhận
"tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân : Hôm nay, một Đấng Cứu
Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa"
(c.11). Thế mới hiểu được tại sao Chúa nói : "Phúc cho anh em là những kẻ
khó nghèo, vì nước Thiên Chúa là của anh em" (Lc 6:20).
Sống ngoài luật Do thái, họ không hề biết đến giấc mơ huy hoàng của
một Đấng Messia oai hùng. Từ cảnh tượng nghèo hèn, họ cũng chỉ tìm gặp được Chúa
trong cảnh nghèo hèn. Sứ thần cho họ một dấu chỉ phi dấu chỉ : "Anh em cứ
dấu này mà nhận ra Người : anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong
máng co" (c.12). Có một cái gì đó quá quen thuộc với cuộc sống hằng ngày của
những người chăn chiên, làm sao tạo nổi dấu chỉ ? Nhưng chính sự nghèo khó mới
là dấu chỉ lớn lao nhất cho sức mạnh cứu độ của Thiên Chúa. Nếu sống giữa cảnh xa hoa tráng lệ, chắc chắn
những người chăn chiên đó không thể nghe muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất
tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng : "Vinh danh Thiên Chúa trên trời, Bình
an dưới thế cho loài người Chúa thương" (c.14).
Tâm hồn họ tràn ngập niềm vui, vì Đấng đã từng làm vinh danh Thiên
Chúa, nay trở thành nguồn bình an cho toàn thể nhân loại, trong đó họ là những
người đầu tiên đón nhận vinh dự đó. Nói khác, "cuộc giáng sinh của Đức Giêsu
là bảo chứng của ơn bình an ấy." (Kinh thánh Tân Ước 1995) Người sẽ nối kết
trời đất trong một hòa điệu tuyệt vời. Nguồn bình an ấy chỉ có thể kiếm thấy nơi
một mình Đức Giêsu, vì "Người thật là Đấng cứu độ trần gian" (Ga
4:42). Như thế Đấng Messia Thiên Chúa sai đến còn oai hùng hơn anh hùng cái thế
theo quan niệm trần tục của Do thái nhiều, vì Người đến giải phóng toàn thể nhân
loại khỏi nô lệ tội lỗi.
TIN MỪNG HÔM NAY
Tiếp nối công cuộc cứu độ, Hội Thánh hôm nay cũng đang nhập thể vào
cuộc sống nhân loại để "biến đổi lịch sử và thế giới"
(Kilcourse:1993). Mặc dù sống theo tinh thần khó nghèo, Hội Thánh luôn phấn đấu
chống lại nghèo khó. Tinh thần khó nghèo đã không trở thành một khẩu hiệu mị dân.
Trái lại vì khó nghèo nên Kitô hữu mới được giải thoát để có thể dễ dàng dấn thân
nhập thể như Chúa Kitô. Chẳng hạn biết bao tổ chức bác ái Công giáo đã giải thoát
hàng triệu người khỏi cảnh cùng cực khổ đau. Trận lụt miền Trung vừa qua, đồng
bào cũng đã đón nhận được những viện trợ tinh thần và vật chất từ những người sống
mầu nhiệm Đức Kitô nhập thể. Kitô hữu không bao giờ là khách bàng quan trước những
anh em đau khổ. Trái lại, "vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con
người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và
hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là
của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng ho" (GS 1).
Kitô hữu đã chia sẻ thực sự đến tận cùng tất cả nỗi khổ đau nhân loại.
Đối với nhiều người, đau khổ có thể là "kỳ đã cản mũi". Nhưng đối với
Kitô hữu, đau khổ lại là lời mời gọi tìm dung nhan Thiên Chúa. Sở dĩ vì
"chúng ta được dựng nên trong Đức Kitô Giêsu, để sống mà thực hiện công
trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta"(2 Ep 2:10). Nghĩa là trước
khi nhập thể cùng với Đức Kitô, "chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa"
(c.10), được nhào luyện trong ngọn lửa tình yêu Thánh Linh.
Đó là lý do tại sao Hội Thánh không ngừng hoạt động cho hạnh phúc
nhân loại trên mọi lãnh vực và cấp độ, dù phải đổ máu. Chẳng hạn, Giáo hội không ngừng tranh đấu cho
quyền sống của những trẻ sơ sinh, người nghèo, người bị áp bức, cho hòa bình thế
giới. Biết bao nhiêu Kitô hữu đang âm thầm
hi sinh cho các người đau khổ trong các trại cùi, cô nhi viện, các xóm nghèo
lao động v.v. Cùng nhập thể với Đức Giêsu,
Kitô hữu sẽ làm cho cả nhân loại "thấy một ánh sáng huy hoàng" (Is
9:1) là Đức Kitô, để "đem ơn cứu độ đến cho mọi người." (Tt 2:11) "Vì chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn
hằng mong đợi, ngày Đức Kitô Giêsu là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng
ta xuất hiện vinh quang."(c.13) Đúng
ra, “những món quà đó phải nhắc nhớ đến Đức Giêsu, món quà Thiên Chúa gởi cho
nhân loại.” (ĐGH Gioan Phaolô II:CWNews 23/12/2002)
Ngày nay hình ảnh Chúa Hài Nhi Giêsu không còn xuất hiện trên những
tấm thiệp hay những món quà Giáng Sinh.
Nhân vật chính đã biến khỏi sân khấu cuộc đời. Thiên hạ bận rộn và quay cuồng với việc sắm
sửa cuối năm. Mấy ai dừng lại để tìm ra
ý nghĩa truyền thống Giáng sinh tốt đẹp hôm nay ? Nhưng đây là thời gian “các Kitô hữu nên cầu
nguyện gấp đôi, và chuẩn bị cử hành lễ Giáng Sinh với ‘sự thinh lặng nội tâm’,
theo gương Đức Maria và thánh Giuse, và bắt chước các ngài ‘sẵn sàng đón nhận
thánh ý Thiên Chúa” (ĐGH Gioan Phaolô II:CWNews 23/12/2002) như một luồng sáng chiếu
soi cuộc đời đầy tăm tối hôm nay.
Lm. Đỗ Vân Lực, OP