MÙA SAO SÁNG
Lễ Hiển linh
Một thế giới, hai bầu
trời. Một ánh sao, hai cái
nhìn. Ánh sao xưa đã thúc giục các chiêm tinh cất bước lên đường từ những
miền xa xôi, hẻo lánh. Cũng ánh sao đó đã đẩy bạo chúa Hêrôđê vào bóng tối
lo sợ, phập phồng. Ánh sao xưa có còn chiếu ánh sáng vào bóng tối trần
gian hôm nay không ?
DÕI THEO ÁNH SAO
Sau bao năm tháng chờ
đợi, các chiêm tinh đã thấy rõ niềm hi vọng trong ánh sao lạ trên bầu trời Bêlem. Ánh
sao đã dẫn các vị đến thật gần. Bỗng nhiên niềm hi vọng tắt ngúm theo ánh
sao băng. Tưởng chừng tất cả hi vọng đều tiêu tan. Sợ chuyến du hành mất mục
tiêu, các ông vội vào yết kiến vua Hêrôđê ở Giêrusalem. Tuy là những nhà
hiền triết, các ông cũng đơn sơ hỏi cáo già Hêrôđê : “Đức Vua dân Do thái mới
sinh, hiện ở đâu ? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiên bên phương
Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người” (Mt 2:2). Có lẽ quá mải miết trong ngành
chuyên môn, các ông đã không hề hay biết về tình hình chính trị quanh triều đại
Hêrôđê. Lúc đó không ai ưa thích nhà vua, vì ông bị coi là kẻ thoán nghịch
ngai vua Đavít. Chung quanh ông rất nhiều kẻ thù. Biết đâu những chiêm
tinh này không phải là dòng dõi Do thái đến chào mừng ấu vương có sức qui tụ dân
chúng thay đổi cán cân quyền lực Rôma ?
Đứng ngồi không yên vì một tin động trời do các chiêm tinh mới
tung ra, vua Hêrôđê vội “triệu tập tất cả các thượng tế, các kinh sư” (Mt
2:4) để tra cứu Kinh thánh. Cuối cùng mới biết ấu vương sinh ra “tại Bêlem,
miền Giuđe”(c.5), quê hương của Jessê, thân phụ Đavít, đúng như lời ngôn sứ
Mikha (5:1,3) và 2 Samuel (5:2) đã loan báo. Sấm ngôn của Balaam (Ds
24:17) cũng đá động tới một vị quân vương xuất thân từ dòng họ Giacóp. Kết
quả cuộc tra tầm Thánh kinh đó càng khoét sâu nỗi lo sợ của nhà vua. Dầu
thế, ông ra vẻ bình tĩnh và thành tâm nói với các nhà chiêm tinh : “Xin quí ngài
đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi
cũng đến bái lạy Người” (Mt 2:8).
Nhờ ánh sao, khi tìm thấy Hài Nhi, các nhà chiêm tinh “liền sấp mình bái lạy Người,
rồi mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến”(c.10). Khác hẳn
với cáo già Hêrôđê, các ông đã thể hiện rõ tấm lòng sùng mộ thành thực đối với
vị Vua tương lai. Vàng để tôn nhận quyền vua. Nhũ hương dành riêng
cho Thiên Chúa. Mộc dược đặc biệt dùng trong việc mai táng. Như
thế tất cả những báu vật đó đều mang tính biểu tượng nói lên căn tính và sứ mệnh
của Đức Kitô (x.The Application Study Bible:1991). Cùng một sự kiện, hai thái độ
khác hẳn nhau. Kẻ ở xa hóa ra gần. Người ở gần lại hóa xa. Cả
một truyền thống đạo đức và Kinh thánh cũng chẳng giúp gì cho kẻ gian manh, độc
ác. Chân lý chỉ dành cho những tâm hồn chân thành, dù chẳng có phương tiện
nào khác ngoài thiên nhiên.
Thiên Chúa giáng sinh cứu độ muôn dân. Ánh sao của Người đã chiếu khắp vùng
trời, chứ không riêng cho người Do thái. Mặc dù tràn ngập ánh sao và có đủ
bằng chứng Thánh kinh soi dẫn, họ vẫn không thể đến với Vua trời đất. Đam mê
quyền lực và tiền bạc đã nhận chìm họ trong “bóng tối bao trùm mặt đất” (Is
60:2). Dù trong cảnh “mây mù phủ lấp chư dân”(c.2), các nhà chiêm tinh vẫn tìm được
“vinh quang của Đức Chúa như bình minh chiếu tỏa”(c.1). Họ đã nghe tiếng thúc
giục từ bên trong nội tâm : “Đứng lên, bừng sáng lên ! Vì ánh sáng của ngươi
đến rồi”(c.1). Khi đã đạt được tất cả mộng ước, họ đã “loan truyền lời ca tụng ĐỨC
CHÚA”(c.6).
ƠN CỨU ĐỘ PHỔ QUÁT
Như thế không ai còn
có quyền tự hào là dân riêng Chúa nữa. Trong Đức Kitô không còn phân biệt lương
giáo. Chính “lương tâm là một mạc khải của Thiên Chúa”(Danielou:1956), đang điều
khiển cuộc sống con người. Nhưng nhất là “trong Đức Kitô Giêsu và nhờ Tin Mừng,
các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do thái, cùng làm thành một
thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa” (Ep 3:6). Như thế “dân ngoại và
Do thái hoàn toàn bình đẳng trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa” (Faley:1994).
Nhiều tổ phụ trước
Abraham đã là những “vị thánh lương dân” vì họ đã sống ngay chính trước Thiên
Nhan, mặc dù không biết gì về Giao Ước Chúa ký kết với Abraham và Môsê (x.
Bởi thế muốn mang ơn
cứu độ tới muôn dân, người môn đệ Chúa Kitô cũng phải có một tầm nhìn như Thiên
Chúa, Đấng không hề biết đến bất cứ một thứ giới hạn nào. Hoạt động Thánh Linh
bao trùm khắp vũ trụ. Chẳng lẽ trái đất nhỏ xíu không đủ cho ánh sáng Người
lan tỏa khắp nơi sao ? Theo Công đồng Vatican II, “Giáo hội Công giáo
không hề phủ nhận nhũng gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo. Những
phương thức hành động và lối sống, những huấn giới và giáo thuyết đó cũng thường
đem lại ánh sáng của Chân lý, Chân Lý chiếu soi cho hết mọi người”(NA 2).
Nếu đã công nhận
trong các tôn giáo khác cũng có “những gì là chân thật và thánh thiện", Giáo
hội phải tôn trọng các giá trị đó. Biết bao giá trị đích thực trong các tôn giáo
như Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo, Aán giáo v.v. Tới nay, “Giáo hội giữ
một niềm kính phục sâu xa nhất đối với các truyền thống này và tìm cách đối thoại
chân tình với những người theo những tôn giáo đó”(ĐGH Gioan Phaolô II :1999).
Nếu không được chuẩn
bị trong nền văn hóa Việt Nam nhuần nhuyễn đạo lý Khổng Phật, thử hỏi dân tộc
chúng ta có sẵn sàng đón nhận Tin Mừng như thế không ? Hạt giống Tin Mừng như được
gieo vào miền đất màu mỡ, được cầy bừa kỹ càng từ cả ngàn năm trước. Những đức
tính bẩm sinh của dân tộc như “tinh thần bao dung tôn giáo và sống chung hòa
bình” (ĐGH Gioan Phaolô II :1999) rất cần thiết để đón nhận Tin Mừng vào lòng văn
hóa dân tộc. Càng ngày đạo càng thấm sâu vào sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, xã hội
v.v. Chẳng hạn các đóng góp của các văn nghệ sĩ, các giáo chức, các cán sự y tế,
xã hội Công giáo đang lăn xả vào mọi ngành sinh hoạt để xây dựng quê hương.
Thơ nhạc ngày càng thấm nhiễm tinh thần Tin Mừng. Không biết ai đã bắt đầu gọi
ngày đầu tuần là Chúa Nhật. Có lẽ đó là một Kitô hữu thuộc lòng câu truyện
tạo dựng trời đất trong Sáng Thế Ký. Nói gì chăng nữa, không ai có thể chối
cãi vai trò Thiên Chúa giáo trong việc sáng lập chữ Quốc Ngữ.
Nếu không có
tính phổ quát, làm sao Tin Mừng có thể thấm sâu vào văn hóa dân tộc đến thế
? Tin Mừng đang gieo niềm hi vọng mãnh liệt vào tâm hồn mọi người đầu thế
kỷ 21. Chúng ta đã là người của thế kỷ 21 với mộng ước mang Chúa Kitô đến cho
quê hương. Không ai có thể thay thế được Người vì Người là vị Cứu Chúa độc
nhất. Nơi Người “dân chúng tại Á Châu gặp được câu trả lời cho tất cả những
vấn nạn sâu sắc nhất của họ, hi vọng của họ được hoàn thành, nhân phẩm của họ được
nâng cao và sự ngã lòng của họ được vượt thắng” (ĐGH Gioan Phaolô II :1999).
Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP