LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN
XUỐNG
(Linh
Mục Anphong Trần Đức Phương)
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện
Xuống thường được gọi là Lễ Hiện Xuống với Lễ Vọng và Lễ Chính Ngày. Lễ Vọng
được mừng trọng thể vào chiều Thứ Bảy tuần VII Mùa Phục Sinh, trước hoặc sau
Kinh Chiều. Lễ Chính Ngày được mừng trọng thể vào Chúa Nhật hôm sau. Chúa Nhật
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống chấm dứt Mùa Phục Sinh và bước sang Mùa Thường
Niên II.
Trong Thánh Lễ Vọng, ngày Thứ Bảy: Bài Đọc I có
thể chọn: Khởi Nguyên 11: 1-9; Xuất hành 19: 3-8, 16-20; Egiekien 37:1-14 hoặc
Gioan 3: 1-5. Bài Đọc II: Roma 8: 22-27. Bài Phúc Âm Gioan 7: 37-39.
Trong Thánh Lễ Chính Ngày vào ngày Chúa Nhật hôm
sau: Bài Đọc I: Công Vụ Tông Đồ 2: 1-11; Bài Đọc II: 1 Corinto 12: 3-7, 12-13
(Năm B có thể chọn: Galat 5:16-25, Năm C có thể chọn: Roma 8: 8-17). Bài Phúc
Âm: Gioan 20:19-23 (Năm B có thể chọn: Gioan 15: 26-27, 16:12-15. Năm C có thể
chọn: Gioan 14: 15-16, 23-26).
Qua các Bài Đọc trên đây, Lễ Chúa Thánh Thần
Hiện Xuống là dịp để chúng ta nhớ lại và mừng một biến cố rất trọng đại: “Chúa
Thánh Thần Hiện Xuống trên các Thánh Tông Đồ, đúng như lời Chúa Giêsu đã thông
báo trước (Gioan 14:26, 15:26, 16: 7-15). Với Ơn Thánh Hóa của Chúa Thánh Thần,
các Tông Đồ đã được biến đổi hoàn toàn. Từ những người đã sống bằng nghề ‘chài
lưới’, những người bình dân, ít học thức, các Ngài đã trở nên ‘những con người
mới’ thông hiểu Thánh Kinh, ‘những Tông Đồ nhiệt thành’ sẵn sàng hy sinh cả
cuộc đời và cả mạng sống để rao giảng Phúc Âm Tình Thương của Chúa cho mọi
người, ở mọi nơi mà Chúa Thánh Thần soi sáng cho các Ngài tìm đến: Từ
Gierusalem đến các vùng lân cận, đến các dân tộc chung quanh, đến mãi Thủ Đô
Roma, trung tâm văn hóa của nhân loại thời đó.
Như vậy, ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống là
ngày khởi đầu của Giáo Hội, ngày “Sinh Nhật” của Giáo Hội, cũng là ngày khởi
đầu công cuộc truyền giáo của Giáo Hội. Ơn Chúa Thánh Thần đã biến cải các Tông
Đồ trở nên những người can đảm. Các Ngài không còn “đóng kín cửa vì sợ người Do
Thái” nữa (Gioan 20: 19), nhưng bắt đầu rao giảng cho dân chúng đang tụ họp
chung quanh nơi các Ngài ở (Cv 2: 14…)
và đã có nhiều người ăn năn sám hối, xin chịu Phép Rửa để gia nhập Giáo Hội
Chúa (Cv 2: 41).
Từ ngày đó, nhờ Ơn Chúa Thánh Thần, công cuộc
truyền giáo của Giáo Hội tiếp tục phát triển qua dòng thời gian cho đến ngày
nay, và Giáo Hội được mở rộng đến các dân tộc (Luca 24: 47) để đem Tin Mừng
tình thương và Ơn Cứu Rỗi đến cho mọi người, để “ai tin thì sẽ được cứu rỗi…”
(Matcô 16:15…). Chúa Thánh Thần vẫn che chở Giáo Hội Chúa qua “mọi cơn gian nan
khốn khó”, qua bao cuộc “bách hại”khủng khiếp ở mọi thời và mọi nơi.
Hôm nay, chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần
ngự đến để canh tân thế giới chúng ta , để bảo vệ nhân quyền và tự do Tôn giáo,
“hiệp nhất cúng ta nên một” trong cùng một gia đình nhân loại, và ban hòa bình
cho các tâm hồn, các gia đình và thế giới chúng ta.
Xin Chúa Thánh Thần ngự đến giúp chúng ta là
các tín hữu của Chúa, luôn biết sống làm sao để “làm chứng cho Chúa” bằng chính
đời sống lương thiện, công chính của mình, và hòa hợp yêu thương đối với mọi
người. Xin Chúa Thánh Thần ngự đến để giúp chúng ta biết đem Tin Mừng tình
thương của Chúa đến cho mọi người chung sống với chúng ta trong cuộc sống hàng
ngày: trong gia đình, trong khu xóm, nơi sở làm, trường học… Xin Chúa Thánh
Thần ngự đến để gìn giữ Giáo Hội qua mọi cuộc bách hại, đặc biệt để nâng đỡ tinh
thần các vị chủ chăn và các tín hữu đang bị phân tán, đang bị tù đầy, bị đe dọa
ở nhiều nơi trên thế giới. Xin Chúa Thánh Thần ngự đến để giúp chúng ta luôn
giữ vững Đức Tin tinh tuyền giữa bao chủ trương sai lạc của thế giới hôm nay.