Lễ Hiện Xuống ABC
Bình An Cho Các Con
(Lễ Ban Ngày)
Gio
20:19-31: 19 Vào lúc xế chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi
ở của các môn đồ các cửa đều đóng kín, vì sợ người Do Thái; Ðức Yêsu đã đến,
đứng giữa họ, và Ngài nói: "Bình an cho các ngươi!" 20 Nói
thế rồi, Ngài cho họ thấy tay chân và cạnh sườn Ngài. Các môn đồ mừng rỡ, vì
được thấy Chúa. 21 Một lần nữa, Ngài nói với họ: "Bình an cho
các ngươi! Cũng như Cha đã sai Ta, Ta cũng sai các ngươi " 22
Nói thế rồi, Ngài thổi hơi trên họ và nói với họ: "Hãy chịu lấy Thánh
Thần. 23 Các ngươi tha tội cho ai, thì tội họ được tha; các ngươi
cầm giữ tội ai, thì tội họ bị cầm giữ!"
24 Thôma,
nghĩa là "sinh đôi", là một người trong nhóm Mười hai, không ở với họ
khi Ðức Yêsu đến. 25 Các môn đồ khác nói với ông: "Chúng tôi đã
thấy Chúa!" Ông nói với họ: "Nếu nơi tay Ngài, tôi không thấy các đấu
đinh, và tra tay tôi vào lỗ đinh, cùng tra bàn tay tôi vào cạnh sườn Ngài, tôi
sẽ không tin!" 26 Tám ngày sau, các môn đồ ở trong (nhà), có
Thôma ở với họ, Ðức Yêsu đến, đang lúc các cửa đều đóng kín; Ngài đứng giữa họ
và nói: "Bình an cho các ngươi!" 27 Ðoạn Ngài nói với
Thôma: "Hãy đem ngón tay ngươi đặt đây, này tay Ta; hãy đem tay ngươi tra
vào cạnh sườn Ta và đừng ở như người cứng tin, mà là như người thành tín!"
28 Thôma đáp lại và nói với Ngài: "Lạy Chúa tôi và là Thiên
Chúa của tôi!" 29 Ðức Yêsu nói với ông: "Bởi thấy Ta, ngươi đã tin. Phúc
cho những ai không thấy mà tin!"
30 Ðức Yêsu
đã làm trước mặt các môn đồ của Ngài nhiều dấu khác lạ nữa, không viết lại
trong sách này. 31 Các điều đã viết đây, là để anh em tin rằng: Ðức
Yêsu chính là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa; và bởi tin thì anh em được có sự sống
nhờ Danh Ngài.
Bối cảnh của đoạn 20:19-23 là buổi chiều
cùng ngày Phêrô và Gioan chạy ra mồ Chúa (20:1-10). Chúa hiện ra cho các môn đệ
sau khi Maria tin cho họ biết là cô đã thấy Người. Có thể phân đoạn nầy thành
hai dựa trên lời Chúa nói: “Bình an cho các con” (20:19.21). Một hành động được
kèm theo sau mỗi lời nầy: Chúa cho các ông xem tay và cạnh sườn (20:20a), Người
sai các ông đi và ban Thánh Thần (20:21b-22). Theo sau hành động của Chúa là
thái độ của các môn đệ: vui mừng vì thấy Chúa (20:20b) và lãnh nhận quyền tháo
gỡ tội lỗi (20:23).
Chúa Giêsu ban bình an lần thứ nhất
để chứng tỏ Người đã sống lại. Vì sợ người do thái mà các môn đệ đã mất bình
an. Dấu hiệu bên ngoài của sợ hãi là họ đóng chặt
mọi cánh cửa. Họ sợ người do thái vì người do thái đóng vai trò chủ chốt trong
việc bắt và đóng đinh Người (18:12). Nhiều người khác cũng đã phải sợ quyền lực
nầy, nhất là trong những chuyện liên quan đến Người (7:13; 9:22; 19:38). Hơn
nữa, trước những sự kiện Phêrô và Maria Mađalêna đã thuật lại, họ càng xao
xuyến thêm. Phải tin vào ai? Chúa Giêsu đã báo cho họ trước là đừng để tâm hồn
xao động, cả khi bị bắt bớ vì Người đã ban cho họ sự bình an của Người (14:27;
16:33). Lần nầy rất ý nghĩa, việc ban bình an của Người kèm theo việc cho các
môn đệ thấy vết thương ở tay và cạnh sườn. Đó là những dấu vết của cuộc thương
khó mà Người đã chịu bởi tay người do thái (19:34). Nhưng Người đã sống lại.
Người đã chiến thắng sự chết mà người do thái xem như là biện pháp cuối cùng và
hiệu quả nhất đã nghĩ ra để tiêu diệt Người. Do đó, không còn lý do gì để phải
sợ hãi nữa khi họ thấy những người ấy chỉ giết được thân xác của Thầy. Ngược
lại, họ vui mừng vì đã thấy và gặp lại Người. Nỗi vui mừng ấy từ nay không ai
lấy mất được (16:22; 20:20).
Chúa Giêsu ban bình an lần thứ hai
để sai các môn đệ đi và mở ra giai đoạn mới. Để thực hiện, Chúa Giêsu đã làm
cho các môn đệ những điều mà Chúa Cha đã làm cho Người: ban sứ mạng và Thánh
Thần. Người sai họ đi như Chúa Cha đã sai Người vào trần gian (17:18). Họ lãnh
nhận cùng một sứ mạng như Người đã lãnh nhận. Người ban cho họ Thánh Thần mà
Người đã lãnh nhận trong ngày khởi đầu sứ vụ (1:33). Bây giờ Người đã được tôn
vinh, nên Người có thể ban Thánh Thần ấy lại cho các môn đệ của Người (x.
7:39). Hơn nữa, trong lời ban bình an (cc. 19.21) Người bảo đảm cho họ cả sự hiện diện luôn mãi của Người.
Với quyền tháo gỡ tội lỗi được ban
cho các môn đệ (c. 23), Chúa Giêsu muốn họ chuẩn bị tâm hồn con người để đón
nhận tin mừng về sự phục sinh của Người; việc mà Người đã làm khi khởi đầu việc
rao giảng (x. Mk 1:14-15). Tuy nhiên, lúc nầy vì Người đã hoàn tất công trình
cứu chuộc và đã biểu lộ cách rõ ràng Người là Con Thiên Chúa đã sống lại trong
vinh quang phục sinh, nên lời mời gọi tin vào tin mừng (x. Mk 1:15) sẽ đồng
nghĩa với một chọn lựa: tin vào Chúa Kitô sống lại thì được cứu độ, và không
tin vào Người thì bị kết án (x. 3:18). Đó là lý do tại sao Người ban cho các
môn đệ quyền tháo gỡ tội lỗi dựa trên phán đoán ai tin hay không tin vào Chúa
Giêsu sống lại.
Chúa Giêsu sống lại ban sự bình an
không sợ hãi sự chết cho những ai tin vào Người. Sự bình an ấy ban cho họ sức
mạnh để loan báo tin mừng Người đã phục sinh.
Bối cảnh của phần hai (20:24-29): không gian vẫn là tại
căn phòng nơi các tông đồ đang tụ họp (20:19); thời gian là “tám ngày sau”
(20:26). Bố cục của đoạn có thể phân chia như sau: - Tôma, người vắng mặt trong
lần hiện ra trước (20:24); - Lời chứng của các tông đồ và Tôma không tin
(20:25); - Đối thoại của Chúa Giêsu và Tôma (20:26-28); - Kết luận của Chúa Giêsu
(20:29).
Tôma không có mặt với các
tông đồ khác trong lần Chúa Giêsu hiện ra trước (20:19-23). Lời chứng của các tông
đồ: “Chúng tôi đã thấy Chúa” (20:25a) giống như lời của Maria Mađala (20:18). Tương
quan giữa “thấy” và “tin” rất được nhấn mạnh (1:50; 3:36; 4:48; 19:35), và đặc
biệt trong trình thuật về sự sống lại. Gioan “đã thấy và đã tin” (20:8), Maria
Mađala đã thấy Chúa (20:18), các tông đồ cũng đã thấy (20:20.25). Phần Tôma, thấy
để có thể tin không đủ; ông muốn có thêm kinh nghiệm “đụng chạm” nữa. Ông đặt điều
kiện “nếu tôi không… thì tôi không”, nghĩa là nếu Chúa không thực hiện những điều
kiện của ông, thì không vẫn từ chối tin vào lời chứng của các tông đồ khác (x.
20: 25b). Maria Mađala muốn giữ thân xác Chúa Giêsu lại (x. 20:17), còn Tôma muốn
đụng chạm đến các vết thương ở tay, chân và cạnh sườn Người. Các vết thương nơi
tay và chân do bị đóng đinh (19:18), và nhất là vết thương ở cạnh sườn do một
người lính đâm thủng (19:34) là những yếu tố rất cần thiết giúp cho các tông đồ
tin. Chúng giúp cho các tông đồ tin là Đấng Sống Lại cũng chính là Đấng Đã Bị Đóng
Đinh, và đã có một chứng nhân giữa họ thấy Người bị đâm ở cạnh sườn (x. 19:34).
Bởi đó, Người đã cho các tông đồ thấy “tay và cạnh sườn” (20:20). Họ thấy và họ
đã tin. Còn Tôma, không chỉ thấy, mà còn muốn đụng tay vào những vết thương ấy.
Vậy, ông đặt cho Chúa Giêsu một điều kiện phải thực hiện để ông có thể tin.
Chúa Giêsu và Tôma (20:26-28).
Tám ngày sau, Chúa Giêsu
lại hiện ra giữa các tông đồ lúc cửa đang đóng, và lời chào như lần trước: “Bình
an cho các con” (20:19.21.26). Điều nầy cho thấy sự liên hệ với đoạn trước
(20:19-23). Hơn nữa, chỉ dẫn về thời gian “sau tám ngày” đối chiếu với “ngày thứ
nhất” (20:1) “cùng ngày hôm ấy” (20:19) cho thấy các lần hiện ra Chúa Giêsu cố ý
thực hiện trong Ngày của Chúa. Lần nầy, có Tôma hiện diện, và Chúa Giêsu có cơ
hội thực hiện những điều kiện của ông. Người ra cho ông các mệnh lệnh: “Hãy xỏ
ngón tay vào”, “Hãy đặt tay vào” các vết thương của Người (20:27); đồng thời, “Đừng
cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” (20:27c). Người cho ông thực hiện kinh nghiệm cách
thể lý theo như các điều kiện ông đã đặt ra. Rồi Người mời gọi ông vượt qua bên
kia lòng tin có điều kiện ấy để chỉ tin vào Người. Điều kiện cần thấy mới tin,
hoặc có thêm kinh nghiệm đụng chạm, không phải là điều Chúa Giêsu ưa chuộng (x.
3:36). Vì có nhiều Người thấy mà vẫn không tin (x. 6:30.36). Tôma đã chấp nhận
thách đố của Người, và đã tuyên xưng: “Lạy Chúa của tôi, lạy Thiên Chúa của tôi”
(20:28). Martha cũng tuyên xưng tương tự như thế vào Chúa Giêsu trong biến cố
Lazarô được làm cho sống lại (x. 11:27), sau khi Chúa Giêsu tự xưng chính Người
là sự sống lại và sự sống (11:25). Như thế, lời tuyên xưng nầy cho thấy Tôma
tin là Chúa Giêsu đã sống lại; đồng thời qua đó, ông bước vào niềm tin của các
tông đồ khác và của Maria Mađala vào Chúa Sống Lại khi họ nói là họ đã thấy “Chúa”
(x. 20:8.18.20.25.28; 21:7.12). Vậy, từ niềm tin có điều kiện, Tôma đã nhận biết
Đấng Sống Lại và hết cứng lòng tin.
Phúc cho những ai không
thấy mà tin (20:29). Tin mừng về Đấng Sống Lại phải được loan báo theo lệnh
truyền. Maria Mađala nhận lệnh đi báo lại cho các tông đồ (20:17); các tông đồ loan báo cho Tôma
(20:25). Và dĩ nhiên, tin mừng nầy còn được loan truyền cho các thế hệ tiếp nối
theo sau. Đấng Sống Lại sẽ ra đi. Không thể mọi người đều có thể làm kinh nghiệm
như Tôma và các tông đồ. Bởi đó, mối phúc “Phúc cho những ai không thấy mà tin”
(20:29) cho thấy lời loan báo “Chúng tôi đã thấy Chúa” (20:18.25) của những chứng
nhân đầu tiên là quan trọng hơn cả và đầy đủ rồi để có thể tin là Chúa Giêsu đã
sống lại (20:18.25; 1Gio 1:1) và không cần mỗi người phải có một kinh nghiệm thấy
Người và đụng chạm Người cách thể lý.
Chúa Giêsu Sống Lại không
còn ở trong điều kiện xác phàm như lúc Người đến trần gian, nên việc thấy Người
bằng mắt xác phàm cũng không cần thiết nữa. Chỉ tin vào lời chứng của các tông đồ
về Chúa Sống Lại là đủ.
Lm. Đặng Quang Tiến