Lễ Hiện Xuống B

Khi Đấng Phù Trợ Đến

(Lễ Ban Ngày)

                            

Gio 15,26-27: 26 Khi Đấng Phù Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ gởi đến anh em từ nơi Chúa Cha, Ngài là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Ngài sẽ làm chứng về Thầy. 27 Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì ngay từ đầu anh em ở với Thầy.

 

 16,12-15: 12 Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng anh em không mang nổi bây giờ. 13 Khi nào Ngài đến, Thần Khí sự thật sẽ hướng dẫn anh em trong sự thật toàn vẹn. Vì Ngài sẽ không nói tự mình, nhưng những gì Ngài sẽ nghe, Ngài sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. 14 Ngài sẽ tôn vinh Thầy, vì Ngài sẽ lấy những gì của Thầy và sẽ loan báo cho anh em. 15 Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế mà Thầy đã nói là Ngài lấy những gì của Thầy và sẽ loan báo cho anh em.

 

Bài Tin mừng của Chúa nhật nầy gồm hai đoạn không liên tục nhau; do đó cần giải thích riêng theo mạch văn của chúng. Điểm chung là cả hai đoạn đều nói về Chúa Thánh Thần, tuy trình bày về Ngài dưới những khía cạnh khác nhau.

 

Đoạn 15:26-27 được xen vào giữa hai đoạn nói về việc thế gian ghét Chúa Giêsu (15:18-24) và bắt bớ các môn đệ (16:2-4a). Nó liên kết với hai đoạn trên qua chủ đề “làm chứng”. Trong những câu 14:16-17.26 đã nhắc đến Thần Khí sự thật - Đấng Phù Trợ. Điểm chung được ghi nhận là Ngài đến từ Chúa Cha, như Chúa Giêsu vậy (x. 8:42; 13:3; 17:8). Điểm riêng là ở đây nhấn mạnh việc làm chứng của Ngài, khác với việc lưu lại, dạy dỗ và nhắc nhớ như trong những lần trước (x. 14:17; 14:26). Bên cạnh Gioan (1:15.19; 5:36), kinh thánh (5:39), chính Chúa Giêsu (18:37), công việc (5:36; 10:25) và Cha của Ngài (8:18) làm chứng cho Ngài, còn có Chúa Thánh Thần và các môn đệ (15:26-27), vì Ngài cần chứng từ của Ngài khác (x. 5:32).

 

Việc làm chứng phải là làm chứng cho sự thật về Chúa Giêsu; bởi đó, trong đoạn nầy Chúa Thánh Thần được gọi là Thần Khí sự thật (15:26; 1 Gio 5:6). Nhưng sự thật gì? Sự thật về Chúa Giêsu: Ngài là Con Thiên Chúa (12:27) và là Vua - Đấng Kitô (x. 12:13; 18:33; 19:3.14.19.21). Nhiều lần trong những tranh luận với các thủ lãnh Do thái, Chúa Giêsu đã nói đến điều nầy. Trước mặt Philatô, Ngài đã  tự làm chứng cho mình và đã khẳng định cách chắc chắn “Ngài là Vua” (18:37). Đây là lý do chính đưa đến việc Ngài bị ghét bỏ và đóng đinh vào thánh giá (7:26-27.31.41-42; 10:24). Vì thế, trong bối cảnh của đoạn nói đến việc thế gian ghét Chúa Giêsu cách vô cớ (15:25), nhiệm vụ của Thần Khí sự thật phải được hiểu là làm chứng rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và cũng là Đấng Kitô (Gio 1:33; 1 Gio 5:6). Ngoài ra, Chúa Thánh Thần đến còn để trợ giúp các môn đệ trong việc làm chứng (Tđcv 1:8). Lý do họ phải làm chứng là vì họ đã ở với Chúa Giêsu ngay từ đầu. Điều nầy các tông đồ sẽ xác nhận khi họ đi rao giảng (Tđvc 1:22; 2:32; 3:15; 4:20; 5:32; 1 Gio 1:1). Nội dung lời chứng của các môn đệ cũng như trên: Chúa Giêsu là Chúa và là Đấng Kitô (3:14.26; 4:26; 10:38). Còn những thử thách và bách hại mà họ chịu, như Thầy của họ, là những cơ hội thuận lợi để có thể làm chứng bằng hành động cho Ngài (16:2-4); Gioan viết Tin mừng ra cũng với mục đích là để làm chứng cho Ngài (Gio 21:24). Như thế, các tông đồ đã làm chứng cho Chúa Giêsu trong cả chữ viết, lời nói và hành động. 

 

Đoạn 16:12-15 là phần cuối của đoạn 16:4b-15, trong đó nói đến vai trò của Chúa Thánh Thần đối với các môn đệ; trong khi các câu 16:8-11, nhiệm vụ của Ngài đối với thế gian nầy. Đoạn nầy chia thành: 1- Khả năng tiếp nhận của các môn đệ và sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần (16:12-13); 2- Tương quan của Chúa Thánh Thần với Chúa Giêsu (16:14-15). 

 

Chúa Giêsu đã nói tất cả cho các môn đệ những gì Ngài nghe từ Chúa Cha (x. 15:15). Tuy nhiên, Ngài đã gởi Chúa Thánh Thần đến vì họ không có khả năng hiểu trọn vẹn những gì Ngài đã nói, “họ không thể mang nổi”. Do đó, nhiệm vụ của Chúa Thánh Thần là “hướng dẫn họ trong mỗi sự thật” (16:13). Ngài giúp họ hiểu cách thâm sâu hơn những chân lý đã được bày tỏ, hơn là khám phá thêm những điều mới. Những chân lý nầy phát xuất từ Chúa Cha, chuyển thông qua Chúa Giêsu, chứ không phải bắt nguồn từ Chúa Thánh Thần (x. 7:16; 8:28; 12:49; x. 5:19-27; 14:9-10). Như thế, chỉ có một mạc khải và một Thánh Thần là Đấng soi sáng các môn đệ hiểu nội dung của mạc khải ấy.

 

Khi loan báo lời của Chúa Giêsu, Chúa Thánh Thần tôn vinh Ngài (16:14-15). Động từ “tôn vinh” thường chỉ đến việc Chúa Giêsu trải qua sự chết và được chỗi dậy trong vinh quang. Trong việc nầy Cha và Con tôn vinh lẫn nhau (12:23.28; 13:31-32; 17:1.5). Như thế, công việc Chúa Thánh Thần là làm cho thông hiểu công trình cứu chuộc của Chúa Con, và qua đó tôn vinh Ngài.

 

Khi đến để làm chứng và loan báo lời của Chúa Giêsu, Chúa Thánh Thần cũng làm cho các môn đệ hiểu thấu đáo lời của Ngài và trở nên chứng nhân của Ngài.

 

Lm. Đặng Quang Tiến

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B