Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống A
Từ Lòng Người
(Lễ Vọng)
Gv 7,37-39: 37
Vào ngày cuối cuộc lễ, một đại lễ, Ðức Yêsu đứng dậy mà hô lên rằng: "Ai
khát thì hãy đến với Ta, và hãy uống 38 kẻ tin vào Ta! như Kinh
thánh đã nói: Tự lòng Ngài có những sông tuôn chảy nước sinh sống. 39
Ðiều ấy, Ngài nói về Thấn khí các kẻ tin vào Ngài sẽ lĩnh lấy, vì Thần khí chưa
có, bởi Ðức Yêsu chưa được tôn vinh.
Đoạn 7:37-39 liên kết với
đoạn trước. Chúa Giêsu đã đi dự lễ Lều nhưng cách kín đáo (7:10). Người nói diễn
từ đầu tiên khi Người đã ở nửa chặng đường (7:14). Và diễn từ trong đoạn
7:37-39 nầy là vào ngày cuối cùng của lễ Lều. Theo sau đoạn nầy là phản ứng của
dân chúng (7:40-44), và phản ứng của các thượng tế và nhóm Pharisêô (7:45-52).
Chủ đề chính của đoạn là nói về nước ban sự sống ban cho những người tin. Nước ấy
chính là Thánh Thần được ban khi Chúa Giêsu được tôn vinh.
Diễn từ ngắn nầy có thể
phân chia như sau: - Khung cảnh của diễn từ (c. 37a); - Diễn từ về nước ban sự
sống (cc. 37bc-38); - Lời chú thích của thánh sử (c. 39).
Khung cảnh của diễn từ (c. 37a)
Khung cảnh của diễn từ
là dịp lễ Lều là vào ngày cuối cùng (c. 37a). Ngày nầy được nhấn mạnh là “ngày
trọng đại”, vì trong bảy ngày của dịp lễ, ngày cuối cùng là ngày cao điểm và có
nhiều nghi lễ đặc biệt.
Lễ Lều là một trong những
lễ lớn nhất trong năm của người Do thái thời xưa. Lễ Lều được quy định từ ngày
15 đến 21 của tháng thứ bảy trong năm (vào khoảng cuối tháng 9 hay đầu tháng 10
theo dương lịch thời nay) (Lv 23:34.37; Ds 29:12-34). Nếu mưa rơi nhiều trong
thời gian nầy, đó là dấu hiệu bảo đảm một mùa mưa dồi dào; như thế mùa màng năm
tới sẽ phong nhiêu. Mỗi sáng đều có nghi thức rước kiệu. Người ta đi xuống lấy
nước từ mạch nước Gihôn ở phía đông nam đồi của đền thờ. Nguồn nước nầy cung cấp
nước cho hồ Silôam. Một tư tế múc nước đầy bình vàng từ nguồn nước cứu độ nầy,
“Các bạn sẽ vui mừng múc nước từ nguồn cứu độ” (Is 12:3). Khi đoàn rước đến trước
bàn thờ toàn thiêu đặt trước đền thờ, vị tư tế đi quanh bàn thờ và đổ nước trên
bàn thờ và để nước chảy xuống đất. Vào ngày thứ bảy, nghi thức đi quanh bàn thờ
làm đến bảy lần.
Lễ Lều rất quan trọng và
mang tính cách linh thánh đối với người Do thái, vì việc cung hiến đền thờ Salômôn
đã xảy ra vào dịp lễ Lều (1 Vua 8:2.65-66; 2 Niên biểu 5:3; 7:8-10). Đồng thời
nó cũng liên kết với “ngày khải hoàn của Chúa”. Trong khung cảnh của lễ Lều,
Zacharia mô tả vị vua thiên sai vào thành Giêrusalem, chiến thắng và cỡi trên một
con lừa (9:9). Chúa tuôn đổ lòng trắc ẩn xuống trên Giêrusalem (13:1), Người mở
ra một nguồn nước cho nhà Đavít để tẩy sạch Giêrusalem (13:1); nước hằng sống
tuôn ra từ Giêrusalem đến tận Địa Trung Hải và Biển Chết (14:8); và sau cùng, mọi
quân thù bị tiêu diệt, dân chúng hằng năm lên Giêrusalem để giữ lễ Lều nầy
(14:16) (x. Raymond E. Brown, The Gopsel according to John I-XII, AB,
vol. 29 (NY, 2006), p. 326-327).
Diễn từ về nước hằng sống (cc. 37bc-38)
Trong phần nầy có vấn đề
về bản văn. Đa số các ấn bản và bản dịch ngày nay đều theo Textus Receptus là đặt
dấu chấm vào cuối câu 37, và đọc là: “Ai
khát, hãy đến (với Tôi) và uống. Ai tin vào Tôi, như Kinh thánh đã nói, tự lòng
người ấy trào ra những giòng nước sinh sống”. Trong trường hợp nầy lời kinh
thánh qui chiếu về những người tin, và nguồn nước sinh sống phát xuất từ họ. Những
người ủng hộ cách giải thích nầy, trong đó có Ôrigênê và các giáo phụ Phương Đông,
dựa vào thủ bản P22 (thế kỷ
thứ hai), và Gio 4:14 trong đó Chúa Giêsu nói đến nguồn nước trong người tin vọt
ra sự sống vĩnh cửu.
Cách dịch thứ hai là đặt
dấu phẩy vào cuối câu 37, như bản Kinh Thánh Giêrusalem và một số tác giả mới đây
đã làm. Đọc như thế nầy: “Ai khát, hãy
đến (với Tôi), và uống, người tin vào Tôi, như kinh thánh đã nói, tự lòng người
ấy trào ra những giòng nước sinh sống”. Theo cách giải thích nầy, “người ấy”
(ngôi thứ ba số ít) chỉ “Tôi” đi trước, chính là Chúa Giêsu thay vì người tin
hay cũng là người khát nước. Bản dịch của Nguyễn Thế Thuấn theo cách đọc nầy.
Cách dịch thứ ba là đặt
dấu chấm sau câu 38a, đọc như thế nầy: “Ai
khát, hãy đến (với Tôi), và uống, người tin vào Tôi. Như kinh thánh đã nói, tự
lòng Người trào ra những giòng nước sinh sống”. Trong trường hợp nầy, những
giòng nước sinh sống trào ra từ cung lòng của Chúa Giêsu. Bản dịch của Phụng Vụ
Giờ Kinh theo cách đọc thứ ba nầy.
Theo mạch văn, có thể
quả quyết Chúa Giêsu là nguồn nước sinh sự sống. Động từ pisteuō “tin” ở dạng phân từ xuất hiện hai nơi cc. 38 và 39. Ở câu
38, ho pisteuōn, phân từ hiện tại diễn
tả tính tổng quát, “những người tin”. Ai tin vào Chúa đều được mời gọi đến uống
nước nơi Người. Ở câu 39, ho pisteusantes,
phân từ aorist, chỉ những người đã tin rồi. Những người nầy sắp được lãnh nhận
Thánh Thần. Trong cả hai trường hợp đều đòi hỏi lòng tin vào Chúa Giêsu, và nước
sinh sự sống và Thánh Thần đều chỉ một thực tại duy nhất. Nước ấy là Thánh Thần
và chỉ có thể phát xuất từ Chúa Giêsu.
Như thế Chúa Giêsu là
nguồn nước sinh sự sống. Lời mời gọi và mệnh lệnh “Hãy đến uống” (c. 37bc) nhắc
nhớ lời Chúa Giêsu nói với Người phụ nữ xứ Samaria. Người hứa là những ai đến uống
nước Người ban là sẽ không còn khát nữa (4:14), vì Người chính là nguồn nước
sinh sự sống (4:10). Koilia, theo nghĩa
đen là “cái bụng” “cái dạ” (3:4; Mt 19:12; Lc 1:15). Theo nghĩa bóng, koilia chỉ tâm hồn, con tim hay nơi thâm
sâu nhất của con người. Như thế có thể hiểu là nước sinh sự sống nầy ám chỉ nước
và máu chảy ra từ con tim bị đâm thủng của Chúa Giêsu (19:34).
Lời chú thích của thánh sử (c. 39)
Thánh sử thấy nước hằng
sống ở đây trong tương quan với Thánh Thần. Lời hứa ban Thánh Thần nầy chỉ được
thực hiện khi Người được tôn vinh, edoxasthē.
Doxazō “tôn vinh” ở thể thụ động ám
chỉ Thiên Chúa là chủ hành động. Việc tôn vinh chỉ được thực hiện ngang qua sự
chết (12:16; 13:31.32). Gioan khẳng định điều nầy khi nói đến việc Phêrô phải
chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa (21:19). Như thế, Chúa Giêsu ban Thánh Thần
ngay lúc Người chết trên thập giá, paredōken
to pneuma, “Người giao phó linh hồn/ thần khí” (19:30).
Thánh Thần là nước sinh
sự sống không bao giờ khô cạn. Người cũng là nguồn tình yêu của Thiên Chúa cho
con người, vì Thánh Thần là hoa trái của tình yêu tự hiến cho đến cùng của Chúa
Giêsu.
Lm. Đăng Quang Tiến