CHÚA NHẬT LỄ LÁ, năm B
Mc 11, 1-10
ƠN CỨU ĐỘ CHỨA CHAN NƠI CHÚA
Cứ mỗi năm khi cử
hành lễ lá mỗi người chúng ta đều có những suy nghĩ, đều có những cảm nghiệm thật
đẹp, thật lạ lùng.Lễ Lá là ngày lễ vui bởi vì mỗi người sẽ được phát một cành lá
để cầm ta, để rước Chúa vào thành thánh như trẻ Do thái lúc xưa, nhưng đồng thời
chúng ta cũng tưởng niệm lại cuộc thương khó của Chúa Giêsu.
HAI ĐÁM RƯỚC,
HAI HÌNH ẢNH TRÁI NGƯỢC NHAU : Lễ Lá dân Do Thái, đặc biệt các trẻ em náo nức,
tay cầm cành vạn tuế, trải áo trên đường, đón rước Chúa Giêsu vào thành thánh
Giêrusalem như một vị cứu tinh, một vị anh hùng, một Đấng Mêsia lẫm liệt, oai
phong ngồi trên mình con lừa. Dân và trẻ con hát hò, tung hô vang lừng để đón
chào Đấng Mêsia như một vị vua chiến thắng. Hình ảnh vui mừng, hình ảnh tung hô
Vua Giêsu trong ngày lễ lá hoàn toàn trái ngược với vài ngày sau đó, Chúa Giêsu
mặt mũi tả tơi, máu me bê bết, vác cây thập giá tiến lên đồi Golgotha, không trống
không kèn, không tiếng hát hò du dương, không có những cành cây xanh, không có những
nhánh cây vạn tuế, mà chỉ có những lời xỉ vả, nhiếc mắng và những lời kết án hầm
hồ. Thay vì những nhánh cây xanh tươi, chúng ta chỉ thấy mỗi cây thập giá nặng
nề đè trên vai Chúa. Đây là hai hình ảnh, hai đám rước hoàn toàn trái ngược
nhau.Có suy nghĩ kỹ về hai đám rước này, chúng ta mới cảm nghiệm được thân phận
làm người của Chúa và mới nhận ra được Con-Người-Chúa-Của-Chúa.
NỖI CƠ ĐƠN CỦA
CHÚA NÀO AI THẤU ? : Ngày Chúa Nhật Lễ Lá thường người ta có cảm tưởng phải
nghe bài Tin Mừng khá dài và có người thấy mệt mỏi khi phải nghe các bài Tin Mừng
này. Tuy nhiên, chúng ta cần phải công bằng để nghe chậm rãi bài Tin Mừng của các
thánh sử tường thuật về cuộc thương khó của Chúa Giêsu. Chúng ta phải dừng lại
từng đọan, từng chặng để suy đi nghĩ lại về cuộc khổ hình diễm phúc của Chúa Giêsu.
Chúng ta phải cảm thông với nỗi cô đơn của Chúa trong giây phút đau khổ này. Phêrô,
Giacôbê và Gioan là ba môn đệ thân tín nhất của Chúa cũng đã bỏ rơi Chúa. Các ông
ngủ khì mặc cho Thầy đang phải trằn trọc, đau buồn đổ mồ hôi máu.Giuđa chỉ điểm
cho
quan quân tới bắt
Chúa bằng một nụ hôn. Tất cả các môn đệ đều sợ hãi, đều nhát đảm bỏ Chúa mà chạy
trốn. Phêrô yếu nhược đến chối Thầy trước lời nói của một cô tớ gái. Chúa Giêsu
bị đám đông cuồng nhiệt la ó xin tha Baraba và giết Chúa Giêsu. Thật Chúa Giêsu
đang trong tình trạng cô đơn đến tột cùng. Ngài có cảm tưởng như Cha Ngài cũng
bỏ Ngài :” Lạy Cha, sao Cha lỡ bỏ con ?”. Vâng phải dừng lại, chiêm ngắm Con-Người-Chúa-Của-Chúa
trong thân phận làm người, chúng ta mới hiểu được thế nào là con người đau khổ,
con người tan nát của Chúa. Ngài không còn hình tượng người khi người ta đối xử
hết sức tàn nhẫn đối với Chúa. Chúng ta cảm nhận làm sao khi danh dự và phẩm giá
của Chúa Giêsu bị chà đạp, họ quấy nhiễu bêu diếu chúa như thế nào; đầu bị đội
mão gai thay cho mũ triều thiên, thay cho vương miện vua của Ngài. Ngài bị lột áo,
chỉ còn một chút che thân mà thôi. Chúa đau khổ và cô đơn đến tột cùng.
ÁP DỤNG VÀO THỰC
TẾ : Cuộc thương khó của Chúa Giêsu vẫn còn kéo dài cho tới ngày tận cùng thế giới.
Chúa yêu thương con người, loài người và từng người. Ngài chấp nhận nỗi cô đơn
cay đắng, đau khổ tột cùng để mang lại niềm vui và hạnh phúc cho mỗi người cho
từng người.
Thập giá là nỗi
khổ nhụ, nhưng lại là sự vinh quang cho con người. Xưa dân Do Thái đi trong sa
mạc bị rắn độc cắn, khi họ nhìn lên con rắn đồng thì được cứu thoát, ngày nay với
lòng tin sâu thẳm mỗi lần nhìn lên thập giá, chúng ta sẽ nhận ra lòng thương xót
của Chúa và đón nhận được ơn cứu độ. Chỉ có ơn cứu độ nơi thập giá của Chúa Giêsu
mà thôi bởi vì ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa.
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho chúng con biết chấp nhận vác thập giá mà theo chân Chúa. Amen.
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT