Chúa Nhật Lễ Lá

Năm B

 

          Bắt đầu bước vào Tuần Thánh, Phụng vụ Lời Chúa trong tuần này trình bày dung mạo Chúa Ki-tô vô cùng độc đáo.  Chúa Ki-tô là người Tôi Trung của Thiên Chúa.  Tất cả những biến cố trong những ngày cuối cuộc đời dương thế của Chúa Giê-su đã diễn tiến trong tư thế khiêm nhường của Chúa Ki-tô khi Người hoàn toàn vâng phục Chúa Cha, chấp nhận chết để chuộc lại lỗi lầm của nhân loại.  Hình ảnh Chúa Giê-su cưỡi lừa vào thành Giê-ru-sa-lem được tất cả bốn sách Tin Mừng kể lại không những đã nói lên đặc tính khiêm nhường vâng phục của Người, mà còn giúp ta hướng tới một triều đại bình an Người thiết lập cho nhân loại qua cái chết của Người.

1.  Suy niệm theo ngôn sứ I-sai-a:  Chúa Ki-tô là người Tôi Trung của Thiên Chúa (bài đọc Cựu Ước – Is 50:4-7)

          Bài ca về người Tôi Trung của Thiên Chúa trong sách ngôn sứ I-sai-a được sử dụng hôm nay là bài thứ ba.  Bốn bài ca người Tôi Trung đều có những nét độc đáo.  Bài ca hôm nay lời lẽ rất đơn sơ, phác họa vài nét chính về con người và sứ vụ của Chúa Ki-tô.  Trước hết bài ca đề cập tới một đặc điểm của người Tôi Trung, là luôn luôn nói năng và lắng nghe “như một người môn đệ”.

          Thực vậy, trước mặt Thiên Chúa, Đức Ki-tô luôn luôn sống “như một người môn đệ”.  Người đã được Thiên Chúa sai đến trần gian để thi hành sứ vụ cứu độ.  Ba năm trời đi rao giảng Tin Mừng, Người đã nói năng như một người môn đệ, nghĩa là Thầy bảo nói gì thì môn đệ nói điều ấy.  Chúa Giê-su đã nhiều lần khẳng định điều này.  “Thật vậy, không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, truyền lệnh cho tôi phải nói gì, tuyên bố gì… Vậy, những gì tôi nói, thì tôi nói đúng như Chúa Cha đã nói với tôi” (Ga 12:49-50).  Là Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể, Chúa Giê-su đã nói lên bằng ngôn ngữ loài người tất cả những gì Thiên Chúa muốn nói với nhân loại.  Không chỉ là những lời Thiên Chúa dạy dỗ con người, mà còn là những lời đem lại sự sống đời đời, những lời “nâng đỡ ai rã rời kiệt sức” (Is 50:4).  Lời uy quyền của Chúa Giê-su đã chữa lành bệnh tật thể xác, an ủi người trong cơn đau tinh thần, nhất là những lời thứ tha cho những người rã rời kiệt sức vì gánh nặng tội lỗi.  Tóm lại, Người nói tức là Thiên Chúa nói.  Tuy nhiên cách Người nói không lên mặt dạy đời như các Pha-ri-sêu và thông luật, mà là trong tinh thần khiêm tốn của người Môn đệ hoặc Con yêu dấu của Thiên Chúa Cha.

          Chúa Giê-su đã nói như một người môn đệ, Người còn hành động như một người môn đệ nữa.  Nghĩa là Người làm bất cứ điều gì nhất nhất đều theo thánh ý Chúa Cha.  Người được Chúa Cha sai đi để rao giảng Tin Mừng và chữa lành.  Dân chúng và các môn đệ muốn Người ở lại những nơi người ta đang ngưỡng mộ Người, nhưng Người thẳng thắn bảo họ:  “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy con rao giảng ở những nơi đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó” (Mc 2:38).  Thái độ vâng nghe của người môn đệ là:  “Đức Chúa là Chúa Thượng đã mở tai tôi, còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui” (Is 50:5).  Người Môn đệ của Thiên Chúa với đôi tai lắng nghe và tấm lòng cương quyết thi hành bất cứ điều gì Thiên Chúa muốn đã chấp nhận làm một điều ta không thể tưởng tượng nổi, đó là tự chuốc lấy đau khổ tủi nhục không phải vì lỗi mình, nhưng vì tội lỗi nhân loại.  Đây chính là một phần trong cuộc Thương khó Chúa Giê-su sắp phải chịu:  “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu.  Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ” (Is 50:6).  Sở dĩ Người dám chấp nhận một “bất công” như thế, bởi vì Người có lòng tin tưởng vững chắc vào sự phù trợ của Thiên Chúa.  Diễn tiến Thương khó không chỉ là hết đau đớn này tới đau đớn kia, nhưng mặt khác diễn tiến ấy còn nói lên niềm tin Thiên Chúa của Chúa Giê-su nữa.

          Sở dĩ Chúa Giê-su đã có thể chu toàn sứ mệnh rao giảng Tin Mừng và hoàn tất cuộc Thương khó là vì Người luôn luôn sống như một người Môn đệ của Thiên Chúa, nói năng và làm tất cả những gì Thầy mình là Thiên Chúa muốn.  Nhận rõ hình ảnh người Môn đệ theo ngôn sứ I-sai-a diễn tả, ta mới dễ dàng chiêm ngưỡng được Chúa Giê-su trải qua cuộc Thương khó như thế nào theo bài Tin Mừng ta sắp lắng nghe.

2.  Suy niệm theo thánh Phao-lô:  Chúa Giê-su đã trút bỏ vinh quang Thiên Chúa và vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên thập giá (bài đọc Tân Ước – Pl 2:6-11)

          Ngôn sứ I-sai-a mô tả Chúa Giê-su vâng phục như một người môn đệ, thì thánh Phao-lô còn đi xa hơn nữa khi ngài nói Chúa Giê-su đã “hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2:8).  Thánh Phao-lô đề cao cấp độ vâng lời tuyệt đối của Chúa Giê-su, từ thân phận Thiên Chúa đã hạ mình làm người phàm, rồi sẵn sàng chọn cái chết ô nhục, tất cả chỉ vì muốn vâng lời Thiên Chúa cách tuyệt đối.

          Ta cứ tưởng tượng một ông vua từ bỏ ngai vàng để sống đời dân dã cũng đã làm cho ta kinh ngạc rồi.  Ta thắc mắc làm sao ông ta có thể làm một việc phi thường như vậy.  Địa vị ông vua trần gian làm sao sánh được với địa vị Thiên Chúa.  Vậy mà, Chúa Giê-su đã “không nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa” để đi con đường vâng phục, dần dần bước xuống nấc thang cuối cùng, dưới cả thân phận nô lệ, tức là phải chết hổ nhục của một tên tử tội tồi tệ tận cùng.  Không còn mức vâng phục nào hơn được nữa.  Đúng vậy, sự kiêu ngạo của A-đam đã xúc phạm tới Thiên Chúa siêu việt thì cũng cần phải có sự khiêm nhượng và vâng phục tuyệt độ của Chúa Giê-su mới có thể đền bù cho tội lỗi của A-đam và nhân loại.  Sự vâng phục hoàn toàn của Chúa Giê-su có khả năng tận diệt mầm mống của tội lỗi là sự kiêu ngạo và phục hồi cho nhân loại tất cả những gì họ đánh mất đi do phạm tội.  Xác tín về sự khiêm nhượng và vâng phục tuyệt đối của Chúa Giê-su cho ta một căn bản chắc chắn để nắm bắt ý nghĩa của cuộc Thương khó Chúa Giê-su sắp phải chịu, đồng thời ta mới thấy được hiệu quả vô song cuộc Thương khó ấy đem lại cho nhân loại như thế nào.

3.  Con đường thập giá là con đường vâng phục  (bài Tin Mừng – Mc 14:1–15:47)

          Chúa Giê-su vác thập giá và chịu chết nhục hình không phải như một siêu nhân, nhưng như một người môn đệ và một người phàm như tất cả mọi người bình thường khác.  Điểm đặc biệt duy nhất và khác với mọi người, đó là một Chúa Giê-su vâng phục, với một đức khiêm nhường tuyệt đối. 

          Trước hết ta hãy theo chân Chúa Giê-su vào những giờ cuối cùng trước cuộc Thương khó, bắt đầu từ làng Bê-ta-ni-a.  Đang khi Người dùng bữa, một người phụ nữ đến xức dầu thơm cho Người.  Người ta “gắt gỏng với cô” vì thấy cô quá hoang phí.  Chúa Giê-su không lớn tiếng hoặc sử dụng uy tín của Người, trái lại, Người ôn tồn bênh vực việc làm của bà ấy.  Tiếp đến, trong bữa Tiệc ly Người phải đối diện với Giu-đa, kẻ nộp Người.  Ta không thấy Người trách móc hay chỉ mặt vạch tên con người phản bội, nhưng Người chỉ từ tốn và kín đáo nhắc nhở hắn.  Sau đó, khi ông Phê-rô tự hào sẽ không chối bỏ Thầy, Chúa Giê-su cũng chỉ “nhắc khéo” để ông ý thức yếu đuối của ông.

          Tại Vườn Ghết-sê-ma-ni, sự vâng phục của Chúa Giê-su chiếu sáng giữa đêm đen mịt mùng.  Khung cảnh và tương lai càng đen tối bao nhiêu, đức vâng phục của Người càng sáng tỏ bấy nhiêu.  Cử chỉ “sấp mình xuống đất mà cầu xin cho mình khỏi phải qua giờ ấy” phản ảnh một “tâm hồn buồn đến chết được”, nhưng củng ngầm nói lên đức vâng phục thẳm sâu của Người.  Ba lần cầu nguyện, ba lần vâng phục.  Con số ba lần mang ý nghĩa tuyệt đối.

          Từ sau khi bị bắt trong Vườn Dầu, Chúa Giê-su đã phải đối phó với muôn ngàn thử thách:  những xấc xược của đám đông đến bắt Người, cái hôn phản bội của Giu-đa, những khinh bỉ và hạch sách của nhóm thượng tế, Pha-ri-sêu và thông luật, cuộc xét xử bất công do chính quyền đạo lẫn đời, những cực hình Người phải chịu do đám lính thô bạo.  Người đã chịu đựng tất cả trong đức vâng phục, vì Người luôn ý thức Thiên Chúa muốn Người là một môn đệ trung tín và một tên nô lệ phải chết nhục trên thập giá để đền tội cho nhân loại.

          Con đường thập giá của Chúa Giê-su nhắc nhớ ta về con đường thập giá của mỗi tín hữu.  Ta đi con đường thập giá, nhưng với tâm tình và thái độ nào?  Với ta, nhiều khi thập giá không còn là dấu chỉ vâng phục, nhưng là dấu chỉ của trách móc Thiên Chúa, than thân trách phận, đưa đẩy tới buông xuôi hoặc đi vào con đường xấu xa tội lỗi.  Con đường thập giá của Chúa Giê-su kết thúc với lời tuyên xưng của viên đại đội trưởng Rô-ma:  “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15:39).  Đây thực là một lý tưởng và thách đố cho mọi Ki-tô hữu, những kẻ tự hào vác thập giá mình mà bước theo sau Chúa Giê-su.  Liệu ta có xứng đáng được người khác nhận định:  Quả thật, người này là con Thiên Chúa?

4.  Sống Lời Chúa

          Trình thuật cuộc Thương khó của Chúa Giê-su không chỉ là trình bày những chi tiết lịch sử về cái chết khổ nhục của Người, nhưng qua đó ta có thể chiêm ngưỡng những nhân đức của Người, nhất là đức vâng phục trước thánh ý Thiên Chúa Cha.  Ngôn sứ I-sai-a và thánh Phao-lô đã cho ta những suy niệm đơn sơ nhưng vô cùng sâu sắc, để ta nhận ra được động lực nào đã giúp Chúa Giê-su hoàn tất cuộc Thương khó của Người.  Đồng thời suy niệm cuộc Thương khó của Chúa Giê-su cũng giúp ta tìm thấy ý nghĩa đích thực của con đường thập giá ta đang bước đi trên trần gian này, con đường đưa ta qua những khổ đau chóng qua để tiến đến vinh quang muôn đời.

Suy nghĩ:  Những giây phút Chúa Giê-su cầu nguyện trong vườn Ghết-sê-ma-ni có ý nghĩa gì đối với tôi và cuộc đời của tôi?  Tôi đã thưa gì với Chúa những khi tôi phải đối phó với một “cuộc thương khó” xảy đến với tôi?  Nhìn lại một kinh nghiệm thập giá đã qua, tôi học được gì?

Cầu nguyện:          Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã muốn cho Đấng cứu chuộc loài người phải sống kiếp phàm nhân và chịu khổ hình thập giá để nêu gương khiêm nhường cho thiên hạ noi theo.  Xin cho chúng con biết đón nhận bài học Người để lại trong cuộc thương khó, và được thông phần vinh quang phục sinh với Người.  Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  A-men.  (Lời nguyện Nhập lễ, Chúa Nhật Lễ Lá).

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B