Lễ Thánh Gia Thất

 

          Nói đến gia đình là phải nói đến tình yêu, vì thiếu tình yêu thì gia đình là một thảm kịch.  Tình yêu là phẩm chất của Thiên Chúa tràn lan xuống mọi loài thụ tạo Người dựng nên.  Dĩ nhiên gia đình cũng phải là nơi tích tụ tình yêu ấy, để gia đình sống, tồn tại, phát triển và tiếp nối công cuộc tạo dựng của Thiên Chúa.  Tình yêu có nhiều đặc tính.  Tuy nhiên Phụng vụ Lời Chúa hôm nay muốn trình bày tình yêu qua một khía cạnh độc đáo:  tình yêu đòi hỏi và biểu lộ sự hy sinh.

1.  Hy sinh trong niềm tin yêu Thiên Chúa của ông Áp-ra-ham (bài đọc Cựu Ước – St 15:1-6; 21:1-3)

          Ông Áp-ra-ham được mệnh danh là cha của đức tin, vì ông là tổ phụ gương mẫu về lòng tin vào Thiên Chúa.  Tin, yêu và cậy trông là những điều gắn liền với nhau.  Lòng tin nảy sinh đức mến và cậy trông.  Lòng tin này đã thôi thúc Áp-ra-ham yêu mến và phó thác mọi sự cho Chúa.  Vì yêu mến và phó thác, ông Áp-ra-ham đã chấp nhận hy sinh tất cả để làm theo thánh ý Chúa, vì Người đã hứa với ông:  “Hỡi Áp-ram, đừng sợ, Ta là khiên che thuẫn đỡ cho ngươi;  phần thưởng của ngươi sẽ rất lớn” (St 15:1).  Không chỉ cá nhân ông mà thôi, nhưng ông Áp-ra-ham còn đưa tất cả gia đình của ông đi vào mối quan hệ yêu mến với Thiên Chúa.  Ta cứ nhìn vào việc ông rời bỏ quê cha đất tổ, đem gia đình đi đến một nơi nào đó Thiên Chúa sẽ cho ông biết, thì sẽ thấy lòng yêu mến Đức Chúa của ông lớn lao đến chừng nào.

          Là một đại gia vùng đất Ur, ông Áp-ra-ham có một gia nghiệp rất lớn, cùng với tiếng tăm thế giá của ông.  Cơ ngơi của ông là từng đoàn gia súc không sao đếm xuể, đồng cỏ mênh mông, nhà cao cửa rộng, tôi trai tớ gái cả đoàn.  Vậy mà ông dám bỏ hết, ra đi với đoàn tôi tớ thân cận nhỏ bé và hành trang lên đường là gì nếu không phải lòng tin yêu Thiên Chúa.  Theo bản chất con người, ông cũng thấy e ngại trong cuộc hành trình này chứ.  Nhưng Thiên Chúa trấn an ông:  “Hỡi Áp-ram, đừng sợ, Ta là khiên che thuẫn đỡ cho ngươi”.

          Gắn bó với Chúa nên ông Áp-ra-ham có mối quan hệ yêu mến rất thân mật với Chúa.  Ông có thể thân thưa với Chúa như đứa con thủ thỉ với cha mình.  Một ngày kia sau khi đã định cư tại đất hứa Ca-na-an và chiến thắng vua Cơ-đô-la-ô-me, ông Áp-ra-ham nhìn lại hành trình đức tin của ông.  Ông đã hy sinh tất cả vì lòng yêu mến Chúa;  đáp lại, Chúa hứa ban cho ông “phần thưởng rất lớn”.  Phần thưởng gì đây mà vẫn chưa thấy đâu?  Hiện giờ tại đất hứa, ông cũng đã tạo lập lại cơ nghiệp.  Ông chỉ còn thiếu một điều, là có con cái nối dõi và thừa hưởng gia tài.  Nhưng đó là điều không thể, vì ông bà đều già lão không thể sinh con đẻ cái được nữa.  Vì thế ông thưa Chúa:  “Chúa coi, Chúa không ban cho con một dòng dõi;  và một gia nhân của con sẽ thừa kế con”.  Ông có ý nói với Chúa rằng:  Đấy, Chúa xem, con đã vì yêu mến Chúa, hy sinh mọi sự để làm theo ý Chúa.  Chẳng lẽ hy sinh của con không mang lại kết quả gì hay sao?  Nhưng Chúa khẳng định hy sinh của ông sẽ sinh hoa kết trái, đó là dòng dõi ông sẽ đông đúc như sao trời (St 15:5).  Thực vậy, nhờ ơn Chúa thương, “bà Xa-ra có thai và sinh cho ông Áp-ra-ham một con trai khi ông đã già, vào thời kỳ Thiên Chúa đã hứa” (St 21:2).

2.  Hy sinh trong tình yêu gia đình của ông Áp-ra-ham (bài đọc Tân Ước – Dt 11:8.11-12.17-19)

          Sự hiện diện của đứa con I-xa-ác là phần thưởng cho những hy sinh trong tình yêu mến của ông Áp-ra-ham và bà Xa-ra đối với Thiên Chúa.  Gia đình Áp-ra-ham từ nay vui vẻ hạnh phúc biết chừng nào nhờ có tiếng trẻ vui đùa líu lo.  Tuy sinh được I-xa-ác là niềm vui, nhưng gia đình Áp-ra-ham cũng có không biết bao nhiêu phiền phức.  Lớn tuổi mà phải chăm sóc con thơ đâu phải dễ dàng.  Với những bậc cha mẹ bình thường, yêu con đã đòi hỏi biết bao hy sinh thì ông bà Áp-ra-ham chắc chắn còn phải chịu nhiều hy sinh hơn nữa.  Ta không thể đo lường được lòng hy sinh của họ, nhưng Chúa có cách để ta biết được lòng hy sinh của họ.

Thiên Chúa ban cho gia đình Áp-ra-ham chỉ một đứa con là I-xa-ác.  Giờ đây Người lại bảo ông phải đem I-xa-ác lên núi để sát tế mà tỏ lòng tôn kính Người.  Thật là mệnh lệnh quái ác không sao hiểu nổi!  Nếu ông Áp-ra-ham không có lòng mến Chúa đích thực, ông sẽ chẳng nghe theo mệnh lệnh vô lý ấy.  Rồi vợ ông là bà Xa-ra lại càng khó xử hơn.  Lòng mẹ yêu con như biển Thái Bình đâu có thể để đứa con một của ông bà phải chịu chết như vậy.  Cho nên khi bà theo quyết định của chồng mà trao con cho ông đưa lên núi sát tế, thì đủ biết sự hy sinh của bà thật lớn lao.  Tình yêu càng lớn lao hy sinh càng cao cả.  Bà chấp nhận hy sinh là vì yêu mến Chúa và yêu thương ông Áp-ra-ham.  Chắc chắn ông Áp-ra-ham và bà Xa-ra đã khích lệ nhau hãy yêu mến Chúa và phó thác nơi Người.  Do lòng mến, ông tin Chúa sẽ có giải pháp.  Nếu Chúa có quyền năng biến sự già nua son sẻ của ông bà thành sự sống mới là I-xa-ác, thì Người cũng có thể làm cho một I-xa-ác đã chết được trỗi dậy.  Quả thực Thiên Chúa đã có giải pháp.  I-xa-ác đã được trao lại nguyên vẹn cho Áp-ra-ham như một phần thưởng lớn lao trong cuộc Thiên Chúa thử thách lòng hy sinh yêu mến của gia đình ông.

Hy sinh trong tình yêu gia đình ngày nay có lẽ là bài học khó nhất.  Người ta nói lời yêu thương dễ dàng lắm, nhưng khi phải chấp nhận một vài hy sinh để biểu lộ yêu thương thì người ta lại không làm được.  Ông chồng hút thuốc hứa lèo với vợ không biết bao nhiêu lần rồi.  Đã không biết hy sinh bỏ thuốc hoặc bớt đi, mà đôi khi còn lên mặt tuyên bố xanh rờn thà bỏ vợ chứ không bỏ thuốc!  Bà vợ tối ngày lê la xốp-binh, tốn không biết bao nhiêu tiền cho quần áo nữ trang, chẳng cần biết hy sinh là gì, mặc dù thấy chồng ngắc ngư hết gióp chính đến gióp phụ!  Có biết bao hy sinh lớn nhỏ vợ chồng con cái trong gia đình có thể thực hiện để tỏ lòng yêu thương nhau.  Quét cái nhà, rửa cái chén, lau nhà vệ sinh, tránh một lời nói nặng, ráng ăn một món mình không ưa thích lắm…  Hàng trăm điều nhỏ nhặt hằng ngày như thế sẽ là hàng trăm cơ hội để nói lên lòng yêu thương nhau, là hàng trăm cơ hội để dẹp đi lòng ích kỷ.  Hy sinh là thước đo tình yêu vậy.

3.  Trong Thánh Gia Thất, Chúa Giê-su là tột đỉnh của hy sinh (bài Tin Mừng – Lc 2:22-40)

          I-xa-ác là hiến lễ hy sinh của gia đình Áp-ra-ham, thì Chúa Giê-su là hiến lễ hy sinh của gia đình thánh cả Giu-se và Mẹ Ma-ri-a dâng lên Thiên Chúa.  Câu truyện Hài Nhi Giê-su được tiến dâng cho Thiên Chúa diễn tả khởi đầu cuộc đời hoàn toàn hy sinh cho sứ mệnh cứu độ nhân loại của Người.  Ông Si-mê-ôn được Thánh Thần thúc đẩy, lên Đền Thờ vào lúc làm lễ tiến dâng  Hài Nhi Giê-su cho Thiên Chúa.  Ông đã nói tiên tri về những hy sinh Hài Nhi và Mẹ Ma-ri-a phải chịu.  “Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng.  Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2:34-35).

Thánh Gia Thất là trường đào luyện lòng hy sinh.  Cả ba người trong Thánh Gia Thất đều học hỏi, khích lệ nhau sống hy sinh cho người khác.  Sở dĩ gia đình thánh ấy hạnh phúc và thương yêu nhau, vì mọi người đều hiểu ý nghĩa hy sinh và sống hy sinh cho nhau.  Mọi người đi tìm hy sinh để tỏ lòng yêu thương người khác.  Nếu tại đó họ không tập luyện hy sinh thì không thể nào có được một Giê-su chấp nhận cái chết nhục hình trên thập giá và một Ma-ri-a thầm lặng đứng dưới chân thập giá mà không một lời oán trách.  Nếu không có trường Na-da-rét dạy họ sống hy sinh thì nhân loại sẽ chẳng được hưởng nhờ ân phúc của những giọt máu Đấng Cứu Độ đổ ra trên thập giá.

Kết thúc câu truyện Tin Mừng dâng tiến Hài Nhi trong Đền thờ, thánh sử Lu-ca để lại một hình ảnh tuyệt vời:  “Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa” (Lc 2:40).  Con người Giê-su được phát triển về mọi mặt, để chuẩn bị cho sứ mệnh cao cả Người sẽ thi hành mai sau.  Trí tuệ, đạo đức, ý chí và lòng hy sinh can đảm là những nhân tố giúp Người chu toàn sứ mệnh cứu độ ở trần gian.  Tuy nhiên, Người đạt được tất cả những điều đó là nhờ được đào tạo trong môi trường Thánh Gia Thất.

Gia đình thời nay, nhất là tại những quốc gia văn minh, thường được đào tạo một cách khoa học thay vì đạo đức.  Người ta chú trọng đến khoa tâm lý và những kỹ thuật làm cho người khác hài lòng hơn là nhấn mạnh đến ý nghĩa hy sinh của tình yêu thương đích thực.  Con cái trong gia đình không được dạy dỗ đủ về ý nghĩa của hy sinh.  Trái lại, người ta quá đề cao và tôn trọng cái tôi của con cái đến độ không dám thẳng thắn nói cho con cái biết chúng phải tập sống hy sinh cho người khác.  Tính ích kỷ của con cái đã được nuôi dưỡng ngay trong gia đình chúng rồi.  Hơn lúc nào hết, ta nên trở về với cuộc sống của Thánh Gia Thất để học hỏi ý nghĩa hai chữ hy sinh nếu muốn hiểu tình yêu đích thực là gì.  Hy sinh là cách tốt nhất và thực tế nhất để biểu lộ tình yêu.  Chúa Giê-su không cần mở miệng nói:  Thầy yêu thương anh em lắm, anh em biết không?  Nhưng Người giang hai tay trên thập giá ôm lấy toàn thể nhân loại để nói lời yêu thương lớn lao của người sẵn sàng hiến mạng sống mình vì bạn hữu (Ga 15:13).

4.  Sống Lời Chúa

          Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nói đến hy sinh trong tình yêu.  Làm sao ta tập sống hy sinh nếu không học ngay trong gia đình là trường đào tạo tình yêu.  Gia đình thánh của ba Đấng, Giu-se, Ma-ri-a và Giê-su là trường học lý tưởng, nơi đó tinh thần hy sinh là môn học chính giúp ta hiểu ý nghĩa đích thực của tình yêu.  Ta đã quen tai nghe nói đến Chúa Giê-su hy sinh hiến tế thân mình trên thập giá mà quên mất rằng để sống hy sinh như vậy, Người đã phải học tập dưới sự dạy dỗ của cha mẹ bao năm trời mới đạt tới tột đỉnh của hy sinh trên thập giá.  Thánh Gia Thất là gương mẫu về mọi mặt, nhưng với Lời Chúa hôm nay, ta được mời gọi học lấy hai chữ hy sinh để làm phương thức biểu lộ tình yêu đích thực với Chúa và anh chị em.

Suy nghĩ:  “Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa”.  Hình ảnh phát triển con người vẹn toàn này có là một dấu hỏi cho bổn phận của tôi, bậc làm cha mẹ hay con cái không?  Là cha mẹ, tôi đã thiếu bổn phận giáo dục con cái và làm gương sáng?  Là con cái, tôi đã không nghe lời dạy dỗ của cha mẹ?  Chúng tôi mở miệng là “I love you”, “Anh yêu em”, “Em yêu anh” “Con thương ba má lắm”.  Nhưng tôi có dám hy sinh không, dù là những hy sinh nho nhỏ?

Cầu nguyện:  Lạy Chúa, Chúa đã muốn đề cao Thánh Gia như tấm gương xán lạn để mọi người bắt chước.  Xin làm cho chúng con cũng biết noi gương để ăn ở đúng lễ nghĩa gia phong, sống đùm bọc lẫn nhau trong tình yêu mến, hầu được chung hưởng niềm an vui vĩnh cửu trong nhà Chúa trên trời.  Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.  A-men.  (Lời nguyện Nhập lễ, lễ Thánh Gia Thất).

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B