HẠNH PHÚC TRONG TẦM TAY
Chúa Nhật 1 B Mùa Chay
Cuộc sống muôn mặt. Có buồn. Có vui.
Niềm vui không thiếu trong cuộc đời. Nhưng niềm vui thường chỉ đến với những người
giàu có, thông thái, quyền thế. Hôm nay, Đức Giêsu công bố Tin Mừng cho những
người nghèo khổ. Nước Trời đã tìm thấy trụ sở nơi những tâm hồn đơn sơ, tầm
thường.Vì chính Đức Giêsu cũng phát xuất từ hoàn cảnh khó nghèo đó.
Hơn nữa qua cơn thử thách trong hoang địa,
Đức Giêsu mới cảm thấy thấm thía cơn đói khát của nhân loại trên đường tìm về hạnh
phúc đích thực. Hôm nay hạnh phúc đã xuất hiện trong tầm tay, vì “Triều Đại
Thiên Chúa đã đến gần”(Mc 1:15). Chúng ta có nhận ra những dấu chỉ và thời điểm
Thiên Chúa đến viếng thăm hay không ?
CUỘC ĐỌ SỨC
Đức Giêsu được Thánh Linh dẫn vào hoang địa
để đương đầu với đối thủ lợi hại nhất của Thiên Chúa là Xatan. Tại đây sẽ xác định
cuộc thắng bại, quyết định tất cả sứ mệnh cao cả của Người. Thánh Marcô
thuật lại rất vắn tắt, nhưng cũng cho thấy sau khi “chịu Xatan cám dỗ”, Đức Giêsu
“sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người”(Mc 1:13). Sau cơn cám
dỗ rất lớn lao đó, Thiên Chúa đã trả lại cho Đức Giêsu cảnh hòa hợp giữa đất trời.
Cảnh hòa bình đó chỉ kiếm thấy trong thời Mêsia (x.Is 11:6-9). Cuộc chiến thắng
Xatan vô cùng cần thiết để chấm dứt cảnh lộng hành của đầu mục thế gian và mở
ra một thời đại mới chan chứa tình người và hồng ân cứu độ. Đức Giêsu sẽ là
thủ lãnh qui tụ muôn dân trong cảnh hòa bình và hạnh phúc.
Để rao giảng Nước Thiên Chúa, Đức Giêsu đã
phải chuẩn bị bằng một cuộc chiến thắng những ồn ào của bao cơn cám dỗ. Người
đã lên tiếng giữa một cảnh thanh bình, giữa cảnh hòa hợp và tương liên giữa mọi
thụ tạo, giữa thiên thần và các muông thú (Disciples in Mission [Homily Guide,
Lent Cycle B 1999:5]). Con người cảm thấy liên đới với muôn thụ tạo trong ơn cứu
độ do Thiên Chúa đã giao ước. “Con người không còn là một kẻ ngoại
cuộc hay kẻ thống trị thiên nhiên. Nhưng chúng ta cần hiểu rằng mình là một thành
phần của chính thiên nhiên. Vũ trụ hôm nay không phải là một miền đất lưu đầy cũng
không phải chỉ là nguồn khai thác của con người. Nhưng vũ trụ cũng được Thiên
Chúa yêu thương như chúng ta. Tất cả đều lệ thuộc vào luật của Thiên Chúa
chứ không phải của chúng ta, luật liên kết tất cả “các thụ tạo có xác” vào một
giao ước” (Disciples in Mission [Homily Guide, Lent Cycle B 1999:7]). Quả
thế, “muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày cũng sẽ được giải
thoát, cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang” (Rm
8:19-21).
Sau khi chiến thắng Xatan, Đức Giêsu cảm
thấy có một sức mạnh phi thường. Sứ mệnh Người hiện rõ từng nét. Khi
nghe tin “ông Gioan bị nộp” vì đã làm chứng cho công lý, “Đức Giêsu đến miền
Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa” (Mc 1:14), một Tin Mừng “cống hiến
cho nhân loại sự tự do, công chính và niềm hi vọng” (Life Application Study
Bible 1991:1727). Nghĩa là Người vẫn không sợ xiềng xích gông cùm, nhưng can đảm
rao giảng “Triều Đại Thiên Chúa” (Mc 1:15), một Triều Đại được xây dựng trên lẽ
công chính, trái tai bạo chúa Hêrôđê và đẩy ông Gioan vào chỗ chết. Cũng chính
vì lẽ công chính đó, Đức Giêsu đã bị bách hại. Nhưng cũng chính nhờ đó, uy
quyền Thiên Chúa bao trùm toàn thể vũ tru,ï và nhân loại mới biết thời đại cánh
chung đã đến.
Đã đến phút chót, mọi lời Thiên Chúa hứa
phải được thực hiện. Chính nơi con người Đức Giêsu những lời hứa đó sẽ hiện thực
từng nét. Cũng chính nơi Người, người ta nhận biết và cảm nghiệm “Triều Đại
Thiên Chúa đã đến gần” (Mc 1:15). Muốn thừa hưởng lời hứa và sống trong “Triều Đại
Thiên Chúa”, “anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1:15). Đó là điều kiện
duy nhất cho những ai muốn sống với niềm vui Nước Trời. Không thay đổi não
trạng, không chuyển hướng sống, không thể cảm thấy niềm vui của những người
“quay về với Thiên Chúa của Giao ước và dấn bước vào một cuộc sống mới” (Kinh
Thánh Tân Ước 1995:184), một cuộc sống được biến đổi toàn diện nhờ cái chết và
sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô.
Khi sám hối, chúng ta trải qua một cuộc lột
xác, giống như “thân xác Người đã bị giết chết, nhưng nhờ Thần khí Người đã được
phục sinh” (1 Pr 3:18). Chính Thần Khí sẽ tạo nên cả hai cuộc biến đổi kỳ
diệu đó. Thần Khí sẽ gìm toàn thân chúng ta vào máu của Đức Giêsu và sẽ nâng
chúng ta lên “cùng Thiên Chúa” (1 Pr 3:18), dưới sự lãnh đạo của Đức Giêsu Kitô. Nhờ
cuộc toàn thắng đó, Đức Giêsu đã giựt thoát nhân loại khỏi nanh vuốt ma quỉ, tội
lỗi và sự chết. Nhờ đó, Đức Giêsu trở thành hiện thân của tình yêu Thiên
Chúa, một tình yêu vô điều kiện đối với các thụ tạo của Người.
“Sám hối là quay hướng về, đáp trả lại tiếng
mời gọi” (Fuellenbach 1995:590) của Đức Giêsu Kitô, Đấng đã tạo mọi điều kiện
mang lại cho chúng ta niềm vui, nhất là niềm vui của người con hoang đàng trong
ngày vui họp mặt với cha già khả kính. Bởi đó “sám hối là một dịp vui, chứ
không phải một việc phán xét hay lên án” (Fuellenbach 1995:590). Vui vì “Triều Đại
Thiên Chúa đã đến gần”. Vui vì mọi người sẽ đón nhận hồng ân cứu độ và được
qui tụ về nhà Cha để cùng nhận ra nhau là anh em.
GẶP GỠ
Niềm vui đó chỉ tìm nơi Đức Giêsu Kitô. Lý
do vì nơi Người, chúng ta tìm được tất cả “sự công chính, bình an và hoan lạc
trong Thánh Thần” (Rm 14:17). Cuộc gặp gỡ Người không dừng lại nơi lý thuyết
hay các nghi lễ, nhưng tận thâm tâm, bản ngã con người. Chỉ có thể cảm nghiệm,
hiểu biết và tưởng tượng được Nước Trời là gì khi bản thân tôi gặp gỡ “Đấng đã
yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2:20). Trong cảm nghiệm sâu xa đó, Đức Giêsu
sẽ trở thành “trung tâm của cả cuộc đời chúng ta” (Fuellenbach 1995:590). Tất cả
đều tùy thuộc và quy hướng về Người. Đức Giêsu chính là cầu vồng nối đất
với Trời. Sức sống vươn cao, vì ơn cứu thoát đến đúng lúc.
Thiên Chúa đã có sáng kiến trước, đã làm tất cả cho con người. Người vẫn
kiên nhẫn chờ đợi xem con người phản ứng thế nào trước những sáng kiến diệu kỳ
của Người. Chính vì yêu thương, Người đã không ngần ngại đi bước trước.
Đáp lại sáng kiến đầy tình yêu thương đó, tức là sám hối (Fuellenbach
1995:590). Nói khác, con đường trở về với Thiên Chúa trải bằng những cánh
hoa hồng tình yêu. Nhưng chỉ những tâm hồn khiêm cung mới thực sự hiểu được
chỗ đứng của mình trong một trần gian đã được kết giao trong máu Đức Kitô và mới
có thể tìm được con đường dẫn đến hoà bình nối kết bằng những tràng chuỗi Mân Côi
ngọc ngà.
Chính vì thế, trong giai đoạn
cực kỳ nghiêm trọng này, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II mới lên tiếng : “trên hết,
chúng ta hãy khẩn xin Thiên Chúa cho mọi người cải hoá nội tâm và mở rộng tầm
nhìn khi đưa ra những quyết định công bình giải quyết những tranh chấp cản trở
cuộc hành trình trần gian hôm nay bằng những phương tiện tương xứng và hoà bình. Trong mỗi đền thánh dâng kính Mẹ Maria, chúng
ta hãy sốt sắng dâng lên trời cao những chuỗi Mân Côi cầu xin cho hoà
bình. Tôi xác tín rằng các giáo xứ và
gia đình cũng đọc kinh Mân Côi cho công cuộc quan trọng và có tầm ảnh hưởng lớn
lao đó.” (Zenit 23/02/03) Chỉ kinh Mân
Côi mới mạc khải cho chúng ta biết “không bao giờ chúng ta có thể sống hạnh phúc
nếu chúng ta kình chống nhau ; tương lai nhân loại không thể bị nhận chìm cùng
với chủ thuyết khủng bố và logic chiến tranh.
Đặc biệt các Kitô hữu chúng ta được kêu gọi trở thành những người bảo vệ hoà bình ở những nơi chúng ta đang sinh sống
và làm việc. Nghĩa là chúng ta cần tỉnh
thức, để tiếng lương tâm không khuất phục trước cám dỗ đầy ích kỷ, sai lầm và bạo
động.” (Zenit 23/02/03)
Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP