Chúa Nhật I mùa Chay,B

2009

 

          Nước cần thiết cho sự sống, nhưng nhiều khi nước cũng trở thành tai họa hoặc nguyên nhân đưa tới cái chết hoặc hủy diệt.  Mùa lụt nào cũng không thiếu những tai nạn chết người, hoặc chết đuối, hoặc bị nước cuốn trôi mất tích.  Trận lụt Đại hồng thủy được kể lại trong sách Sáng thế mang ý nghĩa đặc biệt thuộc lãnh vực đức tin.  Nước đã hủy diệt nhân loại tội lỗi, nhưng đồng thời nước cũng cứu thoát gia đình ông No-ê và mở ra một trật tự mới cho thế giới.  Ý nghĩa này đã được thánh Phê-rô Tông đồ nhắc đến trong thư thứ nhất của ngài và được suy diễn vào Bí tích Rửa tội.  Tuy nhiên, ta chỉ lãnh Bí tích Rửa tội thôi thì chưa đủ để được cứu rỗi, nhưng cần phải sống Bí tích ấy, nghĩa là sống tinh thần sám hối và vững tin vào Tin Mừng.

1.  Nước Hồng thủy tàn phá mặt đất và hủy diệt nhân loại, nhưng đem lại cho thế giới một trật tự mới (bài đọc Cựu Ước – St 9:8-15)

          Sau khi nước Hồng thủy rút, gia đình ông Nô-ê cùng mọi loài vật ra khỏi tàu, làm lại một cuộc sống mới.  Ngoại trừ gia đình ông Nô-ê, con nước đã cuốn đi nhân loại, sự giàu sang phú quý của họ, đồng thời cũng đem theo tất cả những xấu xa tội lỗi của con người.  Thiên Chúa lập lại lời chúc lành như khi Người tạo dựng trời đất và muôn vật thuở ban đầu:  “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, hãy lan tràn và nảy nở thật nhiều trên mặt đất” (St 9:7).  Hơn nữa, Người còn đặt một giao ước với nhân loại sống sót, lấy cầu vồng làm dấu hiệu:  “Ta lập giao ước của Ta với các ngươi:  mọi xác phàm sẽ không còn bị nước hồng thủy hủy diệt, và cũng sẽ không còn có hồng thủy để tàn phá mặt đất nữa” (St 9:11).

          Từ gia đình ông Nô-ê, Thiên Chúa muốn tạo dựng một nhân loại mới.  Người dùng nước Hồng thủy để thanh tẩy thế giới, nhưng Người cũng dùng nước để cứu thoát gia đình ông Nô-ê.  Tác dụng của nước ở đây là thanh tẩy và làm phát sinh sự sống mới.  Hậu quả của lụt Hồng thủy thật vô cùng lớn lao đối với nhân loại, nhưng đem đến cho họ một Thiên Chúa đầy lòng thương xót và sẵn sàng tha thứ.  Thiên Chúa chấp nhận lễ toàn thiêu của Nô-ê và Người tự nhủ:  “Ta sẽ không bao giờ nguyền rủa đất đai vì con người nữa.  Lòng con người toan tính điều xấu từ khi còn trẻ, nhưng Ta sẽ không bao giờ còn sát hại mọi sinh vật như Ta đã làm!” (St 8:21).  Lòng người không chịu thay đổi để trở về với Thiên Chúa, nhưng Người vẫn chờ đợi họ đáp lại giao ước của Người để cộng tác xây dựng một trật tự mới cho thế giới.  Trong trật tự này, con người lại được trao quyền thống trị muôn loài.  Muôn loài “phải kinh hãi khiếp sợ” con người và chúng được “trao vào tay con người” (St 9:2).  Tuy nhiên trong mối tương quan giữa con người và Thiên Chúa, con người phải “được trao vào tay” Thiên Chúa, để họ luôn luôn sống xứng đáng như con cái Người.  Trật tự mới này có nghĩa là phải tái lập mối tương quan giữa muôn loài, con người và Thiên Chúa, mối tương quan đã có trước khi con người phạm tội bất tuân mệnh lệnh của Thiên Chúa, nghĩa là muôn loài phục tùng con người và con người phục tùng Thiên Chúa.

          Trật tự mới này phải được thể hiện trong đời sống Ki-tô hữu.  Muốn thế, Ki-tô hữu cần xét lại bậc thang giá trị cho mình, những gì của Thiên Chúa hãy trả lại cho Chúa và những gì của Xê-da hãy trả lại cho Xê-da.  Đời sống đức tin và đời sống vật chất phải hài hòa, nâng đỡ nhau để giúp họ phát triển con người trọn vẹn trong tương quan với Chúa, với tha nhân, với tạo vật và với chính mình.  Mùa Chay được mệnh danh là thời cơ thuận tiện để họ thực hiện điều ấy.  Sự phong phú của Lời Chúa, những thực hành đạo đức do Giáo Hội đề ra như ăn chay, cầu nguyện, làm phúc bố thí đều là những phương thế giúp họ thực hiện sự hài hòa và trật tự nói trên.  Lòng thương xót và tha thứ của Thiên Chúa sẽ là động lực giúp họ kiên trì thực hiện trật tự mới ngay trong tình trạng yếu đuối con người của họ.

2.  Từ nước Hồng thủy đến nước Rửa tội (bài đọc Tân Ước – 1 Pr 3:18-22)

          Suy niệm về biến cố lụt Hồng thủy, thánh Phê-rô Tông đồ áp dụng ý nghĩa của nước vào Bí tích Rửa tội.  Ngài khẳng định:  “Trong con tàu ấy, một số ít, cả thảy tám người, được cứu thoát nhờ nước.  Nước đó là hình bóng phép rửa nay cứu thoát anh em” (1 Pr 3:20-21).  Ông Nô-ê đã đóng một con tàu để cứu thoát gia đình ông.  Cũng thế, Chúa Giê-su đã thiết lập Giáo Hội để cứu thoát ta.  Việc cứu thoát mạng sống con cái ông Nô-ê là hình bóng ám chỉ sự cứu thoát linh hồn của ta.  Tuy nhiên thánh Phê-rô xác định rõ ràng ý nghĩa của việc lãnh nhận Bí tích Rửa tội.  Lãnh nhận Bí tích Rửa tội không đơn thuần là một nghi thức bề ngoài, giống như việc tẩy sạch vết nhơ thể xác, nhưng là sự cam kết sống lương tâm trong trắng.  Xác định này có ý nói rằng Rửa tội không chỉ cho ta được mang cái danh Ki-tô hữu, nhưng là khởi đầu cho một cuộc sống mới theo gương mẫu và lời giảng của Đức Ki-tô.  Như thế, có thiếu gì những Ki-tô hữu mang danh nghĩa là “có Đức Ki-tô” nhưng lại sống như “không có Đức Ki-tô”.  Con cháu ông Nô-ê cũng vậy, tuy tất cả đều được cứu thoát chết, nhưng có kẻ sống thảo kính cha mẹ, có kẻ lại không (St 9:18-29).

          Bí tích Rửa tội làm cho người nhận lãnh có được một “lương tâm trong trắng”.  Đấy mới là bước khởi đầu thôi.  Ơn thánh hóa là hồng ân giúp họ bắt đầu một cuộc sống thánh thiện để làm rõ nét hình ảnh Chúa nơi họ.  Ơn thánh hóa là nền tảng cho họ làm cuộc biến đổi trở nên giống với Đức Ki-tô mỗi ngày một hơn trong đời sống.  Thánh Phê-rô gọi Bí tích Rửa tội là việc “cam kết với Thiên Chúa”.  Vậy cam kết điều gì?  Đó là cam kết “giữ lương tâm trong trắng, nhờ sự phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô”.  Đúng vậy, nhờ Chúa Ki-tô phục sinh, ta cũng được sống lại phần hồn và có được lương tâm trong trắng.  Nói khác đi, bao lâu ta hoàn toàn để cho sự phục sinh của Chúa Ki-tô tác động nơi ta là ta giữ được lương tâm mình trong trắng, hoặc ta phải cố gắng giữ lương tâm ta ở trong tình trạng được phục sinh chứ đừng để nó bị tội lỗi giết chết.  Lương tâm của Ki-tô hữu chính là lương tâm của Chúa Ki-tô, một lương tâm lấy những giá trị Tin Mừng làm tiêu chuẩn.  Giống như nước Hồng thủy, nước Rửa tội không chỉ cứu ta khỏi tội tổ tông, nhưng còn mở ra cho ta một cuộc sống mới, một trật tự mới.  Cuộc sống mới này chính là đề tài rao giảng của Chúa Giê-su khi Người thi hành sứ vụ cứu độ.

3.  “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.  Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (bài Tin Mừng – Mc 1:15)

          Biến cố lụt Hồng thủy mở ra cho nhân loại một chân trời mới.  Cũng thế, việc Chúa Giê-su xuống thế làm người và thi hành sứ vụ cứu độ chính là “thời kỳ đã mãn và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần”.  Đây là bắt đầu thời gian Thiên Chúa thực hiện cuộc tạo dựng mới nhờ Đức Ki-tô và trong Đức Ki-tô.  Trước hết khi Chúa Giê-su rao giảng Tin Mừng, điều đầu tiên Người làm là loan báo cho nhân loại biết điều Thiên Chúa thực hiện.  Thời kỳ nhân loại bị khống chế dưới quyền lực tội lỗi đã chấm dứt.  Biến cố Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người là thời điểm chấm dứt thời kỳ đen tối và tuyệt vọng của nhân loại, đồng thời đánh dấu khởi điểm của một triều đại mới, triều đại của ân sủng Thiên Chúa.

          Vậy tiếp đến, điều quan trọng nhân loại phải làm trong thời kỳ mới này là gì?  Chúa Giê-su trả lời:  “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.  Chúa Giê-su không chỉ loan báo thời cứu độ đến gần.  Thiên Chúa muốn cứu độ ta, nhưng chính ta phải tích cực đón nhận với tất cả thiện chí và cố gắng.  Cứu độ không mang tính thụ động, nghĩa là việc làm của một mình Thiên Chúa, nhưng là hành vi chủ động.  Một đàng Thiên Chúa muốn cứu thoát ta và Người đã bắt đầu hành động qua việc sai Con Một đến với nhân loại.  Đàng khác, về phía nhân loại, ta phải hành động bằng cách lãnh nhận Bí tích Rửa tội để làm con cái Chúa và đón nhận sứ điệp rao giảng của Chúa Giê-su.  Sứ điệp ấy tóm gọn trong hai điều:  sám hối và tin vào Tin Mừng.  Nghĩa là từ bỏ con đường tội lỗi để trở về sống theo những gì Chúa Giê-su dạy bảo ta.  Hoặc nói theo suy tư của thánh Phê-rô, nghĩa là “cam kết với Thiên Chúa sẽ giữ lương tâm trong trắng”, giữ tâm hồn luôn trong tình trạng được phục sinh (1 Pr 3:21).  Được rửa tội là ta được trở thành tạo vật mới.  Do đó ta phải cộng tác với ơn Chúa để làm cho con người của ta được lớn lên và biến đổi mỗi ngày một hoàn hảo hơn.  “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48).

4.  Sống Lời Chúa

          Cuộc đổi mới nào cũng hứa hẹn những điều hay điều tốt.  Người ta hứa hẹn đổi mới thì nhiều, nhưng thực hiện đổi mới thì quá ít.  Thiên Chúa không chỉ hứa hẹn suông, nhưng Người thực hiện sự thay đổi để mang lại cho ta những điều tốt đẹp.  Vì yêu thương ta, Người không muốn ta bị mất đi như những người đã chết trong cơn lụt Hồng thủy, nhưng Người muốn cứu ta như đã cứu gia đình ông Nô-ê.  Người sai chính Con Một đến để cứu thoát ta khỏi cơn lụt do tội lỗi và ban cho ta sự sống mới.  Người còn ban cho ta lương thực là Chúa Ki-tô để nuôi dưỡng sự sống mới nơi ta, giúp ta phát triển và đạt đến mức độ sung mãn trong Chúa Ki-tô và được chung phần gia nghiệp với Chúa Ki-tô.  Sứ điệp mùa Chay được gồm tóm trong lời giảng mở đầu của Chúa Giê-su:  Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.  Nhưng mùa Chay cũng là thời gian để ta đặc biệt suy nghĩ về sứ điệp này và cố gắng thực thi trong cuộc sống hằng ngày.

Suy nghĩ:  Lãnh nhận Bí tích Rửa tội là cam kết với Thiên Chúa sẽ giữ lương tâm trong trắng.  Vậy tôi có thực thi điều cam kết này không?  Mỗi ngày tôi có dành chút thời giờ để suy xét về lương tâm của tôi không?  Việc suy xét này phải được làm thế nào để có hiệu lực thay đổi đời sống của tôi?

Cầu nguyện:  Lạy Thiên Chúa toàn năng, hằng năm Chúa ban cho chúng con bốn mươi ngày chay thánh, để tôi luyện hồn xác chúng con.  Xin giúp chúng con sống những ngày khắc khổ ấy, để học biết Đức Ki-tô và dõi theo gương Người, hầu xứng đáng hưởng ơn Người cứu độ.  Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  A-men.  (Lời nguyện Nhập lễ, Chúa Nhật I mùa Chay).

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B