Chúa Nhật III mùa Chay, B
12-3-2009
Chúa Nhật I mùa Chay mời gọi ta bước vào một cuộc thay đổi
theo lời giảng mở đầu của Chúa Giê-su:
Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.
Phụng vụ Chúa Nhật II giúp ta chiêm ngưỡng ý nghĩa đích thực của cuộc
thay đổi qua biến cố Hiển dung của Chúa Giê-su trên núi cao. Còn Chúa Nhật hôm nay dẫn ta vào chương trình
thay đổi cụ thể trong những mối tương quan của cuộc sống, tức là tương quan giữa
ta với Thiên Chúa, với người khác và với chính mình. Chương trình ấy được gồm tóm trong Mười điều
răn Chúa ban cho ta qua ông Mô-sê, trong cuộc sống của Chúa Giê-su là sự khôn
ngoan của Thiên Chúa xuống thế làm người mà tuyệt đỉnh biểu lộ sự khôn ngoan
chính là lúc Người chịu đóng đinh trên thập giá.
1. Mười điều răn là trật tự cuộc sống Thiên Chúa
muốn ta sống theo (bài đọc Cựu Ước – Xh
20:1-17)
Muôn loài chim trời cá biển và loài vật trên mặt đất sống
theo bản năng bẩm sinh của chúng. Nhưng
con người thì khác, vì ta có linh hồn, lương tâm và ý chí tự do nên hành vi của
ta còn mang tính chất luân lý nữa. Để
giúp ta sống đúng với ý nghĩa cuộc sống khi Thiên Chúa tạo dựng ta “giống hình ảnh
Người”, Người đã ban cho ta những luật lệ làm tiêu chuẩn sống sao cho tốt lành
đạo đức và trở nên thiện hảo. Đó là Mười
điều răn, gồm tóm những quan hệ giữa ta với Chúa, với tha nhân, với mọi tạo vật
và với chính mình.
Có lẽ quá quen thuộc với Mười điều răn, với những lời mở đầu
“chớ, phải, ngươi hãy, ngươi không được”, nên ta cũng ít nghĩ đến nội dung của
chúng muốn nói lên điều gì. Tuy nhiên,
trong bầu khí mùa Chay, Mười điều răn có thể mang ý nghĩa thích hợp với việc
sám hối khi chúng trình bày một trật tự của cuộc sống thường đã bị tội lỗi của
ta làm tổn thương, đảo lộn hoặc phá bỏ.
Những
chương đầu của sách Sáng thế cho ta một bức họa đầy đủ về trật tự trước và sau
khi nguyên tổ phạm tội bất tuân lệnh Chúa.
Khi tạo dựng vũ trụ muôn loài và con người, Thiên Chúa đã sắp đặt mọi sự
trong một trật tự hẳn hoi. Trật tự ấy đặt
con người trong vị trí dưới các thiên thần một chút, nhưng lại ở trên các tạo vật
khác vì họ được ban quyền thống trị (đặt tên) chúng. Nhưng con người lại phải phụng thờ Thiên
Chúa, Đấng dựng nên họ. Con người được
ban quyền “canh tác” mặt đất, tiếp tục giữ cho nó được xinh tươi đẹp đẽ, góp phần
vào cộng cuộc tạo dựng của chính Thiên Chúa.
Trật tự này đã bị tội tổ tông đảo ngược.
Con người bất tuân lệnh Thiên Chúa.
Sự sống đã bị cái chết chiến thắng.
Đau khổ thể xác lẫn tinh thần thay thế cho sung sướng hạnh phúc. Mặt đất đối nghịch với sự canh tác của con
người, trở nên “khô cằn” làm cho con người “phải đổ mồ hôi trán” mới có miếng
ăn. Bất hòa giữa Ca-in và A-ben tượng
trưng cho trật tự huynh đệ bị tổn thương.
Trật tự của
việc Thiên Chúa tạo dựng biểu lộ đức khôn ngoan của Người cũng là đề tài cho
các tác giả Thánh vịnh viết lên bao nhiêu bài ca tụng. Hầu hết các Thánh vịnh đều xoay quanh việc ca
ngợi đức khôn ngoan của Thiên Chúa, kêu gọi ta hãy sống theo trật tự ấy, nghĩa
là sống theo luật pháp Chúa, thánh ý và huấn lệnh của Người (Tv 18).
Sống
trong trật tự bị đảo lộn này, những tương quan của ta đã mất đi do tội lỗi. Thay vì sống để thờ phượng kính mến Chúa và
yêu thương tha nhân, ta lại trở nên thù địch với Chúa và anh chị em. Thay vì lo lắng chăm sóc cho tha nhân, ta lại
“giết” họ bằng miệng lưỡi vu oan giá họa.
Thay vì giúp đỡ anh chị em thiếu thốn, ta lại “trộm cắp” bằng cách coi
thường công bình xã hội, lo tìm tư lợi và làm giầu bằng những bất công gây ra
cho người khác… Cứ như vậy, ta đã làm
cho trật tự cuộc sống của ta không còn như Mười điều răn đã chỉ dạy nữa. Do đó, ta cần được kêu gọi sám hối để nhìn lại
trật tự đã đổ vỡ ấy mà sửa sai và cố gắng sống một cuộc sống mới. Phụng vụ Lời Chúa mùa Chay không chỉ kêu gọi
sám hối một cách vu vơ, nhưng hết sức thực tế, dựa trên những mối tương quan
trong cuộc sống mà ta có thể thay đổi bằng việc xét mình hằng ngày và xưng tội
thường xuyên. Nhắc lại cho ta hôm nay về
Mười điều răn là nhắc nhở ta phải tái lập “trật tự” đã bị trục trặc hoặc mất đi
vì tội lỗi ta phạm, là mời gọi ta hãy trở về sống theo “đức khôn ngoan” của Thiên
Chúa.
2. “Đấng Ki-tô bị đóng đinh” là sức mạnh và sự
khôn ngoan Thiên Chúa sử dụng để tái lập trật tự tạo dựng (bài đọc Tân Ước – 1 Cr 1:22-25)
Thánh Phao-lô luôn luôn có lối suy tư thần học vô cùng độc
đáo. Trong cái nhìn cứu độ mang chiều
kích vũ trụ, hoặc trong toàn bộ kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, thánh Phao-lô đề
cao vai trò tất yếu và tối thượng của Chúa Ki-tô bị đóng đinh. Muốn nói tới cứu độ, ta phải nhìn về tình trạng
hư mất của nhân loại do tội lỗi. Tội lỗi
đã đảo lộn trật tự khôn ngoan của Thiên Chúa và làm yếu đi quyền năng của Người
nơi thụ tạo. Vậy thì muốn cứu độ nhân loại,
Thiên Chúa sẽ sử dụng sự ngôn ngoan và sức mạnh của Người, thể hiện nơi Chúa
Giê-su Ki-tô. Chúa Ki-tô là “sức mạnh và
sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1 Cr 1:24).
Đức Ki-tô bị đóng đinh là tác nhân của việc cứu độ, cho nên rao giảng việc
Thiên Chúa cứu độ nhân loại tức là rao giảng Đức Ki-tô bị đóng đinh. Ở đây thánh Phao-lô ghi lại hai phản ứng trước
việc rao giảng của ngài. Thứ nhất, người
Do-thái cho rằng Thiên Chúa cứu độ ta bằng “những điềm thiêng dấu lạ” chứ không
phải bằng cái chết của Đức Ki-tô. Thứ
hai, người Hy-lạp tin rằng ta được cứu độ hay giải phóng là nhờ “lẽ khôn ngoan”
của triết học chứ không phải do lẽ “điên rồ” của một người bị chết đóng đinh thập
giá. Còn theo quan điểm và hơn cả một
quan điểm nữa, tức là lòng tin của Phao-lô, thì “Cái điên rồ của Thiên Chúa còn
hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh
mẽ của loài người” (1 Cr 1:25). Tại sao
hơn được? Đó là vì cái điên rồ của Thiên
Chúa là cái điên rồ của tình yêu vô điều kiện và cái yếu đuối của Thiên Chúa mềm
lòng trước thảm họa của nhân loại đã khiến Người trao nộp Con Một để cứu độ họ!
Chúa Ki-tô đến với ta để biểu dương tình yêu và sức mạnh của
Thiên Chúa. Người đã rao giảng, làm phép
lạ và cuối cùng đã lấy cái chết để nói lên sức mạnh và tình yêu ấy. Nói tóm lại, Người tự nguyện chịu chết trên
thập giá để tái lập trật tự đã bị tội lỗi chiếm đoạt và khuynh đảo. Người đã chịu đóng đinh, đầu hướng lên trời,
chân đạp đất, để đặt con người lại đúng vào vị trí của họ, tức là phụng thờ
Thiên Chúa và thống trị muôn loài. Thiên
Chúa sử dụng tình yêu và sức mạnh trong cái chết khổ hình của Đức Ki-tô để cứu
độ ta. Đây quả thực là một đề tài giúp
ta cảm tạ Chúa và tin vào sức mạnh quyền năng của Người.
3. Chúa Giê-su tái lập trật tự Đền Thờ và việc
cá nhân Ki-tô hữu phải tái lập trật tự tâm hồn mình (bài Tin Mừng – Ga 2:13-25)
Phụng vụ Lời Chúa lấy lại câu truyện Chúa Giê-su xua đuổi
những kẻ buôn bán trong Đền thờ, đồng thời Người nói về cái chết và phục sinh của Người. Đền thờ nguyên thủy là nơi xứng đáng để Thiên
Chúa cư ngụ giữa loài người. Vua Đa-vít
và Sa-lô-mon cùng với dân Ít-ra-en đã tốn bao năm tháng, công sức và vật lực để
kiến tạo một ngôi nhà cho Chúa ngự.
Nhưng rồi Đền thờ dần dần biến thành nơi đổi tiền hoặc mua bán chiên cừu
dùng cho việc tế lễ. Ý nghĩa đích thực của
Đền thờ đã bị thay đổi. Đền thờ tượng
trưng cho sự phụng thờ Chúa nay tượng trưng cho những thực tại thế tục. Thiên Chúa đã bị thay thế bằng tiền bạc và
lòng tham. Nghĩa là trật tự đã bị đảo
ngược. Chúa Giê-su xuất hiện trong Đền
thờ để làm một cuộc tái lập trật tự.
“Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi
buôn bán” (Ga 2:16).
Không hiểu nếu Chúa Giê-su bước vào đền thờ tâm hồn ta, liệu
Người sẽ nói gì? Người bảo ta phải đem
những thứ gì ra khỏi tâm hồn? Người nhắc
nhở ta về ý nghĩa của tâm hồn là “nhà Thiên Chúa”. Nhưng ta sẽ phản ứng như thế nào đây? Đó chính là việc làm của ta trong mùa Chay
thánh này.
Chúa
Giê-su nói đến sự Phục sinh của Người:
“Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi;
nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại” (Ga 2:19). Quả là một lời thách thức kỳ diệu. Chúa Giê-su khéo léo ám chỉ về việc Phục sinh
của Người, nhưng Người lại ngầm nhắn nhủ ta hãy tin vào quyền năng và sức mạnh
của Thiên Chúa tỏ hiện nơi Người trong chiến thắng tội lỗi. Người đã sống lại thì Người cũng có thể làm
cho tâm hồn đã chết do tội lỗi của ta được sống lại. Ta được sống lại trong nước rửa tội và tiếp tục
được phục sinh qua Bí tích Giải tội. Như
thế, câu truyện Chúa thanh tẩy Đền thờ cần được lập đi lập lại nơi tâm hồn
Ki-tô hữu, để ta luôn luôn xứng đáng cho Chúa được ở lại với ta.
4. Sống Lời Chúa
Tội lỗi tác hại và làm xáo trộn trật tự công việc tạo dựng
của Thiên Chúa. Nhưng qua Chúa Giê-su
Ki-tô, Thiên Chúa đã tái tạo trật tự và đưa công việc tạo dựng con người vào một
tiến trình kỳ diệu. Người đã lấy công
nghiệp cứu độ của Chúa Ki-tô để thay đổi căn tính của ta, cho ta được làm dưỡng
tử và cho ta cuộc sống mới theo Thánh Thần.
Nơi Chúa ki-tô, ta nhận ra được sự khôn ngoan của Thiên Chúa, là sự khôn
ngoan nhập thể sống giữa loài người như một gương mẫu sống động để mời gọi ta
bước theo. Theo Chúa Ki-tô là ta có thể
đưa cuộc sống mình trở về trong trật tự Thiên Chúa đã sắp đặt, nghĩa là sống trọn
vẹn Lề Luật Chúa hoặc những tương quan giữa ta với Thiên Chúa và anh chị em.
Suy nghĩ: Sau khi Chúa Giê-su thanh tẩy Đền thờ và ở lại
Giê-ru-sa-lem, thì “Có nhiều kẻ tin vào danh Người bởi đã chứng kiến các dấu lạ
Người làm. Nhưng chính Đức Giê-su không
tin họ… Quả thật, chính Người biết có gì trong lòng họ” (Ga 2:23.25). Sự kiện này nói cho tôi biết điều gì? Chúa Giê-su biết có gì trong lòng tôi? Người muốn tôi tin vào Người bởi lý do
nào? Đức tin nào mới giúp tôi để cho
tình yêu của Chúa thanh tẩy và thánh hóa tâm hồn?
Cầu nguyện: Lạy Chúa là Đấng rất từ bi nhân hậu, Chúa đã
từng chỉ dạy chúng con cách chữa lành những vết thương tội lỗi: là ăn chay hãm mình, siêng năng cầu nguyện và
chia cơm sẻ áo cho kẻ khó nghèo. Này
chúng con nhận biết mình yếu hèn tội lỗi và hết lòng sám hối ăn năn; xin Chúa thương đoái nhìn chúng con và đưa
tay nâng đỡ. Chúng con cầu xin, nhờ Đức
Ki-tô, Chúa chúng con. A-men. (Lời
nguyện Nhập lể, Chúa Nhật III mùa Chay).
Lm. Đaminh Trần Đình Nhi