Chúa Nhật V mùa Chay, B
29-3-2009
Mỗi lần phái đoàn ngoại giao Tòa Thánh tới Việt Nam để gặp
chính phủ, giáo dân lại mong đợi có sự thay đổi nào đó. Nhiều khi không phải gặp gỡ một lần, nhưng là
nhiều lần, để thảo luận và chuẩn bị cho một hợp đồng hoặc giải quyết một số vấn
đề. Cũng thế, Phụng vụ Lời Chúa các Chúa
Nhật trước đã nói với ta về mục đích mùa Chay là thay đổi tâm hồn, về vai trò cứu
độ của Chúa Ki-tô và về tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa. Những điểm này đều là những yếu tố để Thiên
Chúa đi tới một giao ước với nhân loại, tức là giao ước được ký kết bằng máu vô
giá của Con Một Người là Chúa Giê-su Ki-tô.
Các bài đọc hôm nay nói với ta về giao ước này.
1. Báo trước giao ước mới (bài đọc Cựu Ước – Gr 31:31-34)
Giao ước giữa Thiên Chúa và nhân loại đã được thiết lập nhiều
lần, mà mục đích là để củng cố và phát huy mối quan hệ giữa hai bên. Lần nào cũng thế, hủy bỏ giao ước không phải
là Thiên Chúa, nhưng là nhân loại. Giao
ước giữa Đấng Tạo dựng với ông bà nguyên tổ A-đam và E-và đã bị vi phạm do loài
người. Tiếp đến là giao ước giữa Thiên
Chúa và gia đình ông No-ê, với biểu tượng là cầu vồng, cũng không được loài người
tôn trọng khi họ tiếp tục đi sâu vào con đường tội lỗi. Sau đó là giao ước Thiên Chúa thiết lập với
Áp-ra-ham khi Người đặt ông làm tổ phụ của dân tộc Người tuyển chọn là
Ít-ra-en. Việc tuyển chọn này đã cho dân
Chúa một thời gian dài hơn năm trăm năm để họ được trưởng thành trong niềm tin
kính Chúa. Những thử thách tại Ai-cập và
tại hoang địa coi như đã đủ để giúp Ít-ra-en sẵn sàng đón nhận giao ước
Xi-nai. Qua ông Mô-sê và trên núi
Xi-nai, Thiên Chúa ban cho dân Ít-ra-en Lề Luật của Người. Đó là giao ước trọng đại được ghi khắc vào những
bia đá và được dân Chúa vô cùng kính cẩn như chính sự hiện diện của Thiên Chúa
ngự giữa họ.
Tuy nhiên đó chưa phải là giao ước cuối cùng của Thiên
Chúa. Mặc dù con người bất trung không
tôn trọng và thực thi giao ước, nhưng Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn, không hủy diệt
họ, trái lại còn tìm cách thiết lập một giao ước khác. Mỗi lần đổi mới giao ước, ta lại càng thấy rõ
tấm lòng yêu thương khoan dung của Thiên Chúa, làm như Người muốn dùng giao ước
để ta nhận ra được tình yêu vô điều kiện của Người. Vậy qua ngôn sứ Giê-rê-mi-a, Thiên Chúa cho
nhân loại biết Người không bỏ cuộc, nhưng sẽ lập một giao ước mới. Theo lời vị ngôn sứ, giao ước mới này hoàn
toàn khác biệt với giao ước Xi-nai. Vậy
khác biệt ở những điểm nào?
Trước hết, giao ước mới tuy vẫn chứa đựng cùng một nội dung
là Lề Luật Chúa, nhưng được ghi khắc không phải trên đá hoặc trên đồng, mà là
được “ghi vào lòng dạ” và “khắc vào tâm khảm” (Gr 31:33). Tại sao Thiên Chúa không ghi khắc trên đá mà
lại vào tâm khảm con người? Bởi vì Người
muốn giao ước mới phải là giao ước tình yêu.
Ghi trên đá như Mười điều răn, rồi cuối cùng người ta cũng đi tới tình
trạng câu nệ lề luật, giữ luật vì luật chứ không phải vì động lực yêu mến
Chúa! Nói khác đi, người ta chỉ giữ luật
cách bề ngoài, như Chúa Giê-su đã tố cáo họ:
“Những kẻ đạo đức giả kia, ngôn sứ I-sai-a thật đã nói tiên tri rất đúng
về các ông rằng: Dân này tôn kính Ta bằng
môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” (Mt 15:7-8). Có tuân giữ Lề Luật do động lực yêu mến thì
người ta mới có thể sống quan hệ thực sự với Thiên Chúa. Đó chính là mục đích giao ước mới nhắm tới, tức
là điều Thiên Chúa muốn rằng: “Ta sẽ là
Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta” (Gr 31:33). Nếu đã thực sự sống mối quan hệ với Chúa thì
ta đâu cần phải “học cho biết Đức Chúa”, nhưng hơn thế nữa, ta đã “biết” Người,
tức là đang sống trong tình yêu mến Người rồi.
Một hệ luận vô cùng quan trọng của giao ước tình yêu là sự tha thứ và
sám hối. Nếu ta càng yêu mến Chúa, thì
ta càng thật lòng sám hối và được Thiên Chúa tha thứ nhiều hơn. Còn đối với Chúa, Người đầy tràn tình yêu nên
“sẽ tha thứ cho ta và không còn nhớ đến lỗi lầm của ta nữa” (Gr 31:34).
2. Bản giao ước mới là chính Chúa Giê-su Ki-tô,
Đấng Trung gian giữa Thiên Chúa và loài người (bài đọc Tân Ước – Dt 5:7-9)
Bất cứ giao ước nào cũng có một dấu hiệu, có thể là một hiện
vật, có thể là một tờ giấy với chữ ký của hai bên. Đối với giao ước mới Thiên Chúa sẽ lập với
nhân loại, dấu hiệu của giao ước là chính Đức Ki-tô, Con Một Người. Bản thân là Thiên Chúa, Đức Ki-tô đã “sống kiếp
phàm nhân” để trở nên dấu hiệu cho hợp đồng của hai bên. Về phía Thiên Chúa, Người sai Đức Ki-tô đến
trần gian để “sống kiếp phàm nhân, vâng phục tới mức thập toàn và trở nên nguồn
ơn cứu độ vĩnh cửu”. Về phía loài người,
muốn được cứu độ, họ phải “tùng phục” Đức Ki-tô bằng cách sống giống như Ngài
trong chức phận làm con cái Thiên Chúa để được cứu độ. Nói tóm lại, giao ước mới nhắm mục đích cứu độ
loài người. Để thực hiện mục đích này, cả
hai phía Thiên Chúa và loài người đều thi hành một số điều kiện mà kết quả là
ích lợi cho loài người chứ không phải cho Thiên Chúa.
Điểm cốt lõi của giao ước mới là tình yêu cứu độ của Thiên
Chúa và sự vâng phục của loài người.
Chúa Ki-tô vừa là dấu hiệu tình yêu của Thiên Chúa vừa là gương mẫu vâng
phục cho loài người. Điều này đưa ta trở
về biến cố nguyên tổ loài người sa ngã trong vườn địa đàng. Vì không vâng phục nên loài người đã đánh mất
đi quan hệ yêu thương vĩnh cửu với Thiên Chúa.
Do đó nhờ sự vâng phục, Chúa Ki-tô phục hồi những gì đã mất đi do tội tổ
tông và trở nên “nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu” cho những ai noi gương Ngài mà sống
tùng phục Thiên Chúa.
Là giao ước giữa Thiên Chúa và nhân loại, Chúa Ki-tô mời gọi
ta tham dự trọn vẹn vào giao ước ấy bằng cách kết hiệp với Người. Ta hãy sử dụng cuộc đời dương thế đầy đau khổ
này như môi trường thuận lợi để được cứu độ, đó là cách ta kết hiệp với Chúa
Ki-tô. Thánh Phao-lô nêu gương sáng cho
ta về điểm này. Ngài viết cho môn đệ
Ti-mô-thê: “Bởi vậy, tôi cam chịu mọi sự,
để mưu ích cho những người Thiên Chúa đã chọn, để họ cũng đạt tới ơn cứu độ
trong Đức Ki-tô Giê-su, và được hưởng vinh quang muôn đời”. Rồi ngài đưa ra một định đề: “Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống
với Người. Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta
sẽ cùng hiển trị với Người” (2 Tm 2:10-12).
3. Giờ phút ký kết giao ước mới: đó là lúc Chúa
Giê-su chết trên thập giá (bài Tin Mừng –
Ga 12:20-33)
Thiên Chúa đã chuẩn bị đầy đủ cho giây phút trọng đại thiết
lập giao ước mới với nhân loại. Con Một
Người xuống thế làm người, thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng và lên
Giê-ru-sa-lem đón nhận cuộc Thương khó để hoàn tất giao ước mới của Thiên
Chúa. Người nói với môn đệ An-rê và
Phi-líp-phê: “Đã đến giờ Con Người được
tôn vinh!” (Ga 12:23). Người muốn nói về
giờ phút Người phải chết khổ hình thập giá.
Tin Mừng Gio-an luôn luôn coi giờ chết trên thập giá của Chúa Giê-su là
cuộc tôn vinh, vì Người đã hoàn tất trọn vẹn những gì Thiên Chúa Cha muốn Người
thi hành.
Chúa
Giê-su hằng chờ đợi giây phút trọng đại này.
Người xác tín về hiệu quả khôn lường của cái chết ô nhục ấy, diễn tả nó
bằng một hình ảnh đơn sơ nhưng vô cùng ý nghĩa.
Đó là hình ảnh hạt lúa. Cái chết
của hạt lúa trong lòng đất không vô nghĩa và vô hiệu, trái lại, cái chết ấy cần
thiết phải xảy ra thì mới đem lại sự sống mới cho các bông hạt nó sinh ra. Sự sống thể xác của Chúa Giê-su cũng giống
thân phận hạt lúa, nghĩa là cần phải chết đi, nằm trong lòng đất, ngày thứ ba sống
lại với sự sống phục sinh và trở nên nguồn sống cho một nhân loại mới.
Khi ký kết
một hợp đồng mua nhà, ta cảm thấy lo lắng vì trách nhiệm lớn đang chờ ta. Là con người như ta, Chúa Giê-su cũng không
tránh khỏi tâm trạng xao xuyến khi sắp tới giờ Người hoàn tất giao ước mới. Mặc dù đã chuẩn bị suốt cuộc đời, nhưng Chúa
Giê-su vẫn không thể thoát khỏi cảm xúc xao xuyến của một con người bình thường. Do đó, Người hướng về Chúa Cha và dâng lời cầu
nguyện, xin Chúa Cha giúp Người vững lòng và trung thành với sứ mệnh làm cho
Danh Cha được tôn vinh. Lời cầu nguyện của
Chúa Giê-su đã được nhậm lời. Chúa Cha
chuẩn nhận việc Chúa Giê-su tôn vinh Người và Người khẳng định luôn tiếp tục
nâng đỡ Chúa Giê-su hoàn tất sứ mệnh, để đem ơn cứu độ xuống cho toàn thể nhân
loại. Nói khác đi, Chúa Cha nhìn nhận
Chúa Giê-su đang hoàn tất những gì Người trao phó. Lời khích lệ và xác nhận của Chúa Cha đã làm
cho Chúa Giê-su phấn khởi. “Phần tôi, một
khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga
12:33). Cực hình đóng đinh vào thập giá
giờ đây đối với Chúa Giê-su là một sự tôn vinh, một hành vi “được giương cao
lên khỏi mặt đất”, và Người còn có thể đem toàn thể nhân loại lên theo Người mà
đến với Chúa Cha. Đó chính là sứ mệnh cứu
độ Người sắp hoàn tất bằng máu đổ ra trên thập giá để chuộc tội nhân loại.
4. Sống Lời Chúa
Chỉ còn một tuần lễ nữa là bước vào Tuần Thánh tôn kính cuộc
Thương khó và Phục Sinh của Chúa Ki-tô.
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay đề cập tới Giao ước mới Thiên Chúa thiết lập với
nhân loại bằng máu cứu độ Chúa Ki-tô sẽ đổ ra trên thập giá. Qua giao ước này ta nhận biết tình yêu cứu độ
của Thiên Chúa Cha, đồng thời cũng thấy được vai trò vô cùng quan trọng của
Chúa Giê-su, Đấng chấp nhận chết trên thập giá để làm dấu ấn của Giao ước mới. Chúa Giê-su “được giương cao lên khỏi mặt đất”
để kéo nhân loại theo Người lên với Chúa Cha.
Tuy nhiên, ta có để cho Người kéo ta lên hay không là tùy ý ta. Vậy để được kéo lên, ta cần phải luôn kết hiệp
với Người, chết đi con người tội lỗi của ta và sống sự sống mới ơn cứu độ của
Người mang lại cho ta.
Suy nghĩ: “Chúa Giê-su đã phải trải qua nhiều đau khổ mới
học được thế nào là vâng phục”. Vậy Chúa
Giê-su đã nêu gương vâng phục Chúa Cha như thế nào? Tôi học được gì nơi gương mẫu của Người? Người học vâng phục để “bản thân đã tới mức
thập toàn”. Còn tôi, tôi có lấy vâng phục
ý Chúa, vâng phục Hội Thánh để trở nên hoàn thiện mỗi ngày một hơn hay không?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, vì yêu thương nhân loại, Đức Giê-su
Ki-tô đã hiến thân chịu khổ hình; xin
ban ơn trợ giúp, để chúng con biết noi gương Người tận tình yêu thương mọi anh
chị em. Người là Thiên Chúa hằng sống và
hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. A-men.
(Lời nguyện Nhập lễ, Chúa Nhật V
mùa Chay).
Lm. Đaminh Trần Đình
Nhi