HIẾN
ĐỜI SỐNG TRONG TÌNH YÊU
(CN V
MCB – Ga 12, 20-33 )
“Bây giờ, tâm hồn
Thầy xao xuyến! Thầy biết nói sao đây?” (Ga 12, 27)
Hai câu nói vừa mang
dấu chấm than (!), vừa chấm hỏi (?) của Chúa Giêsu cô đọng lại biết bao nhiêu
những trăn trở, những dắn vặt trong tâm hồn cao quí của Người. Với quyền năng “Ta
đã tôn vinh Danh Ta” bằng những phép lạ cả thể để cứu chữa biết bao kẻ tật
bệnh khổ đau, để vượt qua nhiều khốn khó trong cuộc đời của chính mình, Chúa
Giêsu vẫn có thể vượt qua được “Giờ” của Người, như xưa kia Người đã
được cha mẹ đưa sang đất Ai Cập để vuợt thoát cái chết do Hêrôđê đe dọa hãm
hại, hoặc giả như Ngừơi cùng với các môn đệ băng qua vùng đất của dân ngoại để
bảo tòan sinh mạng của mình. Hơn nữa, với cái chết trên thập giá là một lối
hành hình man rợ nhất mà người ta lúc đó đã không được phép áp dụng cho dân
Rôma, vì họ coi hình phạt đó bôi nhọ danh dự dân tộc này. Vả lại, thập giá
trong thế giới thời đó là một biểu tượng của của nhuốc nhơ, của nhục nhã ê chề
bị ngừơi đời chế giễu, và cũng hòan toàn dễ sợ vì tính chất tàn ác khủng khiếp
của nó.
Là Con Người “sống
như người trần thế”, Chúa Giêsu ắt phải lo sợ, xuyến xao. Và Người đã xin
thưa: “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này”. Nhưng rồi Người đã lướt thắng
được những cơn đau xé, khi xác tín và cầu nguyện rằng: “Chính vì giờ này mà
con đã đến. Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha” (Ga 12, 27). Quả thật, khi phải
đối diện với cái chết hãi hùng và thê thảm, Chúa Giêsu cũng muốn sống theo ý
riêng của mình vì phù hợp với khả năng phản ứng chính đáng của con người. Nhưng
dù thế nào đi nữa, Người vẫn cương quyết từ bỏ để vâng phục Thánh Ý Cha trọn
vẹn, để rồi, từ đó Người mới để lại cho các môn đệ châm ngôn sống là: “Ai
yêu quí mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này,
thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời sau” (Ga 12, 25).
Sau “chuyến về nguồn”
vào đầu tháng 10/2008, tận mắt chứng kiến Nhà Mồ Côi Vinh Sơn 4, nơi 150 trẻ em
dân tộc côi cút tây nguyên trên Kontum xa xôi hẻo lánh đang quây quần sống
trong sự đùm bọc yêu thương dẫn dắt của các Sơ (Ya’) Dòng Ảnh Vảy người dân
tộc, qua sự quan tâm sẻ chia của các vị ân nhân, tôi đã ghi lại cảm nhận của
mình về chuyến đi đó. Chỉ tuần sau khi gửi bài viết đến các bạn hữu từ xa, tôi
nhận được một vài khỏan tiền nhờ chuyển giúp cho các cháu đáng thương nơi xa
khuất kia. Khi chuyển đến được với các cháu, tôi đã cảm nhận được những gì mà
các anh các chị ở Canada va ở Mỹ đã trải qua, bởi khi phải bớt đi những khỏan
tiền để lo cho mình sống qua ngày đoạn tháng cũng là một cuộc vật lộn không phải
đơn giản. Nhưng rồi tôi tin rằng các anh các chị đó đã phần nào lắng nghe được
châm ngôn sống mà Đấng chăm sóc linh hồn các anh các chị đã truyền dậy: “Ai
yêu quí mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này,
thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời sau” (Ga 12, 25).
Hơn thế nữa, các anh
các chị đó đã từng chiêm ngắm Thập Giá để rồi, qua đời sống thinh lặng cầu
nguyện, các anh các chị đã hiểu và cảm thông sâu sắc được nhịp đập của trái tim
yêu thương của Đấng Phục Sinh, “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa
đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi, vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên
công chính trong Người” (2Cr 5, 21), đã tha thiết tỏ tình: “Phần tôi,
một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi”
(Ga 12, 32).
Thật vậy, thập giá
không có gì hấp dẫn, thậm chí còn là một nỗi ô nhục. Thập giá sở dĩ trở thành
cứu độ, vì thập giá là của Đấng đã chấm dứt đau khổ và sự chết. Nếu không có
biến cố Phục Sinh, thì thập giá là một nỗi ô nhục. Thập giá đáng được trân
trọng yêu quí, vì thập giá là của Đấng Phục Sinh, Đấng đã nói: “Ai khát, hãy
đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống! Như Kinh Thánh đã nói: Từ lòng
Người, sẽ tuôn chảy những dòng nươc hằng sống” (Ga 7, 38).
Mới đây, ngày
21/03/2009, tại vận động trường Coqueiros, ĐTC Biển Đức XVI đã mời gọi các bạn
trẻ như sau:
“Các bạn thân mến của
cha,
Các bạn là hạt giống
Thiên Chúa đã gieo vào thế gian, hạt giống chứa đựng quyền năng từ Trời cao,
quyền năng của Chúa Thánh Thần. Và tuy thế, cách duy nhất để đi từ lời hứa của
sự sống đến việc thật sự sinh hoa trái là hiến đời sống các bạn trong tình yêu,
là chết cho tình yêu. Chính Chúa Giêsu đã nói: “Trừ khi một hạt lúa gieo vào
lòng đất và chết đi, thì nó vẫn trơ trơ là một hạt lúa; nhưng nếu nó chết đi,
thì nó sẽ sinh được nhiều hoa trái. Ai yêu mạng sống mình, thì sẽ
mất nó; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho đời
sống vĩnh cửu” (Ga 12:24-25). Đó là điều Chúa Giêsu đã nói, và cũng là điều
Người đã làm. Việc Người chịu đóng đanh dường như là một thất bại hoàn toàn,
nhưng không phải! Chúa Giêsu, trong quyền năng của “Thần Khí hằng hữu đã tự
hiến tế cách vẹn toàn lên Thiên Chúa” (Dt 9:14). Như vậy, một khi rơi xuống
đất, Người có thể sinh hoa trái trong mọi thời đại và ở mọi nơi. Ở giữa các
bạn, các bạn có Bánh Mới, Bánh của đời sống tương lai, Thánh Thể cực Thánh, là
Bánh nuôi dưỡng chúng ta và đổ sự sống của Chúa Ba Ngôi vào tâm hồn mọi người.”
Như thế, chúng ta
không nên lầm lẫn Thập Giá Đức Kitô với các biểu tượng tôn giáo. Không phải tất
cả những ai mang thập giá đều lôi cuốn người đời: sự lôi cuốn chính là tác động
của Đức Giêsu, vượt ra khỏi biên giới của Giáo Hội và tôn giáo. Sự hấp dẫn này
không thể thống kê được. Không ai có thể nói đến sự liên hệ giữa con người và
Đấng đã được nâng lên khỏi mặt đất. Giáo Hội cũng chỉ nói về Đức Giêsu, chứ
không biết gì về những đổi trao giữa Đức Giêsu và mọi người.
Lạy Cha Chí Thánh,
Con xin cảm tạ Cha đã
cho chúng con nguồn nước trường sinh từ Thập Giá Chúa Kitô. Và xin Cha ban
Thánh Thần để chúng con cũng biết hiến cuộc dời của chúng con trong tình yêu
như Đức Kitô, vì “Người đã trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những
ai tùng phục Người” (Dt 5, 9). Amen.
Phêrô Vũ văn Quí CVK64
Email: peterquivu@gmail.com