Chúa Nhật II Phục Sinh B

Bình An Cho Các Con

 

 

Gioan 20:19-23: 19 Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em! "20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa.21 Người lại nói với các ông: "Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em."22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ."

 

Bối cảnh của đoạn 20:19-23 là buổi chiều cùng ngày Phêrô và Gioan chạy ra mồ Chúa (20:1-10). Chúa hiện ra cho các môn đệ sau khi Maria tin cho họ biết là cô đã thấy Người. Có thể phân đoạn nầy thành hai dựa trên lời Chúa nói: “Bình an cho các con” (20:19.21). Một hành động được kèm theo sau mỗi lời nầy: Chúa cho các ông xem tay và cạnh sườn (20:20a), Người sai các ông đi và ban Thánh Thần (20:21b-22). Theo sau hành động của Chúa là thái độ của các môn đệ: vui mừng vì thấy Chúa (20:20b) và lãnh nhận quyền tháo gỡ tội lỗi (20:23).

 

Chúa Giêsu ban bình an lần thứ nhất để chứng tỏ Người đã sống lại. Vì sợ người do thái mà các môn đệ đã mất bình an. Dấu hiệu bên ngoài của điều nầy là họ đóng chặt mọi cánh cửa. Họ lo sợ người do thái vì người do thái đóng vai trò chủ chốt trong việc bắt và đóng đinh Người (18:12). Nhiều người khác cũng đã phải sợ quyền lực nầy, nhất là trong những chuyện liên quan đến Người (7:13; 9:22; 19:38). Hơn nữa, trước những sự kiện Phêrô và Maria Mađalêna đã thuật lại, họ càng xao xuyến thêm. Phải tin vào ai? Chúa Giêsu đã báo cho họ trước là đừng để tâm hồn xao động, cả khi bị bắt bớ vì Người đã ban cho họ sự bình an của Người (14:27; 16:33). Lần nầy rất ý nghĩa, việc ban bình an của Người kèm theo việc cho các môn đệ thấy vết thương ở tay và cạnh sườn. Đó là những dấu vết của cuộc thương khó mà Người đã chịu bởi tay người do thái (19:34). Nhưng Người đã sống lại. Người đã chiến thắng sự chết mà được xem như là biện pháp cuối cùng và hiệu quả nhất người do thái đã nghĩ đến để tiêu diệt Người. Do đó, không còn lý do gì để phải sợ hãi nữa những người ấy chỉ giết được thân xác. Ngược lại, họ vui mừng vì đã thấy và gặp lại Người. Nỗi vui mừng ấy từ nay không ai lấy mất được (16:22; 20:20).

 

Chúa Giêsu ban bình an lần thứ hai để sai các môn đệ đi và mở ra giai đoạn mới. Để thực hiện, Chúa Giêsu đã làm cho các môn đệ những điều mà Chúa Cha đã làm cho Người: ban sứ mạng và Thánh Thần. Người sai họ đi như Chúa Cha đã sai Người vào trần gian (17:18). Họ lãnh nhận cùng một sứ mạng như Người đã lãnh nhận. Người ban cho họ Thánh Thần mà Người đã lãnh nhận trong ngày khởi đầu sứ vụ (1:33). Bây giờ Người đã được tôn vinh, nên Người có thể ban Thánh Thần ấy lại cho các môn đệ của Người (x. 7:39). Hơn nữa, trong lời ban bình an (cc. 19.21) Người bảo đảm cho họ cả  sự hiện diện luôn mãi của Người.

 

Với quyền tháo gỡ tội lỗi được ban cho các môn đệ (c. 23), Chúa Giêsu muốn họ chuẩn bị tâm hồn con người để đón nhận tin mừng về sự phục sinh của Người; việc mà Người đã làm khi khởi đầu việc rao giảng (x. Mk 1:14-15). Tuy nhiên, lúc nầy vì Người đã hoàn tất công trình cứu chuộc và đã biểu lộ cách rõ ràng Người là Con Thiên Chúa đã sống lại trong vinh quang phục sinh, nên lời mời gọi tin vào tin mừng (x. Mk 1:15) sẽ đồng nghĩa với một chọn lựa: tin vào Chúa Kitô sống lại thì được cứu độ, không tin vào Người thì bị kết án (x. 3:18). Đó là lý do tại sao Người ban cho các môn đệ quyền tháo gỡ tội lỗi dựa trên phán đoán ai tin hay không tin vào Chúa Giêsu sống lại.

 

Chúa Giêsu sống lại ban sự bình an không sợ hãi sự chết cho những ai tin vào Người. Sự bình an ấy ban cho họ sức mạnh để loan báo tin mừng Người đã phục sinh.

 

Lm. Đặng Quang Tiến