Chúa Nhật IV Phục Sinh

Năm B (2009)

 

          Chúa Nhật thứ tư Phục Sinh, Giáo Hội tôn vinh Chúa Giê-su là Mục Tử nhân lành.  Phung vụ Lời Chúa của mỗi chu kỳ phụng vụ đều cố gắng trình bày những đặc tính của vị Mục Tử dưới những khía cạnh khác nhau, để đề tài luôn luôn phong phú và gợi nguồn suy niệm cho các tín hữu.  Chúa Nhật năm B muốn khai triển mối liên hệ giữa danh hiệu Mục Tử của Chúa Giê-su với danh hiệu Ki-tô hữu của mọi thành phần dân Chúa, suy ra việc cứu độ là công trình của vị Mục Tử nhân lành và đáp lại lời gọi cứu độ là bổn phận của các con chiên muốn bước theo Chúa Chiên.

1.  Nhân loại phải nhờ vào danh Chúa Giê-su, Mục Tử nhân lành, để được cứu độ (bài đọc Tân Ước – Cv 4:8-12)

          Cái tên luôn luôn quan trọng đối với một người, nhất là những nhân vật trong Kinh Thánh.  Giê-su có nghĩa là Thiên Chúa cứu độ.  Ki-tô nghĩa là Đấng được xức dầu, là người lãnh nhận và thi hành một sứ mệnh đặc biệt Thiên Chúa trao ban;  sứ mệnh của Chúa Giê-su là rao giảng Tin Mừng và cứu độ trần gian.  Các Tông đồ khi rao giảng về Chúa Giê-su, các ngài thường nói về Danh của Chúa, tức là Danh nói lên con người, giáo lý và sứ mệnh đặc biệt của Chúa.  Câu truyện sách Công vụ Tông Đồ hôm nay kể lại việc ông Phê-rô rao giảng về Chúa Giê-su sau khi đã “nhân danh Đức Giê-su Ki-tô” mà chữa lành cho một người què đi được.  Ông Phê-rô đã bị bắt và đưa ra trước Thượng Hội Đồng để các nhà lãnh đạo Do-thái thẩm vấn.  Tại đây, ông Phê-rô đã khẳng định “chính nhờ danh Đức Giê-su Ki-tô” mà người tàn tật được chữa lành, rồi từ điểm căn bản ấy ông nói về con người và sứ mệnh của Chúa Giê-su.

          Con người Đức Ki-tô không xa lạ gì đối với dân chúng Ít-ra-en, nhất là đối với các thủ lãnh là những kẻ “đã đóng đinh Người vào thập giá”.  Họ cũng thừa biết Người đã được Thiên Chúa cho sống lại từ cõi chết, nhưng vẫn ngoan cố chối bỏ điều này (xem Mt 28:11-15).  Họ giết Người vì không chịu nhìn nhận sứ mệnh cứu độ của Người.  Do đó, ông Phê-rô muốn nhân dịp này nhắc lại cho họ và cho toàn dân biết sứ mệnh ấy của Đức Ki-tô.

          Sau thời gian rao giảng Tin Mừng và chữa lành, sứ mệnh cứu độ của Đức Ki-tô sắp sửa kết thúc ở trần gian này.  Cuộc Thương khó và Phục Sinh của Người đã đền bù tội lỗi nhân loại và đem lại cho nhân loại đời sống mới trong Thánh Thần.  Nếu so sánh công việc cứu độ của Thiên Chúa như việc xây một ngôi Đền thờ Mới thì đá tảng góc tường là chính Đức Ki-tô.  Thánh Phê-rô dùng hình ảnh đá tảng góc tường để nói lên vai trò độc nhất của Đức Ki-tô.  Ngài quả quyết trước Thượng Hội Đồng rằng:  “Ngoài Người [Chúa Giê-su] ra, không ai đem lại ơn cứu độ;  vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4:12).  Thực vậy, tất cả nhân loại phải là một đàn chiên cần được cứu độ dưới sự chăn dắt của Mục Tử nhân lành.  Vị Mục Tử này mang danh là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa.  Người đã hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên để mỗi con chiên được chia sẻ cái danh Con Thiên Chúa của Người.  Trước khi nguyên tổ A-dong và E-và phạm tội bất phục tùng, loài người được mang danh là con Thiên Chúa.  Nhưng sau đó tội nguyên tổ đã làm cho loài người mất danh nghĩa cao quý đó.  Vậy giờ đây, vị Mục Tử nhân lành phục hồi cho họ danh nghĩa ấy, cho họ trở lại sống trong mối quan hệ giữa Chúa chiên và con chiên, để Người dẫn họ về đồng cỏ xanh vĩnh cửu.

          Để khai triển thêm về mối quan hệ nói trên, suy niệm của thánh Gio-an sẽ giúp ta biết phải sống sao cho đúng chức phận làm con Thiên Chúa của ta.

2.  Ta phải sống danh nghĩa con Thiên Chúa như thế nào? (bài đọc Tân Ước – 1 Ga 3:1-2)

          Trước hết thánh Gio-an mời ta hãy truy nguyên danh nghĩa con Thiên Chúa của ta.  Dĩ nhiên không phải vì ta thánh thiện để xứng đáng được làm con Thiên Chúa.  Ta cũng chẳng có công trạng gì để được quyền làm con Thiên Chúa.  Nhưng chức phận ấy là hồng ân Chúa ban cho ta, là kết quả của tình yêu Thiên Chúa.  Thánh Gio-an viết:  “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào:  Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa” (1 Ga 3:1).

          Tiếp đến, thánh Gio-an giúp ta phân biệt thế nào mới đích thực là con Thiên Chúa.  Cứ nhìn vào cách thế gian đối xử với ta là có thể biết ngay ta là con Thiên Chúa hay không.  Nếu thế gian không nhìn nhận ta, tức là ta không thuộc về nó, thì đúng ta là con Thiên Chúa.  Còn nếu nó nhận ta là con cái của nó vì ta sống theo lối sống của nó, thì ta đâu thể là con Thiên Chúa được.

          Nhận ra chức phận làm con Thiên Chúa không có nghĩa là ta sẽ đương nhiên được thừa hưởng phần gia nghiệp Chúa ban.  Đây mới là khởi đầu cho hành trình sống làm con Thiên Chúa.  “Hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa”.  Cuộc sống trên trần gian của ta là sống danh nghĩa con Thiên Chúa.  Thế còn tương lai thì sao?    Thánh Gio-an trả lời:  “Chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ” (1 Ga 3:2).  Tương lai của ta còn tùy thuộc cách ta sống chức phận con Thiên Chúa ở đời này.  Chúa Ki-tô là gương mẫu sống làm Con Thiên Chúa và ta phải sống theo gương mẫu ấy, để “khi Đức Ki-tô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người” (1 Ga 3:2).  Về điểm này, ta thấy tư tưởng của hai nhà thần học Tân Ước, thánh Gio-an và thánh Phao-lô, đều như nhau.  “Nên giống như Chúa Ki-tô” hay “nên đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô” (Pl 3:10) thì cũng là một tư tưởng mà thôi.  Nói tóm lại, nếu ta muốn sống đúng chức phận con Thiên Chúa, ta phải để cho mình được Ki-tô hóa, được biến đổi dần dần tới mức độ ta sống nhưng không phải là ta, mà là Đức Ki-tô sống trong ta.  Có biến đổi như thế, khi Mục Tử nhân lành trở lại để phán xét muôn loài, Người mới nhận biết ta thuộc đàn chiên của Người.

3.  Mục Tử nhân lành dạy đàn chiên biết sống chức phận con Thiên Chúa (bài Tin Mừng – Ga 10:11-18)

          Bài Tin Mừng có nhiều điều về Mục Tử nhân lành.  Tuy nhiên ta muốn đặc biệt lưu ý đến quan hệ mật thiết giữa  Mục Tử nhân lành với các con chiên của Người, vì từ điểm này ta sẽ học đươc phải làm gì để sống chức phận con Thiên Chúa.  Trước hết, Chúa Giê-su tuyên bố:  “Tôi chính là Mục Tử nhân lành”.  Tiếp đến Người trình bày sứ mệnh của Mục Tử nhân lành là:  “Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha”.  Sau cùng, để chu toàn được sứ mệnh này, Chúa Giê-su khẳng định:  “Và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên”.

          Quả thực là một sứ mệnh lớn lao, nhưng lại được gói gém trong một từ “biết”.  Cái biết này không hời hợt nằm trong não bộ, nhưng là cái biết nằm thật sâu trong trái tim.  Chúa Giê-su có sứ mệnh phải đưa nhân loại vào một thực tại mà Người đang sống, đó là đưa ta vào trong tình yêu giữa Người với Chúa Cha.  Có ba chủ thể:  Chúa Cha, Mục Tử nhân lành, và chiên.  Chủ thể Mục Tử nhân lành là cầu nối để Chúa Cha và chiên “biết” nhau.  Tuy nhiên muốn thực hiện sứ mệnh cầu nối này, Mục Tử nhân lành đã phải hy sinh mạng sống.

          Mục Tử nhân lành dạy đàn chiên thật nhiều về thế nào là “biết”.  “Biết” Thiên Chúa là giới răn trọng nhất, nhưng “biết” anh chị em cũng cao trọng giống hệt như “biết” Thiên Chúa vậy.  Tuy nhiên bài học cụ thể nhất mà Mục Tử nhân lành dạy đàn chiên là không có cái “biết” nào sâu xa hơn cái “biết” của người sẵn sàng thí mạng sống mình vì bạn hữu.  Người nói là làm!  Người đã chết trên thập giá vì “biết” chúng ta và để làm trung gian giúp chúng ta “biết” Cha của Người.  Thế là ta hiểu được tại sao Mục Tử nhân lành tuyên bố:  “Tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên”.  Là để thực hiện một “cuộc tình tay ba” (Thiên Chúa – Đức Ki-tô – nhân loại), “để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17:21).

          Ta cũng đừng quên nguyện vọng của Mục Tử nhân lành:  “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này.  Tôi cũng phải đưa chúng về.  Chúng sẽ nghe tiếng tôi.  Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (Ga 10:16).  Ta tự hỏi:  Tôi có thể làm gì để giúp “những chiên khác” nghe được tiếng của Mục Tử nhân lành?  Nếu ta có thực sự “biết” Người, nhận ra tiếng của Người thì ta mới có thể giúp người khác được.  Quan trọng là chính ta phải có kinh nghiệm sống trong tình yêu với Người, ta mới có thể chia sẻ kinh nghiệm ấy cho anh chị em chung quanh.  Ta có thực hành sống chức phận con Thiên Chúa thì ta mới có thể giúp người khác sống làm con Thiên Chúa.  Ta trở thành những khí cụ Mục Tử nhân lành dùng để thực hiện công cuộc quy tụ mọi người về một đoàn chiên của Cha trên trời.

4.  Sống Lời Chúa

          Chủ đề Mục Tử nhân lành hôm nay trình bày dung mạo của Đức Ki-tô, Đấng đã sống danh phận Con Thiên Chúa để làm cho ta cũng được cùng với Người gọi Thiên Chúa là Abba, Cha ơi!  Với danh phận con Thiên Chúa, ta được mời gọi mỗi ngày một sống thân thiết hơn với Chúa Ki-tô, và qua Chúa Ki-tô ta đến với Thiên Chúa.  Chính mối quan hệ yêu thương ấy sẽ biến đổi con người của ta dần dần, để trong tương lai khi Mục Tử nhân lành tái lâm và xét xử trần gian, ta sẽ được Người gọi tên và đưa ta vào đồng cỏ vĩnh cửu.

Suy nghĩ:  Thánh Gio-an cho ta biết hiện tại và con đường dẫn đến tương lai tốt đẹp:  “Hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa;  nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ”.  Vậy tôi phải nói gì về cái “hiện giờ” của tôi?  Tôi có thực là con Thiên Chúa hay không?  Làm sao để tôi đạt được tương lai tốt đẹp là được làm con Thiên Chúa cho đến muôn đời?

Cầu nguyện:  Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Đức Ki-tô, vị Mục Tử oai hùng của chúng con, đã khải hoàn tiến vào thiên quốc;  xin cho chúng con là đoàn chiên hèn mọn cũng được theo gót Người vào chung hưởng hạnh phúc vô biên.  Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  A-men.  (Lời nguyện Nhập lễ, Chúa Nhật IV Phục Sinh).

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B