BIẾT LÀ YÊU ĐẾN CÙNG

( CN4PS, Ga 10, 11-18)

 

          Trong ký ức ẩn sâu của mình, tôi vẫn luôn nhớ đến một kỷ niệm nhỏ bé nhưng thật đẹp. Dấu ấn đầy ngọt ngào đó đã kiện toàn phần nào cách sống của tôi. Hình ảnh biết nói đó vẫn theo tôi suốt cuộc đời.

 

          Khi mười sáu tuổi, tôi được phân công giúp lễ cho Đức Cha cố Phaolô Seitz, nguyên Giám Mục Giáo Phận Kontum. Vào một buổi sáng nọ, như mọi ngày, tôi đến nhà nguyện riêng của Ngài. Nhưng hôm đó, Ngài dặn tôi cần phải di chuyển “đồ lễ”  ra hội trường gần đó để cùng đồng tế với các linh mục từ xa về.

          Với chiếc áo dài trắng mặc bên ngoài, tôi đã vô ý vấp té. Đĩa thánh bằng chất liệu bạc đã tuột xuống, rơi trên mặt đường rải sỏi trắng. Khi nhặt lên, đĩa bạc thánh đã móp méo ngoài cạnh, làm tôi run sợ.

Sự sợ hãi ùa vào tâm trí, bởi trước đó 4 năm, cũng với công việc giúp lễ cho cha sở tại làng quê, tôi đã nhận được một cú bạt tai tóe lửa chỉ vì sơ ý làm đổ một ít rượu lễ. Thế cho nên, khi gặp tai nạn nghề nghiệp, tôi chợt nảy ra ý định liền thoắng là phải gò lại phần lõm tai hại kia để khỏi bị phát hiện ra sự vụng về, ngờ nghệch đáng chê trách của mình. Thế nhưng, trời còn mờ tối, làm sao có thể thực hiện được thao tác đòi hỏi nhanh nhẹn và khéo léo. Thời gian quá ngắn cũng không thuận tiện để tôi làm một hành vi che lấp sự gian dối.

Cuối cùng, tôi đành chấp nhận thú tội và gánh lấy lỗi phạm của mình. Khi gặp lại Đức Cha nơi bàn thánh, tôi trình bày thẳng thắn với Ngài và chờ đợi. Ngài không hành xử như cha sở của tôi. Ngài xoa đầu và chỉ ngắn gọn an ủi:

“Không sao cả, con ạ! Cần thận trọng hơn!”

 

Tôi mừng rỡ như mở hội bởi sự sợ hãi đã nhanh chóng tan biến. Thay vào đó là một lời và cử chỉ động viên mang đầy khích lệ lẫn tình mến. Thái độ hiền hậu yêu thương của Ngài luôn theo tôi suốt cuộc đời và đã giúp tôi hiểu được rằng cần phải biết, hiểu rõ tâm tình của người khác, nhất là giời trẻ, để rồi mới có sự cảm thông và tha thứ.

Kỷ niệm đẹp về vị mục tử Phaolô Seitz đã và sẽ còn nhắc nhở tôi luôn mãi.

 

Ấy thế mà tôi đã hành xử thế nào và ra sao với Đức Kitô, Đấng Chăn Chiên Nhân Lành của tôi?

Gần cả cuộc đời, tôi đã không theo Người. Tôi đã sống xa huấn lệnh của Người. Không nghe tiếng của Người. Chỉ cho đến khi hồi tâm, lắng đọng tâm hồn, tôi mới thấm thía được Lời cùa Người như nói với chính tôi:

 

“Tôi chính là Mục Tử nhân lành.

Tôi biết chiên của tôi

Và chiên của tôi biết tôi

Như Chúa Cha biết tôi

Và tôi biết Chúa Cha,

Và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.”  (Ga 10, 14-15)

 

Đức Giêsu chứng tỏ điều đó khi tiến lên Thập Giá – người mục tử nhân lành mà thánh sử Gioan đồng hóa với Đức Kitô không ngần ngại ban tặng mạng sống mình vì đoàn chiên, và đẩy sự điên rồ của tình yêu đến chỗ nộp mạng sống mình làm giá chuộc cho muôn dân.

Tại sao có tình yêu ấy? Vì người mục tử nhân lành biết các con chiên của mình. Động từ biết được lập lại bốn lần trong đoạn này, tất cả ngụ ý về sức mạnh yêu thương và dịu dàng mà ngôn từ Kinh Thánh gán cho động từ ấy. Biết chính là yêu thương một cách tuyệt đối, không giới hạn. Biết là yêu thương ngay cả khi người khác làm phật ý mình, làm hại đến mình như Đức Giêsu đã mặc khải:

 

Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này.

Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi.

Và sẽ chỉ có một ràn chiên và một mục tử” (Ga 10, 16)

 

Quả thật, khi nghe được tiếng Đấng Chăn Chiên, tôi đã nhận ra dấy là hồng ân cao quí bời Chúa Giêsu đã mặc khải:

 

 “Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi,

không lôi kéo người ấy, và tôi,

tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết.” (Ga 6, 44)

 

Tình yêu kì diệu của Thiên Chúa đã làm rung động trái tim năng nổ nhưng vấp phạm của thánh Phêrô, vì Ngài đã cảm nghiệm thâm sâu sự biết tuyệt vời của Thiên Chúa:

“Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành. Quả thật, trước kia anh em chẳng khác nào những con chiên lạc, nhưng nay đã quay về với Vị Mục Tử, Đấng chăm sóc linh hồn anh em.” (1Pr 2, 24)

 

Thánh Phaolô cũng đã cảm nếm ngọt ngào được “biết là yêu đến cùng của Thiên Chúa” , nên Ngài đã xác tín:

“Hiện nay tôi sống trong xác phàm, là sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi.” (Gl 2, 20)

 

Và Ngài dạy dỗ khuyên bảo phải theo Vị Mục Tử Nhân Lành rất rõ nét:

“Ước gì Lời Đức Kitô ngự giữa anh em thật dồi dào. Anh em hãy dậy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan. Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng. Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giêsu và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha.” (Cl 3, 16- 17)

 

Lạy Cha yêu thương và toàn năng,

Chúng con xin hết lòng cảm tạ Cha đã ban Vị Mục Tử Nhân Lành cho chúng con.

Chúng con dâng lên Cha với tất cả tâm hồn lời thánh vịnh:

 

“Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.

Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.

Người đưa tôi tới dòng nước trong lành

và bổ sức cho tôi.

Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính

vì danh dự của Người.

 

Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u

con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.

Côn trượng Người bảo vệ, con vững dạ an tâm.

Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù.

Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm,

ly rượu con đầy tràn chan chứa.

Lòng nhân hậu và tình thương Chúa

ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời,

và tôi được ở đền Người

những ngày tháng, những năm dài triền miên.” Amen.

 

 

CN4PS, 03/05/2009

 

Phêrô Vũ văn Quí CVK64

Email: peterquivu@gmail.com


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B